Chuyện quản lý: "Lời giải" nào cho "bài toán" nhân lực?

  • 07:05 | Thứ Ba, 16/04/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - 1. Lãnh đạo một siêu thị lớn trên địa bàn tỉnh chia sẻ, trong nỗ lực xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, siêu thị đã giúp sức cùng một số hợp tác xã, tổ hợp tác (HTX, THT) đưa sản phẩm chất lượng vào bày bán trong hệ thống siêu thị.
 
Theo đó, siêu thị hỗ trợ các HTX, THT thực hiện kiểm tra về tiêu chuẩn chất lượng để hoàn thành quy trình, xây dựng kế hoạch dài hơi cho tiêu thụ nông sản địa phương, mục tiêu đưa nông sản được bày bán tại siêu thị sớm nhất. Vậy mà một thời gian sau, siêu thị liên hệ với HTX, THT thì nhận được câu trả lời: “Do có doanh nghiệp hỏi mua với giá cao hơn nên đã bán toàn bộ sản phẩm!”. Đáng buồn là không chỉ một hay hai cơ sở sản xuất mà đã có không ít trường hợp như vậy. Thực tế này khiến siêu thị trên băn khoăn, cân nhắc nhiều hơn trước khi đưa ra quyết định hỗ trợ cho một nông sản địa phương.
 
2. Giám đốc của một công ty chuyên kinh doanh về nông sản sạch, hữu cơ cũng chia sẻ, công ty đầu tư phát triển nông sản hữu cơ tại xã nọ với cam kết bao tiêu đầu ra. Trong quá trình sản xuất, công ty cũng thường xuyên có sự hướng dẫn, hỗ trợ bà con nông dân trong các khâu, bảo đảm quy trình canh tác theo đúng hướng hữu cơ và hệ thống các tiêu chí khắt khe đặt ra. Tuy nhiên, đến mùa thu hoạch, cơ sở lại đưa ra giá thu mua quá cao khiến công ty khó có thể đáp ứng, đành phải bỏ lỡ kế hoạch phục hồi giống nông sản quý của địa phương theo hướng hữu cơ. 
 
3. Lãnh đạo một xã nọ bày tỏ lo lắng cho hoạt động sắp tới của HTX nông nghiệp địa phương. Bởi, hội đồng quản trị HTX đều đã lớn tuổi, lại không được đào tạo bài bản về quản lý, marketing, quảng bá sản phẩm. “Thậm chí giám đốc HTX cũng đang sử dụng điện thoại “cục gạch”, không có kết nối internet”, vị lãnh đạo này chia sẻ. Trong khi đó, tới đây, HTX sẽ bắt tay vào nhiều khâu quan trọng trong xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản, rất cần sự nhanh nhạy, năng động, sáng tạo và cả những kiến thức về công nghệ thông tin, thị trường tiêu thụ của đội ngũ nhân lực.
 
4. Nguồn nhân lực cho các HTX, THT, cơ sở sản xuất không chỉ trong nông nghiệp mà ở các lĩnh vực khác đang là nỗi trăn trở của nhiều địa phương. Bên cạnh công tác bồi dưỡng, tập huấn, trao đổi kinh nghiệm thường xuyên, vẫn còn đó những “khoảng trống” khó lấp đầy trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Trên thực tế, vẫn còn đó những người bỏ qua cam kết, sẵn sàng bán sản phẩm cho bên có giá cao hơn, không quan tâm đến những hệ lụy phía sau hay ngại thay đổi, chậm bứt phá, hài lòng với hiện tại đang có. Thêm nữa, không ít người trẻ ở nông thôn đang ngày càng mong muốn tham gia xuất khẩu lao động, làm giàu nơi xa xứ, ít mặn mà tham gia các HTX, THT hay cơ sở sản xuất ở quê hương. Chính điều này khiến nguồn nhân lực ở nông thôn khó được “thay máu”. Vậy nên “lời giải” cho “bài toán” nhân lực vẫn còn đau đáu, đòi hỏi những kế hoạch, chiến lược dài hơi và không thể tiếp tục chần chừ.
Quảng Hạ

tin liên quan

Phong Nha-Kẻ Bàng đẹp hơn trong lòng du khách

(QBĐT) - Nhặt của rơi, trả lại người mất là việc làm thiết thực, ý nghĩa được Trung tâm Du lịch Phong Nha-Kẻ Bàng thường xuyên tuyên truyền trong toàn thể nhân viên và đội thuyền, đội ảnh du lịch của đơn vị. 

Kế hoạch thực hiện quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

(QBĐT) - UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 642/KH-UBND thực hiện quy hoạch hạ tầng phòng cháy và chữa cháy thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Nỗ lực cống hiến vì sự phát triển du lịch Quảng Bình

(QBĐT) - Trong nỗ lực đưa thương hiệu và hình ảnh của DL Quảng Bình vươn xa ra thế giới có sự đóng góp của thạc sĩ Lê Thái An, Phó trưởng Phòng Kế hoạch và Phát triển du lịch, Sở Du lịch.