.

Bàu Sen

Thứ Năm, 06/06/2013, 07:22 [GMT+7]

(QBĐT) - Trên quốc lộ 1A, từ bắc vào nam, gần đến cuối địa bàn huyện Lệ Thủy,  nơi giáp giới với huyện Vĩnh Linh tỉnh Quảng Trị, trước mắt du khách hiện ra một hồ nước ngọt, trong xanh, tĩnh lặng. Đó là Bàu Sen, phía đông là một rừng dương chạy dài trên  những cồn cát chang chang nắng và gió, phía tây là những cánh đồng, xóm làng trù phú chạy dài đến chân núi Trường Sơn.

Mỗi sáng, khi mặt trời ló rạng, mặt hồ lãng đãng khói sương, đêm đến mặt hồ u tịch lấp lánh ánh trăng sao. Dân địa phương kể rằng, xưa kia, xung quanh bờ, sen ken dày đưa hương lan tỏa mặt hồ. Bàu Sen luôn nhuốm màu huyền thoại.

Bàu Sen còn có tên gọi là Nhị Hồ có thể là để chỉ hai hồ thuộc địa phận xã Sen Thủy là Bàu Sen thuộc Thủy Liên Thượng và Bàu Đơm thuộc Thủy Liên Nam. Bàu Sen hay Hói Sen, Kênh Sen là tục danh dân gian thường gọi, tên chữ xưa là Thủy Liên Cảng (Cảng Lan) thuộc làng Thuỷ Liên, nay thuộc xã Sen Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình.

Sách Ô Châu cận lục của Dương Văn An viết: “Cảng Lan ở huyện Lệ Thủy tiếp giáp châu Minh Linh... Trong cảng có suối nhỏ, dòng nước từ phía Bắc hợp lưu chảy vào đây. Nước trong xanh và mát, cùng một loại nước ở Đông Tân”.

Am thờ Mai Văn Bản (Bổn) được lập trên nền đền thờ cũ.
Am thờ Mai Văn Bản (Bổn) được lập trên nền đền thờ cũ.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vào năm Giáp Thân (1404) Hồ Hán Thương cho đào Kênh Sen để thuận đường vận chuyển binh lương vào Thuận Hóa nhưng “vì bùn cát đùn lên, khai không được”. Dấu tích Kênh Sen bắt đầu từ Lộc Bình, vòng qua quan lộ, đi vào Quán Cát, thông vào Bàu Sen, chảy qua Quán Bụt, Hạ Cờ (giáp giới Quảng Trị) thì chảy về hướng đông, rồi vòng hướng tây. Khi đào đến một cồn cát phía tây làng thì cát đùn lên không đào được, dân làng gọi vùng này là Quán Cụt hay còn gọi là Bàu Diêm Vương, nhà Hồ đành bỏ cuộc.

Đến đời nhà Lê, Lê Thánh Tông trên đường chinh chiến phương Nam cũng lại cho đào thông kênh Sen nhưng đào không được.

Sự việc trên được Đại Nam nhất thống chí chép lại rằng: Khoảng năm Quang Thuận nhà  vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, đến địa đầu xã này, hạ lệnh tập hợp quân dân đào kênh, để tiện dường vận chuyển. Bấy giờ, xã trưởng xã Thủy Liên là Mai Văn Bản (tục gọi là Bổn) liền đến cửa quân tâu rằng: “Chỗ này đất cát, nếu đào sẽ bị cát lấp ngay, chỉ hại sức dân thôi”.

Vua cả giận cho Văn Bản trái lệnh, sai đem chém nhưng sau đó hễ đào được chỗ nào liền bị cát lấp chỗ đó.

Khi vua đánh Chiêm Thành trở về, có 20 thớt voi đến bờ kênh thì đứng ỳ lại, không chịu lội qua, phục ngà xuống đất mà rống lên. Dân trong vùng cho là do ông Mai Văn Bản bị hàm oan, Vua sai người bí mật cầu đảo và khấn rằng: “Nếu Văn Bản có thiêng thì nên cho voi qua sông, sẽ phong tặng”.
Khấn xong đàn voi bèn qua sông. Vua phong cho Văn Bản làm thần bản thổ và sai lập đền thờ, ấy là đền Mai Công đã được sử sách ghi lại.

Trong dân gian, câu chuyện truyền thuyết ấy còn được kể cụ thể hơn, nhuốm màu huyền thoại. Người ta kể rằng, khi vua nổi giận không giết Mai Văn Bản ngay tại chỗ mà sai quân lính bắt giải ra Đèo Ngang chém đầu. Trên đường ra Đèo Ngang quan quân phải thay mấy con ngựa đèo Mai Văn Bản vì không con nào chịu đi, cứ quay đầu về làng Thủy Liên hý vang.

Cuối cùng vị quan áp tải buộc phải giao cho quân lính khiêng cáng ông ra hành hình tại Đèo Ngang. Ít hôm sau dân làng Thuỷ Liên đang họp bàn ở đình làng bàn việc kêu oan cho xã trưởng, bỗng một con quạ bay ngang qua kêu ba tiếng rồi nhả xuống một  chiếc xương lóng tay. Tức thì có một người “đạp đồng” lên kêu khóc và nói dân làng phải chôn cất lóng xương của Mai Văn Bản. Hiện nay ngôi mộ chôn lóng xương của Mai Văn Bản vẫn còn ở thôn Sen Thượng.

Thủy Lan cảng-Bàu Sen, xã Sen Thủy ngày nay.
Thủy Lan cảng-Bàu Sen, xã Sen Thủy ngày nay.

Đền thờ Mai Văn Bản sử sách gọi là đền Mai Công, song dân làng thường gọi là miếu “Bão đài” có nghĩa là “bãi đào”, ngoài cửa đền có câu đối:

Nhất phiến trung can tướng ngự tượng
Thiên thu chính khí nghiệm phi ô.

Dịch nghĩa:

Một tấm lòng ngay thẳng khiến cho voi vua phải dừng bước
Nghìn thu chí khí làm cảm động cả mặt trời.

Theo sách Đại nam dư địa chí ước biên  của Cao Xuân Dục sau này, triều nhà Nguyễn gia phong cho Mai Văn Bản là Hoàn Nghĩa thần.

Do thời gian và chiến tranh tàn phá, ngôi đền thờ Mai Văn Bản ngày xưa không còn nữa nhưng đến năm 1993 dân làng Sen Thượng đã dựng lại một am thờ trên nền miếu cũ. Hàng năm đến ngày giỗ ông (25-10 âm lịch) dân làng thắp hương cúng vái để tưởng nhớ đến người xã trưởng đã dám xả thân vì dân vì nước.

Ở Sen Thủy, bên cạnh đền Mai Công còn có đền Thủy Lan thờ Mai Văn An là quân Vũ Lâm theo vua đi đánh Chiêm Thành bị chết trận rất hiển linh, thường giúp đỡ mọi người, được dân làng lập đền thờ cúng.

Kế thừa truyền thống bất khuất của cha ông, vào thời hiện đại Sen Thủy là một vùng đất kiên cường trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Sen Thủy là địa bàn làng chiến đấu Hưng Đạo nổi tiếng đã tổ chức nhiều trận đánh làm cho giặc Pháp phải kinh hoàng. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, người dân Sen Thủy kiên cường bám đất vừa sản xuất vừa chiến đấu lập nhiều chiến công hiển hách.

Ngày nay, Bàu Sen là nơi dừng chân của nhiều du khách trên tuyến đường Bắc – Nam để được ăn bát cháo cá nước ngọt được đánh bắt trong lòng hồ, thưởng thức các món ẩm thực mặn mà, cay nồng của miền quê Lệ Thủy. Giá như, được đầu tư tốt hơn, nơi đây sẽ là điểm đến lý tưởng của du khách, bởi đến với Bàu Sen là đến với nắng và gió, đến với miền cổ tích lấp lánh trăng sao...

                                                                  Phan Viết Dũng
                                                          (Sưu tầm và giới thiệu)