Phóng sự - Ký sự
icon facebookFacebook icon phoneLiên hệ
icon categoryChuyên mục
Chào mừng Tuần lễ Văn hóa-Thể thao-Du lịch và Hội rằm tháng ba Minh Hóa 2024

"Lộc trời" ban tặng

  • 19:39 | Thứ Bảy, 20/04/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tháng ba lên Minh Hóa mà chưa thử miếng pồi (bồi), chưa khều con ốc đực (tực) vừa béo mà không ngậy, vừa thanh mà không ngán thì đúng chưa tận hưởng hết mỹ vị ngày hội rằm.
 
Ốc đực có ở hầu như các khe suối và là món ăn quen thuộc của người Minh Hóa. Con ốc đực nhiều và ngon nhất vào từ giữa tháng 2 đến tháng 3 âm lịch. Với nhiều người, đó không chỉ là món ăn, mà còn là một đặc ân của thiên nhiên để vượt qua một thời khốn khó. Ngày nay, ốc đực trở thành đặc sản để người Minh Hóa chiêu đãi khách phương xa.
Ốc đực Minh Hóa sống ở khu vực nước chảy, có bề ngoài thuôn dài hơn ở các địa phương khác.
Ốc đực Minh Hóa sống ở khu vực nước chảy, có bề ngoài thuôn dài hơn ở các địa phương khác.
“Lộc trời" mùa rằm
 
Một ngày giữa trưa đầu tháng 3 âm lịch, trời nắng như đổ lửa, chúng tôi theo chân hai chị em Thái Thị Hoa, thôn Liêm Hóa, xã Trung Hóa lội dọc khe Rinh (một nhánh sông Rào Nan) lặn bắt ốc đực. Dụng cụ thợ lặn chỉ là một chiếc kính, giỏ tre treo trước ngực để bỏ ốc. Mỗi lần ngụp lặn khoảng 30 giây rồi trồi lên, hai tay chị em Hoa nắm đầy những con ốc đực thuôn dài. Hoa kể, từ đầu tháng 2 âm lịch đến giờ, gần như ngày nào hai chị em cũng lăn lộn ở khe Rinh để bắt ốc. Và hầu như năm nào cũng vậy, cứ đến mùa là lại xuống khe, nắng cháy sạm da như thể một thói quen từ nhỏ nhưng lại có thêm thu nhập.
 
Cả thôn Liêm Hóa hầu hết nhà nào cũng có người lặn bắt ốc những ngày này nhưng vẫn không đủ bán cho thương lái. Theo nhiều người dân địa phương, con ốc đực có ở các khe suối của huyện Minh Hóa nhưng nhiều nhất là ở vùng Thượng Hóa, Trọng Hóa và Trung Hóa. Và con ốc ngon nhất là ốc ở khe Rinh vùng Trung Hóa.
 
Cũng bởi vậy, dù là thợ lặn theo mùa vụ nhưng cứ đến mùa là tự động có những mối quen lên tìm chị em Hoa mua ốc. Thái Xuân Hoàng (em trai Hoa) cho hay, họ lên tận nhà thu mua dù giá cao hơn ở các chợ. Những người sành ăn, ốc ở khe Rinh là họ biết liền. Còn ở chợ, nhiều khi bán rẻ hơn và chủ yếu ốc bắt ở vùng miền Tây Quảng Ninh, Lệ Thủy nhập về. Theo Hoàng thì giá ốc ở khe Rinh bán 15.000 đồng/lon (kg=3lon), còn ở chợ thì thấp hơn, khoảng 10-12.000 đồng/lon.
 
Cũng theo Hoàng, ốc đực sống ở khe nước chảy, trong ngày chỉ bắt được vào ban đêm khi chúng đi kiếm ăn hoặc giữa trưa nắng nóng khi ốc ngoi khỏi bùn để thở. Ngày nay, con ốc đực càng hiếm, không còn được nhiều như trước. Mỗi năm chị em Hoàng cũng như người dân trong làng chỉ bắt ốc trong vòng một tháng trước ngày rằm tháng ba, bởi đây là thời điểm con ốc ngon nhất. Sau ngày rằm, người dân không lặn bắt nữa vì chúng bắt đầu vào chu trình sinh sản.
Hai chị em Thái Thị Hoa và Thái Thanh Hoàng lặn bắt ốc đực tại khe Rinh, Trung Hóa.
Hai chị em Thái Thị Hoa và Thái Thanh Hoàng lặn bắt ốc đực tại khe Rinh, Trung Hóa.

Vừa lên bờ sau mấy giờ ngụp lặn dưới nước, chị Đặng Thị Lý (SN 1976), thôn 2 Bình Minh, xã Trung Hóa cười chia sẻ, trước kia con ốc đực và bồi là cứu cánh của nhiều thế hệ người Minh Hóa vào tháng 3 mùa giáp hạt. Có thể nói, nó như món quà thiên nhiên ban tặng của người dân nơi đây nhưng nay đã khan hiếm nên có giá. “Lộc trời” cho mùa rằm nên chỉ bắt đầu mùa, đến mùa con ốc sinh sản thì để dành năm sau, người dân quanh các làng đều tự dặn nhau như vậy.

Đặc sản đãi khách

Sau mấy tiếng lăn lội cùng mấy thợ lặn bắt ốc ở khe Rinh, chúng tôi được chị Đinh Thị Kim Liên, thôn 2 Bình Minh mời về nhà và  đãi món ốc đực theo cách ăn dân giã của người Minh Hóa. Chị Liên là một trong những thợ lặn “khét tiếng” ở khe Rinh, năm nay chị nhẩm tính sơ sơ cũng đã bắt được gần 2.000 lon ốc đực bán cho thương lái.
 
Chị Liên cho hay, ốc đực sống ở khe nước chảy nên khi bắt về chỉ cần ngâm khoảng 2 tiếng đồng hồ là sạch tưng, không còn mùi bùn. Ốc đực có thể chế biến theo nhiều cách nhưng quen thuộc nhất vẫn là luộc lên. Nước đun sôi thì thả ít lá chanh vào, sau đỏ đổ ốc vào khuấy đều tay. Tùy thuộc kinh nghiệm của người nấu nhưng phải làm sao căn đủ độ chín là vớt ra ngay, nếu để lâu con ốc sẽ sáp lại, mất vị béo.
 
Đồ chấm ốc đực là muối trắng giã nhỏ, thêm ớt, lá chanh và nếu có hạt dổi thì đúng chuẩn vị. Ốc luộc đổ ra còn nóng nghi ngút, mọi người quây quần quanh mâm dùng những chiếc gai bưởi hoặc chanh để khều ốc. Vị béo, thanh thanh tan nhanh trong vòm miệng, thêm chút cay cay đầu lưỡi của ớt, hạt dổi... đủ để thực khách ăn một lần nhớ mãi.
Ốc đực được chế biến theo nhiều cách và thường ăn kèm với bồi.
Ốc đực được chế biến theo nhiều cách và thường ăn kèm với bồi.
Minh Hóa không chỉ có cảnh sắc thiên nhiên hoang sơ, tuyệt đẹp mà còn lưu giữ nhiều nét văn hóa ẩm thực đặc sắc, phong phú hiếm nơi nào có được. Món ốc đực thường ăn với bồi. Bồi được chế biến từ bột ngô, bột mì, bột gạo hoặc hỗn hợp các loại trên. Cơm bồi, ốc đực là những món ăn mang bản sắc riêng của người Minh Hóa và đi vào ca dao: Trôông cho mâu tiếng mùa pồi/Nhớ con ôốc tực tang ngồi trên mâm (Trông cho mau đến mùa bồi/Nhớ con ốc đực đang ngồi trên mâm).
 
Mặc dù, cuộc sống ngày càng khấm khá hơn nhưng trong mâm cỗ ngày rằm tháng ba của người Minh Hóa, không thể thiếu các món ăn từ ốc đực, với họ đó không còn đơn thuần là một món ăn, mà còn là một nét văn hóa truyền thống, một nỗi niềm về thời xưa cũ khốn khó. Ngày nay, người Minh Hóa thường dùng món đặc sản này để chiêu đãi nhau như một cách thể hiện sự hiếu khách của chủ nhà.
X.Phú

tin liên quan

Du lịch Quảng Bình 2024: Sáng tạo và bùng nổ

(QBĐT) - Để đạt và vượt mục tiêu đón 5 triệu lượt khách trong năm 2024, ngành Du lịch Quảng Bình đang nỗ lực để làm mới các sản phẩm du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ, mang đến những trải nghiệm mới mẻ, hấp dẫn nhất cho du khách.

Quảng Bình muôn vẻ

(QBĐT) - Bên dòng Nhật Lệ, TP. Đồng Hới về đêm lung linh, huyền ảo, thơ mộng và đang vươn mình ra biển lớn.

Những cụ già sống khỏe quê tôi

(QBĐT) - Trong bài viết này, tôi chỉ muốn nói đến những cụ già quê tôi "sống khỏe". Còn tất nhiên rồi, bởi vì họ là những nông dân "cổ cày, tay trâu" nên làm gì có "của để dành" và có "nhiều người biết đến".