Tìm về ánh bình minh

  • 08:15 | Thứ Bảy, 16/03/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cuộc sống nhiều khó khăn, thách thức luôn đòi hỏi mỗi phụ nữ phải mạnh mẽ và nỗ lực vươn lên, vượt qua chông gai, khẳng định bản thân, xây dựng chỗ đứng vững chắc trong xã hội. Với họ, có được một ngành nghề vừa phù hợp với năng lực, sở trường, vừa đáp ứng đam mê, sở thích được ví như tìm được “ánh bình minh” để đổi thay, soi sáng cho chặng đường tiếp theo của cuộc đời. Kỳ vọng đó đã đặt ra đối với các lớp dạy nghề cho chị em phụ nữ, nhất là dạy nghề về dịch vụ du lịch những thử thách không hề dễ dàng và sau khóa học, không ít cơ hội được mở ra.
 
Những ngày đầu tháng 3/2024, chị Nguyễn Thị Hồng Vân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Bảo Ninh (TP. Đồng Hới) tất bật hơn thường lệ bởi hội đang chuẩn bị phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) và hỗ trợ nông dân-phụ nữ (Hội Nông dân tỉnh) mở lớp dạy nghề kỹ thuật làm bánh (gồm bánh truyền thống và bánh hiện đại) cho chị em trên địa bàn xã.
 
Không còn nhớ nỗi đây là lớp thứ mấy dạy nghề chuyên về phục vụ du lịch, chị Hồng Vân chia sẻ, Bảo Ninh là xã biển lâu đời và phát triển dịch vụ, du lịch được xem là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Nắm bắt xu thế đó, nhiều chị em đã mạnh dạn tham gia học nghề về dịch vụ du lịch, như: Chế biến món ăn, pha chế đồ uống, quản lý và marketing du lịch, nghiệp vụ buồng phòng…, sau đó, ứng dụng kiến thức đã học và tham gia tích cực vào thị trường lao động. Có chị chủ động mở nhà hàng, quán kinh doanh ăn uống hải sản; có chị lại theo đuổi các công việc bán thời gian tại nhà hàng, khách sạn; nhiều chị sau khi học nghề tiếp tục truyền lại cho thế hệ đi sau…
A
Lớp dạy nghề chế biến món ăn luôn có sức hấp dẫn với chị em phụ nữ.
Nhờ vậy, thu nhập của chị em được tăng cao, ổn định và khẳng định vị thế trong xã hội. Lớp dạy nghề kỹ thuật làm bánh truyền thống tới đây cũng là theo chính nguyện vọng của chị em để quảng bá các món bánh của quê hương đến du khách; đồng thời mang lại kế sinh nhai mới.
 
Tất bật nấu cỗ đã được đặt trước từ sáng sớm, đến chiều tối, chị Hoàng Thị Hiếu (57 tuổi, ở thôn Hà Dương, xã Bảo Ninh) lại đến nhà hàng Cát Tường bận rộn nấu các món ăn đặc sản phục vụ cho khách hàng.
 
Chị chia sẻ: “Tôi rất thích tham gia học nghề về dịch vụ du lịch, nên hầu hết những lớp đào tạo nghề được tổ chức trên địa bàn xã, tôi đều theo học và rất yêu thích. Năm 2015, sau khi tham gia lớp đầu tiên về chế biến món ăn, tôi cùng chị dâu mở nhà hàng chuyên phục vụ nấu cỗ cho bà con… Tiếp đó, tôi lại học thêm lớp về pha chế đồ uống, quản lý và marketing du lịch… Nhờ vậy, bên cạnh đam mê và sở trường, tôi có điều kiện học hỏi thêm kỹ năng, kinh nghiệm, trau dồi tay nghề. Tại lớp học, thầy cô là những nghệ nhân, người giàu kinh nghiệm nên đã truyền dạy theo lối “bắt tay chỉ việc”, tận tình, tỉ mỉ, do đó, học viên rất hào hứng và tiếp thu tốt, dễ vận dụng trong thực tế. Hiện tôi là bếp trưởng của 2 nhà hàng, công việc bận rộn nhưng tôi vẫn tích cực truyền dạy lại cho các em đang học việc. Qua đó, giúp chị em nâng cao tay nghề và có thêm nhiều cơ hội việc làm. Bên cạnh nghề đã học, tôi mong muốn được học thêm về làm quà lưu niệm từ các sản vật biển để phong phú hơn ngành nghề du lịch”.
A
Kiến thức, kỹ năng từ các lớp dạy nghề giúp chị Hoàng Thị Hiếu (đầu tiên bên phải) tự tin với vai trò bếp trưởng.
Theo chị Hồng Vân, các lớp đào tạo nghề về du lịch mang tính thực tiễn cao bởi Hội LHPN xã đã có sự khảo sát kỹ lưỡng nhu cầu của chị em trước khi lựa chọn nghề. Quá trình mở lớp, hội cũng luôn bám sát để kịp thời hỗ trợ chị em khi cần thiết, giải đáp khó khăn, vướng mắc. Nhờ đó, tỷ lệ chị em có được việc làm ngay sau đào tạo khá cao. Tuy nhiên, chị em cũng mong muốn trong quá trình học được tạo điều kiện để tham quan, xâm nhập thực tế, nhất là đến những cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh du lịch thành công để học hỏi. Đồng thời, chị em cũng kỳ vọng sẽ được tạo điều kiện để nâng cao tay nghề, theo kịp xu thế du lịch hiện đại.
 
Tại Bố Trạch, quê hương Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, chị em ở các xã, thị trấn vùng đệm của di sản, như: Phong Nha, Hưng Trạch, Liên Trạch, Cự Nẫm, Phú Định…, rất tích cực tham gia những lớp đào tạo nghề về dịch vụ du lịch. Chị Nguyễn Thị Trí Hạnh, Chủ tịch Hội LHPN huyện Bố Trạch cho biết, chị em yêu thích các lớp về: Chế biến món ăn, dịch vụ buồng phòng, pha chế đồ uống…
 
Mỗi năm, các xã vùng đệm trung bình tổ chức một lớp đào tạo nghề. Chị em rất mong muốn được hỗ trợ thêm về tài liệu tập huấn, tham quan thực tế mô hình du lịch và tạo điều kiện hơn cho chị em ở xa về học tập. Ngoài ra, công tác hỗ trợ sau đào tạo nghề cũng cần được quan tâm hơn để chị em có nhiều cơ hội làm nghề sau khi kết thúc khóa học, tránh sự lãng phí không cần thiết.
 
Theo ông Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc Trung tâm GDNN và hỗ trợ nông dân-phụ nữ, các ngành nghề phi nông nghiệp trong đó có dịch vụ du lịch được trung tâm chú trọng triển khai trong thời gian qua, ít nhất mỗi năm từ 8-10 lớp, chủ yếu về chế biến món ăn, kỹ thuật làm bánh, du lịch cộng đồng, pha chế đồ uống không cồn… Riêng năm 2023, đã có 2 lớp sơ cấp chế biến món ăn với 65 học viên và các lớp dạy nghề về chế biến món ăn Việt cơ bản, kỹ thuật làm bánh…, cùng với đó là một số nghề có liên quan đến du lịch, như: Làm chổi…
 
Trung tâm luôn nỗ lực nắm bắt kịp thời chủ trương dạy nghề theo chương trình, đề án và nhu cầu của người học, tạo ra những nghề mới da dạng, đáp ứng nhu cầu người học, phù hợp xu thế phát triển ngành nghề và việc làm trong từng địa phương. Đồng thời, trung tâm cũng tích cực tìm kiếm, huy động mọi nguồn lực và tổ chức đào tạo nghề chặt chẽ, thực hiện bảo đảm quy trình, yêu cầu của các khâu trong dạy nghề từ khảo sát tuyển sinh, tổ chức đào tạo, quản lý, công tác kiểm tra, đánh giá đến hỗ trợ việc làm.
 
Đáng chú ý trung tâm còn hỗ trợ xây dựng mô hình khởi nghiệp sau đào tạo nghề, tuy nhiên, chủ yếu mới tập trung vào nghề nông nghiệp, các nghề phi nông nghiệp, nhất là về dịch vụ du lịch vẫn chưa triển khai. Theo đó, mỗi mô hình sẽ được hỗ trợ từ 30-40 triệu đồng để xây dựng tổ hợp tác từ 10-15 người. Chị em sẽ được tham gia tư vấn, tập huấn và kết nối với hợp tác xã hoặc doanh nghiệp để bao tiêu đầu ra sản phẩm
Năm 2024, Trung tâm GDNN và hỗ trợ nông dân-phụ nữ sẽ tổ chức tuyên truyền, tư vấn cho trên 1.500 lao động về học nghề; tổ chức từ 15-20 lớp đào tạo nghề, cho khoảng 700 học viên. 100% học viên đạt yêu cầu về chất lượng.

Ông Nguyễn Tiến Thành chia sẻ thêm, thách thức lớn hiện nay là nhiều nghề về dịch vụ du lịch mà chị em đang rất ưa chuộng, như: Spa làm đẹp, làm tóc... khó triển khai do nguồn kinh phí còn hạn chế.

Thêm nữa, mỗi học viên không được học nghề quá 3 lần và các nghề không trùng nhau, muốn đổi nghề học viên phải làm đơn, nên tạo thách thức trong nâng cao tay nghề. Nhiều chị em học xong thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, thiếu cộng sự để khởi nghiệp và cần học thêm các lớp khởi nghiệp cơ bản và chuyên sâu. Ngoài ra, việc khảo sát nhu cầu học nghề nên được triển khai từ cấp cơ sở và đặt hàng cho trung tâm thay vì trung tâm đang phải tự thực hiện thì sẽ hiệu quả, chất lượng hơn.

Mong muốn của tất cả chị em sau khi được đào tạo nghề, không riêng về dịch vụ du lịch là có được việc làm ngay. Chính vì vậy, bên cạnh nỗ lực của bản thân, các chị đều có chung mong muốn được sự hỗ trợ tích cực hơn từ những bên liên quan để khởi nghiệp hoặc tham gia vào chuỗi sản xuất cung ứng dịch vụ du lịch; đồng thời được đào tạo nâng cao tay nghề thường xuyên cũng như học hỏi, chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn.
Mai Nhân

tin liên quan

Phối hợp liên ngành phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em

(QBĐT) - Sáng nay, 15/3, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Giáo dục-Đào tạo, Sở Y tế và Công an tỉnh tổ chức lễ ký kết chương trình phối hợp liên ngành về phòng, chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em trên địa bàn tỉnh.
 

Sẽ tăng chi phí cho doanh nghiệp khi đề xuất đóng bảo hiểm y tế cho người thân

(QBĐT) - Đề xuất doanh nghiệp đóng phí bảo hiểm y tế cho thân nhân người lao động nhận được sự quan tâm của người lao động và cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đề xuất này có thể khiến các doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động gặp khó.

Thúc đẩy di cư an toàn và phòng, chống mua bán người

(QBĐT) - Sáng 15/3, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Bố Trạch tổ chức sự kiện truyền thông thúc đẩy di cư an toàn và phòng, chống mua bán người năm 2024.