.

"Neo" lại hình bóng điệu hò xưa - Kỳ 2: Da diết giọng hò lỉa gỗ

Thứ Tư, 12/06/2013, 07:16 [GMT+7]

(QBĐT) - Cũng như bao địa danh khác trên khắp cả nước, vùng đất Quảng Bình là nơi mà các loại hình văn hoá văn nghệ dân gian gắn liền với đặc trưng của đời sống và ngành nghề sản xuất lao động. Nghề trồng lúa nước "tự hào" với hò khoan, hò giã gạo; nghề đánh bắt hải sản có hò giã ruốc... Và đặc biệt, những người làm nghề sơn tràng (nghề vào rừng khai thác gỗ) cũng có điệu hò riêng của mình: hò lỉa gỗ (hay còn gọi là hò lái lơ). Đây là nét văn hoá riêng có, độc nhất vô nhị của tỉnh ta.

>> Kỳ 1: Vắng tiếng hò giã ruốc Cảnh Dương!

Nhà nghiên cứu văn hoá Phan Thanh Tịnh trong bài viết "Những vùng đất Quảng Bình với sự hình thành các di sản văn hoá phi vật thể" (tạp chí Thông tin Khoa học và Công nghệ, số 1-2013) đã nhận định: "Các vùng nằm rải rác phía Tây huyện Lệ Thuỷ (Tân Thuỷ, Phú Thuỷ, Mai Thuỷ, Sơn Thuỷ) và phía Tây huyện Quảng Ninh (Vạn Ninh, Vĩnh Ninh, Nghĩa Ninh-nay thuộc TP.Đồng Hới) là nơi sản sinh điệu hò lỉa gỗ độc đáo này.

Mục đích của điệu hò lỉa gỗ là thúc giục, thổ dụ con trâu kéo gỗ lên dốc và động viên thợ sơn tràng vui vẻ, quên đi mệt nhọc trong lao động. Chính vì vậy, kết cấu điệu hò lỉa gỗ thường là lục bát và song thất lục bát sử dụng các cao độ từ êm trầm dần đều đến chuyển cao hát giật đột ngột để giục trâu lên dốc. Giải âm vực trong hò lỉa gỗ rất rộng, đến 8 quãng, ví dụ từ độ lên đô (có độ, rê, mi, pha, son, la, xi, đô). Kể cả âm vực-tiết tấu-giai điệu là một điệu hò rất đặc sắc và có một không hai".

Cụ Đặng Văn Diên (67 tuổi, Đức Hoa, Đức Ninh) đang nhớ về vùng rừng miền tây Đức Phổ xưa, nơi luôn vang vọng điệu hò lỉa gỗ.
Cụ Đặng Văn Diên (67 tuổi, Đức Hoa, Đức Ninh) đang nhớ về vùng rừng miền tây Đức Phổ xưa, nơi luôn vang vọng điệu hò lỉa gỗ.

Nhạc sĩ Dương Viết Chiến phân biệt sự khác nhau giữa hò lỉa gỗ và hò kéo gỗ, đó là nếu hò lỉa gỗ là tiếng hò giục giã đàn trâu gắng sức vươn tới, thì hò kéo gỗ là tiếng hò kêu gọi, động viên người kéo gỗ hăng say, hợp sức, nỗ lực. Theo nhạc sĩ, có thể do đặc điểm đồi núi, tính chất công việc và tập quán làm ăn từng vùng có khác nhau mà điệu hò lỉa gỗ ở từng địa phương có sự khác nhau. Nhưng về cơ bản, hò thường bắt đầu bằng tiếng "hò ơ..., hớ lơ..., hố hô hồ lơ..." hoặc "hò lơ..., ơ hò..., hồ lê...", hát ở âm vực cao, ngân dài. Tiếp đến là nội dung câu hò, thường là những câu lục bát hoặc lục bát biến thể kiểu thêm từ, hoặc hát liền mạch hết câu 6 và 4 từ đầu của câu 8 mới nghỉ lấy hơi, rồi hát tiếp 4 từ cuối còn lại của câu 8.

Ở TP.Đồng Hới, vẫn có một vùng quê mà tiếng hò lỉa gỗ thuở nào còn chưa "mất bóng". Đó là tại xã Đức Ninh với nghề rừng từng là một trong những nghề quan trọng, mang lại sự sung túc, đủ đầy cho người dân nơi đây.

Nhà nghiên cứu văn hoá Đặng Thị Kim Liên, người rất tâm huyết với nét văn hoá riêng của làng Đức Phổ (Đức Ninh ngày nay), đã khẳng định: "Nghề sơn tràng gắn liền với trâu lỉa gỗ. Khi trâu kéo gỗ lên dốc rất nặng nhọc, một điệu hò cất lên như động viên, thúc giục nâng bước chân trâu. Trâu vểnh tai nghe một câu hò dài như đồng cảm với người thợ rừng để chuẩn bị bước đi mang theo cả súc gỗ đằng sau. Tiếng hò của người lỉa gỗ rất dài (thường là một câu ca dao), cuối cùng là ngữ "hích lên" thế là trâu cố gắng vươn tới".

Dù rất cố gắng tìm về Đức Ninh theo lời chỉ dẫn tận tình của nhà văn hóa Đặng Thị Kim Liên, nhưng thật khó để chúng tôi có thể gặp được các "anh cả" của hò lỉa gỗ thuở nào. Bởi, "vật đổi sao dời", "người xưa cảnh cũ", nhiều bậc cao niên đã khuất núi từ lâu hoặc cũng "sức kiệt" để có thể hò một điệu lỉa gỗ đúng nghĩa.

May mắn thay qua nhiều lần dò hỏi, cuối cùng chúng tôi đã gặp được cụ Đặng Văn Diên (67 tuổi, Đức Hoa, Đức Ninh)-"nhân chứng sống" của điệu hò lỉa gỗ ngày xưa. Đang bận rộn với việc đồng áng, chăn nuôi, nhưng chỉ cần nhắc đến hò lỉa gỗ, là đôi mắt cụ tinh anh rực rỡ, tưởng như quá khứ tuổi trẻ đã trở về nguyên vẹn và đong đầy cảm xúc. Cụ ngậm ngùi tâm sự: "Đã lâu lắm rồi mới có người hỏi tôi về hò lỉa gỗ".

Theo cha lên rừng làm nghề sơn tràng từ năm 12 tuổi, cụ đã nghe và đam mê điệu hò đầy hấp dẫn, lôi cuốn đó. Nhưng mãi đến tận năm 18 tuổi, cụ mới bắt đầu được hò những điệu đầu tiên trong đời. Cứ mỗi tháng, cụ lại có khoảng 15 ngày lên rừng khai thác gỗ và thực sự đây là những ngày làm việc vất vả, mệt nhọc nhưng lại hăng say, háo hức bởi điệu hò lỉa gỗ thân thương. Giờ đây, để có thể hò cho chúng tôi nghe, cụ phải ghi chép điệu hò vào giấy, nhẩm nhớ và bắt đầu hò.

Đây là cách thức người thợ sơn tràng thuở trước làm một chiếc lỉa cho trâu kéo gỗ.
Đây là cách thức người thợ sơn tràng thuở trước làm một chiếc lỉa cho trâu kéo gỗ.

Và lúc đó, với chúng tôi-những người lần đầu nghe điệu hò lỉa gỗ, mọi cảm nhận về không gian, thời gian dường như không còn nữa. Giọng hò lên bổng, xuống trầm, da diết đưa người nghe về với đại ngàn hùng vĩ, với trời xanh mây thẳm và với một không khí lao động khẩn trương, không biết mệt mỏi:

"Hò ơ..., hớ lơ..., hố hô hồ lơ...
Đường còn dài cố gắng cố gắng
hô lên
Hô hô lên lên mau mau đã tới tới
rồi ơi hồ ơi!
Dốc này còn dốc mải mải vồ hơ
ơi...
Chủ thương chủ nhớ lắm cố
gắng lên..."

Theo chân cụ Diên, chúng tôi đến thăm cụ Phan Văn Dưng (Đức Thủy, Đức Ninh). Bước sang tuổi 81, ít ai ngờ cụ ông sức vóc nhỏ bé này năm xưa lại là trưởng đoàn sơn tràng tiếng tăm của làng Đức Phổ. Cụ kể những ngày khai thác gỗ trong rừng, nếu không có điệu hò làm bạn tâm tình, chia sẻ, đồng cam cộng khổ, có lẽ anh em thợ khó vượt qua được thử thách, khó khăn. Nhiều thợ sơn tràng thuở xưa hò hay đến nỗi "trâu cũng phải dỏng tai lên mà nghe, mà kéo gỗ". Chỉ tiếc là giờ đây các cụ đã thành người thiên cổ.

Hò lỉa gỗ là "tài sản quý" không chỉ riêng một vài ngôi làng mà còn là "kho báu" của cả tỉnh nhà. Tuy nhiên, giờ đây, khi nghề sơn tràng đã mai một từ những năm 80 của thế kỷ trước, lớp nghệ nhân dần dần lùi vào dĩ vàng, thì số phận của hò lỉa gỗ có lẽ cũng sẽ sớm được định đoạt như thế. Trong tương lai, con cháu chúng ta sẽ ngậm ngùi, tiếc nuối và chỉ được biết qua sách vở về một điệu hò nổi tiếng, riêng có của vùng đất Quảng Bình mà thôi.

                                                                         Mai Nhân

                                       Kỳ 3: Về Bắc Nghĩa, nghe tuồng cổ Mỹ Cương