Chủ động phòng, chống thiên tai

  • 08:16 | Thứ Bảy, 04/11/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trước diễn biến bất thường của thời tiết, huyện Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp, phương án với tinh thần “Phòng ngừa chủ động là chính, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả” nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.
 
Quảng Ninh là địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai, đặc biệt là lũ lụt, gây thiệt hại lớn về tài sản của nhân dân và nhiều công trình thủy lợi, giao thông trên địa bàn. Để chủ động phòng, chống thiên tai (PCTT), Ban Chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) kiêm phòng thủ dân sự (PTDS) huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương rà soát, bổ sung hoàn thiện và triển khai đồng bộ các biện pháp theo phương án, kế hoạch ứng phó đề ra; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư, hậu cần để ứng phó với các tình huống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”.
Lãnh đạo tỉnh, huyện và các đơn vị liên quan kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai tại xã Hải Ninh (Quảng Ninh).
Lãnh đạo tỉnh, huyện và các đơn vị liên quan kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai tại xã Hải Ninh (Quảng Ninh).
Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban Chỉ huy PCTT-TKCN kiêm PTDS huyện Quảng Ninh Phạm Trung Đông cho biết, huyện đã chỉ đạo các cấp, ngành rà soát, đánh giá hiện trạng công trình đê điều, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển và lập phương án hộ đê năm 2023; kiểm tra đánh giá an toàn hồ đập trước mùa mưa bão, sẵn sàng phương án bảo đảm an toàn các hồ chứa; rà soát các khu vực nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất để có phương án sơ tán, di dời người dân đến nơi an toàn.
 
Ban Chỉ huy PCTT-TKCN kiêm PTDS huyện đã phân công cụ thể các thành viên phụ trách địa bàn của từng xã, thị trấn; khi có thiên tai xảy ra trực tiếp xuống địa bàn, phối hợp với các địa phương kiểm tra, rà soát nắm chắc các địa điểm, khu vực có nguy cơ cao ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất; sẵn sàng triển khai phương án sơ tán, di dời người dân đến nơi an toàn.
 
Lực lượng chức năng và các địa phương chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, triển khai lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn và xử lý kịp thời; bố trí lực lượng tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc đi lại qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở, không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn.
Ban Chỉ huy PCTT và TKCN kiêm PTDS các địa phương triển khai cắm các biển cảnh báo để người dân chủ động phòng tránh, bảo đảm an toàn.
Ban Chỉ huy PCTT và TKCN kiêm PTDS các địa phương triển khai cắm các biển cảnh báo để người dân chủ động phòng tránh, bảo đảm an toàn.
Bên cạnh đó, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN kiêm PTDS huyện tăng cường chỉ đạo các thành viên thường xuyên bám sát địa bàn để đôn đốc cơ sở chủ động triển khai và thực hiện tốt công tác PCTT theo phương châm “4 tại chỗ”; thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, tăng cường thông tin cảnh báo kịp thời đến cộng đồng dân cư để người dân chủ động có biện pháp phòng tránh, nhất là đối với các xã được xác định nằm trong khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất, ngập úng.
 
Trường Sơn là xã có nguy cơ cao về ngập úng, sạt lở đất của huyện. Tại các bản: Dốc Mây, Trung Sơn, Ploang, Rìn Rìn, Hôi Rấy, Nước Đắng… thường xuyên bị ngập úng, chia cắt. Theo đó, công tác tuyên truyền phòng chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai được xã thực hiện ngay từ đầu năm.
 
Chủ tịch UBND xã Trường Sơn Hoàng Trọng Đức cho biết, trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, ngay từ đầu năm 2023, xã đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN kiêm PTDS. Khi có dự báo mưa lụt xảy ra, UBND xã chỉ đạo Ban Chỉ huy PCTT-TKCN kiêm PTDS và các tổ xung kích tập trung nắm tình hình, đặc biệt là những điểm thường xuyên xảy ra ngập lụt, sạt sở; triển khai cắm biển cảnh báo có nguy cơ ngập lụt, chia cắt để người dân chủ động phòng tránh. Đối với các điểm sạt lở, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN kiêm PTDS nhanh chóng cử người cắm biển, giăng dây cảnh báo người dân...
 
Từ ngày 7-12/5/2023, ảnh hưởng của mưa lớn và gió mạnh đã làm hơn 3.200ha lúa, 10ha hoa màu trên địa bàn huyện Quảng Ninh bị ngập, đổ ngã; tổng giá trị thiệt hại trên 30 tỷ đồng.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Ninh Trần Đức Thuận, những tháng cuối năm là thời điểm thời tiết còn diễn biến thất thường, để chủ động ứng phó, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN kiêm PTDS huyện sẽ tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, tránh, ứng phó thiên tai; tổ chức các lực lượng tình nguyện, xung kích trong công tác PCTT-TKCN trong cộng đồng; tổ chức kiểm tra, duy tu, nâng cấp các công trình trọng điểm về PCTT. Trước mắt cần tập trung đẩy nhanh thi công các công trình chống lũ, như: Sửa chữa cụm hồ chứa nước Điều Gà-Long Đại, đê bao thượng Mỹ Trung; mua sắm, bổ sung các phương tiện trang thiết bị PCTT; rà soát số thuyền tại các xã, thị trấn để chủ động điều động, trưng dụng trong quá trình PCTT…

Với sự chuẩn bị chu đáo và thực hiện nhiều giải pháp, đồng bộ, chặt chẽ, tin rằng, huyện Quảng Ninh sẽ ứng phó hiệu quả khi có tình huống thiên tai xảy ra, nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân.
Lan Chi

tin liên quan

Ước mơ của bé ''Côi''

(QBĐT) - Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đặc biệt éo le, em Bùi Thị Diệu Linh ở thôn Tú Loan 2, xã Quảng Hưng (Quảng Trạch) đã cố gắng, nỗ lực vượt lên số phận.

Tạo cơ hội việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số

(QBĐT) - Những năm gần đây, Quảng Bình đặc biệt quan tâm đến công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số.

Mưa lớn trên đất liền và gió mạnh, sóng lớn trên các vùng biển

Mưa với cường độ lớn trong thời gian ngắn có thể gây ngập úng tại các khu đô thị, trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, gió giật mạnh, lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.