.

Đổi thay trên chiến khu xưa

Thứ Năm, 16/05/2013, 07:25 [GMT+7]

(QBĐT) - Một ngày cuối tháng tư lịch sử chúng tôi có dịp về lại Quảng Thạch, vùng quê nghèo nằm gọn trong lòng Chiến khu Trung Thuần của huyện Quảng Trạch. Vẫn đồi núi, ruộng vườn nối nhau và cả những con đường bê tông nhỏ quanh co, uốn khúc dưới những bóng cây, nhưng Quảng Thạch đã khác trước rất nhiều...

Dẫn tôi đi thăm một vòng quanh xã, trên những ruộng lúa vàng vụ đông-xuân đang vào mùa thu hoạch, đồng chí Phan Thanh Sơn, Chủ tịch UBND xã Quảng Thạch tâm sự: Là một xã thuộc Chương trình 135 của Chính phủ nên so về điều kiện kinh tế- xã hội Quảng Thạch gặp nhiều khó khăn hơn các địa phương lân cận, đời sống của nhân dân cũng vì thế còn lắm vất vả. Thế nhưng, với sự nỗ lực, quyết tâm cao của đảng bộ và các tầng lớp nhân dân nơi đây trên bước đường dựng xây quê hương, những năm gần đây, Quảng Thạch đã có những đổi thay rất đáng khích lệ.

Phát huy vai trò vị trí và sức chiến đấu của tổ chức đảng trong bước đường xây dựng quê hương, những năm qua, Đảng bộ xã Quảng Thạch đã đề ra những giải pháp thích hợp, lãnh đạo nhân dân củng cố, hoàn chỉnh cơ sở vật chất hạ tầng phục vụ sản xuất và phúc lợi xã hội. Về sản xuất nông nghiệp, quán triệt nghị quyết, chỉ thị của Đảng các cấp, đảng bộ chủ trương đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém trong quản lý kinh tế. Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, các thành phần kinh tế khác trên địa bàn đã từng bước phát triển, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân.

Đặc biệt, đảng bộ, chính quyền xã đã xây dựng các chương trình trọng điểm để lãnh đạo nhân dân khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, cải thiện đời sống, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Cơ cấu kinh tế của xã chuyển dịch theo hướng nông nghiệp, lâm nghiệp, phát triển kinh tế vườn rừng, tạo ra việc làm, thu nhập cho hàng trăm lao động. Bên cạnh đó, Quảng Thạch còn chú trọng mở mang dịch vụ, ngành nghề. Đến thời điểm này, trên địa bàn xã có 150 hộ làm thêm mộc, nề dân dụng, may mặc, quán hàng tạp hóa, xay xát. Hoạt động thương mại dịch vụ mang lại hiệu quả khá cao cho các hộ gia đình, cá biệt có hộ thu nhập từ 40 - 70 triệu đồng/năm.

Thế hệ trẻ Quảng Thạch làm vệ sinh môi trường tại bia di tích lịch sử Chiến khu Trung Thuần.
Thế hệ trẻ Quảng Thạch làm vệ sinh môi trường tại bia di tích lịch sử Chiến khu Trung Thuần.

Trên mặt trận nông nghiệp, nhờ thực hiện tốt chủ trương dồn điền đổi thửa, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa giống mới vào sản xuất nên năng suất và sản lượng ngày càng tăng. Diện tích đất lâm nghiệp được nhân dân quan tâm đầu tư khai thác có hiệu quả, mang lại nguồn lợi lớn, góp phần cải thiện đời sống và xóa đói giảm nghèo cho nhân dân. Hiện tại, xã có hàng trăm ha rừng kinh tế trồng keo, tràm, nhiều hộ gia đình có thu nhập từ 40-50 triệu đồng nhờ rừng. Đáng chú ý là, trong điều kiện ruộng đất ở miền núi, nhưng nhờ chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, hiện tại Quảng Thạch đã có năng suất lúa đạt ổn định từ 44- 46tạ/ha, diện tích hồ tiêu cho sản lượng từ 30- 35 tấn/năm.

Phát huy thế mạnh vùng rừng núi, gò đồi, cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể xã Quảng Thạch còn tích cực vận động nhân dân phát triển đàn gia súc để tạo thêm nguồn thu nhập. Đến nay, toàn xã có đàn trâu bò trên 1.600 con, lợn 2.300 con và khoảng 12.000 con gia cầm. Nền kinh tế có nhiều chuyển biến, hệ thống cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm trên địa bàn đã từng bước được quan tâm đầu tư xây dựng, làm thay đổi diện mạo của một vùng quê nằm trong lòng chiến khu xưa. Đời sống của nhân dân Quảng Thạch cũng đã khác trước nhiều. Là một xã nghèo, nhưng đến nay, thu nhập của nhân dân đã đạt 5,3 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm hàng năm từ 10-12% và hiện chỉ còn 43%. Toàn xã có 8/9 thôn đạt danh hiệu làng văn hóa cấp huyện.

Cùng với lãnh đạo phát triển kinh tế, trong công tác xây dựng Đảng, những năm qua, Đảng bộ xã Quảng Thạch đã luôn chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao trình độ nhận thức về Chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ, đảng viên; tổ chức học tập, quán triệt đầy đủ các nghị quyết, chỉ thị của Đảng cấp trên, nhất là nghị quyết đại hội Đảng các cấp, xây dựng các chương trình hành động sát đúng với tình hình thực tế địa phương.

Công tác dân vận được đảng bộ xác định là nhiệm vụ thường xuyên của tổ chức đảng và đảng viên, qua đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân. Các cấp ủy Đảng, chính quyền vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế- xã hội, quốc phòng- an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền và các đoàn thể vững mạnh, đặc biệt là thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Đề cập đến công tác xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch UBND xã Phan Thanh Sơn phấn khởi cho biết: Dù là xã miền núi, điều kiện khó khăn nhưng thực hiện chủ trương này của Đảng, Nhà nước, cán bộ và các tầng lớp nhân dân đồng tình nhất trí rất cao. Để mở rộng đường giao thông, người dân đã không ngại góp công, góp của, hiến đất đợt 1 được hơn 24.400m2 và nhiều tài sản khác trên đất. Nhờ đó, chính quyền xã đã quy hoạch, mở được 14 tuyến đường giao thông liên thôn, nội thôn ở 5/9 thôn, còn 4 thôn sẽ được tiếp tục triển khai mở đường khi thu hoạch xong vụ đông-xuân này. Một đảng viên lão thành nói với chúng tôi rằng, phong trào xây dựng nông thôn mới như đang làm sống lại khí thế hừng hực của Đảng bộ, nhân dân Quảng Thạch anh hùng trong thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ cứu nước.

Trước lúc tạm biệt Quảng Thạch, Bí thư Đoàn Thanh niên xã Phan Duy An nhất quyết phải dẫn phóng viên đi thăm bia di tích lịch sử Chiến khu Trung Thuần, nằm sát bên tuyến đường 22, nơi có đông đảo thế hệ trẻ xã nhà đang cùng nhau làm vệ sinh, dâng hương tưởng nhớ công ơn thế hệ đi trước. Nơi đây năm xưa chính là căn cứ địa, chiến khu quan trọng để chuẩn bị lực lượng, khởi nghĩa giành chính quyền của Đảng bộ và nhân dân huyện Quảng Trạch, chiến khu đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1995.

An nói: Đã thành thông lệ, cứ vào các ngày lễ lớn của đất nước, Xã đoàn thường tổ chức cho thanh, thiếu nhi trên địa bàn đến thăm bia di tích lịch sử Chiến khu Trung Thuần dâng hương, làm vệ sinh môi trường, qua đó giáo dục đạo đức, lối sống, truyền thống cách mạng, giúp các em có nhận thức đúng đắn hơn trong học tập, rèn luyện để trở thành người công dân tốt, tích cực góp phần xây dựng quê hương Quảng Thạch giàu đẹp, văn ninh.

                                                                                        A. T