.

Quê hương Quảng Bình trong lòng bác Giáp

Thứ Tư, 09/10/2013, 16:15 [GMT+7]

(QBĐT) - LTS: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người con ưu tú của quê hương Quảng Bình đã đi xa. Trong niềm thương tiếc chung của đồng bào cả tỉnh, cả nước, nhà văn Nguyễn Thế Tường gửi đến tòa soạn loạt bài ghi chép về những kỷ niệm thể hiện tấm lòng của vị tướng huyền thoại với quê hương Quảng Bình. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

 

Đại tướng và tác giả.
Đại tướng và tác giả.

Về quê: Hỡi những ai đã từng xa làng lập thân, lập nghiệp từ thuở thiếu thời, thuở thanh niên, có nhớ chăng cảm giác của một ngày rong ruổi trên đường đời bỗng nhớ về nguồn cội, nơi chôn nhau cắt rốn, nhớ cây đa, bến nước, sân đình, nhớ mảnh vườn xưa có mẹ già run run đứng đầu ngõ ngóng con, có người cha ngày đêm trầm tư mặc tưởng dõi theo từng bước chân ta... để trở về, trong vinh quang thành đạt hay tàn tạ tủi hờn, thì cũng trở về.

Như nhà thơ Phùng Quán, về hôn lên mảnh đất làng tạ tội với quê hương, như nhạc sĩ Phú Quang “ vội vã trở về, vội vã ra đi”, hay như lời một ca khúc phương tây “trở về làng con trai yêu nhé, đón gió trong lành nơi làng quê...”... thì sẽ phần nào hiểu được tâm thế của một thanh niên trí thức rời làng từ tuổi thiếu niên, lập nghiệp lập thân, theo vĩ nhân cứu nước, đánh giặc ngoại xâm, dẫu ở chân trời góc biển vẫn luôn hai tiếng quê hương, lúc nào cũng tâm niệm: “Quảng Bình là nhà tôi, khi nào rảnh việc nước thì tôi về nhà”.

Có thể đó chính là tâm trạng thường trực của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngay trong lần về quê đầu tiên sau chín năm trận mạc, khi quê hương đất nước đã tương đối yên hàn.

Tôi nhớ rõ, năm 1959, một ngày nắng, chớm hè, 10 giờ sáng, thời khắc mà lũ trẻ bảy tám tuổi bắt đầu thấy nóng lưng muốn xuống sông tắm. Làng tôi bên tả ngạn Kiến Giang. Ngay bên kia sông là làng An Xá, quê hương của Đại tướng. Hồi ấy, cách sông trở đò, văn hóa làng khép kín, cái tin phong thanh Đại tướng về thăm quê chỉ bay đi trước đoàn xe chạy chậm dọc bờ sông chừng vài mươi phút đủ thời gian cho chúng tôi dám nhảy xuống lần đầu tiên vượt sông thỏa mãn tính hiếu kỳ. Con đường bờ sông vốn nhỏ, chỉ đủ cho bốn bánh xe.

Chúng tôi, lưng trần đầu ướt nhập ngay vào dòng người cuồn cuộn, chen lấn giẫm đạp cả hàng rào ven đường hy vọng tiếp cận thoáng chốc vài mươi giây chiếc xe của Đại tướng. May mắn thay! Với sự cố gắng và nhanh nhẹn con trẻ tôi đã có được vài mươi giây quý giá đó. Đại tướng đứng trên xe mui trần, một chiếc com-măng-ca được tháo bạt. Ông đứng thẳng, mặc lễ phục, đóng quân hàm quân hiệu, tay trái nắm thanh sắt khung xe, tay phải giơ ngang vành mũ, mắt nhìn thẳng nghiêm cẩn chào... đất quê... sông quê... người quê đang háo hức cuồng nhiệt. Trời nắng, bắt đầu nóng, có những dòng mồ hôi chảy từ gáy  xuống cổ, ông vẫn đứng chắc trên xe, tay phải giữ nghiêm trên vành mũ kêpi.

Khoảnh khắc- chân dung ấy in đậm trong ký ức trái tim tôi suốt thời thơ ấu. Nhập ngũ, mỗi lần chào theo kiểu nhà binh tôi đều bất giác lập tâm lập thế, ngón tay khép lại duỗi thẳng trên vành mũ, mắt nhìn thẳng... Ôi! Chả thế mà Napôlêông (hoàng đế Pháp) đã từng nói: “Trong mỗi người lính binh nhì đều có một viên thống chế”. Tôi không hề có ước mơ làm thống chế, chỉ là tình yêu và tôn trọng quê hương của vị Đại tướng dường như đã nhập hồn khiến tôi cũng gắng rèn luyện chiến đấu xứng đáng đứng trong đội quân “ huynh đệ chi binh” của thần tượng- Người Anh Cả.

Thói quen đứng trên xe mui trần hoặc mở cửa xe giao hòa với nhân dân hình như đã thành phong cách của Bác Giáp. Năm 1992, được đi theo Đại tướng nhiều ngày tôi đều thấy chỉ trừ trên những quãng đường dài, ở những nơi có đông người chào đón hoặc khi sắp tới điểm đến có người đón, Bác Giáp đều vội hạ kính hoặc mở cửa giơ tay chào.

Lần về quê sau cùng khi bác đã xấp xỉ tuổi 95, lộ trình trở ra Hà Nội sức khỏe không cho phép Bác đi ô tô, Bộ trưởng Đào Đình Bình đặc cách một toa tàu dành riêng cho Bác và gia đình. Sân ga Đồng Hới ba giờ chiều, cán bộ và nhân dân đi tiễn khá đông đứng trên sân ga. Tình cờ, tôi theo chị Võ Hồng Anh và chị Hoàng Ái Nhiên cùng lên toa. Tàu chưa chạy ngay mà còn dừng vài mươi phút. Cửa toa đóng kín để giữ điều hòa nhiệt độ.

Các nhà văn Quảng Bình thăm nhà lưu niệm Đại tướng tại An Xá.
Các nhà văn Quảng Bình thăm nhà lưu niệm Đại tướng tại An Xá.

Mặc dù qua cửa kính người dưới sân ga và người trên tàu vẫn nhìn thấy nhau nhưng Bác Giáp vẫn tỏ ra rất băn khoăn và kiên quyết yêu cầu mở cửa. Và, khi tàu chuyển bánh, người đi và người ở lại đã thoải mái bày tỏ sự lưu luyến chia tay trong cảnh “Những bàn tay vẫy những bàn tay/ Những đôi mắt ướt tìm mắt ướt...”

Tiếng quê: Thời hiện đại, giao lưu bốn bể, không khó lắm cũng gặp những người xa quê vài năm, vài mươi năm, khi trở về giọng nói đã ít nhiều pha tạp, cũng là lẽ thường. Nhưng, nếu xa nhà chưa lâu mà đã cố uốn giọng trong Nam ngoài Bắc lấy làm sang thì đôi khi gây phản cảm. Mặt khác, nếu ra đi xứ người mà vẫn bảo thủ cách phát âm trọ trẹ khó nghe với vốn từ địa phương tối cổ thì... có khi phải cần tới... phiên dịch.

Ra đi từ năm 14 tuổi, giao tiếp với nhiều nền, vùng miền ngôn ngữ văn hóa, thông thạo nhiều sinh ngữ, đến bách niên giai lão Bác Giáp vẫn giữ được căn cốt cách phát âm của người Quảng Bình có nắn âm cho tròn vành rõ tiếng nhiều sức lôi cuốn thuyết phục. Có thể gọi đó là một phương pháp “tự chuẩn” bằng cách dung hòa mọi yêu cầu. Trong giao tiếp với người quê hương hay trên diễn đàn quốc gia Bác Giáp đều loại bỏ những từ địa phương dị biệt khó hiểu, sử dụng vốn từ phổ thông hiện đại giản dị, tránh dùng từ hoa mỹ thái quá. Nhưng, sâu thẳm trong kí ức nếu được khơi lại cũng có những bất ngờ thú vị.

Trong chuyến Bác về thăm quê năm 1992, lúc chỉ có Bác, ông Trần Sự và tôi, Bác tặng tôi quyển trước tác “Thế giới còn đổi thay, tư tưởng Hồ Chí Minh sáng mãi”. Bác viết đề tặng “Thân tặng anh Trần Tường”. Ông Trần Sự cười vui: “Anh viết như ri là cách chào một mà được hai; thưa ôông tui về đã mụ”.

Bác nhìn ông Trần Sự thoáng một nét vui rồi cùng cười, lấy bút sửa lại. Dịp hội văn nghệ dự trại viết văn Đại Lải được đến thăm Bác tại tư gia 30 Hoàng Diệu (Hà Nội), đến mục Hò khoan Lệ Thủy do nhạc sĩ Nguyệt Ánh lĩnh xướng cầm cái, Bác Giáp chủ động xố và mọi người hòa theo “Ơ hơ khoan ơi là hố khoan ơi hò khoan...” Trong thoáng chốc, một không gian văn hóa dân ca quê hương được thiết lập ngay giữa trung tâm thủ đô. Lại có lần các nhà văn quê nhà được Bác sửa chữ trong xưng hô.

Nhân đại hội nhà văn toàn quốc, đoàn nhà văn Quảng Bình và Thừa Thiên Huế đến thăm và được hai bác tiếp. Trưởng đoàn đọc lời chào: “Kính thưa Đại tướng và phu nhân!”. Bác Giáp ngắt lời: “Đại tướng và cô Hà là được rồi”. Trưởng đoàn lại đọc: “Đoàn nhà văn chúng cháu...”. Bác lại ngắt lời: “Chúng tôi, nhà văn chúng tôi...”. Lời nhắc nhở thẳng thắn thân mật khiến các nhà văn tự tin làm cho cuộc gặp gỡ thăm viếng thoải mái đầy không khí thân tình quê hương gia đình.

(còn nữa)
Đồng Hới 6-10-2013

Nguyễn Thế Tường

 

“Vẻ đẹp đôi bờ sông Kiến Giang hôm nay có công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp”

Ông Nguyễn Tư Pháp, nguyên Bí thư Huyện ủy Lệ Thủy, người nhiều lần may mắn được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể: “Sáng 5-10-2013 tui mới biết tin Đại tướng vừa qua đời thông qua điện thoại của mấy anh em cán bộ đang công tác ở trên huyện, lúc đó tui đã bật khóc. Suốt buổi sáng hôm đó, tui cứ thấp thỏm chờ mấy đứa con đến chở về Nhà lưu niệm của Đại tướng để được gặp gỡ mọi người, chia sẻ buồn đau và thắp nén tâm nhang vĩnh biệt Đại tướng”.

Ông Pháp nói: “nếu như tui còn đi được, chắc tui đã chạy về Nhà lưu niệm của Đại tướng từ lâu rồi” (ông Pháp nói vậy bởi ông bị tai biến, việc đi lại rất khó khăn-PV). Rồi ông  tâm sự: Trong cuộc đời công tác, ông thấy mình quá may mắn vì cuộc đời đã nhiều lần được gặp gỡ và nghe Đại tướng góp ý trong việc lãnh đạo xây dựng phát triển quê hương.

Lần gặp nào, Đại tướng cũng ân cần hỏi han chuyện học hành của các cháu thiếu nhi, hỏi nông dân Lệ Thủy quê mình trồng cây thế nào, sản xuất ra sao và có tiến bộ không? Đại tướng quan tâm, ân cần chỉ bảo từng việc mà Đảng bộ huyện Lệ Thủy làm chưa tốt, việc còn chưa làm được như việc giải phóng hàng quán, vệ sinh môi trường trả lại nét đẹp tự nhiên cho sông Kiến Giang...

“Đại tướng là người nặng lòng với quê hương lắm. Cũng chính sự quan tâm nhắc nhở thường xuyên của Đại tướng đối với quê hương Lệ Thủy mà mọi công việc của huyện luôn có sự tiến bộ. Và những việc làm ấy người dân ở quê hương Lệ Thủy bảo rằng đó là dấu ấn của Đại tướng. Đơn cử như chuyện vệ sinh môi trường, giải phóng hàng quán bên sông Kiến Giang. Bao nhiêu năm liền huyện Lệ Thủy nỗ lực triển khai nhưng kết quả rất kém.

Đến khi nghe tin Đại tướng có gửi thư động viên cán bộ và nhân dân, người dân sinh sống dọc theo đôi bờ sông Kiến Giang đã nghiêm túc thực hiện công việc giải tỏa hành lang, lều quán bên sông, vệ sinh môi trường lòng sông... mà không có bất kỳ một đòi hỏi nào. Chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng đầu năm 2003, có 263 hàng quán của người dân dọc hai bên bờ sông đã được giải tỏa, môi trường dọc theo sông Kiến Giang được vệ sinh sạch đẹp. Vẻ đẹp đôi bờ sông Kiến Giang hôm nay có công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp....”- ông Nguyễn Tư Pháp tự hào kể với chúng tôi về Đại tướng.

Văn Minh

Đại tướng dặn dò phải luôn khiêm tốn, học hỏi, tăng cường rèn luyện để xứng đáng là người con quê hương Quảng Bình “Hai giỏi”

* Anh hùng LLVT Phạm Bá Hạt, xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch

Suốt 50 năm qua, kể từ khi là anh lính 25 tuổi, lần đầu tiên được vinh dự gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến nay, tôi luôn khắc sâu những lời dặn dò, dạy bảo của Đại tướng. Nay nghe tin Đại tướng mất, dù biết đây là quy luật tạo hóa, Đại tướng tuổi cao sức yếu đã lâu, nhưng suốt mấy ngày qua tôi không cầm được nước mắt.

Tháng 1-1967, khi đang là trung sỹ, tiểu đội trưởng Đồn 120 Công an vũ trang (nay là Đồn Biên phòng Roòn) tôi được tuyên dương Anh hùng LLVT, được ra Hà Nội dự lễ tuyên dương và được gặp Đại tướng. Cùng được tuyên dương Anh hùng trong đợt này tỉnh ta có mẹ Suốt, chị Khíu, chị Huế, chị Lý, anh Phương, anh A, anh Số và tôi.

Khi lễ tuyên dương xong, đồng chí Đặng Gia Tất, khi đó là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy dẫn đoàn đến báo cáo tình hình, thăm và chúc sức khỏe Đại tướng. Gặp những gương mặt tiêu biểu của quân và dân Quảng Bình vừa mới được tuyên dương Anh hùng, Đại tướng vui lắm, bắt tay chúng tôi thật chặt và căn dặn: “Các cô, các chú được tuyên dương Anh hùng là niềm tự hào của bản thân, của quê hương ta. Được tuyên dương Anh hùng là rất khó, rất quý giá, nhưng giữ được danh hiệu, bản chất của người Anh hùng càng khó hơn. Vì vậy, trở về trong đó, các cô, các chú phải luôn luôn tích cực, kiêm tốn học hỏi, rèn luyện, phấn đấu không ngừng để xứng đáng với truyền thống của LLVT, của quê hương”.

Trước khi đoàn ra về, Đại tướng còn dặn dò chúng tôi: “Đảng ta Anh hùng, nhân dân ta Anh hùng, Quân đội ta Anh hùng nên mới có các cô, các chú Anh hùng. Phải luôn khắc ghi điều này để phấn đấu, rèn luyện cho tốt hơn nữa”.

Lời Đại tướng Tổng Tư lệnh ân cần dặn dò trong lần ấy, cho đến nay, chưa một phút giây nào tôi dám lơi quên. Sau này, trong quá trình chiến đấu, rèn luyện và trưởng thành, đảm nhiệm cương vị là Chỉ huy trưởng lực lượng Biên phòng Quảng Bình, rồi làm đại biểu Quốc hội tôi đều khắc sâu lời dặn dò của Đại tướng để phấn đấu, rèn luyện cho xứng đáng với sự quan tâm, động viên của Đại tướng.

“Hình ảnh Đại tướng như vẫn còn thấp thoáng trên từng đường quê, ngõ xóm...”

* Ông Nguyễn Hữu Phi, thôn Bắc Nẫm, xã Cự Nẫm, huyện Bố Trạch

Trong lòng người dân Cự Nẫm, Đại tướng là một con người rất đỗi thân thương và gần gũi. Và có lẽ với Đại tướng, đất và người Cự Nẫm cũng để lại những dấu ấn đặc biệt, nên đã 5 lần quân và dân quê tôi vinh dự được đón bác về thăm. Là một người dân Cự Nẫm, tôi vô cùng tự hào về Đại tướng, một con người vĩ đại nhưng lại vô cùng trong sáng và bình dị...

Nghe tin Đại tướng đã đi xa giữa những ngày Cự Nẫm và nhân dân cả tỉnh đang nỗ lực vượt qua những khó khăn do thiên tai, người quê tôi không khỏi bàng hoàng. Tôi cũng thế, những hình ảnh của Đại tướng như vẫn còn thấp thoáng trên từng đường quê, ngõ xóm Cự Nẫm, từng lời căn dặn của Đại tướng vẫn còn in sâu trong tâm trí.

Cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Cự Nẫm do tôi và một số anh em chắp bút, ở những trang đầu có lời giới thiệu của Đại tướng, tôi vẫn nhớ như in từng lời: “Tôi hoan nghênh Đại hội Đảng bộ xã Cự Nẫm đã đề ra chủ trương viết lịch sử Đảng bộ giai đoạn 1945-2005 để giáo dục truyền thống cho các thế hệ. Tôi chúc Đảng bộ và đồng bào Cự Nẫm tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của mình, đoàn kết xây dựng Cự Nẫm trở thành “xã kiểu mẫu” của tỉnh Quảng Bình trong thời kỳ đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.

Đã 5 năm trôi qua từ khi Đại tướng viết những lời căn dặn ấy, tôi luôn tự nhủ mình phải cùng con cháu thực hiện tốt lời Đại tướng. Và các con tôi, đứa theo chân Đại tướng trở thành sĩ quan quân đội, người là cán bộ Nhà nước, nhưng dù ở cương vị nào, cũng đều mang theo truyền thống quê hương để không ngừng nỗ lực phấn đấu. Hôm nay, nghe tin bác mất, tôi không khỏi bùi ngùi, chỉ mong Đại tướng yên nghỉ thanh thản. Chúng tôi ở lại sẽ tiếp tục giáo dục, bồi đắp truyền thống quê hương cho con em như lời Người căn dặn...