Chủ trương đúng "mở đường" cho phát triển

  • 07:47 | Thứ Bảy, 02/09/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm qua, huyện Tuyên Hóa đã xác định được con đường đi riêng, bền bỉ, kiên trì với những mục tiêu khó, chủ động đưa ra những giải pháp đột phá phù hợp với điều kiện thực tế. Nhiều chủ trương đúng, trúng được triển khai không chỉ tạo động lực cho người dân “tự lực cánh sinh”, vươn lên trong cuộc sống, mà còn là nền tảng vững chắc, tạo đà cho công cuộc phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
 
Khơi dậy nội lực từ “sức dân”
 
Xóm 4, thôn Đại Sơn, xã Đồng Hóa (Tuyên Hóa) vốn được biết đến là xóm vạn đò. Người dân nơi đây đều có gốc gác từ xóm vạn đò trên dòng sông Gianh lên bờ định cư lập nghiệp. Theo lời ông Trần Văn Dâng (SN 1958) ở xóm 4, thôn Đại Sơn, một người được sinh ra, lớn lên từ cuộc sống vạn đò, thì “đó là một cuộc sống lênh đênh, vô định, sống đời “gạo chợ, nước sông”, với những khó khăn, chật vật chỉ có người vạn đò mới hiểu. Nhưng từ khi lên bờ an cư, cuộc sống người vạn đò đã đổi thay nhiều lắm”.
 
Ông Dâng khẳng định, cho đến giờ đây, quyết định đúng đắn nhất của ông là quyết định lên bờ. Cứ hình dung, thời điểm trước năm 2008, cả gia đình ông, gồm 7 người sống chen chúc trên một con đò lênh đênh giữa dòng Gianh. Sống đến hồi không chịu được, bức bí quá, năm 2008 ông lên bờ chọn một mảnh đất ven sông để dựng một ngôi nhà tạm. Nói là tạm bợ, nhưng gia đình cũng sinh sống ngót nghét gần 10 năm.
 
Khi những người con lần lượt lớn lên, ông biết không thể duy trì mãi cuộc sống nửa trên bờ, nửa dưới đò này được nữa. Mong muốn là vậy, song lúc đó để có tiền cùng lúc mua đất làm nhà, với ông là điều không dễ. Loay hoay mãi, cuối cùng người con trai đầu của ông xin đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở nước ngoài, quyết tâm thay đổi hoàn cảnh.
Diện mạo nông thôn huyện miền núi Tuyên Hóa đã có nhiều khởi sắc.
Diện mạo nông thôn huyện miền núi Tuyên Hóa đã có nhiều khởi sắc.
Thời điểm năm 2012, ra nước ngoài XKLĐ là chuyện khá xa lạ với nhiều người dân vạn đò. Chính ông đã từng không tin XKLĐ lại có thể thay đổi được hoàn cảnh. Đó là chưa nói đến khoản tiền vay mượn cả mấy trăm triệu đồng để làm thủ tục. “Nhưng, nó nói đã tìm hiểu kỹ càng và quyết tâm nên chúng tôi đành phải chấp nhận. Con nó có chí, mình không giúp được gì, thì cũng đừng cản bước”, ông Dâng nhớ lại.
 
Năm 2018, nghĩa là sau hơn 6 năm con trai đi XKLĐ, ông bà mới có tiền mua được mảnh đất và xây dựng ngôi nhà 3 gian kiên cố khang trang. Từ đó, gia đình ông mới thoát hộ cận nghèo. Tiếp bước người con trai đầu, 2 người con trai của ông Dâng cũng đi XKLĐ. Giờ đây, gia đình ông có đến 7 người con, cháu đang XKLĐ ở nước ngoài.
 
Sức hút từ Đề án XKLĐ có thời hạn ở nước ngoài, không chỉ làm thay cuộc sống, thu nhập và diện mạo của xóm vạn đò, mà còn của nhiều thôn trên địa bàn xã Đồng Hóa. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Hóa Cao Xuân Hùng: “Đề án XKLĐ của huyện đã khơi dậy nội lực và khát vọng vươn lên của mỗi người dân, hộ gia đình. Điều đáng ghi nhận là từ sự tích lũy nguồn lực sau khi XKLĐ, nhiều người trở về quê đã mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mang lại hiệu quả cao. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 32 triệu đồng/người (năm 2020) lên hơn 43,5 triệu đồng/người (năm 2022), tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 6%”.
 
Nuôi bò được thưởng tiền
 
Đó là câu chuyện có thật ở huyện Tuyên Hóa. Kể từ khi thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi đàn bò lai, giờ đây Tuyên Hóa là huyện có số lượng đàn bò lai sind lớn nhất trên địa bàn tỉnh. Chăn nuôi bò lai trở thành phong trào rộng khắp và mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ dân trên địa bàn huyện.
 
Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện Tuyên Hóa chỉ đạt 38 triệu đồng, thì đến năm 2023 đã đạt 46,1 triệu đồng. Năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 9,51%, đến nay tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn 6,78%, bình quân mỗi năm giảm gần 1,8%.

Đã có thời kỳ, người dân thôn Bàu 3, xã Tiến Hóa (bên cạnh núi đá vôi Lèn Bảng) đã phải làm nghề chẻ đá để mưu sinh, vì không có việc làm và thu nhập. Từ khi, các mỏ đá được đưa vào khai thác công nghiệp, nghề chẻ đá cũng không còn, người dân nghèo chỉ biết quay về với thửa ruộng, mảnh vườn. Không có kế mưu sinh, ắt hẳn sẽ khó thoát được nghèo.

Từ khi thực hiện Đề án phát triển chăn nuôi bò lai, người dân thôn Bàu 3 mới tìm "lời giải" cho câu chuyện sinh kế và nâng cao nguồn thu nhập. Ông Lê Quang Tọa (SN 1966) được biết đến là một trong những hộ dân tiên phong nuôi bò lai ở thôn Bàu 3. Có thời điểm, đàn bò lai của gia đình ông lên đến 11-12 con.

Ông Tọa cho biết: “Trước đây, người dân ở đây cũng nuôi trâu bò, nhưng chủ yếu để sử dụng cày kéo làm ruộng, chứ không nghĩ nuôi để bán. Thời gian đầu, để khuyến khích người dân phát triển đàn bò lai, huyện và xã Tiến Hóa còn tổ chức động viên, khen thưởng những hộ dân có đàn bò lai 5 con trở lên. Gia đình tôi cũng có 3 năm liên tục (2018, 2019, 2020) được khen thưởng (300 nghìn đồng/con). Thực tế thời điểm đó, bò lai có giá trị kinh tế rất cao, nên nhà nhà, người người đều chăn nuôi bò lai. Khoảng những năm 2017-2020, mỗi con bê lai từ 6-7 tháng tuổi đã có giá 17, 18 triệu đồng. Mỗi con bò lai trưởng thành bán được 30, 40 triệu đồng. Khỏi phải nói, người nông dân phấn khởi như thế nào. Và cũng nhờ bò lai mà nhiều hộ dân đã thoát được nghèo”.

Nhiều người dân Tuyên Hóa sau khi xuất khẩu lao động trở về đã đầu tư phát triển nhiều ngành nghề nông thôn và tiểu thủ công nghiệp.
Nhiều người dân Tuyên Hóa sau khi xuất khẩu lao động trở về đã đầu tư phát triển nhiều ngành nghề nông thôn và tiểu thủ công nghiệp.

Đối với huyện miền núi khó khăn như Tuyên Hóa, việc xác định tiềm năng, thế mạnh và chọn lựa một giải pháp mang tính đột phá để phát triển kinh tế-xã hội không phải là điều dễ dàng. Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa Lê Nam Giang cho biết, Tuyên Hóa là huyện miền núi, diện tích tự nhiên lớn nhưng đất sản xuất ít và bị chia cắt bởi nhiều địa hình. Trong khi khả năng thu hút đầu tư còn hạn chế, nhất là thiếu những dự án đầu tư lớn mang tính động lực cho phát triển, thì khó có được “chìa khóa vạn năng” phù hợp để cùng lúc giải được nhiều “bài toán" khó khăn đặc thù nói trên.

Từ điều kiện thực tế của địa phương, huyện đã xác định con đường đi riêng, bằng cách thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp vừa trước mắt và lâu dài, vừa phát huy tiềm năng lợi thế để nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân để tạo động lực phát triển. Minh chứng là qua việc triển khai các đề án, như: XKLĐ có thời hạn ở nước ngoài, chăn nuôi bò lai và gần đây là phát triển nông nghiệp theo chiều sâu, đời sống và thu nhập của nhân dân đã nâng lên, diện mạo khu vực nông thôn và miền núi trên địa bàn thay đổi rõ nét.

Dương Công Hợp

tin liên quan

Vững tin trên hành trình mới

(QBĐT) - Dự án "Đấu tranh phòng, chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại ở Việt Nam" giai đoạn 2023-2025 đang từng bước hỗ trợ nhiều đối tượng mạnh dạn khởi nghiệp ngay tại quê hương và vững tin trên hành trình mới.

Bão số 3 mạnh cấp 16, giật trên cấp 17

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hồi 4 giờ ngày 31/8, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 21 độ Vĩ Bắc; 118,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Bắc của khu vực Bắc Biển Đông, cách Hồng Kông (Trung Quốc) khoảng 510km về phía Đông Nam. 

Trao quà và nhận đỡ đầu trẻ mồ côi tại TX. Ba Đồn

(QBĐT) - Sáng 31/8, đại diện Báo Quảng Bình và Kho bạc Nhà nước Quảng Bình đã thăm, tặng quà và nhận đỡ đầu cho cháu Hoàng Phi Long (SN 2016), thôn Bắc Minh Lệ, xã Quảng Minh (TX. Ba Đồn).