Thăm thẳm hồn quê

  • 07:48 | Thứ Hai, 06/11/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ngót hơn hai mươi năm đằng đẵng xa quê, tôi đã sống một cuộc đời khác nơi những miền đất khác. Trên những chuyến đi về thăm nhà vội vã, tôi bỗng thấy mình như một người con mắc nợ với chính gia đình, quê hương. Tôi nợ cả câu hát, lời ru từ thuở ấu thơ để quá nửa đời người vẫn chưa hiểu hết một cõi ân tình.
 
Cõi ân tình trĩu nặng ấy được chưng cất từ muôn điều thân thuộc hiện diện mỗi ngày ở nơi chốn thân thương ấy: Một dòng sông xanh trong uốn lượn, ôm trọn cả dải đất làng; một con đường làng quanh co gồ ghề đá sỏi; một mái nhà ấu thơ chở che ta đi qua bao mưa nắng thăng trầm...
 
Sau tháng năm bộn bề trôi nổi, việc đầu tiên khi ghé về quê nhà, tôi thường múc một gàu nước giếng mát trong khỏa lên đầu, lên mặt, gột rửa hết bụi bặm đường xa. Rồi ngủ một giấc thật say dưới mái hiên nhà, nghe ngọn gió nồm từ dòng sông lồng lộng thổi bạt lên hòa cùng văng vẳng tiếng gà trưa nhảy ổ. Khoảnh khắc ấy chợt thấy lòng mình nhẹ nhõm, an yên đến lạ thường.
 
Quê nhà, mỗi lần về lại, tôi chợt chạnh lòng thương đến nôn nao khi nhìn lên vầng trán, khóe mắt chằng chịt vết chân chim của đấng sinh thành. Khẽ nắm đôi bàn tay nhăn nheo, gầy guộc đã chăm bẵm, nâng niu, trau chuốt cho tôi suốt một cuộc đời lặng thầm khó nhọc. Về nhà, tôi lại được làm một đứa trẻ, để được vỗ về mà tự thấy mình nông nổi, nhỏ bé nhường nào.
Minh họa: Minh Quý
Minh họa: Minh Quý
Thương sao bếp mẹ đơn sơ đượm nồng lửa ấm, tí tách reo vui mỗi sớm mỗi chiều. Căn bếp gửi gắm vào đó ân tình lòng mẹ cho những bữa cơm dẫu đạm bạc mà mỹ vị đặn đầy. Yêu biết mấy thơm thảo hồn quê chưng cất từ trong tiếng gọi, câu chào trọ trẹ chân phương với bao thiết thân, gần gũi.
 
Tấm tình của người quê từ trong cái mộc mạc, có khi xuề xòa mà chứa đựng xiết bao ân tình nặng trĩu. Sự ngay thẳng, chân thành khác xa với những niềm nở nặng phong cách “đãi bôi” ta thường bắt gặp đâu đó trong phép ứng xử ở thành thị. Bởi thế mà, mỗi dịp về thăm quê, thật khó lòng từ chối những lời mời sang chơi nhà, mời cơm từ xóm giềng thân thuộc.
 
Nhiều lần tôi tự chất vấn mình rằng, cuộc đời này mình còn được bao chuyến về quê, còn bao nhiêu thời gian để được thăm nom, chăm sóc mẹ cha nữa? Những câu hỏi ấy neo vào đau đáu tâm tư của đứa con xa xứ, là tôi bây giờ, khi mãi canh cánh bên lòng món nợ ân tình với quê hương, với mẹ cha để mãi còn những nghĩ suy, trăn trở.
 
Cũng vì nặng gánh áo cơm nên có mấy ai được chọn nơi sống cho mình mà không phải đánh đổi, thậm chí phải hy sinh ngay cả những điều gần gũi, thiêng liêng nhất. Để rồi, từ sâu thẳm lòng mình cứ đầy vơi nỗi nhớ mong, khắc khoải khôn nguôi. Nỗi nhớ ấy cứ đặn đầy theo năm tháng, bền sâu như một cõi ân tình, hoài nhắc về cội nguồn, quê xứ.
 
Giữa phồn hoa bụi bặm, giữa tất bật mưu sinh, thèm biết bao nhiêu đôi phút giây yên bình, được dựa lưng vào quê nhà mà cơi nới muộn phiền, xua đi những âu lo, hoang hoải. Nơi chốn thân thương ấy, đã bao lần tôi trìu mến cất thành lời vọng gọi trong niềm nhớ vô bờ: Quê ơi...
Ngô Thế Lâm

tin liên quan

Phát hành 3 ấn phẩm về Đồng Hới

(QBĐT) - Hướng tới chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Đồng Hới và 20 năm thành phố trực thuộc tỉnh, TP. Đồng Hới phát hành 3 ấn phẩm về Đồng Hới năm 2023.

Niềm tự hào danh hương của các "thi lão"

(QBĐT) - Năm 2023, Câu lạc bộ (CLB) thơ làng Thổ Ngọa, phường Quảng Thuận (TX. Ba Đồn) tròn 30 tuổi. 

Người cao tuổi tỉnh đoạt giải C tại liên hoan "Tiếng hát người cao tuổi toàn quốc" năm 2023

(QBĐT) - Trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Đinh Minh Thử cho biết: Tại lễ tổng kết, trao giải liên hoan "Tiếng hát người cao tuổi toàn quốc" năm 2023 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam tổ chức, đoàn Quảng Bình đã đoạt giải C.