Mái cong gánh nắng mưa

  • 07:23 | Thứ Tư, 10/04/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Vậy là những viên ngói cuối cùng được gỡ xuống, viên gạch không nguyên vẹn của căn nhà tường vôi lạc lõng nép mình bên những ngôi nhà cao tầng đã  được mang đi. Căn nhà cấp bốn tròn 40 năm đã hoàn thành sứ mệnh của mình. Dưới cong cong mái ngói màu nâu trầm rêu phong này, chúng tôi đã lớn lên cùng hàng cột nơi hiên nhà mát rượi trong ngọn nồm nam.
 
Năm 1983, một cơn bão lớn san phẳng căn nhà từ thời ông bà. Ba mạ tôi làm nông, chắt chiu củ khoai, củ sắn, mớ rau để dựng nên ngôi nhà ba gian. Căn nhà có nhiều ô cửa sổ được ông nội tôi trang trí bằng các hình hoa lá, chim thú ghép từ vỏ sò, vỏ ốc thành bức phù điêu sơn màu đẹp mắt thay cho song cửa sổ khô cứng. Phủ trên mái ngói là giàn hoa giấy đỏ thắm những ngày nắng hạ, tỏa rộng bóng râm trên chiếc sân rộng. Khoảng sân này cũng chính là chiếc bảng vẽ đầu đời của tôi.
 
Ông nội là nghệ nhân tài hoa đã dạy nét vẽ đầu tiên bằng than củi và truyền cho anh, chị em tôi tình yêu về mỹ thuật. Ngay phía trước sân là một cây mai rừng cao, luôn rực rỡ đúng hẹn với mùa xuân. Cổng nhà được đan thành vòm từ hai cây tường vi cổ thụ, nở rộ hồng tươi từ hạ sang thu. Một khu vườn còn rất nhiều thược dược, đào phai, mai vàng, cùng hoa hồng, đồng tiền khoe sắc dịp Tết và các loại cây ăn quả, như: Khế, bưởi, ổi, vú sữa...
 
Khu vườn xanh mướt là thiên đường cho chúng tôi ríu rít những trưa hè. Nơi đây, chúng tôi còn được sống trong không gian rực rỡ sắc màu của chiếc đèn kéo quân cỡ lớn và các sản phẩm mỹ thuật dân gian do ông nội làm.
Minh họa: Minh Quý

Rồi chúng tôi lớn lên, duyên nợ và số phận nên mỗi người gắn với một miền đất để sinh sống, lập nghiệp và xây dựng gia đình. “Nhà là nơi để về” những ngày đoàn tụ, sum vầy đón năm mới, là nơi để được ba kể cho nghe câu chuyện thời ông bà, về gian khó một thời đã gây dựng nên ngôi nhà đơn sơ này. Về nhà để được nghe thoang thoảng hương mứt gừng trong căn bếp cũ, cùng những món quen thuộc của mạ… và ngồi bên nồi bánh tét rực hồng than củi ngày Tết.

Nhớ ông hay cười, hiền từ ngồi đan tre trên khoảng sân, bà thường ngồi nơi thềm cũ, mắt kém hỏi: “Đứa mô rứa bây?” mỗi khi chúng tôi đi đâu trở về. Nhớ căn nhà đầy ắp khoai, sắn mùa thu hoạch, khu vườn vàng ươm bưởi thanh trà, rồi í ới rủ nhau ra vườn nhặt quả sau một trận cuồng phong...

Để rồi, ai nấy lại trở về với cuộc sống, gia đình riêng và ước hẹn ngày gặp lại. Thỉnh thoảng lại được nghe người xa quê nói câu “nhớ nhà”. Ai cũng phải lớn lên và không thể chỉ ở mãi nơi mình được sinh ra và nhà trở thành nơi để nhớ, để thương…
 
Rồi không lâu nữa, một căn nhà mới khang trang sẽ mọc lên trên nền cũ. Ngôi nhà mới là ước ao của ba mạ tôi, bởi mỗi khi mưa bão, căn nhà cấp bốn dường như quá mệt mỏi khi chống đỡ từng cơn gió rít, mưa quật và mạ sẽ không phải lo lắng, thầm thì “cầu trời cho nhà đứng vững”. Trong niềm háo hức, mong đợi không gian mới đang thành hình là chút ngậm ngùi thương nhớ căn nhà kỷ niệm, vì dưới mái ngói ấy luôn đong đầy tình thương yêu, là yên bình tuổi thơ, có ông, có bà trong những bữa cơm đạm bạc, ấm áp.
Nguyên Sa

tin liên quan

Văn học-nghệ thuật Quảng Bình, 35 năm trở về và phát triển

(QBĐT) - Sau gần 14 năm sáp nhập tỉnh, ngày 1/7/1989, tỉnh Bình Trị Thiên chia tách, Quảng Bình trở về địa giới cũ. Cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, lực lượng văn nghệ sĩ đã chung sức vào công cuộc tái thiết xây dựng quê hương, hành trình ấy đến nay vừa tròn 35 năm.   

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: "Nếu không có sách sẽ không có tôi"

(QBĐT) - Nhà thơ của "Hạt gạo làng ta", "thần đồng thơ" Việt Nam, những danh xưng đó từ lâu đã gắn liền với tên tuổi của nhà thơ Trần Đăng Khoa trong lòng người yêu thơ cả nước. Thế nhưng, ít ai biết được, để có một sự nghiệp văn chương như hiện nay, ông không chỉ có tài năng thiên phú, mà còn là hành trình khổ luyện của sự học và sự đọc. 

Tưng bừng khai mạc Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa-Du lịch Đất Tổ 2024

Những lễ hội truyền thống, các sự kiện văn hóa-thể thao sôi động... là cơ hội để những người con Đất Tổ, du khách thập phương ôn lại tiến trình lịch sử, tôn vinh các di sản văn hóa của dân tộc.