Để vơi bớt nỗi lo thiên tai, thảm họa

  • 07:40 | Chủ Nhật, 29/10/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Quảng Bình là mảnh đất nắng lắm, mưa nhiều, thường xuyên xảy ra thiên tai, bão lũ. Nỗi lo về những mùa mưa lũ triền miên với bao hệ lụy trở thành nỗi ám ảnh của người dân các vùng thường xuyên bị ảnh hưởng. Để giúp bà con vơi bớt thấp thỏm, âu lo, các cấp Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai công tác ứng phó, phòng ngừa thảm họa, thiên tai với nhiều mô hình, dự án mang kỳ vọng hiện thực hóa khả năng phòng, chống thiên tai, đem bình yên cho mọi người, mọi nhà. 
 
Từ những dự án
 
Ngày 8/8/2023, tại xã An Thủy (Lệ Thủy), một cuộc diễn tập phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) đã diễn ra với sự tham gia của hơn 150 người. Tình huống giả định được đưa ra là do ảnh hưởng của tình hình mưa bão phức tạp, mực nước sông Kiến Giang dâng cao, nhiều địa phương, trong đó có xã An Thủy nước lũ lên nhanh, gây chia cắt; nhiều nhà dân bị tốc mái, sập tường, nước lũ tràn vào, ngập quá nửa; một số bà con không may bị thương tích, tai nạn khi chằng chống nhà cửa… 
 
Trước tình hình đó, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN kiêm phòng thủ dân sự (PTDS) xã An Thủy đã tổ chức họp khẩn, cử trực ban theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa bão; chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, vật chất và triển khai phương án đối phó. Tuy nhiên, do thời tiết vẫn còn mưa to, nước từ thượng nguồn đổ về lớn, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN kiêm PTDS xã đã ra lệnh sơ tán hơn 100 người dân ra khỏi vùng ngập lụt, có nguy cơ bị lũ cuốn trôi; triển khai các phương án sơ, cấp cứu cho người dân bị nạn…
Hoạt động diễn tập phòng, chống thiên tai được các cấp Hội CTĐ trên địa bàn tỉnh chú trọng triển khai.
Hoạt động diễn tập phòng, chống thiên tai được các cấp Hội CTĐ trên địa bàn tỉnh chú trọng triển khai.
"Nhiều lúc tôi không nghĩ đây là một cuộc diễn tập nữa bởi nó... quá thật. Thật từ tình huống giả định, cách thức triển khai cho đến tâm lý người tham gia. Chúng tôi cứ ngỡ như đang trong tình huống thiên tai có thật nên cố gắng triển khai các phương án ứng phó nhanh nhất có thể", anh Lê Văn Long (thôn Lộc Thượng, xã An Thủy) chia sẻ. Và nhờ sự khẩn trương, kịp thời ấy, công tác ứng phó với mưa bão cơ bản đã hoàn thành, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản cho bà con. Buổi diễn tập diễn ra thành công, an toàn, đạt mục tiêu đặt ra.
 
Phó Chủ tịch Thường trực Hội CTĐ tỉnh Đào Hữu Tuấn cho biết: Cuộc diễn tập là một trong những hoạt động thuộc dự án “Tăng cường khả năng phục hồi của các nhóm cộng đồng dễ bị tổn thương nhằm ứng phó với các tác động của biến đổi khí hậu” do Hội CTĐ tỉnh phối hợp với Hội Vì sự phát triển của người khuyết tật tỉnh thực hiện. Cùng thời điểm với xã An Thủy còn có thêm các xã Xuân Thủy (Lệ Thủy), Tân Ninh, Trường Xuân (Quảng Ninh) cũng triển khai diễn tập và hiện tại có thêm các xã Phúc Trạch, Hưng Trạch, Liên Trạch (Bố Trạch).
 
Cuộc diễn tập nhằm nâng cao năng lực tổ chức, chỉ huy, điều hành của Ban Chỉ huy PCTT-TKCN kiêm PTDS, các ngành, đoàn thể của xã, thôn trong công tác ứng phó với các loại hình thiên tai; phát huy khả năng huy động sức mạnh tổng hợp theo phương châm “4 tại chỗ” cho công tác PCTT của địa phương; đồng thời nâng cao nhận thức cho cộng đồng dân cư, đặc biệt là những đối tượng dễ bị tổn thương trong việc chuẩn bị và ứng phó với từng loại thiên tai thường xảy ra.
 
Từ tháng 3-8/2022, dự án “Hỗ trợ tài chính dựa vào dự báo tại Việt Nam” giai đoạn 2 do Hội CTĐ Đức viện trợ không hoàn lại được triển khai thực hiện tại hai xã Liên Thủy và Lộc Thủy (Lệ Thủy). Để triển khai thực hiện, Ban Quản lý dự án (BQLDA) đã tổ chức thu thập thông tin 64 hộ hưởng lợi tại 2 xã và các ngành, đơn vị liên quan; khảo sát 30 hộ dân tại 2 xã và các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, sản xuất hệ giàn giáo nêm, túi nilon đựng hàng trên địa bàn huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, TP. Đồng Hới về các mặt hàng chuẩn bị mua sắm cho hành động sớm. Sau khi lập, rà soát danh sách các hộ hưởng lợi, BQLDA tổ chức tập huấn cho tình nguyện viên về quy trình triển khai thí điểm hành động sớm; tổ chức diễn tập cơ chế, diễn tập thực địa triển khai kích hoạt hành động sớm và cấp phát hàng hóa cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn…
 
Theo số liệu tổng hợp từ Hội CTĐ tỉnh, tổng trị giá hoạt động tham gia phòng ngừa và ứng phó thảm họa trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2023 đến nay đạt gần 1,2 tỷ đồng, trợ giúp cho 1.930 lượt trường hợp.

Đánh giá hiệu quả của dự án, ông Tuấn khẳng định: Dự án đã nâng cao kiến thức, hỗ trợ người dân trước thiên tai một cách hiệu quả, góp phần bảo vệ sinh kế và tính mạng bà con trong mùa mưa bão. Thông qua việc tiếp nhận và triển khai các hoạt động của dự án, cán bộ Hội CTĐ tỉnh, huyện, xã và đội ngũ tình nguyện viên được nâng cao năng lực trong việc triển khai hành động sớm dựa vào dự báo...

Các dự án về ứng phó thiên tai, thảm họa trải qua nhiều giai đoạn, tập trung vào các nội dung, như: Đánh giá, nâng cấp hệ thống cảnh báo sớm hiểm họa; huấn luyện cho đội ứng phó cộng đồng; tập huấn về giảm thiểu rủi ro thảm họa; truyền thông, diễn tập PCTT-TKCN; an toàn trường học; huấn luyện kỹ năng sơ cứu... Ngoài những giá trị mang lại cho người dân và cộng đồng, các dự án đã góp phần đào tạo, trang bị nhiều kỹ năng, kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ CTĐ trong tỉnh về công tác phòng ngừa và ứng phó thiên tai.

Phát huy sức mạnh cộng đồng
 
Tháng 4/2019, xã Mai Hóa (Tuyên Hóa) triển khai xây dựng mô hình “Cộng đồng an toàn” với khởi điểm là xây dựng bể bơi tại Trường tiểu học Xuân Mai từ nguồn hỗ trợ do Hội CTĐ tỉnh kêu gọi được. Sau đó là việc phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức các buổi tập huấn về phòng ngừa, ứng phó thiên tai, thảm họa, quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; hướng dẫn quy trình cứu trợ; thành lập đội phản ứng nhanh cấp thôn, đội ứng phó thảm họa cấp xã và tổ chức các cuộc diễn tập cấp xã với sự tham gia của trên 500 người/cuộc...
 
Sau hơn 4 năm triển khai mô hình, 100% người dân Mai Hóa đã tiếp cận với hệ thống truyền thanh, nhận thức đầy đủ về rủi ro thiên tai và có kỹ năng phòng tránh an toàn khi thiên tai xảy ra. Lực lượng thực hiện công tác PCTT và người dân được nâng cao năng lực, kiến thức và kỹ năng về sơ cấp cứu… Từ hiệu quả của mô hình điểm tại xã Mai Hóa, hiện tại, Hội CTĐ tỉnh đang nhân rộng ra toàn tỉnh.
Diễn tập sơ cấp cứu cho người dân bị nạn trong thiên tai.
Diễn tập sơ cấp cứu cho người dân bị nạn trong thiên tai.
Có thể thấy, thời gian qua, hoạt động ứng phó thảm họa, thiên tai được Hội CTĐ tỉnh triển khai kết hợp giữa hỗ trợ phòng ngừa với xây dựng các mô hình PCTT dựa vào cộng đồng. Trong đó, tập trung nâng cao ý thức của người dân, phát huy vai trò của cán bộ, hội viên, tình nguyện viên CTĐ trong mọi tình huống; thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”, bảo đảm thông tin liên lạc, chủ động các nguồn lực sẵn sàng ứng phó, khắc phục, giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra. Đồng thời, các cấp hội đã chủ động phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các ban, ngành địa phương trong rà soát, nắm chắc những đối tượng yếu thế để kịp thời trợ giúp.
 
Hàng năm, Hội CTĐ tỉnh thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai cho các cấp hội. Đồng thời, vận động, thu hút xã hội hóa từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm để có thêm nguồn lực dành cho khắc phục hậu quả thiên tai. Trên thực tế, những năm gần đây, hoạt động phòng ngừa, ứng phó thảm họa của các cấp Hội CTĐ đã chuyển sang các hình thức, như: Hỗ trợ phòng ngừa, tham gia xây dựng cộng đồng an toàn; hoàn thiện và chuyển giao các mô hình PCTT dựa vào cộng đồng...
 
“Chúng tôi xác định nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng là vấn đề quan trọng, bởi trong bão lũ, nếu người dân không chủ động ứng phó, mà chỉ trông chờ vào chính quyền thì rất khó. Do đó, phương châm “4 tại chỗ” phải được triển khai ngay từ mỗi gia đình. Nếu trước đây, khái niệm PCTT với người dân còn mơ hồ, thì nay thông qua các dự án, mô hình phòng, chống bão lụt, bà con được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng để ứng phó khi thiên tai ập đến. Và bây giờ, khi đã vào mùa bão lũ, những bài học kinh nghiệm, kiến thức và kỹ năng đã được trang bị cần được phát huy tối đa nhằm giảm thiểu rủi ro, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra”, Phó Chủ tịch Thường trực Hội CTĐ tỉnh Đào Hữu Tuấn nhấn mạnh.
Tâm An

tin liên quan

Khi nông dân chung tay bảo vệ môi trường

(QBĐT) - Hội Nông dân (HND) tỉnh Quảng Bình hiện có 159.832 hội viên, sinh hoạt tại 150 cơ sở hội, 1.195 chi hội, 1.265 tổ hội. Với mục tiêu xây dựng HND trở thành chỗ dựa vững chắc, đáng tin cậy của hội viên, nông dân (HV, ND), thời gian qua, cùng với việc chăm lo, phát triển kinh tế, các cấp hội đã quan tâm vận động cán bộ, HV tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường (BVMT).

Chương trình giáo dục cộng đồng "Sinh con, sinh cha" năm 2023

(QBĐT) - Sáng 28/10, tại Trường mầm non Lộc Ninh (TP. Đồng Hới), Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam phối hợp với Trung tâm Công tác xã hội tỉnh và Generali Việt Nam tổ chức chương trình "Sinh con, sinh cha" năm 2023. 

TX. Ba Đồn: Hai ông, cháu đuối nước thương tâm khi đi kéo ruốc

(QBĐT) - Sáng 28/10, thông tin từ UBND phường Quảng Thọ (TX. Ba Đồn) xác nhận, trên địa bàn vừa xảy ra một vụ đuối nước thương tâm khiến 2 ông, cháu tử vong.