.

Thương tiếc Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Chủ Nhật, 06/10/2013, 06:25 [GMT+7]

(QBĐT) - Vẫn biết tử sinh là lẽ thường của tạo hóa, nhưng khi biết tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất người dân Quảng Bình và Lệ Thủy-quê ông-ai cũng thấy bần thần, quặn thắt. Cả làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy trắng đêm thẩn thờ tiếc thương người con ưu tú của quê hương…

Bức tượng bán thân khắc họa thần thái Đại tướng, anh hùng dân tộc Võ Nguyên Giáp.
Bức tượng bán thân khắc họa thần thái Đại tướng, anh hùng dân tộc Võ Nguyên Giáp.

Có mặt tại An Xá vào sáng 5-10 ngay sau ngày Đại tướng mất (vào lúc 18 giờ 9 phút ngày 4-10), chúng tôi cảm nhận ngôi nhà lưu niệm của Đại tướng vững vàng trong cơn cuồng phong trước đó, nay dường như ưu tư trầm mặc khi người con được nó chở che thời thơ ấu nay không còn nữa. Cả làng suốt đêm không ngủ, ai cũng mong trời mau sáng để đến quét dọn, chuẩn bị mọi thủ tục chuẩn bị lễ tang bái vọng một trong những bậc khai quốc công thần của cả dân tộc.

Ông Phạm Hữu Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết, được tin Đại tướng mất, Huyện ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN huyện đã tiến hành họp khẩn thành lập ban lễ tang chuẩn bị các thủ tục cần thiết tổ chức tang lễ tại nhà lưu niệm Đại tướng và Trung tâm văn hóa huyện để mọi người đều được thắp hương tưởng nhớ công ơn của Đại tướng.

Dù khó khăn do mưa bão vừa gây ra đến mấy, chúng tôi cũng sẽ tổ chức tang lễ tại quê nhà thật trang nghiêm, thể hiện tình cảm tiếc thương vô hạn của người dân Lệ Thủy đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh cả của quân đội nhân dân Việt Nam, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy.
Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy.

Còn bà Võ Thị Lài, 76 tuổi, cháu gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp bằng bác ruột, đôi mắt rưng rưng nước mắt nghẹn ngào nói, mỗi lần về thăm quê, bác Giáp đều cầm tay tui ân cần thăm hỏi sức khỏe, rồi vô nhà thắp hương cho ông bà tổ tiên. Giờ bác Giáp đã đi xa, nên từ nay tui không được cầm tay Người nữa rồi! Ông sinh vào ngày 25-8-1911 tại làng An Xá, người dân Lệ Thủy lâu nay dõi theo sức khỏe của Đại tướng nên khi nhận được hung tin ai cũng quặn đau, bùi ngùi rơi lệ.

Trong ngôi nhà lưu niệm của Đại tướng, chúng tôi nhìn thấy những vật dụng đơn sơ, hàm chứa sự dung dị, đó là những bức ảnh chụp Đại tướng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, hai tấm bằng “Tổ quốc ghi công” của liệt sĩ Võ Quang Nghiêm (thân sinh Đại tướng) và liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái (người vợ trước của Đại tướng) mà lòng quặn thắt vì sự mất mát quá lớn lao của Người.

Người cựu chiến binh này có mặt từ sớm, ngay sau khi biết tin Đại tướng mất.
Người cựu chiến binh này có mặt từ sớm, ngay sau khi biết tin Đại tướng mất.

Và đó, bức ảnh cây đa Tân Trào, tại đây vào ngày 16-8-1945, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đọc bức quân lệnh số 1 làm lễ xuất quân Nam tiến: giải phóng Thái Nguyên, tiến về Hà Nội giành chính quyền.

Đặc biệt trong cuốn sổ lưu niệm, lưu bút của mọi người ở khắp các vùng quê đều bày tỏ lòng kính trọng về tài năng, đức độ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong số đó có thủ bút của Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động, nguyên Tư lệnh Binh đoàn 15, được ghi vào ngày 1-9-2013: Nhân dịp ngày độc lập 2-9, đặc biệt Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Đảng, Nhà nước tôn vinh: danh tướng kiệt xuất của Việt Nam qua các thời đại. Vợ chồng Thiếu tướng Nguyễn Xuân Sang đã đến thăm và kính tặng nhà lưu niệm bức tượng bằng đồng nguyên chất khắc họa chân dung Đại tướng, để tỏ lòng ngưỡng mộ và khâm phục tài năng, đức độ song toàn của Đại tướng một lòng vì nước, vì dân!

Bà Võ Thị Lài đau đớn vì biết bác Giáp không còn nữa.
Bà Võ Thị Lài đau đớn vì biết bác Giáp không còn nữa.

Ông Võ Đại Hàm, cháu gọi Đại tướng bằng ông thúc bá và được Đại tướng giao nhiệm vụ trông coi nhà lưu niệm bần thần kể, tui nhận được tin dữ vào tối 4-10 mà trong lòng vẫn không tin đó là sự thật. Suốt đêm đó tui không ngủ được mà lui hui dọn dẹp nhà cửa, lập bàn thờ để đợi khi phát tang thì có nơi để bà con và các cơ quan, đoàn thể thắp hương bái vọng Đại tướng.

Em Lê Thị Thùy Linh, học sinh lớp 9A, Trường THCS Lộc Thủy nghẹn ngào nói, chúng em vinh dự được sinh ra và lớn lên trên quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp nên khi nghe ông mất ai cũng tiếc thương. Đối với chúng em, Đại tướng là người rất vĩ đại. Từ sáng sớm, chúng em đã tranh thủ lúc nghỉ học để đến nhà lưu niệm Đại tướng dọn dẹp vệ sinh, phong quang đường làng ngõ xóm để chuẩn bị cho lễ tang thật chu đáo.

Với những công lao trời biển của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với dân tộc, tuy đã ra đi nhưng ông mãi mãi còn trong trái tim của hàng triệu triệu con người Việt Nam và bạn bè khắp năm châu, bởi “thác là thể phách, còn là tinh anh”!

Thắp hương lên bàn thờ tại Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Thắp hương lên bàn thờ tại Nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Học sinh chuyền tay nhau ngắm nhìn chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Các em học sinh chuyền tay nhau ngắm nhìn chân dung Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Bức tượng Đại tướng được đặt trang trọng tại Nhà lưu niệm.
Bức tượng Đại tướng được đặt trang trọng tại Nhà lưu niệm.
Người dân thôn An Xá và chân dung Đại tướng.
Với người dân An Xá, ông Giáp của họ nay đã đi xa.

Đại tướng sống mãi trong lòng người dân Lệ Thủy

Ông Võ Đức Tôn (SN 1937) ở làng An Xá, xã Lộc Thủy gọi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là bác thúc bá. Nghe tiếng gọi vọng từ ngoài ngõ, lọ mọ bước ra khỏi giường mời khách vào nhà. Biết ý định của chúng tôi, ông bảo, 5 giờ sáng ông Võ Đại Hàm đã sang báo tin Đại tướng mất rồi, tui chẳng buồn dậy nữa. 

Rồi ông lặng lẽ kể về những kỉ niệm mỗi lần Đại tướng về thăm quê, mỗi lần về thăm quê, bà con làng xóm đến chơi, Đại tướng đều bắt tay, hỏi thăm từng người rồi động viên mọi người gắng làm ăn. Lần nào cũng vậy, lời đầu tiên Đại tướng căn dặn bà con trong làng xóm, xã huyện phải làm theo lời Bác, làm tốt phong trào quê hương Hai giỏi…

Ông Lê Thanh Châu (85 tuổi), nguyên là Đại tá Phó Chính ủy Tỉnh đội Quảng Trị bồi hồi kể lại, lần đầu tiên được gặp Đại tướng vào tháng 3-1976 tại thành cổ Quảng Trị, lúc đó hòa bình vừa lập lại, chiến trường vẫn ngổn ngang bom đạn. Đại tướng cùng anh em đi thị sát tình hình thực tế rồi căn dặn chúng tôi phải cố gắng giúp dân ổn định tăng gia sản xuất vừa phải vững tay súng đề cao cảnh giác với mọi thế lực thù địch…

Nghe tin Đại tướng mất, đôi mắt người lính già nhòa lệ, hai tay run run, Đại tướng không những là người chỉ huy, mà còn là người cha người chú. Hình ảnh Đại tướng mãi mãi sống trong lòng mỗi người con Lệ Thủy.

X.P

Minh Văn - Xuân Phú