.

Đại tướng là Chủ tịch danh dự muôn đời của chúng tôi

Thứ Bảy, 12/10/2013, 08:08 [GMT+7]

(QBĐT) - Hầu như gặp bất kì một cựu chiến binh nào, tôi cũng thấy họ khoe với giọng đầy tự hào: Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Chủ tịch danh dự của Hội CCB Việt Nam đến 5 khóa liền đó! Còn ông Trần Văn Bường, Chủ tịch Hội CCB tỉnh thì dứt khoát khẳng định: “Đại tướng là Chủ tịch danh dự muôn đời của CCB chúng tôi, không phải 5 khóa mà là mãi mãi”.

Chúng tôi tới thăm nhà ông Trần Ngọc Hường, Nguyên Ủy viên BCH TW Hội CCB VN, Chủ tịch Hội CCB tỉnh giai đoạn 1992-2002. Trong sự tiếc thương vô hạn, ký ức về những lần gặp Đại tướng bị ngắt quãng bởi những giọt nước mắt không ngừng rơi. Mãi một lúc sau, ông mới bình tĩnh lại được.

Ông chậm rãi kể: Đã nhiều lần được gặp Đại tướng, trong chiến tranh lẫn thời bình, nhưng lần gặp nào, với ông cũng nhiều xúc cảm. Ông nhớ, trong dịp Đại hội Hội CCB Việt Nam lần thứ nhất, trước khi diễn ra đại hội, ông cùng các đại biểu đến thăm nhà riêng của Đại tướng. Trong sự tiếp đón niềm nở của gia đình, một số đồng chí nêu đề nghị Đại tướng giúp cho Hội CCB, làm Chủ tịch danh dự. Đại tướng nghiêm mặt lại nói: “Tôi có nghe đồng chí Đỗ Mười nói gì đâu. Việc này của Đảng, cựu chiến binh phải thận trọng.” Trên thực tế, trước đó, mấy ông đã vận động về việc bầu Đại tướng làm Chủ tịch danh dự. Chỉ nghe nói đến việc đó, ai cũng vui mừng, mong đợi.

Hôm đại hội diễn ra, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến, cả hội trường đứng dậy vỗ tay không dứt. Đại tướng vẫy tay bảo mọi người ngồi xuống. Đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười ôm Đại tướng, mời ông lên ngồi ghế Chủ tịch Đoàn. Đại tướng nói vui: “Chưa đại hội mà đã làm nhân sự rồi à?” Cả hội trường nghe được, cười vui vẻ... Từ lần đó, Đại hội suy tôn Đại tướng làm Chủ tịch danh dự Hội CCB Việt Nam.

Dâng hương tại ban thờ Đại tướng ở trụ sở Hội CCB tỉnh.
Dâng hương tại ban thờ Đại tướng ở trụ sở Hội CCB tỉnh.

Đại tướng căn dặn: “Điều quyết định là chúng ta phải giữ vững và phát huy được bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, giữ vững niềm tin, cống hiến trí tuệ và kinh nghiệm của mình vào việc phát triển và xây dựng đất nước. Điều đầu tiên quyết định là anh chị em CCB đã có phẩm chất, niềm tin, còn phải có tư duy đổi mới, “cựu mà không cũ”, huân chương đầy ngực mà không công thần tự mãn...”

Ông Trần Ngọc Hường cũng cho biết: Đại tướng đặc biệt quan tâm cựu chiến binh tỉnh nhà. Tháng 4, năm 1992, Hội CCB Quảng Bình tổ chức Đại hội lần thứ nhất, Đại tướng đã về dự. Không nói hết sự phấn khởi, xúc động của anh em cựu chiến binh trong tỉnh. Đó là một niềm vinh dự, tự hào lớn. Tôi với anh Thái Bá Nhiệm (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình) ra đón ông về hội trường họp. Đến nơi, thấy chị Đặng Bích Hà đang cắt lát chanh cho ông ngậm. Biết chúng tôi sang đón, Đại tướng bảo: “Chỗ đó tôi biết rồi, chi mà phải đón”. Phải nói rằng, Đại tướng sống cực kỳ đơn giản, không câu nệ. Kể đến đây, ông Hường lại khóc...

Chúng tôi buộc phải dừng câu chuyện, bởi theo bà Nguyễn Thị Đàm Phương- vợ ông, cho hay: Mấy ngày nay, ông đã khóc quá nhiều rồi. Có lúc, đang xem tivi thấy người ta nói chuyện đặt tên đường Võ Nguyên Giáp, không kìm được, ông nhà tôi khóc hu hu, con gái phải tắt tivi ngay lập tức. Tuổi cao (ông Hường nay đã 88 tuổi- PV), sức khỏe yếu mà ông cứ đòi con chở đi thắp hương cho Đại tướng.

Dịp Đại hội Hội CCB tỉnh lần thứ nhất, ông Nguyễn Thành Mỹ được bầu làm Ủy viên Thư ký, Thường trực Tỉnh hội. Ông kể: Đó là lần đầu tiên tôi được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp- người từ lâu tôi vô cùng ngưỡng mộ mà mới chỉ biết qua sách báo. Sau đó, quá trình làm việc, ra công tác Hà Nội, tôi được đến nhà riêng của Cụ. Trong nhà, của cải vật dụng không đáng kể gì, chủ yếu trưng bày các món quà lưu niệm, thơ, câu đối... mà mọi người tặng Cụ.

Lần nào gặp, Cụ cũng nhắc đi, nhắc lại: Trong chiến tranh đã chiến thắng quân thù, trong hòa bình, CCB phải vững quan điểm, lập trường; đề cao trách nhiệm, xây dựng Đảng, chính quyền, đất nước; giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, quan tâm đời sống CCB, nhất là vùng sâu, vùng xa, các thương bệnh binh,...

Quảng Bình còn nghèo khó nhưng giàu tiềm năng và người dân cần cù, chịu khó. Rồi Cụ nhấn mạnh: Cái gì thì cái, trước hết là phải đoàn kết. Sau đó, nhiều lần Đại tướng còn gửi thư về, căn dặn, chỉ bảo lực lượng CCB tỉnh nhà.

Những ngày này, khắp mọi miền quê, các CCB đang cùng hướng về một mối: Sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp- vị Tổng tư lệnh của họ trong thời chiến lẫn thời bình. Ông Trần Văn Bường, Chủ tịch Hội CCB tỉnh tâm sự: Có lẽ, không ai hiểu và thương những người lính chúng tôi bằng Đại tướng. Với chúng tôi, còn vinh dự nào lớn hơn, khi Đại tướng làm Chủ tịch danh dự Hội CCB. Ngay sáng ngày 5-10, Hội CCB tỉnh đã lập ban thờ vái vọng Đại tướng và sáng 7-10, chúng tôi cũng đã tổ chức đoàn dâng hương tưởng niệm tại nhà Đại tướng ở làng An Xá, Lộc Thủy.

Hiện hội đang phát động thi đua: "Biến đau thương thành hành động cách mạng, 103 ngày cao điểm", lập thành tích xuất sắc dâng lên anh linh Đại tướng. Và mãi sau này, chúng tôi nguyện làm việc hết mình theo lời căn dặn của Đại tướng, để xứng đáng với sự quan tâm, ưu ái mà người Chủ tịch danh dự kính mến đã dành cho chúng tôi.

Hương Lê