Người khiếm thị lan tỏa ý chí thoát nghèo

  • 08:21 | Thứ Bảy, 14/10/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Có rất nhiều hộ người mù (NM), người khiếm thị thoát nghèo đã quay trở lại giúp đỡ người khó khăn hơn mình. Việc làm đó đã lan tỏa ý chí thoát nghèo của những người yếu thể để họ cùng nhau vươn lên trong cuộc sống. 
 
Vừa tất bật chuẩn bị thức ăn cho đàn lợn gồm 4 con, đàn gà 100 con, 50 con ngan và 2 con bò sinh sản, chị Võ Thị Liên, ở xã Mỹ Thủy (Lệ Thủy) vừa chia sẻ: "Trước kia, cuộc sống kinh tế gia đình tôi rất khó khăn, là hộ nghèo của xã. Bản thân tôi bị khuyết tật hai mắt. Năm 2006, tôi được Hội NM huyện Lệ Thủy kết nạp vào hội, tạo điều kiện cho tôi được tập huấn về chăn nuôi, trồng trọt và hỗ trợ vay vốn với số tiền 10 triệu đồng. Từ nguồn vốn vay cùng với số tiền tích góp được, tôi bắt đầu làm kinh tế từ việc nuôi gà, nuôi lợn và trồng ít cây trong vườn. Việc nuôi, trồng ngày một thuận lợi đã giúp cho cuộc sống kinh tế của gia đình tôi đỡ vất vả và dần thoát nghèo. Hiện nay ngoài chăn nuôi, tôi còn trồng được nhiều loại cây ăn quả ở trong vườn, như: Bưởi, chuối, chanh, đậu, sắn, khoai, rau các loại… Từ “gia trại” nhỏ, mỗi năm cho tôi thu nhập trung bình từ 50-60 triệu đồng".
 
Không những thoát nghèo, chị Liên còn giúp đỡ rất nhiều chị em có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương về kinh nghiệm chăn nuôi, cách chọn con giống để chăn nuôi hiệu quả. 
 
Chị Liên cho biết thêm, năm 2020, chị được Hội NM huyện tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Chi hội NM xã Mỹ Thủy. Với cương vị mới, chị luôn trăn trở, suy nghĩ để tổ chức nhiều hoạt động thiết thực phù hợp với tình hình thực tế của các hội viên. Nhiều chị em sau khi nhận được sự hỗ trợ từ chi hội, đời sống kinh tế được cải thiện rõ rệt và từng bước thoát khỏi hộ nghèo, hộ khó khăn, vươn lên có cuộc sống ổn định.
 
Chị Nguyễn Thị Thủy, Chủ tịch Hội NM huyện Lệ Thủy cho biết: Hội NM huyện hiện có 185 hội viên, trong đó có 114 hội viên nữ (chiếm tỷ lệ 61,6%). Năm 2007, hội đã thành lập Ban công tác phụ nữ và trẻ em mù.
Mô hình trang trại tổng hợp của anh Phan Thanh Sơn ở thôn Tam Đa, xã Quảng Lưu (Quảng Trạch) tạo việc làm cho nhiều lao động khiếm thị .
Mô hình trang trại tổng hợp của anh Phan Thanh Sơn ở thôn Tam Đa, xã Quảng Lưu (Quảng Trạch) tạo việc làm cho nhiều lao động khiếm thị .

Mỗi thành viên đều được hội tạo điều kiện cho đi học chữ, học tin học, học các nghề, như: Xoa bóp, tẩm quất, làm tăm tre, chổi đót… Một số chị em được vay vốn hỗ trợ sinh kế để đầu tư làm ăn, cải thiện cuộc sống. Nhiều chị em đã vươn lên xóa đói, giảm được nghèo. Sau khi thoát nghèo, chị em đã chủ động giúp đỡ nhiều chị em khác phát triển kinh tế. Nhờ vậy, cuộc sống của nhiều hội viên đã có sự thay đổi. Đến nay, đa số chị em trong hội đều có việc làm và biết vươn lên từ những trợ lực của tập thể và cộng đồng.

Ở thôn Tam Đa, xã Quảng Lưu (Quảng Trạch), anh Phan Thanh Sơn (SN 1980) cũng là một trong những tấm gương tiêu biểu lan tỏa ý chí thoát nghèo cho nhiều mảnh đời bất hạnh.

Anh Sơn bị khuyết tật về mắt do một tai nạn. Năm 2012, anh lên kế hoạch xây dựng trang trại nên đã cùng bạn bè tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ nhiều hộ làm kinh tế giỏi trong tỉnh và tìm hiểu kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt trên các phương tiện truyền thông. Ban đầu, anh trồng cây và chăn nuôi gia súc, gia cầm, đào ao nuôi cá… Những năm đầu do chưa có kinh nghiệm nên kết quả đạt được chưa cao.

Mặc dù vậy, anh không nản chí, tiếp tục trồng thêm 3ha cao su với tổng số 1.500 cây, thu hoạch mỗi năm 4-5 tấn mủ, đem lại thu nhập hàng năm từ 70-80 triệu đồng. Được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 50 triệu đồng để phát triển kinh tế, từ nguồn vốn này anh mở rộng chuồng trại, đầu tư thêm con giống.

Đến nay, mỗi năm anh thả được 3 lứa gà thịt, mỗi lứa từ 1.000-1.200 con, đầu tư nuôi 15 con lợn nái và 2.500m2 ao thả cá các loại. Ngoài ra, anh còn nuôi thêm nhím và bò sinh sản… Mô hình này đem lại thu nhập mỗi năm cho gia đình anh 230-250 triệu đồng sau khi trừ các khoản chi phí. Gia đình anh đã thoát nghèo bền vững và tạo được việc làm cho 7 lao động cũng là người khuyết tật, giúp họ có việc làm, thu nhập ổn định.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có rất nhiều tấm gương NM, người khiếm thị tiêu biểu vượt khó, thoát nghèo bền vững và họ trở thành động lực giúp cho hàng trăm người khuyết tật có được việc làm, thu nhập ổn định.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Chủ tịch Hội NM tỉnh cho biết: Có rất nhiều NM, người khiếm thị, sau khi nhận được sự giúp đỡ của tổ chức hội và từ các hội viên đã cải thiện cuộc sống, như trường hợp chị Phạm Thị Mỹ Hạnh (Lệ Thủy), Đặng Thị Lân (TX. Ba Đồn), chị Hồ Thị Mỹ (Tuyên Hóa)...

Nhờ quyết tâm thoát nghèo, những NM, khiếm thị đã nỗ lực vươn lên, lan tỏa ý chí thoát nghèo, nghị lực vượt khó và phát huy truyền thống “lá lành đùm lá rách” giúp đỡ lẫn nhau thoát nghèo, hướng đến tương lai tốt đẹp hơn.

Hiền Phương

tin liên quan

Tập huấn SMART Desktop cho cán bộ kỹ thuật và kiểm lâm

(QBĐT) - Từ ngày 12-14/10, Ban Quản lý dự án quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học Quảng Bình phối hợp với Tổ chức Fauna&Flora tổ chức tập huấn SMART Desktop cho cán bộ kỹ thuật và kiểm lâm.

Mưa lớn gây chia cắt, sạt lở ở một số địa phương

(QBĐT) - Đến 17 giờ chiều 13/10, do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh nên trên địa bàn tỉnh đã có mưa vừa đến mưa to, có nơi mưa rất to, khiến cho nhiều địa phương bị ngập, chia cắt, sạt lở.

Giới thiệu các dịch vụ hỗ trợ cho nạn nhân bị lạm dụng trực tuyến

(QBĐT) - Chiều 13/10, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Plan Việt Nam tổ chức hội thảo đánh giá công tác bảo vệ trẻ em và giới thiệu các dịch vụ hỗ trợ cho nạn nhân bị lạm dụng trực tuyến.