.

Quê hương Quảng Bình trong lòng bác Giáp

Thứ Năm, 10/10/2013, 10:33 [GMT+7]

(QBĐT) - Với những chi tiết đời thường thì bác Giáp lại ứng xử giản dị thoải mái. Bác về làng, xuống xe ngay bến nước cách ngôi nhà tổ phụ vài bước chân, lòng xốn xang bao cảm xúc của người con đi xa hàng chục năm nay mới trở về.

>> Quê hương Quảng Bình trong lòng bác Giáp

Thương về Hạc Hải

Những năm đầu của thế kỷ mới này, mặc dù đã qua tuổi chín mươi, bác Giáp vẫn theo dõi và góp nhiều ý kiến xác đáng vào một số vấn đề trong quy hoạch và sử dụng tài nguyên, đặc biệt là môi trường sinh thái. Bác luôn đau đáu về vấn đề  bảo vệ và sử dụng phá Hạc Hải, một vùng nước lợ quý giá rộng tới bốn nghìn ha.

Một thời, hạt gạo hiếm hoi, tất cả cho sản xuất lương thực, chúng ta đã làm thủy lợi ngăn mặn, mặc nhiên thay đổi môi trường tự nhiên khiến một số loài động thực vật quý hiếm có nguy cơ giảm sút nghiêm trọng dẫn đến tuyệt chủng, người bình dân mất một nguồn thu nhập từ thiên nhiên ban tặng.

Trên diễn đàn và trong các cuộc trao đổi trực tiếp bác đã góp ý cụ thể về vấn đề này. Nhưng rồi, có thể cuộc sống bộn bề nhiều lo toan, tập thể lãnh đạo tỉnh cũng chưa có tác động thực tiễn. Có lẽ sốt ruột sợ thêm một ngày là Hạc Hải dần thêm nguy cơ nên một lần chị Võ Hồng Anh từ Hà Nội vào thẳng đến nhà tôi đề nghị cùng tìm gặp lãnh đạo tỉnh để truyền đạt ý kiến của bác.

Tối muộn, tôi cùng chị đến nhà ông Phan Lâm Phương, Chủ tịch tỉnh, nối máy để ông Phương tiếp chuyện bác ở Hà Nội. Nhìn thái độ và nội dung trả lời của ông Phương, tôi và chị Hồng Anh đoán được chắc bác Giáp đã sốt ruột lắm. Không lâu sau, khi chị Hồng Anh đã trở ra Hà Nội, ông Chủ tịch tỉnh đã chủ trì một cuộc họp các trưởng đầu ngành bàn và đối thoại với nhà báo. Tôi và nhà báo Minh Toản, nhà nghiên cứu Văn Tăng được mời, trao đổi đối thoại khá thẳng thắn, có kết luận khá cụ thể. Cũng không lâu sau đã khởi động một dự án can thiệp có hiệu quả thực tiễn vào quá trình sử dụng phá Hạc Hải.

Đại tướng về thăm nhà tại làng An Xá - Lệ Thủy.
Đại tướng về thăm nhà tại làng An Xá - Lệ Thủy.

Dịp về thăm quê dài ngày vào năm 1992, khi nghe trong báo cáo kinh tế – xã hội của tỉnh có điển hình nhân giống cây rừng, bác Giáp liền dành thời gian đến thăm. Ông Lý, một nông dân huyện Bố Trạch và gia đình vô cùng cảm động và tự hào đón đại tướng, phu nhân và đoàn cán bộ tại nhà riêng và trang trại gia đình.

Bác Giáp lắng nghe chăm chú cách nhân giống và phát tán cây hụynh, một loại cây gỗ quý, cùng chủ nhà đi lại khá lâu dưới bóng rợp của vườn hụỵnh cổ thụ và vườn ươm cây con. Bác thân tình đề nghị ông Lý điều mà bây giờ ta gọi là “chuyển giao công nghệ”, nghĩa là hướng dẫn và giúp đỡ bà con trong khu vực cùng làm. Cho đến thời điểm ấy, chúng ta vẫn hầu như chỉ quen nhìn bác Giáp trong chân dung và hào quang của một vị danh tướng mà chưa nhớ rằng bác đã từng phụ trách khoa học công nghệ và đã có uy tín lớn trong giới khoa học trên cả nước. Thời trai trẻ, bác đã là cử nhân luật, nhà giáo, nhà báo, hoạt động nổi tiếng trong nhiều lình vực.

Quan sát cách bác tiếp xúc, lắng nghe, trao đổi về việc nhân giống cây rừng, trong tôi mơ hồ như đã gặp một hình ảnh khác, cũng gần gũi thân thuộc và đầy sức thuyết phục. Mãi khá lâu về sau, tôi mới giải mã được hình bóng thấp thoáng gợi nhớ từ tác phong của bác Giáp chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh – người thầy của các thế hệ cán bộ cách mạng mà bác Giáp là một trong những học trò xuất sắc nhất.

Điều đó tưởng cũng không có gì lạ khi mà bác Giáp đã theo Người trong suốt hành trình cứu nước giữ nước, một cách tự nhiên mang phong cách của Người khi về lại mảnh đất quê hương. Kết quả của chuyến viếng thăm cũng như những động thái tích cực của địa phương đã có những thành quả đáng vui mừng: Từ một vườn cây đã thành nhiều khu rừng, những người con của ông Lý ngày nay sở hữu những khu rừng rất có giá trị kinh tế, xây nhà cao tầng khang trang, cuộc sống rất ổn định.

Hẳn trong ký ức họ còn lưu giữ hình ảnh vị tướng già đầu bạc đã đến thăm gia đình khi họ còn là những đứa trẻ, cùng thân phụ của họ, tha thẩn dạo vườn trao đổi thân tình như hai người bạn vong niên. Đó cũng là niềm hạnh phúc mà không phải ai cũng có cơ hội gặp được.

Quang minh chính đại và bình dị

Cũng trong dịp về thăm quê năm 1992, bác Giáp lên nghĩa trang liệt sĩ thắp hương viếng mộ cụ thân sinh: Liệt sĩ Võ Quang Nghiêm. Năm 1947, cụ Võ Quang Nghiêm bị giặc Pháp bắt đưa vào giam ở nhà lao Thừa Phủ. Sau nhiều thủ đoạn khảo tra không có kết quả, bọn Pháp đã hèn hạ thủ tiêu cụ. Cơ sở kháng chiến của ta ở Thừa Thiên Huế đã bí mật mai táng thi hài cụ dưới chân núi Ngự Bình.

Năm 1979, dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Bình Trị Thiên mà trực tiếp là đồng chí Phó Bí thư Thường trực Thái Bá Nhiệm, chúng ta đã cát táng thi hài cụ về nghĩa trang liệt sĩ quê nhà trên đồi xã Mai Thủy. Cũng trong thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp, cụ bà được lực lượng kháng chiến đưa ra vùng tự do, sau khi mất được mai táng ở một tỉnh phía bắc. Sau khi dâng hương lên phần mộ thân phụ trong nghĩa trang liệt sĩ, một mình bác Giáp đi vòng ra quả đồi phía sau tìm nơi cát táng cụ bà.

Dịp ấy, đã có ý kiến dè dặt đề nghị để cụ bà yên nghỉ cạnh cụ ông trong nghĩa trang. Với công lao to lớn của Đại tướng đối với đất nước quê hương cũng như ảnh hưởng lớn của cả gia đình dòng tộc, ý kiến nhân văn này cũng hữu lý. Nhưng, bác Giáp, với tư cách con trưởng và là cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã không đồng tình với gợi ý trên đây mà vui lòng tìm mảnh đất trên đồi sau nghĩa trang làm nơi yên nghỉ của thân mẫu.

Sau đó không lâu, tôi được Văn phòng Ủy ban tỉnh gọi đi quay tư liệu lễ cát táng cụ bà do bác Võ Thuần Nho và chị  Võ Hồng Anh lo liệu tại đúng nơi bác Giáp đã chọn. Một mảnh đất nhỏ cho cha mẹ cũng được bác Giáp xử trí phân minh, không lạm dụng uy tín bản thân, thật đáng ngưỡng mộ thay!

Với những chi tiết đời thường thì bác Giáp lại ứng xử giản dị thoải mái. Bác về làng, xuống xe ngay bến nước cách ngôi nhà tổ phụ vài bước chân, lòng xốn xang bao cảm xúc của người con đi xa hàng chục năm nay mới trở về. Vậy mà, khi nghe chúng tôi đề nghị bác và gia đình dừng lại chờ tổ làm phim chọn góc quay cho phim tài liệu “Trở về mái nhà xưa” thì bác rất vui lòng làm theo hướng dẫn như một cụ già hiền lành và dễ tính nhất.

Kể cả sau đó, cần cho cảnh quay, bác thoải mái và hết sức tự nhiên diễn cảnh tha thẩn trong vườn nhà, sờ tay lên từng cành khế gốc mít, xuống bến sông khỏa nước cầm chèo... như chưa hề đã từng có gần bảy mươi năm xa làng xóm quê hương bản quán...

Đồng Hới 8-10-2013
 Nguyễn Thế Tường

Tuyên Hóa ghi sâu lời Đại tướng

Ông Hoàng Minh Đề, Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa

Đại tướng Võ Nguyên Giáp được người dân Việt Nam nhiều thế hệ yêu mến, kính trọng bởi tài năng cũng như sự gần gũi, bình dị trong cuộc sống. Sinh thời mặc dù bận trăm công nghìn việc, khi đang công tác cho đến khi tuổi già sức yếu, bao giờ Đại tướng cũng luôn hướng về quê hương, tình cảm mà Đại tướng dành cho quê hương Quảng Bình thật chân thành và giản dị.   

Mỗi khi quê hương bị thiên tai lũ lụt, Đại tướng kịp thời thăm hỏi, động viên nhân dân đoàn kết, thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn. Những lần về thăm quê, điều đầu tiên mà Đại tướng căn dặn lãnh đạo tỉnh nhà là phải quan tâm đến thế hệ trẻ, đến cuộc sống của người dân, vận động nhân dân định canh, định cư, quan tâm vấn đề trồng cây gây rừng, bảo vệ và làm giàu hệ sinh thái. Những lời động viên chân thành và giản dị, những lời nhắc nhở ân cần của Đại tướng như tiếp thêm sức mạnh tinh thần để nhân dân Quảng Bình nói chung, cũng như người dân Tuyên Hóa nói riêng vượt qua bao khó khăn thử thách để không ngừng nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng đổi mới.

Những ngày đầu tháng mười, cũng như bao người dân Quảng Bình khác, người dân Tuyên Hóa đang phải gồng mình gánh chịu hậu quả cơn bão số 10 gây ra. Sau những mất mát lớn lao, khi hậu quả thiên tai vẫn còn rất nặng nề, nỗi đau do bão lũ gây ra chưa nguôi, người dân Tuyên Hóa ai ai cũng bàng hoàng, thêm một nỗi đau tinh thần quá lớn khi được tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần. Sự ra đi của Đại tướng đã để lại muôn vàn tiếc thương, mất mát với hàng triệu người dân Việt Nam nói chung, người dân Quảng Bình, Tuyên Hóa nói riêng.

Vượt lên mất mát, đau thương, Tuyên Hóa ghi sâu lời Đại tướng một lòng đoàn kết vượt qua khó khăn thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2013 và những năm tiếp theo, trước mắt, tập trung khắc phục hậu quả nặng nề do cơn bão số 10 gây ra, sớm ổn định đời sống của nhân dân; chuẩn bị các điều kiện thiết yếu để tổ chức sản xuất có hiệu quả vụ đông- xuân 2013 – 2014, quyết tâm xây dựng quê hương Tuyên Hóa ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Xin kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn Đại tướng vĩ đại!

Ông Lê Minh Tuyên, Tỉnh ủy viên, Chánh Thanh tra tỉnh

Đã từng là người học sử và dạy lịch sử, càng tìm hiểu nhiều, tôi càng hết sức ngưỡng mộ, tự hào và tôn kính Đại tướng Võ Nguyên Giáp- người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại và là người con ưu tú của quê hương Quảng Bình. Lịch sử đấu tranh hào hùng, vẻ vang giành tự do, độc lập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong suốt thế kỷ 20 luôn gắn bó với công lao to lớn và trí tuệ phi thường của Đại tướng.

Tên tuổi của Đại tướng đã vượt ra ngoài biên giới của quê hương, đất nước và đã được nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới, kể cả kẻ thù cũng phải nghiêng mình kính phục. Ở Đại tướng còn thể hiện sự tuyệt vời về ý thức tổ chức kỷ luật, trách nhiệm, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Dẫu biết rằng, quy luật “Sinh, lão, bệnh, tử” thì không một người nào tránh khỏi, nhưng khi nghe tin Đại tướng mất, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi, thương tiếc, cảm thấy có sự mất mát rất lớn.

Chúng tôi xin nguyện một lòng đoàn kết, nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật, tích cực tu dưỡng rèn luyện, học tập, nghiên cứu để phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng quê hương Quảng Bình ngày càng giàu mạnh như ước nguyện thiêng liêng và cháy bỏng của Đại tướng.

Xin kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn Đại tướng vĩ đại!

Đại tướng là niềm tự hào của dân tộc, của quê hương

Anh Nguyễn An Bình, cán bộ Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Quảng Trạch

Năm 2005, tôi là thành viên trong đoàn đại biểu thanh niên Quảng Bình tham dự Đại hội đại biểu Hội LHTN Việt Nam, nhiệm kỳ 2005- 2010 tại Hà Nội. Sau khi đại hội bế mạc, đoàn đại biểu thanh niên tỉnh ta đã đến thăm, tặng hoa và chúc sức khỏe Đại tướng ở nhà riêng- số 30, Hoàng Diệu.

Lúc này sức khỏe của Đại tướng còn tốt lắm, Đại tướng ra phòng khách ngồi trò chuyện với chúng tôi gần 1 giờ đồng hồ, không khí thật ấm cúng, chan hòa, thân tình như không hề có khoảng cách giữa một vị Đại tướng lừng danh năm châu bốn biển, một danh nhân của đất nước, của thế giới và chúng tôi, những thanh niên tiêu biểu của quê hương Quảng Bình.

Trong cuộc trò chuyện, Đại tướng ân cần hỏi thăm hình hình thanh niên Quảng Bình, những phong trào mà thanh niên tỉnh ta làm tốt, có ích cho xã hội. Đại tướng nói: “Thanh niên tỉnh nhà phải xung kích đi đầu trong học tập, rèn luyện, công tác, phải luôn phát huy được tinh thần sáng tạo, xung kích của tuổi trẻ, tinh thần đoàn kết và truyền thống của quê hương để góp phần dựng xây quê hương, đất nước giàu đẹp”.

Lần đầu được gặp, được bắt tay, được nghe vị tướng huyền thoại mà rất đỗi gần gũi, đời thường trò chuyện, căn dặn đã để lại ấn tượng không thể phai mờ trong tôi, khiến tôi hết sức xúc động và tự hào. Ghi sâu lời Đại tướng, khi trở về quê hương, với cương vị là Bí thư Huyện đoàn, Chủ tịch Hội LHTN, tôi đã luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, cùng với tập thể Ban chấp hành, Ban Thường vụ Huyện đoàn triển khai được nhiều phong trào, chương trình tình nguyện của thanh niên Quảng Trạch rất có hiệu quả, ý nghĩa, được cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân đánh giá cao.

Đại tướng mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc, của quê hương...

"Khắc sâu những lời dạy của Đại tướng"

Ông Đinh Mạnh Thường, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Minh Hóa

Qua 103 mùa xuân, bác Giáp của chúng ta đã đồng hành cùng với non sông đất nước. Nhưng rồi con người ta cũng phải trải qua quy luật sinh - lão - bệnh - tử. Tuổi cao sức yếu, Đại tướng ra đi. Quảng Bình của chúng ta vừa bị cơn bão số 10 tàn phá xác xơ thì nay phải nhận thêm tin buồn: Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã mất. Bản thân tôi cũng từng là một người lính, vào sinh ra tử.

Những ngày đó, dưới sự chỉ đạo tài tình và những lời động viên của Đại tướng như giúp tôi có thêm động lực, nhuệ khí để chiến đấu và chiến thắng. Dù chưa gặp trực tiếp Đại tướng, nhưng qua các phương tiện truyền thông đại chúng, tôi đã học được ở Đại tướng rất nhiều điều. Nhất là trong công việc phải biết chịu thương, chịu khổ, sống hết mình vì nhân dân, lấy dân làm gốc để vượt qua những khó khăn thử thách; hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.

Khi đất nước hòa bình, những người lính- người em của Đại tướng như chúng tôi vẫn luôn khăc sâu lời dạy của người anh cả, phải sống đức độ, bao dung, vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ.