.

"Neo" lại hình bóng điệu hò xưa - Kỳ 1: Vắng tiếng hò giã ruốc Cảnh Dương!

Thứ Ba, 11/06/2013, 09:47 [GMT+7]

(QBĐT) - Người xưa đã nuôi dưỡng, làm giàu đời sống tinh thần của mình bằng các câu hò, ca trù, tuồng cổ, hát sắc bùa... Nhiều nét văn hoá văn nghệ dân gian đã được bảo tồn nguyên vẹn đến tận bây giờ, đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân. Tuy nhiên, cũng không ít trong số đó đã mai danh ẩn tích hoặc dần dần bị lãng quên trong tiềm thức của các thế hệ con cháu.

Nhắc đến làng Cảnh Dương (Quảng Trạch)-một ngôi làng có bề dày lịch sử hơn mấy trăm năm, người ta nhớ nhiều đến hát ru, hò khoan hay chèo cạn. Nhưng, có một làn điệu hò cũng đã từng gắn bó chặt chẽ với cuộc sống của người dân vùng biển nơi đây, trở thành một món ăn tinh thần không thể thiếu và nay chỉ tồn tại trong ký ức của một vài bậc cao niên: Hò giã ruốc.

Một ngày cuối tháng 5, chúng tôi tìm về làng biển Cảnh Dương để tìm hiểu về hò giã ruốc với tâm thế sẵn sàng chấp nhận: nếu không có cơ hội gặp gỡ, trao đổi với nghệ nhân nào thông thạo điệu hò này, cũng đành xem đây như một chuyến vãn cảnh, đón hè. Quả đúng như dự đoán, ngay từ đầu làng, hỏi một vài bà con ngư dân, chỉ nhận được những cái lắc đầu và ánh mặt ngạc nhiên khi lần đầu nghe cái tên là lạ đó.

Đồng chí Đồng Vinh Quang, Phó Chủ tịch UBND xã, mới nghe câu hỏi về sự tồn tại của hò giã ruốc, cũng đã lắc đầu tò mò. Bởi quả thực, theo anh, từ lâu lắm rồi, người dân Cảnh Dương hầu như chưa từng "thấy bóng dáng" của điệu hò này. Mọi hy vọng như chợt tắt ngấm, may thay, đồng chí Phó Chủ tịch xã vẫn đưa chúng tôi đến "kho văn hoá sống của làng"-cụ Phạm Ngọc Thức (Trung Vũ, Cảnh Dương) để tìm hiểu thêm thông tin và biết đâu có thể lần ra manh mối.

Cụ Phạm Ngọc Thức (Trung Vũ, Cảnh Dương) là một trong những người hiếm hoi ở làng khi nhắc đến hò giã ruốc đã không lắc đầu ngạc nhiên!
Cụ Phạm Ngọc Thức (Trung Vũ, Cảnh Dương) là một trong những người hiếm hoi ở làng khi nhắc đến hò giã ruốc đã không lắc đầu ngạc nhiên!

"Ánh sáng luôn le lói ở phía cuối đường hầm", sắp bước qua tuổi 80, cụ Phạm Ngọc Thức vẫn còn nhớ rõ và hát tốt những làn điệu dân gian truyền thống của ngôi làng biển này, trong đó có cả hò giã ruốc.

Cụ kể, hò giã ruốc có mặt tại Cảnh Dương từ năm nào, khó ai còn nhớ rõ, chỉ biết rằng theo những chuyến thuyền vươn khơi vào mạn Lệ Thuỷ, khi trở về, người dân làng chài không chỉ vun đầy lương thực, thực phẩm, nông cụ... để buôn bán, mà còn "đong đầy" điệu hò giã gạo trong sâu thẳm tâm hồn.

Những người dân chài đã truyền nhau điệu hò giã gạo mê đắm lòng người và về với quê nhà lại có những biến thể phù hợp với hoàn cảnh, đời sống sinh hoạt nơi đây. Nhà nghiên cứu văn hoá Văn Tăng khẳng định cùng một điệu hò, nhưng mỗi địa phương lại có cách hát, diễn xướng... khác nhau, tạo nên sự phong phú, đa dạng, tiếp biến của văn hoá văn nghệ dân gian.

Cụ Phạm Ngọc Thức tâm sự, sở dĩ hò giã gạo khi về với đất Cảnh Dương lại được mang một cái tên mới là chính bởi bắt nguồn từ cuộc sống thực tế của người dân vùng biển. Với một xã biển, lúa gạo trở thành "của hiếm", còn con ruốc, con tép lại là đặc sản trời cho. Vì lẽ đó, thay vì lúa gạo, bà con sáng tạo dùng con ruốc, con tép để vừa giã vừa nói hộ tiếng lòng của mình. Những đêm trăng thanh gió mát, nam thanh nữ tú lại kéo nhau đến một sân nhà rộng rãi hoặc đình làng... để cùng cất tiếng hò giã ruốc.

Một ý kiến khác, nhà nghiên cứu văn hoá Phan Thanh Tịnh trong bài viết "Những vùng đất Quảng Bình với sự hình thành các di sản văn hoá phi vật thể" (tạp chí Thông tin Khoa học và Công nghệ, số 1-2013) đã cho rằng: "Điệu hò này có một người hò cái hoặc thay nhau hò cái và một tập thể lao động phụ họa xố theo cách ngắt câu. Hò giã ruốc của Cảnh Dương lạ ở chỗ xố xuống 3 lần (là bơ hò khoan, bơ hò khoan, bơ hò khoan), đó là 3 nhịp giã ruốc mạnh có nét giống với điệu hò sông Mã của Thanh Hoá.

Rõ ràng người dân ngoài ấy di cư vào lập nghiệp nơi đây. Sự biến cải từ một điệu hò chèo thuyền sang điệu hò giã ruốc là sự tiếp biến cho giai điệu phù hợp với nghề nghiệp trong lao động của họ". Như vậy, dù nguồn gốc xuất xứ như thế nào, hò giã ruốc vẫn là minh chứng cho sự sáng tạo, vận dụng linh hoạt của cha ông ta trong việc biến "cái của người khác" thành "của riêng mình", mà vẫn giữ nét đặc sắc, tinh tuý và hồn riêng. Và, hầu như "đặc sản" hò giã ruốc đã trở thành "của hiếm" mà không phải ở làng biển nào ở Việt Nam cũng có được.

Địa điểm này từng là nơi điệu hò giã ruốc đã được vang lên trong những đêm trăng thanh gió mát cách đây mấy chục năm về trước.
Địa điểm này từng là nơi điệu hò giã ruốc vang lên trong những đêm trăng thanh gió mát cách đây mấy chục năm về trước.

Theo chân cụ Phạm Ngọc Thức, chúng tôi tìm đến nhà cụ bà Hoàng Thị Hiếm-một trong những người còn hiếm hoi nhớ được điệu hò giã ruốc. Năm nay bước sang tuổi 94, nhưng chỉ cần nghe đến tên của hò giã ruốc, cụ hoàn toàn tỉnh táo và khoẻ mạnh để hò cho chúng tôi nghe. Năm xưa, suốt thời thiếu nữ, cùng với người chị gái (cũng chỉ vừa mới qua đời), cụ Hiếm đã giã và hò không biết bao nhiêu "cân tép, cân ruốc", chỉ nhớ vào thời điểm những đêm tháng 4, tháng 5 như bây giờ, làng trên xóm dưới đông vui tập nập người đi xem hò.

Dù tiếng hò của cụ Hiếm, cụ Thức đã run run, đứt quãng, nhưng ánh mắt hai cụ vẫn tinh anh, vẫn sáng rực say mê vọng về từ quá khứ:

"Muốn cho con xủ 3 đòn
Con sơn, con ngãng sông Ròn
                              thiếu chi..."
Nam: "Sao rua 7 chiếc
                              nằm chồng
Anh thương em từ buổi mẹ
                            bồng trên tay..."
Nữ : "Trăng lu là bởi gió nồm
Đôi ta trắc trở vì mồm thế gian
Đồn rằng lửa bọn khó nhen
Có đâu một bếp mà chen
                                   hai nồi..."

Cụ Hiếm bùi ngùi hồi đó gia đình khó khăn, chị em cụ làm gì có ruốc, có tép mà giã, chỉ là phận làm thuê, cực khổ, nhưng vẫn luôn yêu đời, gửi nặng tấm lòng vào từng điệu hò, điệu xố:

"Lụa không hồ như cô
                               không phấn
Em đây đành phận hoa tàn
Anh ơi anh ngồi ri để chờ
          người chút đỉnh hồng nhan
Chờ người văn nho tráng sĩ chớ hạng như chàng không thiếu chi...
Thầy mẹ sinh em có đôi lời dặn
Trai chính chuyên thì lấy
Hạng như nửa thời thì xin thôi
Cây mù chu bửa ra văn với võ
Vỏ chụm vào lò thì lửa đỏ
                                   ngất trời..."

Rời Cảnh Dương trong cái nắng trưa hè oi bức và điệu hò giã ruốc vẫn còn văng vẳng đằng xa. Cụ Thức, cụ Hiếm đã ở tuổi "xưa nay hiếm", còn điệu hò giã ruốc đã gần như thất truyền từ hơn 50 năm nay. Việc "neo" lại hình bóng điệu hò xưa có lẽ sắp trở thành một việc làm quá khó. Nhưng những gì đã thuộc về một phần của lịch sử, mà nếu không nhớ đến và gìn giữ, thì sẽ thật là một mất mát lớn trong kho tàng văn hóa văn nghệ dân gian Quảng Bình.

                                                                          Mai Nhân

                                                                    Kỳ 2: Da diết giọng hò lỉa gỗ