.

Người dân khắp nơi về thắp hương tưởng nhớ Đại tướng

Thứ Ba, 08/10/2013, 08:43 [GMT+7]

(QBĐT) - Sáng 6-10, nhiều người dân có mặt tại nhà lưu niệm từ sớm mong được thắp nén hương thơm tỏ lòng thương nhớ đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, vị tướng kiệt xuất, người anh hùng của dân tộc Việt Nam...

Ngay từ sáng sớm, nhiều người dân lặng lẽ hướng về nhà lưu niệm để thắp hương cho Đại tướng, nhiều tiếng khóc đã bật lên...

Hai vợ chồng ông Dương Công Toán (75 tuổi) và bà Bùi Thị Dậu (72 tuổi)  ở thôn Tân Ninh, xã Tân Thủy đến rất sớm, đứng trước nhà lưu niệm ông Toán đưa tay lau vội nước mắt, ông bảo, mưa bão vẫn chưa có điện, hôm qua nghe đài báo tin Đại tướng mất, sáng nay hai vợ chồng dậy sớm đi gần 20km đến thắp hương để tỏ lòng thành kính với người anh hùng của dân tộc. Hai vợ chồng tôi đều vinh dự đã được gặp mặt và trò chuyện cùng Đại tướng.

Bức ảnh chụp Đại tướng về thăm cửa hàng thương nghiệp Tuy Lộc được bà Dậu cất giữ và mang theo đến thắp hương.
Bức ảnh chụp Đại tướng về thăm cửa hàng thương nghiệp Tuy Lộc được bà Dậu cất giữ và mang theo đến thắp hương.

Đã ngót nửa thế kỷ  trôi qua nhưng người cựu binh già vẫn nhớ như in cái ngày được gặp Đại tướng: Năm 1963 khi ông đang theo học tại trường sĩ quan lục quân đóng tại Sơn Tây, Đại tướng về thăm trường, anh em ai cũng xếp hàng chỉnh tề đón chào vị Tổng tư lệnh của quân đội. Đại tướng đi một vòng, bắt tay từng người rồi dừng lại trước mặt ông Toán hỏi: “Sĩ quan gì mà trẻ thế, quê ở đâu?” ông Toán trả lời: “Dạ thưa, ở Lệ Thủy, Quảng Bình”, Đại tướng vỗ nhẹ vào vai và nói: “À đồng hương với mình, gắng học cho tốt để cống hiến cho đất nước”.

Còn bà Dậu là người ở Thái Bình, năm 1983 chuyển về công tác tại ty thương nghiệp Lệ Thủy, năm 1987 khi Đại tướng về thăm cơ quan bà lúc đó là trưởng ban nữ công may mắn được gặp Người. Đại tướng hỏi thăm tình hình công tác, sức khỏe... từng người rồi động viên cố gắng hơn nữa. Bức ảnh chụp Đại tướng đến thăm cửa hàng thương nghiệp Tuy Lộc bà vẫn giữ kĩ và mang theo khi đến thắp hương cho Đại tướng.

Chỉ một lần vinh dự được gặp trực tiếp Đại tướng nhưng những cử chỉ ân cần, mộc mạc của người đã để lại ấn tượng vô cùng sâu sắc với hai vợ chồng ông Toán để mỗi lần Đại tướng về thăm quê hai người lại cùng nhau về làng An Xá mong gặp được vị tướng của lòng dân.

Từng đoàn học sinh trên địa bàn đến thắp hương tỏ lòng thành kính và biết ơn Đại tướng.
Từng đoàn học sinh trên địa bàn đến thắp hương tỏ lòng thành kính và biết ơn Đại tướng.

Bà Hoàng Thị Bường (64 tuổi), ở chợ Tréo, thị trấn Kiến Giang có mặt tại nhà lưu niệm từ sáng sớm, căn bệnh khớp hành hạ bà suốt mấy ngày mưa bão nhưng biết tin Đại tướng mất bà bảo anh con trai gác lại mọi việc đồng áng chở bà đến thắp hương cho Người. Bà ngậm ngùi nói: “Nghe tin Đại tướng mất như mất đi một người cha, người chú thân thương, dù cho ông đã đi xa nhưng hình ảnh Người vẫn sống mãi trong lòng chúng tôi”.

Trong dòng người về thắp hương cho Đại tướng, có rất nhiều đoàn học sinh trên địa bàn. Em Trần Thị Hằng, học sinh lớp 11A7, Trường trung học phổ thông Lệ Thủy nói, dù chưa được gặp mặt nhưng qua sách báo và lời kể của ông bà, bố mẹ chúng em rất tự hào được sinh ra và lớn lên trên quê hương Đại tướng. Một người vĩ đại đã làm rạng danh non sông đất nước, nghe tin ông mất chúng em đã rủ nhau cùng đến thắp hương để tỏ lòng thành kính và biết ơn Đại tướng.

Tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất được truyền đi rất nhanh, mặc dù nhiều địa bàn trong tỉnh vẫn mất điện, từng dòng người vẫn tiếp tục nối nhau hướng về nhà lưu niệm để thắp hương tưởng nhớ Đại tướng.

Xuân Phú

Nhớ về Đại tướng

Ông Hồ Duy Thiện, nguyên Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa

...Còn nhớ, năm 1961, tôi đang học lớp 5 trường làng, cơ quan huyện Tuyên Hóa bấy giờ đang đóng ở làng tôi (thôn Minh Cầm Trang, xã Phong Hóa). Vào một buổi sáng đẹp trời, tôi được biết sáng đó có một ông ở Trung ương vào thăm huyện, nhưng không biết cụ thể là ai. Chạy ra sân vận động huyện ở trước nhà thấy các chú công an, dân quân đứng gác quanh sân, ở 4 góc sân vận động có 4 đống rơm đang um khói bay lên. (Sau này tôi mới biết làm như vậy để báo cho máy bay hạ cánh đúng vị trí).

Lúc này cán bộ cơ quan huyện và nhân dân trong xã và các xã lân cận đã tụ tập xung quanh sân vận động. Khoảng 8 giờ sáng từ hướng đông xuất hiện một chiếc máy bay trực thăng, mọi người vỗ tay reo hò. Khi máy bay vừa đỗ xuống sân ai nấy vội vàng ùa ra và hô vang: Hoan hô Đại tướng Võ Nguyên Giáp ! Lúc đó đám học sinh chúng tôi mới biết Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm và chạy ra cố len lỏi trong đám đông để nhìn cho rõ mặt Đại tướng.

Tận mắt nhìn thấy Đại tướng, tôi mới biết Đại tướng cũng là một con người bình thường, giản dị như bao người khác, chỉ khác là trên ve áo có đeo quân hàm đại tướng mà thôi. Lần gặp gỡ này đã để lại cho tôi ấn tượng về ông – một vị tướng cách mạng bình dị mà thân thương.

Năm 1975, đơn vị tôi là Trung đoàn 101, thuộc Sư đoàn 325, Binh đoàn Hương Giang (Quân đoàn 2), sau khi đã tham gia cùng các đơn vị bạn giải phóng  Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, ngày 7-3-1975, cả Binh đoàn được lệnh hành quân tiến về giải phóng Sài Gòn theo đường quốc lộ 1. Ngày 8-4, đơn vị đến Quảng Tín (Quảng Ngãi bây giờ) thì dừng lại, nghe phổ biến mật lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (7-4-75): “Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới mặt trận giải phóng miền Nam. Quyết chiến và quyết thắng”.

Mật lệnh của Đại tướng ban ra thật ngắn gọn, dễ hiểu, nó như tiếng kèn xung trận thúc giục cán bộ, chiến sỹ trong đơn vị vượt qua mọi khó khăn hiểm nguy, xốc tới giải phóng hoàn toàn Miền Nam. Lúc này cả Binh đoàn như một mũi lao thép khổng lồ, trùng trùng điệp điệp, hiệp đồng binh chủng với mọi phương tiện: xe xích, xe vận tải, cùng với xe tăng...

Năm 1984, tôi chuyển về công tác tại Cơ quan của Bộ chỉ huy Quân sự Bình Trị Thiên (đơn vị đóng quân tại đồn Mang Cá). Trong một lần về thăm tỉnh Bình Trị Thiên, Đại tướng đã ghé thăm cơ quan BCHQS tỉnh. Lần này tôi được vinh dự cùng cán bộ chiến sỹ của cơ quan đón tiếp Đại tướng và được Đại tướng bắt tay. Lúc này Đại tướng còn rất khỏe. Ông ăn mặc giản dị, chỉ có bộ áo quần lính Tô châu với quân hàm tướng trên ve áo. Được nghe Đại tướng nói chuyện trong khoảng 20 phút thôi, nhưng kỷ niệm về lần gặp gỡ đó vẫn đọng mãi trong tâm trí tôi. Ông ân cần hỏi thăm tình hình, quan tâm đến đời sống của cán bộ chiến sỹ trong đơn vị, nói chuyện về tình hình thế giới, trong nước, nhiệm vụ của lực lượng vũ trang trong giai đoạn cách mạng mới...

Tuy cuộc gặp gỡ đã 30 năm nhưng đến nay tôi vẫn còn nhớ như in lời dặn dò của Đại tướng: “Đã là cán bộ chiến sỹ quân đội nhân dân Việt Nam thì phải luôn xứng danh là bộ đội Cụ Hồ”.

Sau này chuyển ngành về huyện công tác rồi giữ cương vị lãnh đạo huyện, tôi biết Đại tướng đã có nhiều cuộc hành hương về quê, rồi thăm tỉnh nhà. Tuy không được trực tiếp gặp gỡ Đại tướng, nhưng qua truyền hình tôi rất vui vì qua các buổi nói chuyện với lãnh đạo tỉnh lần nào Ông cũng đều quan tâm thăm hỏi đến tình hình 2 huyện miền núi, tôi thấy thật cảm động vô cùng và tự hứa với bản thân cố gắng phát huy hết ý thức trách nhiệm để làm tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đã giao, đưa huyện nhà ngày một vững bước tiến lên, thỏa lòng mong muốn của Đại tướng đối với quê hương...

"Tôi đã gặp Đại tướng ba lần"

Ông Hồ Nhâm, bản Ông Tú, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa

Mấy ngày hôm nay, bản làng miềng mất điện do bão nên không biết thông tin gì hết. Hôm nay nghe thông báo bác Giáp mất, lòng tôi vô cùng thương tiếc, buồn đau. Đại tướng mất đi là một tổn thất lớn đối với đất nước, nhân dân Việt Nam nói chung và của đồng bào dân tộc thiểu số chúng tôi nói riêng.

Bởi vì bác Giáp là người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, người học trò xuất sắc nhất của Bác Hồ, người đã làm nên những chiến công hiển hách giúp non sông đất nước ta có được cuộc sống hòa bình như ngày hôm nay. Nghe tin Đại tướng mất, tôi đã lấy bức ảnh chụp chung với bác ra ngắm nhìn với niềm tiếc thương vô hạn, nước mắt cứ dâng trào, những dòng cảm xúc về Đại tướng cứ hiện về trong ký ức.

Trong cuộc đời tôi đã được gặp bác Giáp 3 lần và từng chụp ảnh chung với Bác 2 lần. Lần đầu tôi gặp bác Giáp tại Hội trường Tỉnh ủy năm 1963, khi đó bác về thăm Quảng Bình và tôi còn là một đại biểu hội đồng nhân dân tỉnh. Lần thứ 2 tôi gặp bác tại Hội trường Tỉnh ủy Bình - Trị - Thiên tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 4. Lần thứ 3 gặp Đại tướng tại Đại hội Đảng bộ toàn quốc lần thứ 7 năm 1991. Lần đó, tôi cũng được bắt tay và chụp ảnh chung với bác.

Mỗi lần gặp Đại tướng, tôi đều thấy bác là một con người giản dị, quần chúng, dễ gần gũi như Bác Hồ vậy. Tất cả những người Khùa chúng tôi vô cùng ngưỡng mộ Đại tướng và luôn tự hào về quê hương Quảng Bình có một vị Tướng tài vang danh khắp năm châu bốn bể. Mỗi lần trò chuyện với Đại tướng, bác đều dặn tôi cố gắng vươn lên trong cuộc sống, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó. Lời dạy của Đại tướng luôn khắc sâu trong tim tôi, và tôi lấy đó làm chỗ dựa tinh thần trong cuộc đời.

Nhóm P.V (thực hiện)