TX. Ba Đồn:

Mở rộng "cánh cửa" việc làm cho phụ nữ nông thôn

  • 08:50 | Thứ Hai, 11/03/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Xuất phát từ nhu cầu thực tế, nhiều lớp dạy nghề ở khu vực nông thôn TX. Ba Đồn đã được triển khai, mở ra cơ hội việc làm, phát triển kinh tế cho người dân, trong đó có các hội viên, phụ nữ. Thông qua các lớp này, chị em phụ nữ có kiến thức, tay nghề cùng nhiều cơ hội lập nghiệp, góp phần ổn định kinh tế gia đình.
 
Hiệu quả từ những lớp dạy nghề
 
Năm 2023, cùng với các lớp đào tạo nghề trồng, chăm sóc nấm, thương mại điện tử, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Quảng Tân đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục dạy nghề-Giáo dục thường xuyên (GDDN-GDTX) TX. Ba Đồn mở 2 lớp dạy thêu ren trên nón cho 70 học viên là hội viên phụ nữ (HVPN) trên địa bàn. Trong thời gian 3 tháng, chị em đã học được cách biến một chiếc nón lá đơn điệu, bình thường thành một chiếc nón đặc sắc, ấn tượng với những họa tiết thêu ren khéo léo, bắt mắt. Những bàn tay khéo léo, sự tỉ mỉ của các chị đã góp phần “nâng tầm” sản phẩm nón lá của địa phương, giúp nhiều gia đình nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
 
Chủ tịch Hội LHPN xã Quảng Tân Phan Thị Minh cho biết: Hội có 550 hội viên thì có đến hơn 90% tham gia nghề làm nón. Trước đây, khi chưa có lớp dạy thêu ren trên nón, sản phẩm chưa có gì đặc sắc nên giá thành khá thấp, thu nhập từ nghề làm nón cũng rất “khiêm tốn”. Nay, chất lượng đã được cải tiến nên giá thành nhờ đó tăng từ 40.000-60.000 đồng/chiếc lên 120.000-150.000 đồng/chiếc, thường xuyên được nhiều cơ quan, đơn vị đặt hàng nên thu nhập tăng cao. Đời sống của nhiều gia đình HVPN nhờ đó được cải thiện đáng kể.
 
“Trước đây, hội đã phối hợp mở không ít lớp dạy nghề cho HVPN, nhưng có thể khẳng định lớp dạy nghề thêu ren trên nón mang lại hiệu quả rõ nét nhất. Lớp học đã giúp chị em nâng cao tay nghề, cải tiến chất lượng sản phẩm, khai thác tiềm năng, phát triển nghề truyền thống sẵn có, từ đó phát triển kinh tế gia đình, kinh tế địa phương”, chị Minh khẳng định. 
A
Lớp học nghề thêu ren trên nón giúp nhiều hội viên phụ nữ xã Quảng Tân nâng cao chất lượng, giá thành sản phẩm, từ đó tăng nguồn thu nhập.
Vốn là hộ cận nghèo nên trước đây, gia đình chị Trần Thị Thơ ở thôn Trung Thượng, xã Quảng Sơn gặp không ít khó khăn. Chồng chị là thợ xây, thu nhập bấp bênh, chị thì chẳng có nghề phụ nào ngoài mấy sào ruộng khoán. “Cũng nhiều lần tính chuyện tìm việc làm kiếm thêm thu nhập trang trải cuộc sống, nhưng thời buổi “người khôn, việc khó”, kiếm việc làm thêm đâu phải dễ. Thế rồi, nhờ được tham gia lớp dạy trồng và nhân giống nấm, tôi đã tìm được hướng phát triển kinh tế mới cho gia đình. Sau khi nắm vững kỹ thuật trồng, chăm sóc, nhân giống nấm, vợ chồng tôi quyết định thử sức trồng nấm sò. Sau vài đợt thu hoạch, chúng tôi có thêm đồng ra đồng vào để trang trải chi phí sinh hoạt, cuộc sống nhờ đó bớt chật vật hơn”, chị Thơ chia sẻ.
 
Không chỉ góp phần giúp một số hội viên tìm được việc làm thêm tại nhà, lớp dạy trồng và nhân giống nấm do Hội LHPN xã Quảng Sơn phối hợp với Trung tâm GDNN và hỗ trợ Nông dân-Phụ nữ tỉnh tổ chức đã thực sự phát huy hiệu quả trong định hướng nghề nghiệp cho chị em. Ngay sau khi lớp học kết thúc, hội đã thành lập tổ hợp tác (THT) trồng nấm với sự góp mặt của 10 hội viên.
 
“Trung bình mỗi đợt, THT trồng khoảng 1.600 phôi nấm sò, sau khoảng 1 tuần chăm sóc thì cho thu hoạch, sau khi trừ chi phí, thu lãi ròng khoảng 12-15 triệu đồng/đợt. Sắp tới, chúng tôi dự định trồng thêm nấm dược liệu. Hướng đi này đang góp phần giúp nhiều chị em có thêm nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống”, Chủ tịch Hội LHPN xã Quảng Sơn Nguyễn Thị Hà cho biết.
 
Năm 2023, cùng với lớp dạy thêu ren trên nón cho HVPN xã Quảng Tân và lớp trồng, nhân giống nấm tại Quảng Sơn, Hội LHPN TX. Ba Đồn đã phối hợp với các trung tâm dạy nghề mở nhiều lớp dạy nghề cho phụ nữ vùng nông thôn.
 
Thực tế cho thấy, phần đông HVPN vùng nông thôn đều sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, dựa trên tiềm năng sẵn có của địa phương và nhu cầu, nguyện vọng của chị em, các cấp hội trên địa bàn thị xã đã tổ chức các lớp dạy nghề phù hợp, từ đó, tạo cơ hội cho chị em phát huy khả năng, áp dụng vào mô hình phát triển kinh tế gia đình để tạo nguồn thu nhập ổn định.
 
“Chìa khóa” mở ra cơ hội việc làm
 
Để tạo cơ hội việc làm cho phụ nữ, trước hết phải đào tạo nghề cho họ. Đây chính là “chìa khóa” để phụ nữ có việc làm, tăng thu nhập, bảo đảm cuộc sống và tạo cơ hội phát triển bản thân. Chính vì vậy, trên cơ sở khảo sát nhu cầu học nghề của lao động địa phương, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn TX. Ba Đồn đã xây dựng kế hoạch, phối hợp với ngành Lao động-Thương binh và Xã hội, tranh thủ nguồn kinh phí hỗ trợ để đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho chị em.
 
Hội LHPN thị xã chỉ đạo các cơ sở hội rà soát nhu cầu học nghề ở các địa phương, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp để xây dựng kế hoạch đào tạo nghề gắn với thị trường cung-cầu lao động, tránh tình trạng đào tạo tràn lan không đúng định hướng.
 
Năm 2023, Hội LHPN TX. Ba Đồn đã phối hợp với các trung tâm dạy nghề mở 11 lớp dạy nghề cho phụ nữ nông thôn, thu hút 380 học viên tham gia. Các nghề được lựa chọn đào tạo phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương và nhu cầu, nguyện vọng của chị em, như: May công nghiệp, thêu ren trên nón, chế biến nước mắm, chăn nuôi, đan lát thủ công, trồng rau an toàn, trồng nấm...
Phó Chủ tịch Hội LHPN TX. Ba Đồn Đoàn Thị Thái cho biết: Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của hội. Tùy từng địa bàn và nhu cầu học nghề của chị em mà hội phối hợp tổ chức các lớp đào tạo nghề phù hợp, hướng đến những ngành, nghề chị em có thể làm tại nhà, tại địa phương lúc nông nhàn.
 
Qua các lớp dạy nghề, học viên không chỉ được tiếp cận với các ngành, nghề mới (như may công nghiệp) hoặc từ các nghề truyền thống sẵn có, được đào tạo nâng cao tay nghề, nâng cao chất lượng, giá thành sản phẩm mà còn được tiếp cận với những kiến thức khoa học kỹ thuật mới áp dụng vào sản xuất, chăn nuôi; đồng thời nắm vững các biện pháp phòng tránh dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, cách tổ chức mô hình kinh tế hợp lý, từ đó phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn, góp phần giảm tỷ lệ lao động thất nghiệp, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn, tạo điều kiện cho chị em phụ nữ có cơ hội phát triển.
 
“Ðể công tác dạy nghề và tạo việc làm cho lao động nữ vùng nông thôn đạt hiệu quả cao, thời gian tới, hội sẽ tích cực phối hợp với các ngành chức năng chú trọng phát triển các hình thức dạy nghề và ngành nghề đào tạo ngắn hạn phù hợp; đẩy mạnh liên kết với các doanh nghiệp để dạy nghề và giới thiệu, cung ứng việc làm; phát triển các hình thức dạy nghề đa dạng, linh hoạt gắn với tạo việc làm cho lao động nữ, nhất là lao động nữ thuộc hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn…”, chị Thái cho biết thêm.
Tâm An

tin liên quan

"Lộc rừng"

(QBĐT) - Không phải bỏ công trồng, chăm sóc nhưng mùa nào thức ấy, nhiều người dân (chủ yếu là phụ nữ) sống ở các xã Quảng Kim, Quảng Châu, Quảng Hợp (Quảng Trạch) vẫn có nguồn thu nhập đáng kể nhờ "lộc rừng" trên dãy Hoành Sơn…

Khó xử!

(QBĐT) - Lên cơ quan với vẻ mặt buồn rầu, chị N. liền trút tâm sự với chị H.:

Quảng Ninh: Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu nghĩa trang

(QBĐT) - Thực hiện dự án xây dựng đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, huyện Quảng Ninh phải di dời 1.884 ngôi mộ của người dân các xã có tuyến cao tốc đi qua. Thời gian qua, cùng với việc kiểm đếm, lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong nhân dân, huyện tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công các khu nghĩa trang để sớm di dời lăng mộ về địa điểm mới.