.

Lính già khóc Tướng!

Thứ Năm, 10/10/2013, 14:48 [GMT+7]

(QBĐT) - Họ-những người lính rắn rỏi, dũng cảm, không hề nao núng trước quân thù, nay mềm lòng trước giây phút ly biệt với vị Tướng của lòng mình. Nhiều người đã không nén nổi tiếng khóc nghẹn ngào. Họ-đã từng đoàn kết một lòng dưới sự chỉ huy của Tổng tư lệnh, ào lên như vũ bão để giành lấy độc lập tự do cho Tổ quốc, thì nay đang lặng lẽ xếp hàng vào gặp Đại tướng lần cuối. Như những đứa em thăm người anh Cả, như con trẻ khóc vị Cha già.

 

Đã mấy ngày nay, ông Mai Văn Giá gần như không rời chiếc radio để ngóng tin tức về Đại tướng.
Đã mấy ngày nay, ông Mai Văn Giá gần như không rời chiếc radio để ngóng tin tức về Đại tướng.

Trong ngôi nhà nhỏ tại xã Cự Nẫm (Bố Trạch), ông Mai Văn Giá (SN 1916), cựu chiến binh từng vào sinh ra tử, lặng người khi nghe chúng tôi hỏi về những kỷ niệm với Đại tướng. Bà Nguyễn Thị Quý, vợ ông chống gậy đi ra đi vào kể: "Suốt mấy ngày ni ông ấy cứ ôm lấy cái đài để nghe tin về bác Giáp". Chiếc radio nhỏ chạy bằng pin phát ra những âm thanh khọt khẹt khó nghe, ông phải nghiêng tai chăm chú mới theo dõi được tin tức.

Ông kể: Mấy bữa trước tui đau phải đi nằm viện, nghe họ kháo nhau rằng Đại tướng đã mất. Lúc đầu nghĩ chắc là tin đồn như mọi lần, nhưng mấy người nhắc đi nhắc lại, tui bồn chồn không yên, kêu mấy đứa con xin ra viện, về nhà lỡ may có điện mà coi ti vi, xem thử tin anh Giáp ra đi có chính xác không...

Về nhà, ông đã xác thực tin đau đớn ấy. Ông bảo, nghe tin anh ra đi, tui buồn không nói nổi. Rồi nhớ những chuyện ngày xưa. Dù không vinh dự được trực tiếp tham gia những trận đánh do Đại tướng chỉ huy, nhưng trong dịp ra thủ đô để gặp Bác Hồ năm 1964, tui đã may mắn được tiếp chuyện với Đại tướng. Tui nhớ mãi câu nói của Đại tướng, rằng "Một người cán bộ tốt thì Đảng tin, dân tin. Mình đã làm tốt rồi thì phải cố gắng để làm tốt hơn nữa, không được tự phụ. Ấy là anh đang nhắc nhở tui về chuyện HTX Cự Nẫm với danh hiệu lá cờ đầu toàn miền Bắc hồi ấy. Tui lúc đó chỉ là một anh chủ nhiệm HTX (sau khi bị thương, ông Giá xuất ngũ về công tác tại địa phương- PV), mà Đại tướng quan tâm nhắc nhở tận tình rứa, tui cảm động lắm.

Đại tướng cũng nói với anh Thoan (cố Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Tư Thoan - PV) rằng Quảng Bình "hai giỏi" được Trung ương khen, cả nước học tập, nhưng không vì thế mà lơ là, tự mãn. Cái chi tốt rồi thì phải phát huy, cái chưa tốt thì phải học hỏi, học ở cán bộ, học ở nhân dân. Đã mấy chục năm rồi, nhưng những lời anh căn dặn, tui thấm thía tới chừ... "Ước chi tui còn có sức khỏe để về thắp cho Đại tướng một nén hương..." -  Ông Giá nghẹn giọng.

Ông Mai Văn Giá chỉ là một trong hàng triệu người lính đang nghẹn ngào tưởng nhớ đến vị Tổng tư lệnh của mình. Có lẽ, trong dòng hồi tưởng về những năm tháng chiến đấu hào hùng của mỗi người lính, thì ký ức về Đại tướng Võ Nguyên Giáp càng sống động hơn bao giờ hơn hết. Nguyên Trung tá Hoàng Văn Đồng kể: ông đã từng là chính trị viên của một Tiểu đoàn ở Trung đoàn 174, Sư đoàn 316, lực lượng chủ chốt đánh tiêu diệt cứ điểm Đồi A1, cứ điểm khó đánh nhất trong tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Trong hành trang người lính, với ông, được tham gia trận Điện Biên Phủ chấn động địa cầu gắn liền với vai trò tổng chỉ huy của vị tướng tài ba lừng lẫy- Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một niềm vinh dự, tự hào. Ông bảo: Những truyền lệnh của Đại tướng qua mỗi trận chiến có sức hiệu triệu vô cùng lớn với lính tráng chúng tôi. Chúng tôi cảm thấy như được truyền thêm sức mạnh, niềm tin, sẵn sàng xả thân vì mục tiêu, lý tưởng chung là độc lập cho dân tộc và tạo nên một sức mạnh vô bờ bến. Đại tướng có vị trí quá lớn trong mỗi anh em cựu chiến binh. Thế nên, sự ra đi của Anh Cả Văn là sự mất mát vô cùng to lớn.

"Kể từ ngày được tin Đại tướng mất, điện thoại tôi gần như nóng máy vì các cuộc gọi của anh em cựu chiến binh", ông Trần Văn Bường- Chủ tịch Hội cựu chiến binh tỉnh chia sẻ. Ông tiếp: Đầu tiên là họ hỏi xem thông tin có chính xác không, nhiều người không muốn tin vào điều đó, dù biết Đại tướng ốm đã lâu rồi. Sau đó, anh em các nơi gọi về hỏi xem tang lễ ra sao, tổ chức Hội Cựu chiến binh có hoạt động gì không? Họ yêu cầu lập ban thờ tại các xã để họ được thắp hương vái vọng, vì nhiều anh em ở xa, sức khỏe yếu, điều kiện đi lại khó khăn.

Anh Nguyễn Văn Lãnh, nguyên Chủ tịch Hội CCB phường Đồng Mỹ còn điện cho tôi bảo: Cuộc đời chúng tôi gắn liền tình cảm với Đại tướng như người cha, người anh. Nếu không cho thì chúng tôi lập ban thờ ở nhà mình. Và thực tế, có nhiều nơi, các cựu chiến binh đã tự lập ban thờ trong nhà để thờ Đại tướng. Ông Bường chùng giọng: "Tôi biết, tình cảm của anh em cựu chiến binh chúng tôi đã quá sâu nặng với Đại tướng rồi...!"

Trong buổi chiều muộn ngày 5-10, tình cờ chúng tôi nghe được câu chuyện giữa hai người cựu binh. Một người thở dài bảo "Ờ, cuối cùng thì cũng đến ngày phải tiễn bác đi. Biết là tuổi già ai cũng phải qua đò ni, nhưng vẫn thương quá...". Người kia tiếp lời "Nghe tin Đại tướng sẽ được an táng ở quê, tui mừng lắm! Rứa là sau này lính tráng bọn mình sẽ có điều kiện để thăm viếng bác thường xuyên hơn...". Rồi "Tiếc là bọn mình chưa một ngày được chiến đấu dưới sự chỉ huy trực tiếp của Đại tướng. Nhưng kể chi, tui nghĩ ai từng một ngày làm lính, thì đều là lính của tướng Giáp, vì bác là Tổng tư lệnh mà...". Hai người lính già nâng ly rượu trong bóng chiều nhập nhoạng, ánh mắt rưng rưng...

Kể từ sáng đầu tiên sau hôm Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi, ngôi nhà tuổi thơ của ông đã đón những bước chân của những cựu chiến binh. CCB Hà Văn Sơn, 77 tuổi đến từ huyện Quảng Ninh, phủ phục trước bàn thờ Đại tướng khóc nức nở. Ông nói như hờn dỗi, trách móc Đại tướng: "Cùng là lính của Đại tướng, rứa mà con chưa một lần được gặp Người. Giờ gặp ở đây, răng Đại tướng không nói gì với người lính già này câu nào". Nhiều người đã không cầm nổi nước mắt trước những lời ai điếu nghẹn ngào của ông.          

Trong dòng người đổ về ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu (Hà Nội) hay ngay tại ngôi nhà ở làng An Xá (Lộc Thủy, Lệ Thủy) thì hình ảnh những người lính năm xưa về viếng vị Tướng-thủ lĩnh tinh thần của mình luôn gây sự xúc động mạnh. Họ-những người lính rắn rỏi, dũng cảm, không hề nao núng trước quân thù, nay mềm lòng trước giây phút ly biệt với vị Tướng của lòng mình. Nhiều người đã không nén nổi tiếng khóc nghẹn ngào. Họ-đã từng đoàn kết một lòng dưới sự chỉ huy của Tổng tư lệnh, ào lên như vũ bão để giành lấy độc lập tự do cho Tổ quốc, thì nay đang lặng lẽ xếp hàng vào gặp Đại tướng lần cuối.

Như những đứa em thăm người anh Cả, như con trẻ khóc vị cha già. Không dễ có một vị tướng nào trên thế giới lại chiếm trọn tình cảm của những người lính như Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Không chỉ bởi tài thao lược quân sự vượt trội được cả thế giới ngưỡng mộ, mà còn bởi sự khoan dung, đức độ cũng như tình yêu thương dành cho người lính. Với họ, Đại tướng luôn sống mãi với non sông Việt Nam, với lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc, với tình yêu thương, sự kính trọng của những người lính.

Hương Lê - Ngọc Mai