Tạo cơ hội việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số

  • 07:38 | Thứ Ba, 31/10/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm gần đây, Quảng Bình đặc biệt quan tâm đến công tác đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS). Qua đó, giúp cho NLĐ vùng khó khăn tăng thêm thu nhập, thay đổi tư duy, góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững. 
 
Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) huyện Lệ Thủy Nguyễn Văn Nghĩa cho biết: Tính đến tháng 10/2023, tổng số lao động trên địa bàn huyện Lệ Thủy được giải quyết việc làm là trên 3.000 người, đạt trên 70% kế hoạch, trong đó, số lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng là khoảng 250 lao động. Các thị trường lao động nước ngoài được lựa chọn chủ yếu, gồm: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc...
 
Toàn huyện có 3 xã có ĐBDTTS sinh sống là: Kim Thủy, Ngân Thủy và Lâm Thủy. Những năm gần đây, nhận thức về việc làm và giải quyết việc làm của ĐBDTTS đã có sự chuyển biến tích cực. NLĐ đã tự tạo việc làm cho bản thân và tranh thủ các cơ hội để có việc làm thay vì trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước như trước đây.
Tuyên truyền, tư vấn cho lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tuyên truyền, tư vấn cho lao động vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Cùng với những chuyển biến trong nhận thức của người dân, các cấp chính quyền đã quan tâm triển khai tuyên truyền, vận động, đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn theo hợp đồng và hỗ trợ giải quyết việc làm cho NLĐ. Không chỉ riêng huyện Lệ Thủy, huyện Minh Hóa cũng đã tìm thấy hướng đi mới cho NLĐ khi tham gia xuất khẩu lao động (XKLĐ), trong đó có NLĐ vùng ĐBDTTS.

Phó trưởng Phòng LĐ-TB-XH huyện Minh Hóa Hoàng Thanh Bình cho hay: Nhận thức sâu sắc về việc làm cho NLĐ, nhất là với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn, lao động là ĐBDTTS, hàng năm, huyện Minh Hóa đều thông tin đầy đủ về thị trường, đơn hàng để người dân tìm hiểu và có sự lựa chọn công việc phù hợp.

Thực tế những năm qua cho thấy, công tác đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn huyện Minh Hóa đã có những chuyển biến tích cực. Tính đến hết tháng 10/2023, toàn huyện có khoảng 255 lao động đã xuất cảnh và 20 lao động đang chờ xuất cảnh đến các quốc gia và vùng lãnh thổ: Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản…
 
Ông Đinh Văn Giáo, Chủ tịch UBND xã Thượng Hóa (Minh Hóa) cho biết: Theo sự chỉ đạo của Phòng LĐ-TB-XH huyện, xã đã nỗ lực tuyên truyền, vận động, khuyến khích người dân trong độ tuổi lao động tham gia XKLĐ nhằm tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo. Xã đã liên hệ với những công ty có năng lực, những đơn hàng khả thi để giúp cho NLĐ có cơ hội lựa chọn việc làm. Từ năm 2021 đến nay, toàn xã có 52 lao động tham gia XKLĐ, trong đó có ĐBDTTS.
 
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Đinh Thị Ngọc Lan cho hay: Trong 10 tháng năm 2023, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho khoảng trên 15.500 lao động, đạt gần 85% kế hoạch năm, trong đó có trên 3.200 lao động được tuyển chọn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Với mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, tỉnh luôn xác định XKLĐ là một trong những giải pháp thiết thực nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập. Chính vì thế, hàng năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về XKLĐ. Theo đó, Sở LĐ-TB-XH đã chỉ đạo cơ sở, địa phương xây dựng kế hoạch rà soát, thống kê danh sách số người nằm trong độ tuổi lao động, tìm hiểu nguyện vọng, nhu cầu đi XKLĐ. Trên cơ sở đó, chủ động phối hợp với các doanh nghiệp XKLĐ tổ chức đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với khả năng, điều kiện của NLĐ và đúng pháp luật.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Đinh Thị Ngọc Lan chia sẻ: Với các chính sách hỗ trợ, Quảng Bình đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến rộng rãi đến các địa phương trong tỉnh, tham gia hội thảo thúc đẩy đưa NLĐ các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên đi làm việc ở nước ngoài thông qua chương trình phi lợi nhuận và giải pháp giảm số lượng lao động không về nước theo quy định. Mong rằng thời gian tới, sẽ có thêm nhiều lao động là ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh được hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi, nhằm phát triển kinh tế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBDTTS.

Cùng với những chính sách ưu đãi, các sở, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương... cũng đã tích cực tìm nguồn, tìm giải pháp, đơn hàng và nhà tuyển dụng... để hỗ trợ NLĐ đi XKLĐ được an toàn và thuận lợi. Nhờ vậy, mà công tác XKLĐ trên địa bàn tỉnh đạt được kết quả đáng ghi nhận. Nhiều gia đình có người thân tham gia XKLĐ không những thoát nghèo mà còn vươn lên trở thành hộ khá giả.
 
Hiền Phương

tin liên quan

Ước mơ của bé ''Côi''

(QBĐT) - Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh đặc biệt éo le, em Bùi Thị Diệu Linh ở thôn Tú Loan 2, xã Quảng Hưng (Quảng Trạch) đã cố gắng, nỗ lực vượt lên số phận.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Hội Chữ thập đỏ trong tình hình mới

(QBĐT) - Ngày 30/10, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 2198/KH-UBND về triển khai thực hiện Quyết định số 895/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thực hiện Kết luận 44-KL/TW, ngày 14/11/2022 của Ban Bí thư về việc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Hội Chữ thập đỏ trong tình hình mới.

Hội thảo tăng cường nhận thức về Luật phòng chống tác hại rượu, bia

(QBĐT) - Ngày 30/10, Trung tâm nghiên cứu quản trị tài nguyên vùng cao (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) phối hợp với Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh và UBND huyện Minh Hóa tổ chức hội thảo khởi động dự án "Tăng cường nhận thực về Luật phòng chống tác hại rượu, bia cho trẻ em và đồng bào dân tộc thiểu số tại tỉnh Quảng Bình".