"Lộc rừng"

  • 07:49 | Chủ Nhật, 10/03/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Không phải bỏ công trồng, chăm sóc nhưng mùa nào thức ấy, nhiều người dân (chủ yếu là phụ nữ) sống ở các xã Quảng Kim, Quảng Châu, Quảng Hợp (Quảng Trạch) vẫn có nguồn thu nhập đáng kể nhờ “lộc rừng” trên dãy Hoành Sơn…
 
Bám mùa "lộc rừng" mưu sinh
 
Từ xưa, người dân các xã phía Nam dãy Hoành Sơn không quen gọi bốn mùa theo xuân-hạ-thu-đông, mà họ gọi theo mùa dâu-sim-móc-muồng, là các loài quả ngọt mà dãy Hoành Sơn ban tặng theo từng mùa của trời đất.
 
Trước đây, vào mùa quả rừng chín, cũng chỉ lác đác một vài người đi hái về ăn và bán ở các chợ. Vậy nhưng, những năm gần đây, khi các loại quả rừng nêu trên đều có giá khá cao do nhu cầu ngâm rượu và chế biến các loại nước uống nên đến mùa quả rừng chín, rất đông người dân nơi đây đã tạm gác công việc thường ngày để đi hái vì có thu nhập cao hơn.
 
Chị Phạm Thị Liên (xã Quảng Kim) vốn làm nghề phụ thợ hồ nhưng nhiều năm qua, cứ đến mùa quả rừng chín, chị lại gác công việc, thường xuyên có mặt trong “biệt đội” đi hái “lộc rừng” trên dãy Hoành Sơn. Theo chị Liên, chồng chị hay đau yếu, một mình chị phải gồng gánh lo toan cuộc sống gia đình. Nghề thợ hồ vốn vất vả thuộc tốp bậc nhất ấy cũng chỉ đủ cho gia đình chị sống qua ngày. Nhưng cuộc sống đâu chỉ có ăn là đủ, còn bao nhiêu thứ phải cần đến tiền: Sách vở, áo quần cho con; rồi ma chay, hiếu hỉ, đau ốm, bệnh tật…
Một ngày “ăn dâu”, nhóm của chị Đàm Thị Thanh (xã Quảng Kim) thu được gần 30 lon dâu.
Một ngày “ăn dâu”, nhóm của chị Đàm Thị Thanh (xã Quảng Kim) thu được gần 30 lon dâu.
“Những năm qua, cũng nhờ những mùa quả rừng mà dãy Hoành Sơn ban tặng nên cuộc sống gia đình tôi ổn định hơn. Mùa nào thức ấy, hết dâu thì đến sim, rồi móc, muồng, tôi đều bám rừng để “hái lộc” mưu sinh. Mùa dâu và sim năm ngoài, tôi thu được hơn 30 triệu đồng. Nhờ tiền “ăn” quả rừng mà tôi mua được một con bò giống để chăn nuôi và sửa được căn nhà khang trang hơn”, chị Liên khoe.
 
Thời điểm này, khi “mùa xuân chín”, cũng là lúc trên dãy Hoành Sơn loài dâu rừng đang chín rộ. Những ngày này, hàng trăm người dân sống ở 4 xã dưới chân dãy Hoành Sơn lại “í ới” rủ nhau vào rừng “ăn dâu”. Theo tìm hiểu, năm nay, cây dâu rừng không sai quả bằng những năm trước nhưng giá dâu rừng đang rất cao (từ 40-50 nghìn đồng/lon) nên những người đi “ăn dâu” vẫn thu được tiền triệu mỗi ngày.
 
“Mỗi năm, núi rừng dãy Hoành Sơn có 4 mùa quả: Dâu, sim, móc, muồng. Do nhu cầu thị trường cao nên các loại quả rừng này (dùng để ngâm ủ rượu và chế biến các loại nước giải khát) đều có giá bán khá cao. Nhờ vậy, mỗi mùa quả rừng chín đã thu hút nhiều người dân vào rừng hái quả và mang về cho họ nguồn thu nhập đáng kể. Và người dân nơi đây cũng đã hiểu được rằng, cần phải chung tay bảo vệ rừng thật tốt, để mỗi năm núi rừng Hoành Sơn lại cho họ 4 mùa quả ngọt…”, Chủ tịch UBND xã Quảng Kim Chu Viết Dũng chia sẻ.

Chiều muộn, chúng tôi gặp chị Đàm Thị Thanh (xã Quảng Kim) vừa ra khỏi cửa rừng với một bao lưới đựng khoảng 30 lon (lon chế từ vỏ hộp sữa đặc, một loại dụng cụ người dân thường dùng để đong gạo-P.V) quả dâu chín mọng. Với giá bán hiện tại từ 40-50 nghìn đồng/lon, chị Thanh đã có trên dưới 1 triệu đồng. Tuy nhiên, theo lời chị Thanh, để có được số dâu rừng đó, chị và những người đi “ăn dâu” phải thức dậy từ lúc 5 giờ sáng và luồn hàng chục km đường trên rừng Hoành Sơn.

“Trước đây, trên dãy Hoành Sơn, cây dâu rừng rất nhiều, chỉ vào sát bìa rừng là đã nhìn thấy. Nhưng gần đây, nhiều diện tích rừng dưới chân dãy Hoành Sơn người dân khai phá để trồng keo tràm, nên cây dâu rừng cũng ít dần. Bây giờ muốn hái được nhiều dâu rừng, người đi “ăn dâu” phải vào sâu trong rừng, leo lên tận những đỉnh núi cao. Tuy vất vả nhưng chúng tôi cũng rất vui, vì nhờ quả dâu rừng mà chúng tôi có đồng vô, đồng ra trang trải cuộc sống”, chị Thanh chia sẻ.
 
Thuần hóa "lộc rừng"
 
Những năm gần đây, nhận thấy giá trị kinh tế cao, ở các xã Quảng Tiến, Quảng Hợp, Quảng Kim…, nhiều người đã đưa các loại quả rừng về “thuần hóa”, trồng trong vườn nhà để mở ra cơ hội làm ăn mới. Đặc biệt là cây sim, hiện người dân đã trồng thành công loại cây rừng này trong vườn nhà. Thậm chí, nhiều người còn trồng sim thành hàng rào xanh vừa làm cảnh vừa có thu nhập vào mùa quả chín.
 
Gia đình ông Tưởng Văn Xô (xã Quảng Hợp) nhờ trồng 3 sào cây sim mà mỗi vụ cũng thu về trên 2 tạ quả (hiện giá thị trường dao động từ 20.000-40.000 đồng/kg).
 
“Cây sim cũng rất dễ “thuần hóa”. Khi đã trồng sống, chỉ cần bón phân nhẹ, tưới nước là đã cho ra trái to, đều, mật sim nhiều hơn và cứ ung dung thu hoạch hàng năm. Khi cây sim già cỗi, trái ít, chỉ cần cắt nhánh, sim sẽ vươn chồi trở lại thành một gốc sim sung mãn. Đặc biệt, ở vùng đất này, với các cây trồng khác như keo, bạch đàn… người dân lo ngay ngáy vì sợ bão quật gãy thì cây sim chắc chắn sẽ không hề hấn gì vì nó là cây bụi thấp”, ông Xô chia sẻ.
Vườn dâu rừng trĩu quả được anh Trần Văn Nam (xã Quảng Hợp) “thuần hóa” thành công.
Vườn dâu rừng trĩu quả được anh Trần Văn Nam (xã Quảng Hợp) “thuần hóa” thành công.
Trong lúc cây sim có vẻ dễ “thuần hóa”, thì dâu rừng được đánh giá là loại cây rất khó trồng. Thời gian qua, anh Trần Văn Nam (xã Quảng Hợp) đã kiên trì trồng, chăm sóc hơn 20 chục gốc dâu rừng được anh đưa về từ dãy Hoành Sơn. Đến nay, sau hơn 4 năm chăm sóc kỹ lưỡng vườn dâu rừng của anh Nam đã cho thu hoạch. Với 20 gốc dâu (khoảng 30m2 đất), mỗi vụ, anh Nam cũng thu được gần 10 triệu đồng.
 
Anh Nam là một trong rất ít những người “thuần hóa” được cây dâu rừng. Bởi theo anh, cây dâu rừng hiện chưa có ai ươm được giống mà phải đào cây từ rừng về trồng. Muốn cây dâu rừng sống được, cây giống cần phải được đào nguyên bầu, nguyên cả bộ rễ. Trong khi đó cây dâu rừng trên dãy Hoành Sơn thường sống ở vùng đất cứng, việc đào cây còn nguyên bộ rễ, nguyên bầu đất là vô cùng khó khăn. Vì thế nhiều người đã thất bại trong việc đưa cây dâu về trồng ở vườn nhà.
 
Chủ tịch UBND xã Quảng Kim Chu Viết Dũng cho biết, trước đây, bên mái Hoành Sơn, cây dâu, sim, móc mọc rất nhiều. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều diện tích rừng nơi đây đã được người dân khai phá để trồng keo tràm, bạch đàn nên các loại cây rừng đó cũng ít dần.
 
Hiện nay, cùng với một số người dân có sáng tạo đưa cây sim về trồng trong vườn nhà, chính quyền xã cũng đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân hiểu được những giá trị của rừng, để cùng chung tay bảo vệ. Đặc biệt, địa phương khuyến cáo người dân không nên vào rừng đào những giống cây rừng về trồng trong vườn nhà khi không nắm được kỹ thuật dẫn đến cây bị chết, tốn công sức, tiền của, đồng thời vô tình tiếp tay cho việc phá rừng.
Phan Phương