.

"Neo" lại hình bóng điệu hò xưa - Kỳ 3: Về Bắc Nghĩa, nghe tuồng cổ Mỹ Cương

Thứ Năm, 13/06/2013, 07:21 [GMT+7]

(QBĐT) - Nếu tuồng Khương Hà (Hưng Trạch, Bố Trạch) được nhiều người biết đến thì cái tên tuồng Mỹ Cương (Bắc Nghĩa, TP.Đồng Hới) dường như vẫn còn khá xa lạ. Ít ai biết rằng, tuồng Mỹ Cương đã xuất hiện từ thập niên 60 của thế kỷ trước và một thời trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân phía tây TP.Đồng Hới. Chỉ có điều giờ đây, về Mỹ Cương để nghe một câu tuồng cổ lại không hề đơn giản!

>> Kỳ 2: Da diết giọng hò lỉa gỗ

>> Kỳ 1: Vắng tiếng hò giã ruốc Cảnh Dương

 

Cụ Hoàng Thị Lài trong lần biểu diễn  vở tuồng Trưng Trắc, Trưng Nhị.
Cụ Hoàng Thị Lài trong lần biểu diễn vở tuồng Trưng Trắc, Trưng Nhị.

Nhà nghiên cứu văn hoá Phan Thanh Tịnh trong bài viết "Diễn tuồng xưa ở Mỹ Cương" (Tạp chí văn hoá Quảng Bình) đã khẳng định: "Nếu tuồng Khương Hà giống trường phái tuồng Bắc thì tuồng Mỹ Cương là trường phái tuồng khu 5. So với tuồng Bắc và tuồng khu 5, tuồng Quảng Bình như một bức tranh có nhiều nét và mảng màu đậm đà, tinh tế, mềm mại như bản chất của con người Quảng Bình cần cù, mộc mạc và giản dị.

Cách lấy hơi và ca hát của tuồng Quảng Bình cũng có khác, nếu như tuồng Bắc và tuồng khu 5 hầu hết sử dụng giọng bụng, giọng gan, thì tuồng Quảng Bình dùng nhiều giọng phổi, giọng miệng, vì thế người nghe dễ thu nạp và chiêm ngưỡng cái sắc thái dịu dàng, nhẹ nhàng của nó". Như vậy, mặc dù du nhập từ ngoại tỉnh, nhưng khi về đến vùng đất Quảng Bình, tuồng đã được cách tân, tiếp biến sao cho phù hợp với đời sống và cách thưởng thức của bà con quê mình. Vì lẽ đó, tuồng Khương Hà, hay tuồng Mỹ Cương vẫn mang đậm nét bản sắc riêng, không bị hoà lẫn với nhiều trường phái tuồng khác.

Về Mỹ Cương bây giờ, tìm một nghệ nhân hát tuồng cổ ngày xưa thật đúng như "mò kim đáy bể". Bởi, nhiều cụ cao niên hoặc đã khuất núi, hoặc đã không còn có thể ca tuồng lưu loát như ngày nào... Làng Mỹ Cương giờ chỉ còn cụ Hoàng Thị Lài (71 tuổi) là vẫn còn giữ được giọng hát và cốt cách của tuồng xưa. Cụ kể từ năm 16 tuổi đã trót say mê với nghiệp cầm ca. Đó cũng được xem như là giai đoạn hưng thịnh nhất của tuồng Mỹ Cương. Với sự nhiệt tình của các bậc tiền bối như cụ Hoàng Mạnh Châm, cụ Trần Quát..., cụ Lài cùng 40 chị em gái khác được tập đi, tập lại từng câu hát, câu nói và cả kỹ năng biểu diễn, vũ đạo của tuồng cổ.

Cái khó nhất của chị em chính là phải nắm được cái hồn, cốt cách riêng của từng nhân vật. Cụ bùi ngùi nhớ lại chỉ riêng học câu hát "tò vò xây ổ, sao tròn mà xây", các cụ đã phải mất rất nhiều thời gian, rèn giũa, trau chuốt, đến khi thật thành thục mới sang câu hát khác. Bởi vậy, sau một thời gian tập luyện, số lượng chị em theo tuồng cứ giảm dần và cụ là một trong số ít học tốt, trụ lại với nghiệp tuồng. Cụ Lài cho biết khi biểu diễn trước bà con, vất vả nhất là khâu phục trang và đạo cụ.

Diễn viên lấy chân nhang đỏ bôi môi son má hồng, lấy nhọ nồi vẽ râu làm tóc, lấy giấy, vải thừa, khăn mặt... làm áo quần, mũ mão... Khó khăn thiếu thốn trăm bề, nhưng chỉ cần được ra sân diễn dưới ngọn đuốc sáng và sự cổ vũ, đón nhận nhiệt tình của bà con, đội tuồng quên hết mọi khó khăn, mệt nhọc và hết mình toả sáng.

Cách đây mấy chục năm về trước, khu vực này là sân biểu diễn của đội tuồng Mỹ Cương.
Cách đây mấy chục năm về trước, khu vực này là sân biểu diễn của đội tuồng Mỹ Cương.

Cụ Trần Đình Cản đã bước sang tuổi 80, mới qua cơn bạo bệnh, dù khá tỉnh táo, nhưng để hát tuồng như xưa thì lại không hề dễ dàng với cụ. Cụ trầm ngâm nhớ lại thuở đó song song với tập luyện, các bậc tiền bối còn rất trau chuốt khâu kịch bản cho từng vở tuồng. Nhiều vở tuồng được sưu tầm và viết lại, như: Hải Bằng, Sơn Hậu, Ngọn lửa Hồng Sơn, Phạm Tải-Ngọc Hoa... hoặc được chuyển thể từ cải lương, như: Thoại Khanh-Châu Tuấn, Lương Sơn Bá-Chúc Anh Đài, Lưu Bình-Dương Lễ... Tuồng đã ăn vào máu của người dân Mỹ Cương, cụ Cản nhớ lại vào những đêm diễn, người ta thi nhau đánh trống chầu đến nỗi vỡ cả trống. Và tuồng Mỹ Cương còn vang danh, lan xa đến nhiều vùng xung quanh, đội tuồng có cơ hội được đi biểu diễn ở nhiều nơi, như: Đức Ninh, Nghĩa Ninh, Lý Ninh, Nghệ An...

Một vài năm trở lại đây, xót xa với tuồng cổ Mỹ Cương đang ngày càng khó "neo" bóng, cụ Hoàng Thị Lài cùng một số người có tâm khác nỗ lực duy trì một vài lớp học hát tuồng. Tuy nhiên, theo cụ, công tác bảo tồn này gặp muôn vàn khó khăn, bởi nhiều kịch bản tuồng bị thất lạc, bị lãng quên, lớp trẻ lại không mấy mặn mà và đam mê. Trong khi đó, để học được một câu hát tuồng cũng đã phải mất rất nhiều công sức, mồ hôi và cả nước mắt. Ngoài ra, nguồn kinh phí để duy trì hoạt động cũng là một vấn đề nan giải. Nhưng với niềm đam mê, lo lắng cho tuồng, cụ Lài vẫn miệt mài và hy vọng "biết đâu một ngày, tuồng sẽ lại nở hoa".

Kho tàng văn nghệ dân gian là vốn quý không phải bất cứ vùng đất nào cũng có được. Quảng Bình tự hào vì đã sản sinh, nuôi dưỡng nhiều "tài sản quý" đó.

Tiếc thay theo thời gian, nhiều điệu hò, câu hát đã dần dần lùi xa vào dĩ vãng. Dù biết đó là quy luật và việc phục hồi không phải là dễ dàng, nhưng nên chăng các cơ quan quản lý văn hoá cần có một động thái thực tiễn hơn để ít nhất cũng nắm được một phần "hồn cốt" của điệu hò, câu hát.

Có lẽ, nếu một lần những nhà quản lý tìm đến gặp các "nghệ nhân" của nhân dân, nhìn ánh mắt các cụ sáng lên khi nhắc đến hò lỉa gỗ, hò giã ruốc... và giọng hò run run, hào sảng khí thế, thì chắc chắn họ biết mình sẽ phải làm gì. Và cũng phải nhanh nhanh lên thôi, bởi các cụ đã ở tuổi xế chiều!

                                                                                 Mai Nhân