Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục

Người Quảng Bình nơi biển trời Tây Nam

  • 08:12 | Thứ Tư, 03/04/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Vùng biển Tây Nam có hơn 150 hòn đảo, trong đó có 46 đảo có người dân sinh sống. Sau những cuộc ly hương qua nhiều thế kỷ, có hàng nghìn người Quảng Bình đã dừng chân ở những hòn đảo ấy để mưu sinh và gắn bó lâu dài. Bằng ý chí, nghị lực vốn sẵn của những người con nơi miền quê “gió Lào, cát trắng”, họ đã khẳng định được chỗ đứng của mình trên những vùng đảo khó, góp sức bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng.
 
"Xóm mẹ Suốt" ở đảo Thổ Chu 
 
Ở một xóm nhỏ ngay cạnh bãi Ngự của đảo Thổ Chu (xã Thổ Châu, TP. Phú Quốc, Kiên Giang) có gần 10 hộ gia đình quê Quảng Bình sống quần tụ bên nhau. Ở bãi Ngự này, ai cũng biết xóm nghèo đặc biệt ấy mang cái tên thân thương: Xóm mẹ Suốt.
 
Ông Nguyễn Văn Đạt, quê ở xã Võ Ninh (Quảng Ninh) cho biết: “Không phải tình cờ mà việc chúng tôi sống sát cạnh nhau đều do chủ ý. Mọi người đến lập nghiệp ở đây ở mỗi thời điểm, mỗi ngành nghề khác nhau nhưng khi biết có đồng hương sống trên đảo thì tìm đến để mua đất, mướn nhà ở cạnh nhau. Lâu dần, xóm có gần 10 hộ sống quây quần bên nhau như thế. Người đi biển đánh cá. Người chăn nuôi, buôn bán. Mỗi người, mỗi nghề nhưng ai cũng đang nỗ lực để xây dựng kinh tế gia đình và cùng đoàn kết, hỗ trợ nhau”.  
“Xóm mẹ Suốt” ở đảo Thổ Chu.
“Xóm mẹ Suốt” ở đảo Thổ Chu.
Ông Võ Doãn Khánh, quê ở xã An Ninh (Quảng Ninh) cùng vợ là bà Nguyễn Thị Sáu, quê ở xã Sơn Thủy (Lệ Thủy) đặt chân đến đảo Thổ Chu từ năm 1998. Ban đầu, hai vợ chồng ra đảo chỉ để tìm kiếm người em trai bị mất tích trong trận bão Linda năm 1997. Nhưng rồi, chính vùng đảo Thổ Chu thưa thớt dân cư đã thực sự thu hút đôi vợ chồng trẻ ngày ấy. Họ quyết định ở lại, bám trụ cùng đảo khó để mưu sinh. Thổ Chu ngày ấy chỉ mới bắt đầu hồi sinh sau 5 năm có chủ trương đưa người dân ra đảo lập nghiệp. Đảo nhỏ chỉ lác đác đôi ba ngôi nhà lụp xụp, xiêu vẹo sau mỗi bận bão gió.
 
Ông Khánh nhớ lại, đó là những tháng ngày cực kỳ khó khăn, vất vả tứ bề. Nhưng bằng ý chí, nghị lực của những người con đất Quảng Bình, họ quyết tâm bám trụ lại đây. Giờ thì kinh tế gia đình ông đã vững vàng hơn với một trang trại chăn nuôi lợn cùng nhiều nghề phụ để kiếm sống. Một ngôi nhà vững chãi được dựng lên giữa “xóm mẹ Suốt” là thành quả gần 30 năm hai vợ chồng cùng nhau vượt khó, vượt khổ.
 
Vừa là đồng hương, vừa là hàng xóm, những người Quảng Bình ở “xóm mẹ Suốt” đã hỗ trợ nhau đi qua những khó khăn nơi đất khách. Khi hoạn nạn, ốm đau hay mỗi dịp quan trọng của các gia đình đều có sự hiện diện của những người đồng hương. Chồng bà Nguyễn Thị Oanh, quê ở xã Đức Trạch (Bố Trạch) qua đời sau một cơn bạo bệnh hơn 10 năm trước. Chồng mất, giữa đất khách không người thân thích, mấy mẹ con bà chỉ biết sống nương tựa vào nhau. Bà bảo, có những ngày khó khăn, vất vả vô cùng nhưng thật may, trong bất cứ hoạn nạn nào của gia đình cũng đều nhận được sự hỗ trợ của những người đồng hương. “Tôi cứ nghĩ nếu như không có anh em cùng quê hỗ trợ, không biết mấy mẹ con phải vượt qua những ngày tháng khó khăn đó như thế nào”, bà Oanh xúc động.
 
Dân ở đảo quá quen với việc những người dân nơi “xóm mẹ Suốt” này chuyện trò cùng nhau bằng chất giọng đặc sệt Quảng Bình. Rồi cứ hàng tháng hay mỗi dịp lễ, Tết, xóm nhỏ lại tụ tập tổ chức liên hoan. Đó là lúc ca khúc “Quảng Bình quê ta ơi” hay những làn điệu hò khoan lại vang lên da diết. Xa quê hàng nghìn km nhưng dẫu nơi đâu, trong hoàn cảnh nào, quê hương vẫn luôn ở đó: Trong tim của những người con ly hương và trong cái siết tay thật chặt của những người đồng hương nơi vùng đảo xa xôi.
 
Vững chân trên vùng đất mới
 
TP. Phú Quốc (Kiên Giang) được ví là “đảo ngọc” với sự phát triển mạnh mẽ của ngành Du lịch. Nhưng những năm 90 của thế kỷ trước, hòn đảo này còn hoang sơ với những con đường đất đỏ heo hút qua bốn mùa gian khó. Thời điểm đó, từ Rạch Giá (Kiên Giang) có lúc phải mất hơn một ngày trời đi tàu mới ra được đến đảo. 
Mô hình nuôi cá bớp trên biển của ông Nguyễn Văn Chiến mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Mô hình nuôi cá bớp trên biển của ông Nguyễn Văn Chiến mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trong những bước chân đi xây đảo, dựng nhà thuở ấy có những người con Quảng Bình đã vượt sóng, vượt gió, vượt quãng đường xa xôi ra với đảo để mưu sinh và lập nghiệp. Qua thời gian, giờ, người Quảng Bình ở Phú Quốc đã xây dựng được một cộng đồng vững vàng, đoàn kết, từng ngày góp sức xây dựng “đảo ngọc” Phú Quốc rực rỡ nơi biển trời Tây Nam.
 
Cộng đồng người Quảng Bình ở Phú Quốc khá đặc biệt khi có tới 2 hội đồng hương (HĐH) cùng song song phát triển mạnh mẽ: HĐH Lệ Ninh và HĐH Đôi bờ sông Gianh Quảng Bình ở TP. Phú Quốc. Mỗi HĐH một tôn chỉ, mục đích hoạt động riêng nhưng điểm chung là sự gắn kết của những người đồng hương, cùng hỗ trợ nhau làm ăn kinh tế và hướng về quê hương trong những dịp bão lũ, khó khăn. Đi qua buổi ban đầu gian khó, nhiều người Quảng Bình ở Phú Quốc đã thành đạt, trở thành điển hình trong phát triển kinh tế.
 
Ông Lưu Đức Phán, Chủ tịch HĐH Đôi bờ sông Gianh Quảng Bình tại TP. Phú Quốc cho biết, trong số 45 hộ gia đình người Quảng Bình đang sinh hoạt tại hội, phần lớn họ đều có kinh tế vững vàng. Nhiều người kinh doanh dịch vụ du lịch, làm công chức, số khác làm nghề buôn bán hải sản, chăn nuôi… Họ đã dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đầu tư các mô hình kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước chinh phục những thử thách khi lập nghiệp nơi đất khách.
 
Hiện, ở các đảo Tây Nam còn có gần 80 cán bộ, chiến sĩ quê Quảng Bình đang công tác tại các đơn vị thuộc Vùng 5 Hải quân. Trong số họ, có rất nhiều cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại các đảo tiền tiêu, điều kiện còn nhiều khó khăn, vất vả. Nhưng dẫu trong bất cứ hoàn cảnh nào, những người lính Quảng Bình vẫn thể hiện được bản lĩnh, ý chí, sự nỗ lực và truyền thống đáng tự hào của vùng đất “gió Lào, cát trắng”, chắc tay súng bảo vệ từng tấc đất, sải biển thiêng liêng của Tổ quốc.

Ông Nguyễn Văn Chiến, quê ở xã Phong Thủy (Lệ Thủy) đã có hơn 30 năm gắn bó với Phú Quốc, từ ngày hòn đảo này vẫn còn xơ xác, hoang sơ và rặt cỏ dại. Ly hương, chỉ với một mong muốn duy nhất là lập nghiệp, vợ chồng ông làm đủ nghề để kiếm sống, từ chăn nuôi, khai thác hải sản, đến kinh doanh, buôn bán… Giờ, mô hình nuôi cá lồng trên biển của gia đình ông mỗi năm thu về hơn 10 tấn cá bớp, cá chim… Kinh tế khá giả, vợ chồng ông Chiến hiện đã có một cơ ngơi khang trang ngay tại trung tâm du lịch của TP. Phú Quốc. Với ông, đó là “quả ngọt” cho những tháng ngày ly hương lăn lộn trong mồ hôi và nước mắt.

Theo ông Phạm Xuân Đồng, Chủ tịch HĐH Lệ Ninh tại TP. Phú Quốc, điều gắn kết những người con Quảng Bình xa quê chính là tình đồng hương, sự hỗ trợ nhau trong khó khăn, hoạn nạn. Trong hơn 20 năm thành lập, hội đã duy trì các hoạt động thăm hỏi, động viên hội viên trong những lúc ốm đau, hiếu hỉ, những dịp lễ, Tết. Điều đặc biệt, hội đã huy động nguồn vốn không lãi suất để hỗ trợ cho hội viên khó khăn làm ăn kinh tế. Những lúc bão lũ, dịch bệnh, bà con hội viên lại đồng lòng đóng góp, sẵn sàng san sẻ khó khăn cùng quê hương. 
 
Biển trời Tây Nam đã ôm ấp, chở che bao phận người ly hương bằng sự hào sảng và khoáng đạt. Đi qua gian khó, người Quảng Bình nơi các đảo Thổ Chu, Phú Quốc, Nam Du hay Hòn Đốc… đều đang nỗ lực để vững bàn chân trên những hành trình mới, góp sức xây đảo mạnh mẽ nơi chân sóng. “Không gì khác, chính bản tính cần cù, chịu khó, chịu khổ của người Quảng Bình đã giúp những người con xa quê vượt qua những khó khăn nơi đất khách để lập thân, lập nghiệp”, ông Phán tự hào.
Diệu Hương

tin liên quan

Du lịch Quảng Bình 2024: Sáng tạo và bùng nổ

(QBĐT) - Để đạt và vượt mục tiêu đón 5 triệu lượt khách trong năm 2024, ngành Du lịch Quảng Bình đang nỗ lực để làm mới các sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, mang đến những trải nghiệm mới mẻ, hấp dẫn nhất cho du khách.

Quảng Bình muôn vẻ

(QBĐT) - Bên dòng Nhật Lệ, TP. Đồng Hới về đêm lung linh, huyền ảo, thơ mộng và đang vươn mình ra biển lớn.

Chuyện cứu hộ ở Phong Nha-Kẻ Bàng

(QBĐT) - Với tình yêu, trách nhiệm và lòng nhiệt huyết trong công việc, cán bộ, nhân viên của Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật thuộc Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng đã góp phần không nhỏ trong việc duy trì, bảo tồn các loài động vật hoang dã, thực vật đang có nguy cơ tuyệt chủng…