.

Nhớ mãi những kỷ niệm về Đại tướng

Thứ Năm, 10/10/2013, 07:32 [GMT+7]

(QBĐT) - Chúng tôi thật bàng hoàng và đau xót khi nghe tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời. Đó là nỗi đau không gì bù đắp nổi của mọi người dân cả nước nói chung và toàn thể nhân dân quê hương Quảng Bình nói riêng. Chúng tôi không ai nói với ai nhưng đã khóc trong trái tim trước tin buồn này.

Vẫn biết con người sống có giới hạn như một quy luật, nhưng với những vĩ nhân như Đại tướng Võ Nguyên Giáp mọi người đều mong muốn sống mãi muôn đời. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những vị tướng tài năng nhất của lịch sử dân tộc Việt Nam, là Đại tướng của nhân dân, Đại tướng của hòa bình.

Với lịch sử mảnh đất con người quê hương Quảng Bình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là hiện thân của tinh hoa khí chất văn hóa đẹp nhất của con người Quảng Bình, vì thế, Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ sống mãi với non sông đất nước quê hương Quảng Bình.

Vào những giây phút đau thương không thể diễn tả này, chúng tôi càng nhớ mãi kỷ niệm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong cuộc đời làm báo của tôi, kỷ niệm sâu sắc nhất là được chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong dịp Đại tướng về thăm quê hương (từ 18 tháng 8 đến 28 tháng 8 năm 1999).

Sự kiện diễn ra đã gần 15 năm rồi mà trong ký ức của mỗi một phóng viên báo Quảng Bình chúng tôi còn nhớ như in. Tôi vinh dự được đồng chí Tổng biên tập phân công chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi và anh Văn Thái được phân công chụp ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong thời gian Đại tướng thăm các huyện Bố Trạch, Quảng Trạch và Trường PTTH Đào Duy Từ.

Cuộc hành trình xuất phát tại Đồng Hới trước 6 giờ 30 phút. Tôi cầm máy ảnh trong tư thế sẵn sàng. Đã nhiều lần chụp ảnh mà chưa lần nào hồi hộp như thế. Còn cách vị trí chân cầu Gianh rất xa chúng tôi đã thấy xe dẫn đường của Cảnh sát giao thông dừng lại. Chưa kịp hỏi xem đã có sự việc mới gì xẩy ra thì chúng tôi đã thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trong xe bước ra. Đại tướng muốn bách bộ qua cầu Sông Gianh.

Đại tướng VÕ NGUYÊN GIÁP thăm và tặng quà cho mẹ Phạm Thị Nghèng trong chuyến về thăm quê hương tháng 8-1999. Ảnh: C.T.S
Đại tướng VÕ NGUYÊN GIÁP thăm và tặng quà cho mẹ Phạm Thị Nghèng trong chuyến về thăm quê hương tháng 8-1999. Ảnh: C.T.S

Đây là dịp may cho những người cầm máy ảnh. Khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi bộ đến chân cầu Gianh, cán bộ và nhân dân phía nam cầu Gianh đã vây chặt quanh Đại tướng. Ai cũng muốn đến gần hơn để ngắm nhìn và được chụp ảnh lưu niệm với Đại tướng trên cầu Gianh. Hình ảnh của Đại tướng thật đẹp, rất đỗi bình dị khi người cúi xuống ôm hôn một cháu bé cầm bó hoa kính tặng.

Cảnh Đại tướng trò chuyện với các cụ cao tuổi vẫn còn trên những thước phim tư liệu. Trong hành trình từ Ba Đồn vào Đồng Hới của Đại tướng, riêng tôi đã chụp được khá nhiều bức ảnh đẹp. Đặc biệt, khi Đại tướng dạo thăm khu bãi biển Đá Nhảy (Bố Trạch) tôi có dịp được Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi tới ngồi cạnh chiếc võng và hướng dẫn nghệ thuật chụp ảnh. Đại tướng cầm máy ảnh của tôi và nói: "Ngày trước, mình cũng từng làm báo. Mình cũng từng chụp ảnh rồi đấy nhé. Các cậu làm báo địa phương phải cố gắng học hỏi nâng cao trình độ nghiệp vụ chụp ảnh, viết bài để phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Cái giỏi của người chụp ảnh là phải chọn được góc nhìn, phải chụp bằng trái tim và bằng cái đầu chứ đừng chụp bằng tay nhé".

Nói rồi Đại tướng gật đầu cười "Giao máy ảnh xịn lại cho cậu đây. Cậu chụp ảnh mình đang ngồi võng ru cháu nhé !". Tôi đang loay hoay chọn vị trí để chụp thì Đại tướng khoát tay gọi lại: "Không được! Không được! Muốn chụp ảnh người mà phía sau có cột, cây phi lao thế này cậu phải chọn góc này. Nếu cậu đứng như cũ để chụp thế nào cũng có cột mọc phía sau tạo cho hình ảnh rườm rà không đáng có". Từ ngày cầm máy ảnh đến lúc ấy tôi chưa được thầy giáo nào hướng dẫn một cách cặn kẻ, ân cần đến như vậy. Tôi như được tiếp thêm sức truyền cảm trong mỗi lần cầm máy ảnh. Ngay sau đó nhiều bức ảnh báo chí của tôi đã tiến bộ hơn rất nhiều nhờ lời dạy bảo quý báu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Sau khi chụp ảnh xong, Đại tướng hỏi đồng chí Mai Xuân Thu rằng: "Có ai làm báo Quảng Bình ở đây không ?". Đồng chí Mai Xuân Thu chỉ vào tôi. Đại tướng nói với đồng chí Thu và tôi là đầu giờ chiều nay Đại tướng muốn gặp đồng chí Tổng Biên tập Báo Quảng Bình. Đúng 13 giờ 30 phút, đồng chí Tạ Đình Nam (Tổng Biên tập lúc đó) đã có mặt tại khách sạn Phong Nha để được gặp Đại tướng.

Độ 5 phút sau, Đại tá Nguyễn Văn Huyên, thư ký của Đại tướng ra mời đồng chí Tổng Biên tập vào gặp Đại tướng. Đại tướng hỏi thăm tình hình hoạt động của tờ báo. Đồng chí Tổng Biên tập đã báo cáo vắn tắt tình hình mọi mặt của cơ quan với Đại tướng. Chúng tôi thấy nét mặt Đại tướng ánh lên niềm tin.

Sau đó Đại tướng nói đại ý là mặc dù ở xa quê nhà nhưng hàng ngày Đại tướng vẫn quan tâm đọc báo Quảng Bình. Đại tướng khen báo Quảng Bình có nhiều đổi mới, in ấn đẹp và có một số tin, bài hay. Đại tướng đề nghị đồng chí Tổng Biên tập cần phát huy hơn nữa. Đại tướng có góp ý thêm là trước khi vào Quảng Bình, Đại tướng có đọc bài: "Lệ Sơn huyền thoại" đăng trên báo Quảng Bình.

Bài viết được nhưng đáng tiếc là tác giả viết về Lệ Sơn lại không đưa chi tiết đây là nơi sinh ra vị tướng Hoàng Sâm, một vị tướng tài ba của đất nước. Đại tướng nói Hoàng Sâm là một trong những vị tướng giỏi nhất nước ta. Rất tiếc Hoàng Sâm đã sớm hy sinh, nếu không bây giờ ít nhất cũng đã là Đại tướng Hoàng Sâm. Góp ý thứ hai của Đại tướng là báo của ta có nhiều bài dài làm cho nhân dân ngại đọc. Báo cần có kế hoạch đổi mới hơn nữa cách trình bày. Bài viết nên ngắn gọn, súc tích đồng thời cần có nhiều bài nêu gương người tốt việc tốt, điển hình làm ăn giỏi. Đại tướng còn kể cho chúng tôi nghe chuyện Bác Hồ làm báo..

Không chỉ lần vào thăm quê này Đại tướng mới quan tâm đến báo Quảng Bình mà các lần trước đây, khi tỉnh nhà mới trở về địa giới cũ, Đại tướng đã ghé thăm, chuyện trò với anh chị em Tòa soạn báo Quảng Bình (đóng tại trụ sở cũ của Chi cục muối Đồng Hới). Lần nào Đại tướng cũng ân cần thăm hỏi tình hình hoạt động của cơ quan báo Quảng Bình và góp ý cải tiến nội dung, hình thức cho tờ báo được hay hơn. Bao nhiêu năm trôi qua, những lời dạy bảo của Đại tướng với anh em làm báo Đảng bộ tỉnh nhà vẫn mới như ngày nào.

Giờ đây, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đi vào cõi vĩnh hằng, nhưng mỗi lần nhớ lại kỷ niệm được chụp ảnh với Đại tướng, những người làm báo chúng tôi càng bồi hồi xúc động, ghi nhớ, biết ơn tình yêu thương bao la mà Đại tướng dành cho những người làm báo.

Chúng tôi xin được nghiêng mình kính cẩn thắp nén hương trước vị Đại tướng kính yêu và xin được ghi lại một số nguyện vọng của người dân: Xin được đề nghị các cơ quan thẩm quyền nghiên cứu để xây dựng tượng đài về Đại tướng Võ Nguyên Giáp; con đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp; các cơ quan xuất bản, thông tin đại chúng kịp thời ra ấn phẩm bày tỏ niềm kính trọng biết ơn Đại tướng Võ Nguyên Giáp, khuyến khích người dân tặng kỷ vật liên quan tới Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho Bảo tàng truyền thống tỉnh.

Trước mắt, Thư viện tỉnh cần có thư mục sách, báo về đề tài Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Bảo tàng truyền thống tỉnh cần có phòng trưng bày kỷ vật, tranh ảnh, tác phẩm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp để phục vụ nhân dân, khách tham quan du lịch trong hoạt động tưởng niệm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Phan Hòa