.

Nhân dân Quảng Bình nhớ thương Đại tướng

Thứ Hai, 07/10/2013, 19:40 [GMT+7]

(QBĐT) - Đại tướng Võ Nguyên Giáp là học trò xuất sắc của Bác Hồ, là vị tướng huyền thoại văn võ song toàn luôn dành muôn vàn tình yêu thương cho quê hương Quảng Bình.

"Đại tướng luôn dành tình yêu thương cho quê hương Quảng Bình"

* Đồng chí Thái Bá Nhiệm, 85 tuổi, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp là học trò xuất sắc của Bác Hồ, là vị tướng huyền thoại văn võ song toàn luôn dành muôn vàn tình yêu thương cho quê hương Quảng Bình. Tuy biết Đại tướng đau ốm đã lâu nhưng bản thân tôi cũng như mọi người ai cũng mong bác Giáp sống lâu muôn tuổi, nên khi nghe tin bác Giáp qua đời thật hết sức đau xót và đột ngột quá. Đây là sự mất mát lớn không gì bù đắp nổi của cả đất nước, của cả quê hương Quảng Bình. Khi nghe tin bác Giáp mất, mọi người thương tiếc vô hạn.

Vợ chồng chúng tôi đã chuẩn bị ảnh thờ để thắp hương tưởng niệm bác Giáp tại nhà riêng. Tôi nguyên là cán bộ trong quân đội, đã chiến đấu dưới sự chỉ huy của vị Tổng tư lệnh tài ba, người Anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nội thân gia đình tôi là bà con với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi gọi Đại tướng bằng ông. Cũng nhờ ảnh hưởng từ Đại tướng Võ Nguyên Giáp nên tôi được giác ngộ cách mạng rất sớm. Gia đình tôi ở An Thủy, chỉ cách nhà ông Giáp con sông Kiến Giang.

Hồi còn nhỏ, bà ngoại tôi vẫn thường dắt tôi sang nhà ông Giáp để thăm cố, bà khuyên tôi nên theo gương ông Giáp để làm cách mạng. Hồi đó tôi chỉ biết về ông Giáp qua lời kể của những người bà con. Tháng 5 năm 1945, tôi tham gia cách mạng. Năm 1953, tôi làm chính trị viên Tiểu đoàn 347 thuộc Trung đoàn 95, chiến đấu ở mặt trận đồng bằng Bắc Bộ, phối hợp cùng Chiến dịch Điện Biên phủ.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp ảnh lưu niệm với vợ chồng bác Thái Bá Nhiệm.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp ảnh lưu niệm với vợ chồng bác Thái Bá Nhiệm.

Tháng 8 năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên phủ,  tôi được dự Hội nghị tổng kết Chiến dịch Điện Biên phủ. Đó cũng là lần đầu tiên trong đời tôi được gặp Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thấy Bác và Đại tướng xuất hiện, cũng như bao đại biểu dự hội nghị, chúng tôi ùa cả dậy vỗ tay vui mừng chào đón vị lãnh tụ Hồ Chí Minh kính yêu và vị Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp.

Thời điểm này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp mới 43 tuổi, trông rất trẻ, niềm vui rạng ngời luôn thể hiện ở gương mặt sáng của một vị tướng tài ba sau chiến thắng lịch sử Chiến dịch Điện Biên Phủ. Kể từ thời điểm đó đến Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975, khi được giao nhiệm vụ Chủ nhiệm chính trị Quân đoàn 3 Mặt trận Tây Nguyên, tôi luôn được chiến đấu dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn là động lực tinh thần giúp chúng tôi vượt lên mọi khó khăn ác liệt trong chiến trường. Là một trong những chiến lược gia quân sự tài năng nhất và là một trong những vị tướng nổi tiếng nhất thế giới, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã lãnh đạo quân đội ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đại tướng là học trò xuất sắc của Bác Hồ. Đại tướng hết mực yêu thương chiến sỹ. Tình yêu thương ấy thật bao la như trời biển.

Tôi được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhiều nhất là khoảng thời gian sau khi tỉnh Quảng Bình trở về địa giới cũ. Sau năm 1990, Đại tướng đã nhiều lần về thăm quê hương Quảng Bình, thăm bà con huyện Lệ Thủy. Nói sao hết được tấm lòng của Đại tướng với quê hương. Mỗi lần nói chuyện với Đảng bộ, nhân dân tỉnh nhà, Đại tướng đều mong muốn Quảng Bình thi đua thực hiện thật tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu, phát huy truyền thống của quê hương “Hai giỏi”, đặc biệt phải luôn đoàn kết, năng động sáng tạo vươn lên xây dựng quê hương giàu đẹp văn minh.

Mỗi khi về quê, Bác Giáp luôn ân cần thăm hỏi, động viên con cháu cố gắng học giỏi, trau dồi đạo đức phấn đấu thực hiện tốt 5 điều Bác Hồ dạy. Đối với cán bộ, Đại tướng luôn nhắc đi nhắc lại lời dạy của Bác Hồ: Đặt việc nước, việc Tổ quốc lên trên hết, tất cả vì lợi ích của Đảng, hạnh phúc của nhân dân.

Năm 1949, tôi có mối tình đầu với một nữ quân nhân 19 tuổi tên là Trương Thị Lệ Chi (vợ tôi bây giờ) nhưng do hoàn cảnh chiến tranh, kẻ bắc người nam mất liên lạc nên mối tình gặp trắc trở. Mãi đến năm 1957 hai chúng tôi mới được gặp lại nhau thì ai cũng đã có gia đình riêng. Thời gian trong kháng chiến chống Pháp, Lệ Chi công tác ở Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu cùng sinh hoạt Hội Phụ nữ với chị Hà (vợ Đại tướng Võ Nguyên Giáp).

Năm 1995, tôi lập gia đình với người yêu cũ của tôi, nối lại mối tình xưa sau hơn 45 năm trắc trở, là hạnh phúc của hai cựu chiến binh. Năm 1996, hai vợ chồng tôi ra thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng rất mừng trước hạnh phúc của chúng tôi và đã ân cần kéo hai vợ chồng chúng tôi chụp ảnh lưu niệm với vợ chồng Đại tướng. Vài tháng sau, Đại tướng đã nhờ người chuyển  bức ảnh đến tận tay vợ chồng tôi. Vợ chồng tôi rất cảm động trước sự quan tâm sâu sắc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp được an táng tại quê nhà là nguyện vọng chung của Đảng bộ và nhân dân quê hương Quảng Bình. Cũng như mọi người dân quê hương Quảng Bình, tôi mong muốn, cùng với tượng đài Bác Hồ, tượng đài Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ được đặt ở vị trí trang trọng nhất.  Bên cạnh đó, một con đường tại thành phố Đồng Hới và thị trấn Kiến Giang sẽ được mang tên vị tướng huyền thoại,người anh hùng dân tộc Võ Nguyên Giáp... 

Nhớ mãi hình ảnh một vị Đại tướng của lòng dân!

Là người cùng quê, cùng làng, lại có bà con thân thích và nhất là có một quãng thời gian dài được tiếp xúc trong công việc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông Trần Sự (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh) vẫn vẹn nguyên nhiều ký ức không thể nào quên.

Ở sát ngay cạnh nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nên từ khi là một cậu bé 9-10 tuổi, ông đã có dịp được gặp Đại tướng và vợ là bà Nguyễn Thị Quang Thái. Ấn tượng khi đó là về một thanh niên gần gũi, cởi mở, rất quan tâm đến bà con xóm giềng. Đặc biệt, bà Nguyễn Thị Quang Thái thường xuyên trò chuyện, chia sẻ với người dân xung quanh.

Sau này, khi bắt đầu vào con đường binh nghiệp, ông có nhiều cơ hội được tiếp xúc, làm việc với Đại tướng, dù là trực tiếp hay gián tiếp. Ông còn nhớ rõ trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, vào những năm 1953-1954, ông được cấp trên thông báo về một chỉ thị của Đại tướng về việc phải tăng cường đánh mạnh, đánh chắc, giam chân địch ở địa phương, chặt đứt con đường giao thông huyết mạch của địch. Đó là một chỉ thị ngắn gọn, đơn giản nhưng lại có sức mạnh tinh thần lớn lao, góp phần cổ vũ, động viên quân và dân tỉnh ta chiến đấu ngoan cường và giành thắng lợi.

Ông Trần Sự có cơ hội chính thức gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào năm 1956 khi Đại tướng vào thăm Quảng Bình. Từng chi tiết nhỏ nhất của cuộc gặp gỡ đó được ông lưu giữ mãi đến tận bây giờ. Ngay khi được đồng chí thư ký của Đại tướng gọi, 7h sáng, ông qua Văn phòng UBND tỉnh để gặp Đại tướng. Câu đầu tiên Đại tướng đã hỏi: “Anh chị trên nhà có khỏe không?”, sự quan tâm của Đại tướng dành cho hai cụ thân sinh của mình đã khiến ông rưng rưng nước mắt, nghẹn ngào.

Tiếp đó, Đại tướng ân cần hỏi thăm tình hình sản xuất, đời sống của bà con Quảng Bình và nhất là việc học hành của các cháu thiếu nhi. Ông gặp Đại tướng lần thứ hai vào những ngày đầu năm 1959. Thời điểm đó, Đại tướng đưa ra một tấm bản đồ và hỏi ông tỉ mỉ, cụ thể, tường tận về một con đường giao thông của tỉnh ta. Sau này, ông được biết con đường đó nằm trong kế hoạch mở đường Hồ Chí Minh lịch sử. Làm việc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đọng lại trong ký ức của ông là hình ảnh một vị tướng nghiêm khắc, nhưng rất gần gũi, chân tình, luôn biết lắng nghe, chia sẻ và tạo cảm xúc thân thiện, thoải mái, không gò bó cho người đối diện. Đặc biệt, dù xa quê hương nhiều năm, nhưng mỗi lần gặp ông, Đại tướng vẫn nhớ rõ nhiều bà con, họ hàng và luôn thường xuyên hỏi thăm, động viên.

Sau này nghỉ hưu, mỗi dịp ra Hà Nội, ông đều ghé thăm và được Đại tướng hỏi han rất kỹ về tình hình quê nhà, đời sống sản xuất, sinh hoạt của bà con. Lần cuối ông được gặp Đại tướng là khi Đại tướng đã vào an dưỡng tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Tại thời điểm đó, dù sức khỏe đã giảm sút, nhưng Đại tướng vẫn nói chuyện và tìm hiểu những đổi thay trong cuộc sống của người dân Quảng Bình.

Ngay khi nghe tin Đại tướng vĩnh viễn ra đi, dẫu biết đó là quy luật của tạo hóa, dẫu biết các bậc vĩ nhân, danh tướng trên thế giới sống thọ như Đại tướng đã là “xưa nay hiếm”, nhưng ông Trần Sự vẫn thấy bàng hoàng, thoảng thốt, đau đớn khôn nguôi. Tin Đại tướng sẽ được an táng tại quê nhà lại càng khiến ông thêm yêu quý, cảm phục, một con người vĩ đại suốt đời vì nước, vì dân và đến khi mất đi, vẫn đau đáu trở về với quê cha đất tổ, nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Mãi mãi, hình ảnh một vị Đại tướng của lòng dân sẽ được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

"Thương nhớ bác, tôi càng nỗ lực thực hiện tốt lời căn dặn của Đại tướng!"

* Ông Dương Viết Tuynh, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Đào Duy Từ.

Tôi cảm thấy mình là người rất may mắn khi đã bốn lần được gặp và chuyện trò cùng Đại tướng. Lần gặp đầu tiên là vào năm 1983, khi tôi là Hiệu trưởng Trường THPT Lệ Thuỷ. Lần thứ hai là năm 1993, tiếp theo đó là năm 1999 và 2002.

Trong những lần được gặp và nghe Đại tướng chuyện trò, căn dặn, tôi nhớ nhất là lần gặp gỡ năm 1999, đúng vào dịp sinh nhật của bác. Hôm đó, tôi đại diện cho cán bộ, giáo viên Trường THPT Đào Duy Từ lên tặng hoa chúc mừng sinh nhật Đại tướng. Do quá xúc động nên tôi đã nói nhầm là chúc mừng bác 84 tuổi. Khi nhận ra điều đó, tôi khá bối rối. Nhưng Đại tướng đã cười rất vui và nói: "Tôi rất phấn khởi khi thầy và trò Trường Đào Duy Từ cho tôi được trẻ lại thêm 4 tuổi!". Thế là cả trường cùng cười lên vui vẻ.

Cũng trong buổi gặp mặt hôm ấy, Đại tướng cho gọi một em học sinh đứng dậy và hỏi: "Cháu có biết phá Hạc Hải là ở đâu không?". Khi em học sinh đó không trả lời được, bác ôn tồn: “Bên cạnh việc dạy các kiến thức khác, các thầy cô nên dạy cho học sinh của mình về địa lý, lịch sử địa phương để con em biết và yêu quê hương mình hơn”. Bài học sâu sắc ấy, đến giờ tôi vẫn luôn khắc sâu. Đến năm 2002, tôi lại vinh dự có mặt trong đoàn cán bộ, giáo viên tiêu biểu ra thăm bác ở Hà Nội. Lúc này tuổi bác cũng đã khá cao. Thư ký của bác nhắc nhở chúng tôi là cuộc gặp gỡ chỉ khoảng 15 phút để bảo đảm sức khoẻ cho bác, nhưng Đại tướng đã rất ưu tiên cho đoàn Quảng Bình. Vì vậy, chúng tôi có nhiều thời gian để nghe bác chuyện trò, căn dặn...

Thương nhớ bác, tôi càng nỗ lực thực hiện tốt lời căn dặn của Đại tướng! Những bài học của bác mãi mãi là "kim chỉ nam" để người dân Quảng Bình nói chung và những người làm nghề giáo như chúng tôi mang theo cho đến suốt cuộc đời...

Nhân dân Quảng Ninh tiếp tục thực hiện theo những lời tâm huyết của Đại tướng

* Đồng chí Ngô Hồng Quân, Phó Bí thư Huyện ủy Quảng Ninh.

Mặc dù biết tình trạng sức khỏe của Đại tướng Võ Nguyên Giáp rất yếu, tôi cũng như Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Quảng Ninh hàng ngày vẫn ngóng theo từng diễn biến về Đại tướng, mong một ngày Đại tướng khỏe mạnh, thông tuệ trở lại. Nhưng không ngờ vào thời điểm người dân miền Trung, người dân Quảng Bình đang gồng mình khắc phục thiệt hại sau cơn bão số 10 thì nhận được hung tin, bác đã ra đi.

Quảng Bình nỗi đau chồng lên nỗi đau. Tôi nhớ những thời khắc Đại tướng còn khỏe mạnh, mỗi dịp quê hương Quảng Bình có sự kiện gì trọng đại, bác đều viết thư thăm hỏi, gửi lẵng hoa chúc mừng, động viên. Bác đi, cả nước mất đi một người tài, văn võ song toàn, Quảng Bình mất đi một người con ưu tú.

Tôi lại chợt nghĩ rằng: nếu bác còn với chúng ta, thì nghe tin Quảng Bình thiệt hại lớn trong bão lụt, thiên tai, lòng bác sẽ không yên, chắc chắn có thư về động viên cán bộ, chiến sỹ, đồng bào Quảng Bình nỗ lực hết mình để khắc khục hậu quả lụt bão, kiến thiết quê hương, ổn định lại cuộc sống.

Vẫn biết Đại tướng mất đi sẽ để lại sự tiếc thương vô hạn cho bạn bè khắp năm châu bốn biển, để lại nỗi đau cho nhân dân cả nước, nhân dân Quảng Bình. Nhưng, biến đau thương thành hành động, Đảng bộ và nhân dân huyện Quảng Ninh nguyện một lòng đoàn kết, trước mắt chung tay khắc phục hậu quả của cơn bão số 10, ổn định lại cuộc sống, sản xuất; tiếp tục thực hiện những lời tâm huyết của Đại tướng trong những lần về thăm quê hương. Trong chiến tranh chống Mỹ, Quảng Bình “Hai giỏi”, trong hòa bình cố gắng xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, tránh tình trạng tụt hậu so với các tỉnh thành anh em.

“Nhớ lời Đại tướng, nhân dân Lộc Thủy đoàn kết, thống nhất cao để xây dựng quê hương giàu đẹp”

* Ông Bùi Hữu Đức, Bí thư Đảng ủy xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy.

Tối ngày 4-10, khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, Thường vụ Đảng ủy xã Lộc Thủy đã tổ chức họp khẩn để triển khai một số công việc chuẩn bị cho tang lễ của Đại tướng. Ngay trong đêm, các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy xã Lộc Thủy đã đến Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng với thân nhân Đại tướng bàn bạc những công việc cần thiết.

Bước đầu, chính quyền xã Lộc Thủy đã huy động lực lượng công an xã, B cơ động, cán bộ CNVC xã cùng với các tổ chức đoàn thể trong xã một số công việc như: dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ tại khu vườn, ngôi nhà lưu niệm Đại tướng và một số trục đường lân cận; chuẩn bị hoa quả, hương khói, nhang đèn... để đặt lên bàn thờ; đón tiếp khách...

Nghe tin Đại tướng qua đời, bản thân tôi, cán bộ và nhân dân xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy vô cùng đau buồn, thương tiếc. Thế là từ nay quê hương Lộc Thủy (nơi sinh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp) mất đi một vị tướng tài ba...

Trước lúc làm Bí thư ở nhiệm kỳ này, tôi đã từng đảm nhận cương vị Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Những năm còn đảm nhiệm cương vị Chủ tịch xã, chúng tôi nhiều lần được đón tiếp Đại tướng về thăm, được may mắn ra gặp Đại tướng tại Hà Nội. Mỗi lần về thăm quê hương, Đại tướng luôn bày tỏ tình cảm sâu nặng, nghĩa tình với quê hương; đưa ra những lời khuyên bảo rất quý giá đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Lộc Thủy. Trong nhiều lời căn dặn riêng của bác Giáp đối chính quyền xã Lộc Thủy, tôi vẫn nhớ nhất là: “...

Trong phát triển kinh tế, Lộc Thủy cần phải chú trọng giữ gìn và phát triển làng nghề chiếu cói. Muốn làm được điều đó thì địa phương phải từng bước đưa công nghệ cao vào làng nghề này. Phải hết sức chăm lo sự nghiệp giáo dục, coi việc học tập của con em là đòn bẩy thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, muốn lãnh đạo thắng lợi mọi phong trào thi đua xây dựng quê hương giàu đẹp, Đảng bộ xã Lộc Thủy cần phải có đoàn kết, thống nhất cao...”.

“Tướng Giáp đã tiếp thêm sức mạnh cho những người lính chiến thắng quân thù”

* Cựu chiến binh Nguyễn Thanh Hoanh, 68 tuổi, trú tại thành phố Đồng Hới.

Vừa xem trên mạng và một số báo điện tử, biết tin Đại tướng đã mất, tôi khóc òa, thương tiếc, lật đật dắt xe chạy ra chợ Đồng Hới mua bó hoa huệ cùng bó nhang rồi ngược lên Nhà lưu niệm để thắp cho Đại tướng một nén nhang thơm tiễn biệt. Tôi là người lính từng phục vụ Đại tướng khi ông vào thăm đường 20 - Quyết Thắng tháng 3-1973. Lúc đó, tôi ở Binh trạm 14, phụ trách công binh tại đèo Phu La Nhích, được Đại tướng bắt tay, hỏi han về tình hình quê hương, gia đình, nhiệm vụ đơn vị phân công...

Biết tôi là đồng hương Quảng Bình, Đại tướng ôm tôi vào lòng, động viên chiến đấu giỏi vì miền Nam ruột thịt. Mặc dù lúc đó nghe kể về Đại tướng đã nhiều, nhưng tận mắt chứng kiến, lại được Đại tướng ôm vào lòng, hỏi han tình hình... tôi rất cảm động. Chính Đại tướng đã tiếp thêm sức mạnh cho những người lính chiến thắng quân thù. Nghe tin Đại tướng mất, lòng tôi hụt hẫng vô cùng, như mất đi điều thiêng liêng không thể nào tả nổi”...

“Tấm lòng bác Giáp luôn đau đáu về quê hương”

* Anh Lê Quang Toán, Hội Bảo trợ Người tàn tật và trẻ mồi côi tỉnh Quảng Bình.

Chiều ngày 4-10, chúng tôi đang ngồi với nhau sau chuyến đi khảo sát đồng bào cứu trợ bão lụt thì đọc được thông tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất trên các trang mạng. Cả nhóm sững sờ, không ai nói nổi câu nào. Sau đó, chúng tôi tự giải tán, ai về nhà nấy chứ chẳng còn tâm trạng nào mà ngồi lại. Tin bác Giáp mất giữa lúc quê hương vừa trải qua cơn bão nặng nề lại càng làm đau xé lòng mỗi người dân.

Với bác Giáp, có nhiều điều để ngưỡng mộ, để học tập, song có lẽ điều làm tôi suy nghĩ nhiều nhất chính là tấm lòng luôn đau đáu về quê hương. Đại tướng luôn dành tình cảm, dặn dò, bảo ban và dõi theo từng bước đi của quê hương mình. Ngay cả đến khi nằm xuống, bác cũng chỉ một lòng về với đất mẹ Quảng Bình. Điều đó khiến tôi xúc động vô cùng và suy nghĩ: mỗi người trong chúng ta, dù đang sống ở đây hay xa quê thì lúc nào cũng nên hướng lòng mình về quê hương, có những sẻ chia, giúp đỡ với quê hương.

Đại tướng với bà con trong chuyến về thăm quê hương. Ảnh: V.P
Đại tướng với bà con trong chuyến về thăm quê hương. Ảnh: V.P

Chưa một lần được gặp bác nhưng tôi biết: bác Giáp lúc nào cũng dành tình cảm ưu ái cho thế hệ trẻ chúng tôi. Lúc đương khỏe mạnh, lần về quê nào, bác cũng tới thăm các trường học trò chuyện, động viên các bạn học sinh cố gắng phấn đấu để trở thành người có ích cho xã hội, đóng góp cho quê hương. Tôi tự thấy rằng, mỗi bạn trẻ cần phải nỗ lực hơn nữa, nghiêm túc hơn nữa với chính bản thân mình để xứng đáng với sự quan tâm của bác Giáp. Bản thân tôi sẽ tiếp tục những công việc từ thiện, nhân đạo lâu nay đã làm; tích cực gặp gỡ các bạn trẻ bị khuyết tật giống như tôi, những người có hoàn cảnh khó khăn để động viên, chia sẻ kinh nghiệm cùng nhau vươn lên hòa nhập cộng đồng.

Thực hiện lời căn dặn của Đại tướng

* Đồng chí Nguyễn Đình Hiệu - Bí thư Huyện uỷ Lệ Thuỷ.

Khi nghe tin Đại tướng đã về cõi vĩnh hằng, tôi lặng đi. Trước đó mấy ngày tôi liên tục nhận điện thoại hỏi thăm tình hình sức khoẻ Đại tướng, có nhiều cuộc điện thoại của những người không quen biết...Vẫn biết rằng Đại tướng ra đi ở tuổi 103 đã là một điều kỳ diệu của tạo hoá, nhưng người dân Lệ Thuỷ vẫn bàng hoàng, bất ngờ và tiếc thương vô hạn. Sẽ không còn những ngày rợp cờ hoa đón Đại tướng, người dân Lệ Thuỷ chen nhau chật đường, chật sá để được gần hơn bên Đại tướng. Lần này Lệ Thuỷ, Quảng Bình đón Đại tướng về trong nỗi đau quặn thắt... Lúc này trong tôi cứ hiển hiện những chuyến về thăm quê và những lời dặn dò với quê hương của Đại tướng...

Lần nào về quê Đại tướng đều dành thời gian nói chuyện với anh em lãnh đạo địa phương. Những lời căn dặn luôn cụ thể về tất cả những vấn đề mà địa phương đang gặp không ít khó khăn, đó là phát triển kinh tế- xã hội, bảo vệ môi trường, chăm lo nguồn nhân lực...

Trong phát triển kinh tế, Đại tướng lưu ý địa phương phải phá thế độc canh cây lúa, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, tạo được hàng hoá cho thị trường. Nông dân phải bỏ thói quen trong sản xuất nông nghiệp: làm ra để dùng, dùng không hết thì để đó...Trong phát triển phải chú ý đến bảo vệ môi trường. Bây giờ xây dựng nhiều dễ xẩy ra ô nhiễm môi trường, dễ xẩy ra chuyện không gìn giữ những điều quý giá như nguồn nước, rừng, vì vậy chính quyền phải quan tâm đến vấn đề này, phải tuyên truyền giáo dục người dân hiểu tác hại của việc tàn phá môi trường để cùng giữ gìn. Sông Kiến Giang rất đẹp nhưng đang bị xâm hại, nhà cửa bám sát bờ sông vừa không đẹp, ô nhiễm môi trường vừa nguy hiểm khi có bão lũ, vì vậy cần giải toả.

Lệ Thuỷ có tiềm năng gò đồi, nhiều vùng chưa được khai phá chính quyền cần tạo cơ chế, khuyến khích nông dân trồng cây gì, con gì phù hợp để có thể tăng thu nhập, nâng cao đời sống, rồi phá Hạc Hải cũng nên nghiên cứu để không bị lãng phí tài nguyên thiên nhiên... Một hoạt động xã hội được Đại tướng quan tâm là bơi đua trên sông Kiến Giang. Khi nghe anh em chúng tôi báo cáo tình hình bơi đua, Đại tướng rất vui và căn dặn phải nâng tầm hoạt động này lên thành lễ hội hàng năm nhưng nên nhớ không phô trương quá mà tốn kém cho người dân. Là địa phương nghèo nên Đại tướng căn dặn đừng vì nghèo mà sao nhãng chuyện học hành, phải đầu tư cho giáo dục một cách xứng đáng, con người có ý nghĩa quyết định cho phát triển về lâu về dài...

Vâng lời Đại tướng căn dặn, trong những năm qua Lệ Thuỷ đã có những nỗ lực trong phát triển kinh tế- xã hội. Những chỉ tiêu quan trọng đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Bộ mặt nông thôn đã khởi sắc, phong trào xây dựng nông thôn mới đã được người dân đồng tình ủng hộ và tạo nên sức mạnh lớn lao. Đời sống người dân đã có những cải thiện đáng kể. Nền kinh tế của huyện đã có sự phát triển toàn diện, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng giảm dần tỷ trọng nông - lâm - thuỷ sản, tăng tỷ trọng dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Trong sản xuất nông nghiệp, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi phát triển rộng khắp, ngày càng nhiều những tấm gương lao động giỏi, làm giàu chính đáng. Cơ sở hạ tầng ngày được xây dựng vững chắc, đáp ứng ngày càng tốt hơn cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Giáo dục Lệ Thuỷ đã tạo được điểm sáng trong sự nghiệp giáo dục tỉnh nhà...

Tuy nhiên, Lệ Thuỷ vẫn đang là địa phương còn nhiều khó khăn. Có nhiều điều Đại tướng mong ước mà huyện nhà chưa làm được. Người dân còn nghèo, tăng trưởng kinh tế của huyện chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có và chưa vững chắc...Đây là nỗi băn khoăn trăn trở của Đảng bộ và nhân dân trong huyện.

Trong những ngày buồn thương vị tướng lỗi lạc của nhân loại, người con ưu tú của quê hương Lệ Thuỷ đã về cõi vĩnh hằng, thay mặt Đảng bộ và nhân dân trong huyện xin hứa trước vong linh của Đại tướng sẽ nguyện đoàn kết một lòng, tiếp tục thực hiện những lời căn dặn của Đại tướng quyết tâm đưa huyện nhà tiếp tục tiến lên, xứng đáng là quê hương của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Nhóm P.V (thực hiện)