Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

"Điểm hẹn lịch sử-Điện Biên Phủ"

  • 14:13 | Thứ Hai, 06/05/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” gắn liền với tên tuổi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sự nghiệp cách mạng của Đại tướng được hun đúc, nuôi dưỡng bởi làng quê An Xá giàu truyền thống yêu nước và như là tất yếu của lịch sử để từ đó Đại tướng đến với “điểm hẹn lịch sử-Điện Biên Phủ”…
 
Từ quê hương An Xá…
 
Bước qua chiếc cổng gỗ, lối dẫn vào Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi giữa hai hàng chè tàu mềm mại, xanh mát. Ngôi nhà đơn sơ, giản dị, hai chái lợp ngói và mái hiên lợp bằng tranh-nơi Đại tướng cùng gia đình đã sống 13 năm. Nơi đây, nuôi dưỡng ý chí cho sự nghiệp cách mạng sau này của Đại tướng, mà đỉnh cao là Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
 
Cụ Võ Đại Hàm (82 tuổi, bà con thúc bá với gia đình Đại tướng) người trông coi Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp mấy chục năm qua cho biết, ngày 25/8/1911, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cất tiếng khóc chào đời tại làng An Xá, xã Lộc Thủy (Lệ Thủy). Thân phụ của Đại tướng là liệt sỹ Võ Quang Nghiêm, một nhà nho yêu nước, do thi cử bất thành nên trở về quê làm hương sư và thầy thuốc Đông y. Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, ông bị giặc Pháp bắt và đem về giam ở nhà lao Thừa Phủ (Huế) và mất trong tù. Thân mẫu là bà Nguyễn Thị Kiên, một phụ nữ đảm đang, tần tảo nuôi con.
 
Gia đình của Đại tướng có bảy anh, chị em, nhưng người anh cả và chị cả mất sớm nên còn lại năm người. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người con thứ 5. Sinh ra ở một vùng quê giàu truyền thống yêu nước, trực tiếp chứng kiến cảnh đồng bào bị bè lũ thực dân và tay sai đàn áp, bóc lột đã nung nấu trong Đại tướng ý chí và quyết tâm đứng lên đấu tranh giành lại độc lập cho dân tộc… 
 
Chị Nguyễn Thị Thu Hoài (SN 1981, bà con bên ngoại với gia đình Đại tướng) phụ trách kiêm thuyết minh cho các đoàn đến tham quan tại Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp lật giở những trang giấy viết do mình sưu tầm và biên soạn, khái quát về quá trình hoạt động cách mạng của Đại tướng từ khi rời làng An Xá, như sau: Năm 1925, khi còn là học sinh, do sớm được tiếp thu tư tưởng cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Đại tướng đã tích cực tham gia phong trào đấu tranh, bãi khóa ở Trường Quốc học Huế; tham gia Đảng Tân Việt cách mạng năm 1927; tham gia phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, bị thực dân Pháp bắt giữ và bị giam ở nhà lao Thừa Phủ (Huế) năm 1930.
Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp thu hút nhiều đoàn đến tham quan.
Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp thu hút nhiều đoàn đến tham quan.
Khi ra tù, Đại tướng tiếp tục hoạt động tuyên truyền, gây dựng cơ sở cách mạng trong thanh niên, học sinh. Năm 1936, Đại tướng hoạt động trong phong trào dân chủ bán hợp pháp của Đảng ở Hà Nội; là biên tập viên các báo của Đảng: Báo Lao động, Báo Tiếng nói của chúng ta, Báo Tiến lên, Thời báo Cờ Giải phóng... Đại tướng được cử làm Chủ tịch Ủy ban Báo chí Bắc Kỳ.
 
Năm 1940, Đại tướng Võ Nguyên Giáp với bí danh là Dương Hoài Nam cùng với đồng chí Phạm Văn Đồng được cử sang Trung Quốc gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Tháng 11/1941, trở về Cao Bằng, dưới sự lãnh đạo, dìu dắt của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí khác xây dựng cơ sở cách mạng, tích cực tuyên truyền, giác ngộ quần chúng, lôi cuốn đồng bào các dân tộc tham gia các hoạt động cách mạng, tổ chức và phụ trách Ban xung phong Nam tiến, mở đường nối căn cứ địa cách mạng Cao Bằng với các tỉnh miền xuôi.
 
Tháng 12/1944, Đại tướng được lãnh tụ Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trên các cương vị là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, thành viên Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc, thành viên Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, Tư lệnh Việt Nam giải phóng quân, Đại tướng đã có những đóng góp quan trọng vào thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945.
 
Ngày 19/12/1946, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ; dưới sự chỉ đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, với cương vị Tổng Tư lệnh Quân đội kiêm Bí thư Quân ủy Trung ương, Đại tướng đã cùng Trung ương Đảng lãnh đạo cuộc đấu tranh vũ trang kéo dài 9 năm chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954) giành thắng lợi.
 
Đến "Điểm hẹn lịch sử-Điện Biên Phủ"
 
“Điện Biên Phủ là điểm hẹn lịch sử dành cho những cuộc chiến tranh xâm lược trong thời đại ngày nay”, lời đầu trong cuốn sách “Đại tướng Võ Nguyên Giáp với chiến dịch Điện Biên Phủ”, do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phát hành năm 2004, khẳng định: “Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, một Đống Đa của dân tộc ta trong thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”.
 
Theo cứ liệu lịch sử, công cuộc chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ được tiến hành ngay từ đầu tháng 12/1953. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”.
 
“Mỗi lần trở lại Điện Biên Phủ, tôi tới nghĩa trang liệt sỹ dưới chân đồi A1 thắp nén hương tưởng niệm những người đồng đội đã nằm lại đây. Đứng trước nhiều ngôi mộ không có tên, tôi hình dung ra anh chiến sĩ trẻ tới chiến trường giữa trận đánh, chiến đấu bên những người đồng đội chưa kịp biết tên mình, và mình cũng chưa kịp biết là đang ở đơn vị nào… Anh Bộ đội Cụ Hồ ra trận thời đó, từ bưng biền Nam Bộ, núi rừng Tây Nguyên, đèo mây Tây Bắc, đến những miền đất lạ Lào, Campuchia… chỉ có một ý nghĩ vô cùng trong sáng: Phải góp phần cùng đồng đội, đồng bào, bạn bè có chung số phận giành lại độc lập, tự do…” (Điện Biên Phủ-Điểm hẹn lịch sử).
Đại tướng-Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp được Trung ương Đảng và Bác Hồ tin tưởng giao nhiệm vụ trực tiếp làm Bí thư Đảng ủy và Chỉ huy trưởng mặt trận Điện Biên Phủ. Trước khi lên đường ra mặt trận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến Khuổi Tát chào Bác. Bác hỏi: “Chú ra mặt trận lần này có khó khăn gì không?”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời: “Chỉ khó khăn là xa hậu phương nên khi có vấn đề quan trọng và cấp thiết thì khó xin ý kiến của Bác và Bộ Chính trị”. Bác nói: “Tổng Tư lệnh ra mặt trận, tướng quân tại ngoại, trao cho chú toàn quyền”. Khi chia tay, Bác căn dặn: “Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng; chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh” (Điện Biên Phủ).
 
Ngày 22/12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” cho quân đội, động viên các đơn vị thi đua giết giặc lập công. Nhân dân các vùng tự do, vùng Tây Bắc mới giải phóng, vùng sau lưng địch đồng bằng Bắc Bộ thực hiện quyết tâm của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, dồn sức người, sức của cho chiến dịch.
 
Kế hoạch đánh tập đoàn cứ điểm lịch sử Điện Biên Phủ được ta ráo riết chuẩn bị theo phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh”. Tuy nhiên, với con mắt của một thiên tài quân sự, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận ra những khó khăn của phương châm đánh này.
 
Mỗi ngày qua, tôi càng khẳng định không thể nào đánh nhanh được. Tôi nhớ lời Bác dặn trước khi lên đường, và một câu trong Nghị quyết của Trung ương hồi đầu năm 1953: Chiến trường ta hẹp, người của ta không nhiều, cho nên ta chỉ được thắng không được bại, vì bại thì hết vốn…” (Đại tướng Võ Nguyên Giáp với chiến dịch Điện Biên Phủ).
 
Và, theo Đại tướng đó là “quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của tôi”. “Sau 11 ngày theo dõi tình hình và suy nghĩ có hôm bị căng thẳng quân y phải bó ngải cứu lên đầu cho tôi, tôi đã đi đến kết luận dứt khoát, đánh theo kế hoạch đánh nhanh nhất định đưa đến thất bại. Vì vậy, cần phải thay đổi phương châm sang “đánh chắc, tiến chắc” (Điện Biên Phủ).
 
Ngày 7/5/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi-đây là chiến dịch mang đậm dấu ấn của Đại tướng trong việc tạo thế, tổ chức hậu cần, thay đổi chiến thuật. Sau chiến dịch này, Hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương được ký kết, đặt dấu chấm hết cho sự có mặt của người Pháp ở Việt Nam sau hơn 80 năm.
Ngọc Hải
 
Tài liệu tham khảo:
Đại tướng Võ Nguyên Giáp với chiến dịch Điện Biên Phủ (NXB QĐND, 2004).
Điện Biên Phủ-Điểm hẹn lịch sử (NXB QĐND, 2000).
Điện Biên Phủ (NXB Chính trị Quốc gia, 2010).
Không phải huyền thoại (Hữu Mai, NXB Trẻ, 2014).

tin liên quan

Du lịch Quảng Bình 2024: Sáng tạo và bùng nổ

(QBĐT) - Để đạt và vượt mục tiêu đón 5 triệu lượt khách trong năm 2024, ngành Du lịch Quảng Bình đang nỗ lực để làm mới các sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, mang đến những trải nghiệm mới mẻ, hấp dẫn nhất cho du khách.

Nặng sâu nghĩa tình đồng đội

(QBĐT) - Vì nghĩa tình đồng đội, cựu chiến binh Đặng Văn Luân (SN 1962, ở phường Bắc Nghĩa, TP. Đồng Hới) nhiệt tình tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện được các cấp hội, đồng đội và người dân ghi lòng.

Quảng Bình muôn vẻ

(QBĐT) - Bên dòng Nhật Lệ, TP. Đồng Hới về đêm lung linh, huyền ảo, thơ mộng và đang vươn mình ra biển lớn.