Những "bông hồng thép"

  • 14:23 | Thứ Tư, 25/10/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong cuộc chuyện trò, nhắc đến những thiếu hụt của số phận, họ không ngừng rơi nước mắt. Nhưng ẩn sau những ánh mắt man mác ấy là một nghị lực, ý chí vượt lên số phận dẫu có lúc cuộc đời buồn hơn phim.
 
Trưởng thành từ Làng trẻ em SOS Đồng Hới và Trung tâm Công tác xã hội (CTXH), thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, những đứa trẻ mồ côi ngày nào giờ đã là những người phụ nữ trưởng thành. Họ như những “bông hồng thép” vẫn tỏa hương giữa cằn khô, sỏi đá, dám sống, dám ước mơ và sẵn sàng cống hiến.
 
Trở về nơi bắt đầu
 
Đàm Thị Lan bước vào tuổi 28 nhưng đã có 17 năm sống ở mái nhà chung Trung tâm CTXH và đã 3 năm quay trở lại đây để tiếp tục chăm sóc những mảnh đời bất hạnh như cô. Lan bảo, đã có lúc, cô nghĩ cuộc đời mình buồn hơn cả phim nhưng thật may mắn, bộ phim ấy đã có cái kết thật đẹp.
 
Lan là con thứ 9 trong một gia đình nghèo ở xã Quảng Hợp (Quảng Trạch). Khi Lan vừa tròn 2 tháng tuổi, mẹ cô ra đi sau một cơn bạo bệnh, bỏ lại đứa con gái út còn đỏ hỏn, khát sữa. Vắng mẹ ngay thời điểm cần bàn tay chăm sóc và tình mẫu tử hơn cả, cô bé Lan khó nhọc lớn lên nhờ tình yêu thương của bố và các anh chị.
 
Tưởng rằng sóng gió sẽ qua đi nhưng khi cô bé vừa chập chững những bước đi đầu tiên, bố cũng mất, bỏ lại 9 đứa trẻ bơ vơ giữa cô độc và khó nghèo. Không còn chỗ dựa, những đứa trẻ lần lượt bỏ học, kiếm kế mưu sinh và thay nhau chăm sóc đứa em út vừa hơn 1 tuổi. Mong muốn cô em gái nhỏ được chăm sóc và có điều kiện học hành, năm vừa tròn 3 tuổi, Lan được anh chị gửi vào Trung tâm CTXH. Cuộc đời của cô bé mồ côi cũng bắt đầu rẽ hướng.
Với Đàm Thị Lan, người già neo đơn, không nơi nương tựa đang được chăm sóc tại trung tâm chính là gia đình, là người thân.
Với Đàm Thị Lan, người già neo đơn, không nơi nương tựa đang được chăm sóc tại trung tâm chính là gia đình, là người thân.
Cô bé Lan và những đứa trẻ cùng cảnh ngộ cứ thế lớn lên giữa những yêu thương, sự quan tâm của các cán bộ, nhân viên tại trung tâm. 17 năm, có niềm vui, hạnh phúc và cả những lúc chênh vênh, tủi phận. Nhưng, sau tất cả, Lan vẫn tự nhận mình là người may mắn khi được lớn lên ở trung tâm thay vì phải sống một cuộc đời chật vật, không được đến trường như nhiều đứa trẻ mồ côi khác.
 
Lên 16 tuổi, không thi đỗ vào trường THPT công lập trên địa bàn, Lan nộp hồ sơ vào Trường THPT Phan Đình Phùng nhưng biết rằng bản thân không thể theo học. Bởi, thời điểm đó chưa có các quy định hỗ trợ tiền học cho đối tượng là học sinh tại các trung tâm bảo trợ xã hội theo học tại trường bán công. Không có tiền đi học, cô quyết định rút hồ sơ và nghĩ đến việc đi kiếm việc làm.
 
“May mắn thay, ngày quyết định đi rút hồ sơ, chị Trần Thị Chinh-cán bộ của trung tâm, người đã từng chăm sóc tôi từ lúc còn nhỏ đã động viên, khuyên nhủ tôi. Chị bảo, chỉ có học mới giúp tôi thay đổi được số phận. 3 năm THPT, chị là người hỗ trợ tôi các khoản đóng góp. Rồi khi thi đỗ vào Trường cao đẳng Y tế Quảng Bình, mẹ Phan Thị Hoa-là cấp dưỡng tại trung tâm đã cho tôi ăn chung suất ăn của mẹ để tôi dành suất ăn của mình quy ra thành tiền để đóng học. Nếu không có những người mẹ, người chị đã yêu thương bằng tất cả tấm lòng, tôi không biết bản thân mình sẽ ra sao”, Lan nghẹn lại.
 
Anh Nguyễn Thanh Chương, Giám đốc Trung tâm CTXH cho biết, Đàm Thị Lan là 1 trong số hơn 450 trẻ em lớn lên từ trung tâm nay đã trưởng thành. Với chuyên môn được đào tạo bài bản, Lan là một trong những cán bộ tận tâm, nhiệt huyết và luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Xuất phát từ hoàn cảnh khá đặc biệt nên khi quay trở lại công tác tại trung tâm, Lan dễ dàng thấu hiểu, sẻ chia đối với những mảnh đời bất hạnh khác.

Dường như, mọi may mắn Lan có được chính là sự bù đắp cho những thiếu hụt mà số phận đã mang đến với cô. Nhìn thấy những nỗ lực của cô gái nhỏ, anh Nguyễn Thanh Chương, Giám đốc Trung tâm CTXH nhận Lan vào làm ở Phòng Quản lý, chăm sóc phục hồi chức năng đối tượng. Từ một cô bé mồ côi lớn lên ở nơi chốn này, giờ, Lan quay trở lại đây để tiếp tục san sẻ yêu thương cho những mảnh đời bất hạnh.

3 năm qua, cô gái ấy vẫn cần mẫn với công việc của mình, xem các đối tượng người già neo đơn, không nơi nương tựa như là gia đình, là người thân. Giữa cô và họ như những mảnh ghép, tìm đến nhau để bù đắp những thiếu hụt giữa cuộc đời. Với Lan, đó cũng là cách để trả nghĩa cho những ân tình đã nhận được suốt 17 năm gắn bó với mái nhà chung này.

Nhận yêu thương, sẻ chia yêu thương
 
Đám cưới của cô dâu Hà Thị Ánh, quê ở xã Hàm Ninh (Quảng Ninh) vào năm 2020 đã để lại những dấu ấn sâu đậm đối với những người có mặt ở hôn trường hôm đó. Khi mẹ nuôi của cô-bà Hoàng Thị Thau, làm việc tại Làng trẻ em SOS Đồng Hới gửi gắm đến đứa con gái nhỏ những lời gan ruột, tất cả khách mời đều không kìm được nước mắt. Hà Thị Ánh ôm lấy mẹ và những đứa em nuôi mà khóc. Giọt nước mắt hạnh phúc của những con người không chung dòng máu đã hòa vào nhau. Sau tất cả những khổ đau, mất mát và bao nỗ lực để vượt lên số phận, hạnh phúc đã thực sự nở hoa. 
 
Sinh năm 1996, lên 2 tuổi, Hà Thị Ánh mồ côi mẹ. Khi cô lên 6, bố cũng rời bỏ cô mà đi sau một cơn bạo bệnh. Trong suốt 4 năm sau đó, Ánh về ở cùng ông bà nội. Vì kinh tế gia đình quá ngặt nghèo nên khi Ánh lên 10, cô được ông bà gửi vào Làng trẻ em SOS Đồng Hới với mong muốn đứa cháu gái côi cút có điều kiện được chăm sóc và học hành tử tế. 10 năm sống ở làng trẻ, có nước mắt nhưng không thiếu những niềm vui. Từ một đứa trẻ mồ côi, Ánh nhận được sự yêu thương, chăm sóc của người mẹ nuôi Hoàng Thị Thau và sự đùm bọc, sẻ chia của những em nhỏ đồng cảnh ngộ ở ngôi nhà Hoa Thủy Tiên.
 
"Rời xa ông bà khi đã đủ nhận thức, 2 tháng đầu ở làng trẻ, không đêm nào em không khóc vì nhớ nhà, nhớ ông bà. Rồi dần dần cũng quen khi em được nhận quá nhiều sự yêu thương của mẹ Thau. Nghĩ em thiệt thòi nhất khi mồ côi cả cha lẫn mẹ, lại không có anh chị em ruột nên mẹ luôn yêu thương em hơn cả. Những lúc em đau ốm, mẹ lại thức đêm chăm sóc cho em, lo lắng chẳng khác gì một người mẹ ruột”, Ánh nhớ lại.
Hà Thị Ánh hiện đang công tác tại Trường mầm non xã Hàm Ninh.
Hà Thị Ánh hiện đang công tác tại Trường mầm non xã Hàm Ninh.
Được sự yêu thương, tạo điều kiện của làng trẻ, Hà Thị Ánh chăm lo học hành với quyết tâm thi đỗ vào đại học và có được việc làm ổn định để đền đáp lại những ân nghĩa lớn lao ấy. Sau những ngày miệt mài đèn sách, Ánh đỗ vào ngành Sư phạm mầm non, Trường đại học Quảng Bình. Tốt nghiệp ra trường, Ánh trở về quê, dạy học tại Trường mầm non xã Hàm Ninh.
 
Giờ, cô đã có một tổ ấm nhỏ cho riêng mình nhưng với Ánh, mẹ Thau và những em trai, em gái ở ngôi nhà Hoa Thủy Tiên mãi mãi là người thân. Đó là gia đình lớn, cùng nhau đi qua những ngày sóng gió nhất và hiện diện bên nhau trong những bước ngoặt quan trọng của cuộc đời. Với gia đình ấy, Ánh là chị cả của một đàn em thơ dại. Cô luôn thay mẹ Thau quan tâm, chăm sóc các em và cùng nhau trở về bên mẹ trong những dịp đặc biệt. Những thiếu hụt của cuộc đời đã thực sự được bù đắp xứng đáng.
 
Sinh ra giữa cuộc đời này, không ai có quyền lựa chọn cho mình một xuất thân nhưng sống một cuộc đời như thế nào lại phụ thuộc hoàn toàn vào nỗ lực tự thân. Không may mắn sinh ra trong một gia đình đủ đầy nhưng giữa những yêu thương ấm áp, những đứa trẻ lớn lên ở Trung tâm CTXH và Làng trẻ em SOS Đồng Hới như Lan, như Ánh… đã thực sự biết vượt qua số phận để vươn lên mạnh mẽ.
Diệu Hương

tin liên quan

Nỗi lo khi qua cầu Khe Xai mùa mưa

(QBĐT) - Mỗi khi mưa lớn, cầu Khe Xai trên tuyến đường liên xã Thạch Hóa, Đồng Hóa và Sơn Hóa (Tuyên Hóa) thường bị ngập sâu, nước chảy xiết, gây nguy hiểm cho người và phương tiện qua lại...

Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 79: Khám, cấp thuốc miễn phí cho bà con bản Khe Giữa

(QBĐT) - Ngày 25/10, Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 79 phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Lệ Thủy tổ chức tuyên truyền các sách dân số và khám, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho bà con dân tộc Bru-Vân Kiều ở bản Khe Giữa, xã Ngân Thủy (Lệ Thủy).

 

Hội CTĐ huyện Tuyên Hóa: Trao hỗ trợ địa chỉ nhân đạo

(QBĐT) - Thực hiện cuộc vận động "Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo", Hội Chữ thập đỏ huyện Tuyên Hóa vừa trao hỗ trợ địa chỉ nhân đạo cho gia đình ông Hoàng Văn Quyền ở thôn Hà Nam, xã Thạch Hóa (Tuyên Hóa).