.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Tài: "Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa..."

Thứ Sáu, 28/06/2013, 09:59 [GMT+7]

(QBĐT) - Không phải ngẫu nhiên mà mốc thời gian đầu tiên trong câu chuyện của ông là tháng 8-1972, khi ông nhận giấy báo nhập học của khoa Toán, Trường đại học tổng hợp Hà Nội. Đó cũng là thời điểm cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đang ở giai đoạn khốc liệt. Sau những trăn trở, ông quyết định nhập ngũ, bỏ lại giảng đường đại học và những ngày tháng êm đềm. Cuộc đời binh nghiệp của ông bắt đầu từ mùa thu năm ấy. Để sau hơn 40 năm, Quảng Bình có một vị Giáo sư - Tiến sĩ, Thiếu tướng quân đội, mà khi chuyện trò cùng ông, tôi chợt liên tưởng đến hình ảnh trong câu thơ của nhà thơ Huy Cận: "Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa...".

Giáo sư - Tiến sĩ, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tài, Phó Giám đốc Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng, sinh năm 1954 tại Lệ Thủy, Quảng Bình. Như bao bạn bè đồng trang lứa lúc bấy giờ, tuổi thơ của ông trôi qua trong vất vả và bộn bề thiếu thốn của đất nước bị chiến tranh ác liệt. Nhưng ông may mắn có một người cha hết lòng yêu thương con cái và coi trọng sự học. Không phụ lòng tin yêu của cha mẹ, ngay từ nhỏ, Nguyễn Văn Tài đã thực sự là một tấm gương sáng trong học tập. Có một sự kiện trong cuộc đời ông mà hơn bốn mươi năm đã trôi qua, nhiều bạn bè đồng trang lứa vẫn còn nhớ. Đó là vào năm học lớp mười, ông đạt giải nhì cả hai môn Văn và Toán tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh và là học sinh duy nhất tham dự kỳ thi học sinh giỏi toàn miền Bắc cả hai môn này.

Cũng trong năm ấy, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Tài nhận cùng lúc giấy báo đại học và giấy báo nhập ngũ. Ông kể: Tôi còn nhớ lúc ấy bố tôi hỏi, con muốn đi học hay đi bộ đội? Thâm tâm, tôi biết bố thương tôi, sợ tôi buồn vì bao năm miệt mài đèn sách nay không được đi học đại học cùng nhiều bạn bè mà đi chiến đấu, tức là vào nơi gian khổ, hy sinh. Tôi đã lựa chọn lên đường nhập ngũ. Bố tôi không nói gì. Ông tôn trọng quyết định của tôi. Nhưng tôi biết trong lòng ông chất ngất âu lo, bởi thời điểm ấy, cuộc chiến đang ở giai đoạn khốc liệt, rất nhiều bạn bè của tôi đã hy sinh ngay khi vừa trở thành người lính. Tôi trở thành chiến sĩ của Tiểu đoàn 53 thuộc Tỉnh đội Quảng Bình. Ngày lên đường, tôi mang theo một ba lô đầy sách vở và cả ánh nhìn vừa tự hào vừa đau đáu âu lo của bố mẹ...

Thiếu tướng Nguyễn Văn Tài (người đứng thứ hai bên phải qua) tại lễ phong hàm giáo sư năm 2010
Thiếu tướng Nguyễn Văn Tài (người đứng thứ hai bên phải qua) tại lễ phong hàm giáo sư năm 2010

Và ngay trong đợt hành quân đầu tiên ngược ra Bố Trạch, ông và những người lính trẻ gặp trận bom B52 rải thảm. Sau này ông mới biết, lúc đó ở làng người ta đồn rằng ông đã hy sinh trong trận bom ấy. Đến cuối năm 1972, khi Sư đoàn 341 thuộc Quân khu 4 được thành lập, ông trở thành lính của Sư đoàn Sông Lam. Trên đường hành quân vào chiến trường B, khi đơn vị đang dừng chân trong rừng ở Ba Rền, một lần nữa, bố ông lại lặn lội mang giấy báo đại học lần hai đến gặp. Chiến trường rực lửa đang chờ đợi, ông không còn thời gian chần chừ nên đành vội vã tạm biệt bố và lên đường.

Nhớ lại những năm tháng hào hùng ấy, ông bảo mình là người may mắn khi được hai lần chứng kiến những khoảnh khắc lịch sử. Lần thứ nhất, ông có mặt trong đoàn quân chiến thắng tiến vào Sài Gòn trưa ngày 30-4 lịch sử. Trước đó, Sư 341 thuộc Quân đoàn 4 anh hùng của ông đã tham gia trận Xuân Lộc, thành lũy cuối cùng của địch trước cửa ngõ Sài Gòn. Quân đoàn 4, được mệnh danh là "quả đấm thép" là cánh quân tiếp cận chiến trường Xuân Lộc sớm nhất nên được Quân ủy Trung ương và Bộ Tư lệnh miền quyết định sử dụng làm lực lượng chủ công tại mặt trận Xuân Lộc. Sau chiến thắng Xuân Lộc, tiếp đến Hố Nai, Trảng Bom, Biên Hoà, đoàn quân thẳng tiến về Sài Gòn. "Sài Gòn buổi ấy rợp cờ hoa và vang tiếng reo hò của người dân chào mừng đoàn quân thắng trận. Đi giữa Sài Gòn trong tư thế của người chiến thắng, tôi bồi hồi lắm...", ông tâm sự.

Sau chiến thắng 30-4, đơn vị ông thực hiện nhiệm vụ quân quản tại Sài Gòn. Trong rất nhiều những sự kiện diễn ra sau khi đất nước vừa thống nhất, ông và đồng đội của mình ở Quân đoàn 4 anh hùng đã đóng góp vai trò rất quan trọng trong quá trình diễn ra cuộc bầu cử Quốc hội khóa đầu tiên.  Đến tháng 8-1977, đơn vị nhận lệnh lên đường đi chiến đấu tại biên giới Tây Nam. Giữa lúc quân Pôn Pốt điên cuồng tấn công vào lãnh thổ và giết hại đồng bào của ta, ông được đơn vị cử đi học đại học. Nhưng, lại thêm một lần nữa, ông gác nghiệp sách đèn, cùng đồng đội tiếp tục lên đường chiến đấu.

Cuốn sách
Cuốn sách "Bài học kinh nghiệm trong sự nghiệp bảo vệ, giải phóng Thăng Long - Hà Nội" do GS-TS, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tài làm chủ biên

Chiến trường Tây Nam nóng bỏng, bước chân những người lính Sư đoàn 341 thuộc Quân đoàn 4 hành quân không ngừng nghỉ. "Ngày 22-12-1978, sau khi tổ chức lễ kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, chúng tôi lên đường hành quân. Vừa hành quân vừa chiến đấu, đến ngày 7-1-1979, chúng tôi tiến vào giải phóng Phnôm Pênh. Nếu ngày 30-4-1975 ở Sài Gòn rực rỡ cờ hoa và nhân dân vẫy cờ chào quân giải phóng, thì ở đây, chúng tôi gặp một thành phố chết, không một bóng người dân, chỉ có hoang tàn và tiếng pháo, đạn nổ...". Ông nhớ lại cảm xúc của một người lính được tham gia những trận quyết chiến chiến lược và chứng kiến những giờ phút hào hùng của chiến thắng kết thúc chiến tranh.

Sau khi giải phóng Phnôm Pênh, từ năm 1979 đến 1981, đơn vị ông tiếp tục làm nghĩa vụ quốc tế, tham gia truy quét tàn quân Pônpốt, mở rộng và giữ vững địa bàn giúp bạn. Năm 1983, lần thứ tư ông nhận giấy báo học đại học. Nhưng mãi đến năm 1985, ông mới chính thức được cử đi học tại Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng, nơi ông đang giữ cương vị Phó Giám đốc hiện nay. Được đặc cách vào trường bởi trải qua chiến đấu, nhưng ông là thủ khoa duy nhất hệ đào tạo giảng viên với kết quả học tập toàn khoá đạt loại giỏi và được giữ lại trường. Trong thời gian công tác ở đây, ông đã hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh, bảo vệ thành công luận án tiến sĩ đạt loại giỏi vào năm 1998, đến năm 2003, ông được phong hàm Phó giáo sư và năm 2010 là Giáo sư. Ông cũng được tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 2008.

Xuyên suốt trong những hồi ức của Thiếu tướng Nguyễn Văn Tài về cuộc đời binh nghiệp, tôi luôn nhận ra hình ảnh một người lính, dù mải miết với những cuộc trường chinh, nhưng món nợ bút nghiên vẫn luôn đeo đẳng. Đấy là trên những chặng đường hành quân, tình cờ gặp những cuốn sách giáo khoa, ông nâng niu chúng và cho vào ba lô. Trong thời gian nghỉ, ông thường mang những cuốn sách sưu tập ra ôn lại, nâng cao kiến thức, như gặp lại mình và bạn bè một thuở. Và nỗi khát khao được đến giảng đường đại học vẫn luôn âm ỉ trong tim, mà vì trách nhiệm với quê hương, với dân tộc, ông đã phải bốn lần nói lời từ chối. "Nhưng tôi là người may mắn khi từ người lính, tôi đã trở thành nhà giáo, nhà khoa học. Từ việc gác bút nghiên để lên đường đi chiến đấu, giờ tôi được truyền giảng những kiến thức cho đội ngũ cán bộ trong và ngoài quân đội, cả bậc đại học và sau đại học, được tham gia và chủ trì nhiều đề tài nghiên cứu khoa học quan trọng cấp Bộ, cấp Nhà nước, góp phần vào sự nghiệp giáo dục – đào tạo và nghiên cứu khoa học của quân đội và đất nước!", Thiếu tướng Nguyễn Văn Tài chia sẻ.

Đến thời điểm này, Giáo sư - Tiến sĩ, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tài đã tham gia biên soạn và chủ biên hàng chục cuốn sách, đăng tải nhiều bài báo khoa học trên các tạp chí. Trong đó có công trình khoa học trọng điểm cấp Nhà nước mang tên "Bài học kinh nghiệm trong sự nghiệp bảo vệ, giải phóng Thăng Long - Hà Nội". Năm 2010, ông có 4 cuốn sách được xuất bản thuộc bộ sách Thăng Long nghìn năm văn hiến, đã góp phần hệ thống hóa những chiến công và sự kiện tiêu biểu; làm sáng tỏ những đóng góp đặc sắc về thực tiễn và lý luận quân sự của các tài năng, anh hùng, nhân vật lịch sử quân sự, những bài học kinh nghiệm xuyên suốt lịch sử bảo vệ, giải phóng Thăng Long - Hà Nội từ thời dựng nước đến thời đại Hồ Chí Minh. Đây là một trong những công trình khoa học tiêu biểu của ông, một người lính dạn dày chiến trận nhưng không kém phần tài hoa và lãng mạn...đóng góp vào Đại lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Sau tất cả những thành công của ông là một gia đình riêng hạnh phúc, đó cũng là điểm tựa vững chắc để ông yên tâm cống hiến hết mình cho khoa học. Và cùng với gia đình nhỏ của mình, thì người có ảnh hưởng rất lớn trong những thành công của Thiếu tướng Nguyễn Văn Tài hôm nay là bố ông, người mà ông rất đỗi yêu thương và kính trọng. Ông kể: “Năm 1979, sau ngày giải phóng Phnôm Pênh, tôi bị sốt nặng phải đưa về Biên Hòa nằm viện, ông đã lặn lội vào tận nơi để chăm sóc tôi. Trước đó, năm 1968, em trai tôi Nguyễn Anh Trí – hiện là Giáo sư, tiến sĩ, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, đi K8 ở Thanh Hóa, ông cũng tìm ra tận nơi để xem em sống thế nào. Chú em út của tôi Nguyễn Thành Hưởng – hiện là Trưởng ban quản lý Dự án Điện dầu khí Thái Bình, hồi còn đi học Đại học Hàng hải Hải Phòng trong những năm tháng gia đình hết sức khó khăn, ông cũng đưa đi thi và nhiều lần ra thăm xem tình hình ăn học thế nào. Và hồi còn đi học, có lần tình cờ nghe tôi bảo thích cuốn tiểu thuyết Ruồi trâu, hôm sau ông lẳng lặng đi bộ từ Lệ Thủy về nhà sách ở Đồng Hới để tìm mua bằng được. Năm 1970, quê tôi lụt to, nhà trôi hết lúa gạo, sách vở, tôi lén bỏ học để đi làm. Thế rồi tôi bị ông bắt được, ông bảo, dù có bất cứ việc gì xảy ra, các con cũng phải theo học đến cùng. Nhờ tình yêu ấy, quyết tâm ấy của bố tôi, nên anh em tôi mới có được ngày hôm nay!".

Chia tay, ông tặng chúng tôi cuốn sách "Bài học kinh nghiệm trong sự nghiệp bảo vệ, giải phóng Thăng Long - Hà Nội" và hẹn ngày gặp lại ở Quảng Bình. Vâng, quê hương luôn đón đợi ông, người lính dạn dày trận mạc mà tâm hồn vẫn luôn ngọt mát như sông nước Kiến Giang...

                                                        Ngọc Mai - Hương Lê