Vững tin trên hành trình mới

  • 07:21 | Thứ Năm, 31/08/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những thanh niên trẻ có nguy cơ bị mua bán qua biên giới. Những người may mắn được trở về sau nhiều ngày xuất cảnh trái phép. Họ đang loay hoay tìm phương hướng cho cuộc đời mình và cần một điểm tựa vững vàng cho hành trình phía trước. Dự án “Đấu tranh phòng, chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại ở Việt Nam” giai đoạn 2023-2025 đang từng bước hỗ trợ những đối tượng này để họ có thể mạnh dạn khởi nghiệp ngay tại quê hương và vững tin trên hành trình mới.
 
Tự tin khởi nghiệp
 
Vụ việc hàng chục lao động (LĐ) Việt Nam bỏ trốn tại sòng bài ở Campuchia để bơi qua sông về nước cách đây không lâu đã cho thấy, hoạt động mua bán người (MBN) trái phép qua biên giới ngày càng diễn biến phức tạp. Thủ đoạn của bọn tội phạm thường là lợi dụng khó khăn về kinh tế, sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác để tiếp cận, làm quen, từ đó rủ rê, lôi kéo. Sau đó, sẽ đưa người lao động (NLĐ) qua biên giới trái phép hoặc lừa bán vào các nhà hàng, quán karaoke, massage ở các khu du lịch, khu công nghiệp hoặc ven tuyến quốc lộ nơi tổ chức hoạt động mại dâm, cưỡng bức LĐ, cho vay nặng lãi.
 
Tại Quảng Bình, tình trạng NLĐ vượt biên trái phép hoặc xuất cảnh bằng giấy thông hành sang nước ngoài sau đó ở lại LĐ bất hợp pháp có xu hướng gia tăng. Trong đó, vụ việc nhiều LĐ trốn sang Anh, Hàn Quốc… để mưu sinh đã để lại nhiều hệ lụy và cả những hậu quả đau lòng.
Hội thảo giới thiệu dự án“Đấu tranh phòng, chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại ở Việt Nam”.
Hội thảo giới thiệu dự án“Đấu tranh phòng, chống mua bán người và nô lệ thời hiện đại ở Việt Nam”.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống MBN, hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế tại Việt Nam (IOM) triển khai dự án “Đấu tranh phòng, chống MBN và nô lệ thời hiện đại ở Việt Nam” giai đoạn 2023-2025. Dự án được triển khai tại Quảng Bình và một số tỉnh, thành phố mà tình hình NLĐ di cư sang Anh trái phép đang có chiều hướng gia tăng.
 
Ông Hồ Tân Cảnh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH cho biết, dự án nhằm góp phần ngăn ngừa, bảo vệ cá nhân và cộng đồng dễ bị tổn thương do ảnh hưởng của di cư trái phép, MBN và nô lệ thời hiện đại, đặc biệt từ Việt Nam sang Vương quốc Anh. Từ đó, hỗ trợ đào tạo kỹ năng, cơ hội học nghề cho LĐ có nguy cơ cao về MBN, nhất là LĐ trẻ thông qua các hoạt động nâng cao năng lực cho cán bộ, giáo viên cơ sở, đào tạo giáo dục nghề nghiệp.
 
Không tìm được việc làm phù hợp, nhiều LĐ trẻ có kế hoạch di cư sang các nước khác để mưu sinh. Một số khác lại nuôi ý tưởng khởi nghiệp ngay tại quê hương nhưng bản thân thiếu kỹ năng và kiến thức. Dự án đã tổ chức 15 lớp tập huấn về kỹ năng mềm, kỹ năng số, kỹ năng khởi nghiệp và kỹ năng tìm việc an toàn cho 630 học viên là học sinh, sinh viên, NLĐ đang theo học nghề tại một số cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh.
 
Em Nguyễn Minh Hoàng (xã Đại Trạch, Bố Trạch) hiện đang theo học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Bố Trạch cho biết: “Tham gia lớp tập huấn, học viên được cung cấp những kiến thức cơ bản, như: Kỹ năng định vị bản thân, làm việc nhóm, giao tiếp hiệu quả, kỹ năng khởi nghiệp và tìm việc an toàn… Em tin đây sẽ là những kiến thức giúp ích cho bản thân trong quá trình đi làm sau này, nhất là khi có ý định khởi nghiệp ở địa phương”.
 
Dự án “Đấu tranh phòng, chống MBN và nô lệ thời hiện đại ở Việt Nam” do Bộ Nội vụ Vương quốc Anh tài trợ thông qua IOM. Dự án sẽ thực hiện từ tháng 1/2023-3/2025 tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Ninh và Hải Phòng.

Ngay tại lớp học này, học viên cũng được cung cấp nhiều thông tin về thị trường LĐ, các quy định pháp luật liên quan đến phòng, chống đưa người di cư bất hợp pháp, các kênh di cư an toàn và thông tin về thị trường LĐ một số nước cùng những rủi ro, hệ lụy của việc di cư bất hợp pháp gây ra. Đây được coi là nỗ lực nhằm góp phần nâng cao nhận thức cho LĐ trẻ để họ có cái nhìn hiểu biết hơn về các hoạt động di cư trái phép, những thủ đoạn MBN qua biên giới đang ngày càng tinh vi như hiện nay.

Hòa nhập cộng đồng bền vững
 
Để NLĐ-những nạn nhân của các vụ MBN, di cư trái phép sớm hòa nhập cộng đồng và ổn định sinh kế, Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB-XH) phối hợp với IOM tiếp tục triển khai dự án ”Đấu tranh phòng, chống MBN và nô lệ thời hiện đại-hợp phần hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán thông qua tăng cường tiếp cận các dịch vụ xã hội và hỗ trợ sinh kế”.
 
Đối tượng hưởng lợi là nạn nhân của MBN hiện đang sống trong cộng đồng; người di cư hồi hương, đã từng bị bóc lột hoặc bị tổn thương có nhu cầu hỗ trợ; thành viên trong gia đình của người di cư; những người trong độ tuổi LĐ không có việc làm ổn định, có kế hoạch di cư tìm việc làm. Tại Quảng Bình, sau quá trình khảo sát, sàng lọc, 35 đối tượng tại các xã Trường Sơn, Trường Xuân, Vạn Ninh (Quảng Ninh) đã được lựa chọn để hỗ trợ. Các hoạt động hỗ trợ sinh kế bền vững dự kiến sẽ triển khai vào tháng 9/2023.
 Tập huấn về các kỹ năng khởi nghiệp cho học viên đang theo học nghề tại một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Tập huấn về các kỹ năng khởi nghiệp cho học viên đang theo học nghề tại một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Anh P.V.H. (xã Trường Sơn, Quảng Ninh) trở về địa phương sau hơn 4 năm lênh đênh mưu sinh ở xứ người. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, học vấn thấp, thiếu định hướng cùng những mặc cảm và không tìm được việc làm phù hợp đã khiến anh chật vật trong quá trình hòa nhập cộng đồng. Hiểu được những trăn trở đó, dự án đã lựa chọn H. là một trong nhiều trường hợp được hỗ trợ sinh kế. Giữa tháng 8/2023, lớp tập huấn về kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp dựa trên ngành nghề và nhu cầu, nguyện vọng của người hưởng lợi được tổ chức tại TP. Vinh (Nghệ An) với sự tham gia của 105 đại biểu đến từ 3 tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình.
 
Tại đây, họ đã được chia sẻ và giới thiệu các đơn vị cung cấp hỗ trợ tại địa phương để người hưởng lợi có thông tin và tiếp cận dễ dàng đồng thời được cung cấp các dịch vụ hỗ trợ về tâm lý, pháp lý, sức khỏe, sinh kế... Với anh H., đây là cơ hội quý, có thể hỗ trợ anh trong việc thực hiện mong muốn mở một tiệm cơ khí nhỏ, tiếp tục làm nghề để nuôi sống gia đình.
 
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Hồ Tân Cảnh cho biết, thời gian tới, dự án sẽ triển khai các hoạt động nhằm nâng cao năng lực cán bộ làm công tác hỗ trợ nạn nhân và tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội, tạo cơ hội giúp người bị mua bán và người di cư trong tình trạng dễ bị tổn thương hòa nhập cộng đồng bền vững. Từ đó sẽ giảm thiểu tác hại của hoạt động MBN đối với đời sống xã hội nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình phòng, chống MBN và kế hoạch thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ và Bộ LĐ-TB-XH.
 
Trở về từ xứ người, sự hỗ trợ của các cấp ngành, địa phương, tổ chức sẽ là động lực để những người như anh H. sớm hòa nhập, ổn định cuộc sống và vươn lên từ chính những khó khăn đã trải qua.
Diệu Hương

tin liên quan

Nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác bảo vệ rừng tại Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng

(QBĐT) - Ngày 30/8, Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng tổ chức hội nghị tổng kết đề án thành lập nhóm Bảo tồn thôn bản khu vực VQG PN-KB giai đoạn 2016-2022.

 

Chiều tối 30/8, khả năng bão Saola vào Biển Đông

Dự báo trong 24 giờ tới bão Saola di chuyển theo hướng Bắc Tây Bắc với tốc độ khoảng 10-15km/giờ, di chuyển vào Biển Đông trong chiều và tối 30/8. 

Những "ba nuôi" mang quân hàm xanh

(QBĐT) - Cũng như bao học sinh khác, những ngày này, các em người dân tộc thiểu số "Con nuôi đồn biên phòng" ở vùng biên giới cũng đang háo hức chờ đợi ngày đến trường.