Vợ chồng người Chứt nuôi 5 con vào đại học

  • 07:16 | Thứ Ba, 05/09/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Là nông dân thuần túy, song vợ chồng ông Đinh Công Lý và bà Đinh Thị Tuyên ở thôn Tân Lợi, xã Hóa Hợp (Minh Hóa) luôn tích cực học tập, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế gia đình; đồng thời chăm lo việc học tập của các con. Đây là gia đình dân tộc Chứt tiêu biểu trong công tác khuyến học, khuyến tài, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập ở địa phương.
 
“Giai đoạn khó khăn nhất là thời điểm bốn đứa con đều đi học đại học, đứa út học cấp hai. Nhiều đêm hai vợ chồng không chợp mắt vì không biết xoay tiền đâu ra cho con đóng học, gửi tiền ăn cho con. Đã có lúc trong suy nghĩ muốn chúng nó nghỉ học, nhưng rồi thương, rồi thấy con ham học, hai vợ chồng lại bán lỗ con trâu, vay mượn họ hàng gửi cho con. Thấy các con ngoan ngoãn, chịu khó, ham học, cố gắng học giỏi để có học bổng, tranh thủ làm thêm để trang trải cuộc sống, giúp bố mẹ vơi bớt nhọc nhằn nên chúng tôi càng động viên các con. Giờ đây 4 đứa con gái đầu đã hoàn thành đại học, ra trường và tự lập, đó là điều mãn nguyện nhất của vợ chồng tôi”, bà Đinh Thị Tuyên xúc động chia sẻ.
 
Gia đình ông Đinh Công Lý và bà Đinh Thị Tuyên có 5 người con. Hoàn cảnh gia đình trước đây rất khó khăn, cả nhà chỉ dựa vào 3 sào ruộng, quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", năm nào mất mùa, mưa bão là năm đó cả nhà rơi vào cảnh khốn đốn. Với sự quyết tâm và tấm lòng cao cả của người làm cha, làm mẹ, ông bà luôn hướng cho con những điều tốt đẹp nhất, động viên các con cố gắng học tập. Mặc dù hoàn cảnh kinh tế gia đình chưa phải dư giả nhưng ông, bà đã cố gắng bươn chải, tìm kế sinh nhai để lo việc học cho con được tươm tất.
 
Ngoài ra, nhờ vào chế độ của Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, các con của ông, bà được hỗ trợ tiền học phí và một số chi phí học tập nên ông, bà động viên các con gắng học để kiếm cái chữ, cái nghề, sau này có thể tự lập, trở thành người có ích cho xã hội.
 
Không phụ lòng cha mẹ, các con của ông, bà luôn chịu khó, chăm học, suốt thời gian học từ tiểu học lên THPT đều đạt học sinh giỏi. Khi các con lần lượt trúng tuyển vào đại học, ông bà vừa mừng, vừa lo, mừng vì các con đã ý thức được việc học tập, lo vì gánh nặng kinh tế gia đình. Thấu hiểu với hoản cảnh của gia đình và sự vất vả của cha mẹ, các con của ông, bà đều có ý thức vươn lên trong học tập. Mỗi khi nghỉ hè và ngoài giờ học, các em đều tranh thủ thời gian rảnh phụ giúp công việc gia đình, cắt cỏ cho bò, làm cỏ, trồng rau…
Ông Đinh Công Lý và bà Đinh Thị Tuyên cùng con gái đầu và con trai út.
Ông Đinh Công Lý và bà Đinh Thị Tuyên cùng con gái đầu và con trai út.
Những nhọc nhằn của vợ chồng ông Lý cuối cùng cũng được bù đắp thỏa đáng. Người con đầu là Đinh Thị Phương tốt nghiệp chuyên ngành Lịch sử, Trường đại học Khoa học Huế nay đang làm Phó Bí thư Đoàn xã Hóa Hợp. Người thứ 2 là Đinh Thị Mỹ Duyên, học ngành Kế toán, Trường đại học Đà Lạt, nay đang làm ở Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng. Người thứ 3 là Đinh Thị Thu Tình, học Ngôn ngữ Anh, Trường đại học Ngoại ngữ Huế, hiện đang lập nghiệp tại Đà Lạt và thứ tư là Đinh Thị Hồng Thắm, học khoa Tài nguyên-Môi trường, Trường đại học Khoa học Huế; đứa con út Đinh Lâm Hùng đang là sinh viên năm thứ 2, khoa Điện tử-Viễn thông, Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng.
 
Em Đinh Lâm Hùng, tâm sự: “Tất bật từ sáng sớm, rồi làm công việc rất vất vả nhưng không bao giờ cha mẹ than thở mà rất vui vẻ, sẵn sàng hy sinh vì con. Đây là động lực rất lớn để em vượt qua khó khăn. Em cảm thấy trách nhiệm của mình cần phải học tập thật giỏi để đền đáp công ơn cha mẹ”.
 
Phần thưởng mà Hùng mang về cho cha mẹ trong năm đầu tiên học đại học là em được chọn là sinh viên tiêu biểu người dân tộc Chứt ra Hà Nội để vinh danh và nhận bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc vì đã có thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong học tập và rèn luyện năm 2022. Bà Đinh Thị Tuyên, mẹ của Hùng vui mừng: “Con báo tin được ra Hà Nội vinh danh, mọi khổ cực trong tôi tan biến, hạnh phúc và tự hào lắm”.
 
Những ngày tháng gian khó đã qua, vợ chồng ông bà Lý, Tuyên tự hỏi không biết lúc trước lấy đâu ra sức khỏe và nghị lực mà có thể gồng gánh nuôi 5 đứa con vào đại học. Bây giờ nghĩ lại, sự nỗ lực của gia đình cuối cùng cũng được bù đắp xứng đáng bằng kết quả học tập của các con. Vừa nuôi dạy con ăn học, vừa làm kinh tế, đến năm 2017 gia đình ông Lý, bà Tuyên vươn lên thoát nghèo, trở thành hộ khá của xã.
 
Chủ tịch UBND xã Hóa Hợp Nguyễn Thanh Quyết cho biết: "Gia đình ông Đinh Công Lý là một gia đình hiếu học tiêu biểu của xã. Cùng với việc dạy bảo các con học hành thành tài, ông bà còn nhiệt tình tham gia công tác xã hội, sinh hoạt đoàn thể ở thôn... Gia đình ông, bà nhiều năm liền được khen thưởng là "Gia đình văn hóa", "Gia đình hiếu học", xứng đáng là tấm gương để các gia đình khác noi theo".
Thùy Linh
(Trung tâm VH-TT-TT Minh Hóa)

tin liên quan

Tuyên Hóa: Gần 1.500 đoàn viên, thanh thiếu niên theo dõi phiên tòa giả định

(QBĐT) - Chiều 31/8, tại Trường THPT Tuyên Hóa, Huyện đoàn Tuyên Hóa phối hợp với Phòng Tư pháp tổ chức phiên tòa giả định năm 2023.

Vững tin trên hành trình mới

(QBĐT) - Dự án "Đấu tranh phòng, chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại ở Việt Nam" giai đoạn 2023-2025 đang từng bước hỗ trợ nhiều đối tượng mạnh dạn khởi nghiệp ngay tại quê hương và vững tin trên hành trình mới.

Bão số 3 mạnh cấp 16, giật trên cấp 17

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 4 giờ ngày 31/8, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 21 độ Vĩ Bắc; 118,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Bắc của khu vực Bắc Biển Đông, cách Hồng Kông (Trung Quốc) khoảng 510km về phía Đông Nam.