Dấu ấn từ học sinh trường "làng"

  • 07:38 | Chủ Nhật, 21/01/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Dự án “Đưa nghệ thuật dân gian hát Kiều Quảng Kim vào trường học” và “Hệ thống hỗ trợ an toàn khi chở trẻ em bằng xe máy số tự động có chức năng Idling stop” là 2 trong 4 dự án đoạt giải nhất cuộc thi khoa học kỹ thuật (KHKT) cấp tỉnh dành cho học sinh (HS) trung học năm học 2023-2024 được chọn tham dự cuộc thi cấp quốc gia. Đây cũng là 2 dự án có tính thực tiễn cao được tạo nên từ những HS trường “làng”, nơi mà điều kiện học tập, nghiên cứu của giáo viên, HS còn không ít khó khăn.
Đưa hát Kiều vào trường học
 
Hát Kiều là một loại hình văn nghệ dân gian độc đáo gắn liền với đời sống tinh thần của người dân vùng Bắc sông Gianh, nhất là xã Quảng Kim (Quảng Trạch). Trải qua nhiều thăng trầm, biến thiên của lịch sử nhưng hát Kiều vẫn có sức sống mãnh liệt với người dân nơi đây.
 
Xuất phát từ thực tế người biết và yêu hát Kiều ở xã Quảng Kim hiện nay chủ yếu đã ở vào độ tuổi “xưa nay hiếm” trong khi giới trẻ lại không mấy “mặn mà” với văn nghệ dân gian nên nhóm HS Tạ Ánh Tuyết, Giả Thị Bảo Vy (Trường tiểu học-THCS Quảng Kim) đã hình thành ý tưởng xây dựng dự án “Đưa nghệ thuật dân gian hát Kiều Quảng Kim vào trường học” và được sự ủng hộ, tạo điều kiện của nhà trường nhằm cụ thể hóa nhiều hoạt động bảo tồn, gìn giữ tinh hoa văn hóa của quê hương.
 
Dưới sự hướng dẫn tận tình của thầy giáo Trần Nam Giang, một người rất yêu văn nghệ dân gian, dự án nhanh chóng được triển khai với nhiều hoạt động thiết thực. Trường đã thành lập được câu lạc bộ (CLB) hát Kiều thu hút hàng chục HS tham gia và thường xuyên tập luyện. Điểm mới của dự án là đã đưa nghệ thuật hát Kiều từ hình thức lưu giữ truyền khẩu sang hình thức lưu giữ bài bản khoa học thông qua việc áp dụng phần mềm công nghệ thông tin vào việc soạn nhạc, tạo thuận lợi cho việc tập hát.
 
Từ khi có CLB, HS của trường tích cực tham gia luyện tập. CLB còn mời nghệ nhân Đặng Đôn “cây đại thụ” về hát Kiều của xã Quảng Kim đến truyền dạy, hướng dẫn cách hát, cách luyến láy cho đúng với yêu cầu của loại hình nghệ thuật này. Sự tận tâm của nghệ nhân Đặng Đôn cùng sự giúp đỡ, hỗ trợ, tích cực của thầy giáo Trần Nam Giang, CLB đã sớm đi vào hoạt động ổn định.
Hai em học sinh Tạ Ánh Tuyết, Giả Thị Bảo Vy.
Hai em học sinh Tạ Ánh Tuyết, Giả Thị Bảo Vy.

Ngoài việc duy trì tập hát, biểu diễn, trường còn lồng ghép việc phổ biến hát Kiều trong bộ môn giáo dục địa phương, tổ chức các hoạt động ngoại khóa, các buổi giao lưu với nghệ nhân CLB hát Kiều của xã nhằm khơi dậy tình yêu dân ca, nhạc cổ trong mỗi HS. Đặc biệt, việc soạn nhạc cho các bài hát Kiều giúp cho việc lưu giữ, phổ biến hát Kiều một cách bài bản để thế hệ trẻ dễ dàng tiếp cận hơn với âm nhạc truyền thống.

Em Tạ Ánh Tuyết và Giả Thị Bảo Vy bày tỏ: Hát Kiều là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nên thế hệ trẻ chúng em phải có ý thức bảo vệ. Thực tế, một số bạn trẻ dành nhiều thời gian truy cập mạng xã hội và có cái nhìn không đúng với văn nghệ dân gian, xem loại hình nghệ thuật này là của người già… nên việc đưa hát Kiều vào trường học là một trong những giải pháp thiết thực nhằm lan tỏa ý thức bảo vệ, phát huy văn hóa quê hương trong giới trẻ, để hát Kiều không bị mai một, thất truyền theo thời gian.

Hỗ trợ lái xe an toàn
 
Nếu dự án “Đưa nghệ thuật dân gian hát Kiều Quảng Kim vào trường học” đưa ra những cách làm hiệu quả để lưu giữ, phát huy nghệ thuật truyền thống, thì dự án “Hệ thống hỗ trợ an toàn khi chở trẻ em bằng xe máy số tự động có chức năng Idling stop” (hệ thống nhúng) cũng có tính thực tiễn rất cao. Dự án do 2 HS Đinh Nữ Yến Oanh, Cao Đức Anh (Trường THCS-THPT Trung Hóa, Minh Hóa) thực hiện dưới sự hướng dẫn của thầy giáo Đinh Ngọc Trai, giáo viên bộ môn Vật lý.
 
Qua tìm hiểu nghiên cứu, nhận thấy có nhiều vụ tai nạn xảy ra do trẻ em tự vặn tay ga khi người lái dừng xe mà chưa tắt máy hoặc trẻ tự bật các công tắc điều khiển trên xe, nhóm đã nghiên cứu, chế tạo ra hệ thống mạch điện tử có khả năng điều khiển không cho xe máy nổ nếu trẻ có vặn tay ga hoặc nhấn nút đề xe. Mạch điện được thiết kế đơn giản, có kích thước nhỏ gọn, dễ sử dụng, dễ lắp đặt trên các dòng xe tay ga có chức năng Idling stop.
Nhóm học sinh Đinh Nữ Yến Oanh, Cao Đức Anh và thầy giáo hướng dẫn tại cuộc thi KHKT HS trung học cấp tỉnh.
Nhóm học sinh Cao Đức Anh, Đinh Nữ Yến Oanh và thầy giáo hướng dẫn tại cuộc thi KHKT HS trung học cấp tỉnh.

Khi không bật chức năng hỗ trợ bảo vệ an toàn cho trẻ em, xe sẽ hoạt động bình thường. Khi bật chức năng hỗ trợ bảo vệ an toàn cho trẻ em thì chế độ Idling stop cũng được kích hoạt cùng. Lúc xe đang chạy mà dừng lại khoảng 3 giây thì chức năng Idling stop sẽ điều khiển tắt xe tạm thời, hệ thống hỗ trợ an toàn cho trẻ em sẽ điều khiển ngắt không cho xe nổ máy trở lại nếu có người vặn tay ga hoặc nhấn nút đề xe.

Khi em bé vặn tay ga hoặc nhấn nút đề xe thay vì xe nổ máy thì sẽ có tiếng còi vang lên, báo hiệu cho người lái xe biết là em bé đang có hành động nguy hiểm. Chỉ khi người lái xe tắt khóa điện của xe và bật khóa trở lại thì xe mới hoạt động bình thường. Hệ thống hỗ trợ an toàn này sẽ giúp bảo vệ trẻ em tránh những tai nạn rủi ro ngoài ý muốn.

Mạch được thiết kế nhỏ gọn, có tính thẩm mỹ, hoạt động ổn định, được đặt trong hộp chống nước, nút bấm và các giắc kết nối đều có khả năng chống nước, bảo đảm hoạt động tốt nếu bị tiếp xúc với nước. Việc điều khiển tín hiệu từ công tắc đề và cảm biến bướm ga đều sử dụng các giắc nối trung gian, không hề cắt dây điện của hệ thống điện trong xe máy. Do vậy khi không muốn sử dụng có thể tháo các giắc nối trung gian ra và hệ thống điện của xe sẽ hoạt động bình thường. Mạch được thiết kế sử dụng các linh kiện phổ thông, dễ kiếm, giá thành rẻ (tổng giá trị khoảng 300.000 đồng).

Nếu dự án được đầu tư nghiên cứu, chế tạo thành công sẽ góp phần hỗ trợ bảo vệ an toàn khi chở trẻ em bằng xe máy. Sản phẩm có thể được áp dụng rộng rãi cho các xe máy số tự động có chức năng Idling stop.

Em Đinh Nữ Yến Oanh, cho hay: "Trong quá trình thực hiện dự án, chúng em đã áp dụng được những kiến thức đã học vào thực tiễn. Cuộc thi KHKT thực sự là sân chơi rất bổ ích, giúp cho chúng em thỏa sức khám phá, khơi dậy trong mỗi chúng em niềm đam mê nghiên cứu khoa học".

“Sáng tạo KHKT là một trong những giải pháp để các trường học, cơ sở giáo dục gắn việc “học đi đôi với hành”, khơi gợi, phát triển trong mỗi HS những ý tưởng sáng tạo sát thực tiễn. Việc triển khai thực hiện các dự án KHKT cho thấy sự nỗ lực của các trường học trong thực hiện đổi mới phương pháp dạy và học, tạo điều kiện cho HS áp dụng kiến thức đã học vào thực tế, một trong những yêu cầu quan trọng của Chương trình giáo dục phổ thông 2018”, Phó Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo Hồ Giang Long cho biết thêm.
Nh.V

tin liên quan

Công bố cấu trúc định dạng đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025

Ngày 29/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức công bố cấu trúc định dạng đề thi và Đề minh họa cho cấu trúc định dạng đề thi của kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2025.

Công bố báo cáo thường niên 2023 về "Dạy và học ngoại ngữ tại Việt Nam"

Ngày 27/12, tại Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với Ban Quản lý Đề án Ngoại ngữ quốc gia tổ chức hội thảo công bố báo cáo thường niên 2023 với chủ đề "Dạy và học ngoại ngữ tại Việt Nam".

Từng bước khắc phục tình trạng thiếu giáo viên

(QBĐT) - Sáng 17/1, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức buổi gặp mặt giáo viên thuộc diện hợp đồng lao động theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ.