.

Chỉ còn là nỗi nhớ niềm thương...

Thứ Năm, 10/10/2013, 09:13 [GMT+7]

(QBĐT) - Ba tôi gọi điện thoại “con ơi bác Giáp đi thật rồi...” Tôi đáp lời ông rằng “con đã biết”. Rồi ông nghẹn ngào nói: “Cứ tưởng ốm đau không xem ti vi nên ba gọi. Mấy ngày sau bão, dù tất bật với rất nhiều công việc nhưng ai cũng mong chờ thư hỏi thăm động viên của bác. Ai ngờ, bác đã ra đi”.

Thế là từ đây Đại tướng đã mãi mãi đi xa và để lại trong lòng người dân Việt Nam nói chung, mỗi người Quảng Bình nói riêng niềm tiếc thương vô hạn. Tháng 10-2013 với người Quảng Bình đã trở thành một dấu ấn-dấu ấn của những đau thương bởi chưa hết bàng hoàng khi cơn bão số 10 đi qua để lại cho mảnh đất này những hoang tàn, đổ nát, lại phải đón nhận thêm một nỗi đau mới- Đại tướng-người con ưu tú của quê hương đã vĩnh viễn ra đi.

Dẫu biết chẳng thể chống lại quy luật sinh tồn tự nhiên của một đời người nhưng tin Đại tướng qua đời với mỗi người dân Quảng Bình-quê hương của Đại tướng lại là một nỗi đau quá lớn. Từ nay, làng quê nhỏ có tên An Xá, nơi có nếp nhà bình dị, đơn sơ của Đại tướng không còn được đón Người về thăm, không được nghe lời Người căn dặn... mà chỉ có những hoài niệm, những nỗi nhớ về một con người mà tên tuổi cùng  những chiến công đã làm rạng danh quê hương, đất nước.

Với cựu chiến binh Nguyễn Tấn Lực, bức ảnh này là tài sản vô giá của cuộc đời ông.
Với cựu chiến binh Nguyễn Tấn Lực, bức ảnh này là tài sản vô giá của cuộc đời ông.

Cụ Hoàng Quang Độ, cựu chiến binh phường Đồng Sơn bùi ngùi kể lại những lần được gặp Đại tướng khi cụ là một người lính. Đó là vào năm 1959, đơn vị của cụ nhận nhiệm vụ xây dựng một hạng mục quan trọng của Bệnh viện Quân đội 103. Trong không khí thi công khẩn trương để hoàn thành sớm công trình, cả đơn vị như vỡ òa niềm vui khi được người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam mà thế hệ những người lính như cụ thường gọi với cái tên thân mật là anh Văn đến thăm. Anh Văn hỏi han từng người, động viên anh em phát huy sáng kiến để hoàn thành tốt khâu khó, việc mới. Lời nào của anh cũng chân tình, giản dị. Vì thế mà anh em bộ đội ai ai cũng xem Đại tướng như người anh của mình...

Một năm sau, 1960, khi đơn vị của cụ ngày ấy nhận nhiệm vụ mới là nghiên cứu sáng tạo làm sao để xe ô tô kéo pháo có thể vượt đầm lầy ở đường 5- một công trình được xem là đặc biệt quan trọng và cũng được Đại tướng đến thăm. Từ ấy đến bây giờ, cụ chưa bao giờ quên được hình ảnh của Đại tướng, nhớ từng lời nói, dáng đi, nhớ cái bắt tay dính cả mồ hôi... Cụ nói: “Trong đời tôi, nếu nói về hạnh phúc thì đó là ngày tôi được đứng vào hàng ngũ quân đội và đau buồn nhất là khi mất cha, mất mẹ và bây giờ là mất Đại tướng. Tin Đại tướng-Anh Văn của chúng tôi từ trần làm tim tôi thắt lại, cái cảm giác đau đến nghẹn lòng như vừa mất đi một người ruột thịt...”

Hay tin Đại tướng qua đời, ông Nguyễn Tấn Lực năm nay 84 tuổi, cựu chiến binh Đoàn 559 khóc ròng. Con gái ông nói rằng, chưa bao giờ thấy ông buồn như vậy. Ngay cả sau bão tan, nhà ông sập đổ mất một phía, vườn tược xác xơ ông cũng động viên vợ con “còn người là còn tất cả, cốt sống sao cho vui, cho khỏe rồi có hai bàn tay là lại có nhà vững chãi, có cây cối mọc lên xanh tốt...”. Ấy thế mà hai ngày nay ông hết thẩn thờ nhìn ra cửa sổ lại vào thế giới riêng của ông là góc bàn nhỏ nơi có treo bức ảnh ông chụp chung với Đại tướng rồi cùng cây bút, quyển sổ ghi ghi, chép chép. Bữa cơm dọn ra ông chỉ nuốt vội vài ba miếng, đêm đêm trằn trọc không ngủ...

Hình ảnh Đại tướng cứ lấp đầy trong trí nhớ của ông. Đó là một ngày đặc biệt vào năm 1999 khi ông là thành viên Ban liên lạc Bộ đội Trường Sơn được ra Hà Nội thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng nhân dịp kỷ niệm 40 năm Đoàn 559. Trong buổi nói chuyện thân mật với Đại tướng, ông đã hát tặng Đại tướng những bài dân ca, tặng Đại tướng 2 tập thơ “cây nhà lá vườn” của mình... và đọc cho Đại tướng nghe bài thơ “Thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.

Bài thơ ngắn, mộc mạc vì viết theo kiểu “xuất khẩu thành thơ” với những câu cuối là “Điện Biên chiến thắng năm nào. Nay về thăm lại đồng bào rất vui...” mà ông đọc theo kiểu hát vần. Nghe xong, Đại tướng ôm chặt lấy ông, mắt Đại tướng rưng rưng niềm xúc động... Tất cả những kỷ niệm đó giờ đây đã trở thành nỗi nhớ, niềm thương để rồi tuôn trào nên những vần thơ có tựa đề “Vĩnh biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp” với những câu từ rất đỗi mộc mạc, đời thường.

Bài thơ có đoạn “Nghe tin Đại tướng mất rồi. Việt Nam-Thế giới ai thời tiếc thương. Vị tướng huyền thoại kiên cường. Đánh hai đế quốc ngoại phương quy hàng. Điện Biên chấn động vẻ vang. Đờ Cát đầu hàng, thắng lợi Giơ ne vơ...”

Bài thơ cứ thế dài ra với mạch nguồn cảm xúc là niềm tự hào về một vị tướng tài đã làm nên những chiến thắng vẻ vang của quân đội, nhân dân Việt Nam trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc. Rồi những câu cuối bài lại như từng nốt nhạc trầm buồn khi kể về hiện tại, về một sự thật rằng, vị tướng lừng danh ấy đã ra đi. Đó  là những câu thơ thật buồn để rồi không còn vần, còn tứ mà chỉ là lời tiếc thương vô hạn: “Mãi mãi biết ơn và vô cùng thương tiếc... Vĩnh biệt Đại tướng...” cùng những dấu chấm lửng, chấm than...

Chị tôi gửi email cho tôi rằng “Xem ti vi, đọc báo mạng, thấy dòng người đổ về Quảng Bình và chị ở Hà Nội cũng hòa với dòng người đổ về Ba Đình, lặng lẽ đi về trước ngôi nhà số 30 đường Hoàng Diệu với những dòng nước mắt, tiếc thương. Em à, không chỉ ở quê em đâu, mà chị nghĩ rằng, những người đang sống ở Hà Nội và nhiều nơi khác trên dãi đất hình chữ S này cũng bàng hoàng, thảng thốt khi Đại tướng mất. Nhưng em ơi, Đại tướng của dân tộc Việt Nam, người ông hiền từ nhân hậu của chị em mình vẫn sống mãi trong trái tim của mỗi chúng ta”.

Nhật Văn