Khơi dậy niềm đam mê sáng tạo

  • 07:19 | Thứ Sáu, 23/02/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Cuộc thi khoa học kỹ thuật (KHKT) học sinh (HS) trung học được Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tổ chức lần đầu tiên vào năm 2013. Đây là sân chơi trí tuệ có sức hấp dẫn đối với HS trung học, tạo cơ hội cho HS vận dụng những kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề trong thực tiễn.
 
Qua 10 năm tổ chức, cuộc thi KHKT luôn thu hút đông đảo HS THCS, THPT tham gia. Hầu hết các dự án đều gắn với thực tiễn, một số dự án tạo dấu ấn tại cuộc thi KHKT HS trung học cấp quốc gia. Số HS tham gia cuộc thi và dự án đoạt giải tăng lên mỗi năm. Năm học 2023-2024, toàn tỉnh có 36 đơn vị (28 đơn vị trực thuộc Sở GD-ĐT và 8 phòng GD-ĐT) với 47/79 dự án tham gia trưng bày được trao giải, trong đó có 4 giải nhất.
 
Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hồ Giang Long: Phần lớn các dự án đều có nội dung, phương pháp nghiên cứu phù hợp. Tiến trình nghiên cứu, thực hiện dự án đúng theo yêu cầu của một công trình khoa học. Nhiều dự án có tính sáng tạo, gắn việc vận dụng kiến thức đã học trên lớp vào thực tiễn cuộc sống. Tiêu biểu là các dự án, như: “Hệ thống hỗ trợ an toàn khi chở trẻ em bằng xe máy số tự động có chức năng Iding stop” (Trường THCS-THPT Trung Hóa, Minh Hóa), “Máy chạy thể dục tạo ra điện năng” (Trường THCS Đồng Lê, Tuyên Hóa), “Thử nghiệm hoạt tính kháng tế bào ung thư của cao chiết cây đinh lăng ở Quảng Bình” (Trường THPT chuyên Võ Nguyên Giáp)…
Miệt mài học tập, nghiên cứu, nhóm học sinh của Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh đã có những thành công bước đầu trong nghiên cứu KHKT.
Miệt mài học tập, nghiên cứu, nhóm học sinh của Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh đã có những thành công bước đầu trong nghiên cứu KHKT.
Với nhiều đề tài phong phú thuộc các lĩnh vực khác nhau, cuộc thi đã tạo cơ hội cho HS giao lưu, chia sẻ ý tưởng sáng tạo với bạn bè trong và ngoài trường, khơi dậy trong mỗi HS niềm đam mê nghiên cứu, ứng dụng KHKT.
 
Điều đặc biệt tại cuộc thi lần này là có nhiều HS tìm hiểu, nghiên cứu về văn hóa, văn nghệ dân gian. Một số đề tài đưa ra được những giải pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của quê hương, như: “Đưa nghệ thuật dân gian hát Kiều Quảng Kim vào trường học” (Trường TH-THCS Quảng Kim, Quảng Trạch), “HS THPT Đồng Hới với việc gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống quê hương qua nghệ thuật bài chòi (Trường THPT Đào Duy Từ), “Góp phần kế thừa, phát triển làng nghề bánh tráng Tân An (Trường THCS Quảng Thanh, Quảng Trạch), “Bảo tồn, phát huy giá trị trang phục truyền thống của cộng đồng người Bru-Vân Kiều tại bản Xà Khía, Lâm Thủy, Lệ Thủy (Trường THPT Trần Hưng Đạo, Lệ Thủy)…
 
Lĩnh vực hóa sinh, y sinh và khoa học sức khỏe cũng có nhiều đề tài mang tính thực tiễn cao. Tiêu biểu nhất là đề tài “Phân lập flavonoid có trong lá cây bàng tạo sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh răng miệng (1 trong 4 dự án đoạt giải nhất) của HS Trần Xuân Hoàng Long, Lê Nguyễn Minh Phương dưới sự hướng dẫn của thầy giáo Trần Văn Hoàng, giảng dạy bộ môn Hóa học, Trường THPT Trần Phú (Bố Trạch).
 
“Việc hưởng ứng cuộc thi KHKT HS trung học các cấp nhằm thúc đẩy sự phát triển mô hình giáo dục STEM, tạo động lực để cán bộ, giáo viên, HS thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đổi mới hình thức, tổ chức dạy học theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất của HS nhằm đáp ứng yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018…”, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hồ Giang Long cho biết thêm.

Với mong muốn tận dụng dược liệu có sẵn trong lá bàng để tạo sản phẩm ứng dụng trong y học, hỗ trợ điều trị bệnh nhiệt miệng, nhằm hạn chế việc sử dụng các loại thuốc kháng sinh, nhóm HS đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu, chuẩn bị nguyên liệu, dụng cụ tạo ra dung dịch sát khuẩn và viêm ngậm bằng lá bàng. Trước đó, năm học 2022-2023, thầy giáo Trần Văn Hoàng cũng đồng hành cùng HS Phan Ngân Hà, Nguyễn Hoàng Phúc trong dự án “Phân lập xanthones từ quả dứa dại tạo thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường”. Từ quả dứa dại được thu hái tại huyện Bố Trạch, thầy Hoàng đã hướng dẫn cho HS sấy khô và thực hiện các công đoạn để cho ra đời sản phẩm chức năng dạng viên nang có tác dụng hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường. Dự án được ban tổ chức trao giải nhì cuộc thi KHKT HS cấp tỉnh.

Điều đáng mừng tại cuộc lần này có sự tham gia của nhiều HS đến từ các trường học đóng trên những địa bàn thuộc vùng khó khăn, trường mang tính đặc thù như các trường: THCS-THPT Trung Hóa, THPT Dân tộc nội trú (Minh Hóa)… Đặc biệt là Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh với việc lần đầu tiên có dự án đoạt giải tại cuộc thi.

Thầy giáo Phạm Hồng Việt, Hiệu trưởng Trường phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh cho hay: Nhằm tạo điều kiện cho HS tiếp cận với nghiên cứu khoa học, nhà trường đã tích cực hỗ trợ, động viên HS tham gia cuộc thi, khuyến khích HS thực hiện các dự án gắn với thực tiễn và phù hợp với điều kiện của HS là người dân tộc thiểu số. Với sự hướng dẫn của thầy giáo Chu Minh Dương (giảng dạy bộ môn Sinh học) dự án “Chế phẩm chữa bệnh ngoài da và các vết cắn do côn trùng từ kinh nghiệm của người dân tộc Chứt” được Ban Tổ chức trao giải ba cuộc thi. Kết quả này đã tạo niềm tin, nguồn động lực cho HS của trường phấn đấu vươn lên trong học tập, mạnh dạn tiếp cận với KHKT. 
Học sinh Trường THPT Trần Phú tạo thảo dược từ lá bàng
Học sinh Trường THPT Trần Phú tạo thảo dược từ lá bàng.
Qua tìm hiểu từ thực tế tại một số địa phương, hai HS là Nguyễn Thị Thúy Kiều và Hồ Thị Duyên biết được cây cà chăm (tên một loại cây thường gọi của người dân tộc Chứt, Minh Hóa) và cây trầu không, loại cây rất phổ biến ở các địa phương, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Minh Hóa có dược tính cao. Vì thế, các em đã có ý tưởng sử dụng hai loại cây này để tạo ra dòng sản phẩm hỗ trợ điều trị các bệnh ngoài da (ghẻ, hắc lào, lang ben, nấm tóc…).
 
Ngay từ đầu năm 2023, nhóm bắt đầu tìm kiếm nguyên liệu, tiến hành nghiên cứu, chiết xuất, bào chế… Đến cuối năm, sản phẩm ra đời và được thử nghiệm thành công. Sản phẩm được bào chế dựa vào bài thuốc dân gian của người dân tộc Chứt. Sau khi chiết xuất, sản phẩm được đóng chai, dạng xịt có chức năng hỗ trợ điều trị các bệnh ngoài da và thân thiện với môi trường.
 
Một số dự án thuộc lĩnh vực hệ thống nhúng, hóa học, vi sinh, năng lượng vật lý, kỹ thuật cơ khí… cũng được đánh giá cao, tạo ra sự phong phú về đề tài, cách nghiên cứu. Nổi bật là các dự án: “Hệ thống cảnh báo và tự động chữa cháy ở tầng hầm các khu chung cư mi ni (THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quảng Trạch), “Bộ dụng cụ hỗ trợ trọng tài báo lỗi phạm quy trong các cuộc thi điền kinh” (THPT Quang Trung, Quảng Trạch)…
 
Phong trào nghiên cứu KHKT không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển đổi mới, sáng tạo trong dạy và học ở các trường mà còn tạo nền tảng, kỹ năng tốt cho việc học tập, nghiên cứu, định hướng nghề nghiệp cho những HS có niềm đam mê nghiên cứu khoa học.
Nh.V

 

tin liên quan

Kế hoạch thực hiện tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc

(QBĐT) - Ngày 30/1, Tỉnh ủy Quảng Bình ban hành Kế hoạch số 140-KH/TU thực hiện Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 25/12/2023 của Bộ Chính trị về tăng cường công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Trường học chuẩn quốc gia: Tạo nền tảng để phát triển giáo dục

(QBĐT) - Tập trung nguồn lực cho công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia là nhiệm vụ được xã Quảng Tân (TX. Ba Đồn) hết sức chú trọng.

Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2023-2024: Toàn tỉnh có 47 học sinh đoạt giải

(QBĐT) - Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Sở Giáo dục-Đào tạo Nguyễn Giang Nam cho biết: Tại Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2023-2024, tỉnh Quảng Bình có 47/67 HS dự thi đoạt giải.