Đặc sắc lễ hội "Hoành Sơn Thánh Mẫu"

  • 07:08 | Thứ Hai, 08/04/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, đồng thời khơi dậy tiềm năng du lịch của địa phương, từ năm 2024, huyện Quảng Trạch đã quyết định nâng tầm lễ giỗ Thánh Mẫu Liễu Hạnh từ cấp xã lên cấp huyện và đổi tên thành lễ hội “Hoành Sơn Thánh Mẫu”…
 
Nâng tầm lễ hội
 
Đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh tọa lạc bên đường thiên lý Bắc-Nam, ngay chân đèo Ngang thuộc thôn Vịnh Sơn, xã Quảng Đông (Quảng Trạch). Hàng năm, từ ngày mồng 1-3/3 âm lịch, người dân xã Quảng Đông lại thành kính tổ chức lễ giỗ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, một trong 4 vị thánh “Tứ bất tử”. Đây hoạt động văn hóa tâm linh đặc biệt của nhân dân Quảng Đông đã có từ bao đời nay.
 
Trước việc đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh trở thành một điểm đến tâm linh của người dân và du khách, từ năm 2024, huyện Quảng Trạch quyết định nâng tầm lễ giỗ Thánh Mẫu Liễu Hạnh từ cấp xã lên cấp huyện và đổi tên thành lễ hội “Hoành Sơn Thánh Mẫu”.
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch Trần Quang Trung cho biết, mục đích của việc “nâng tầm” này nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của lễ hội, phục vụ tốt hơn nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân và du khách, đồng thời khơi dậy tiềm năng, xây dựng các sản phẩm, điểm đến du lịch độc đáo, riêng có của địa phương.
 
Cùng với đó, lễ hội “Hoành Sơn Thánh Mẫu” còn là sân chơi bổ ích, tạo điều kiện cho các nghệ nhân, hạt nhân văn nghệ quần chúng có cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, từ đó nêu cao tinh thần, trách nhiệm trong việc giữ gìn nét văn hóa truyền thống của quê hương; đồng thời là dịp nhắc nhở thế hệ trẻ phải luôn khắc ghi ơn sâu các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước.
 
Đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh ở xã Quảng Đông (Quảng Trạch).
Đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh ở xã Quảng Đông (Quảng Trạch).
 
Theo ông Trần Quang Trung, trong lễ hội “Hoành Sơn Thánh Mẫu”, phần lễ vẫn được duy trì tổ chức như lễ giỗ Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Tuy nhiên, trong lễ rước sắc phong thần vị của các vị thần từ đình Vịnh Sơn qua đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh, ngoài các sắc phong, thần vị có thêm xiêm y của Thánh Mẫu.
 
Còn ở phần hội, ngoài các hoạt động, như: Nấu bánh chưng, tổ chức các trò chơi dân gian, lễ hội “Hoành Sơn Thánh Mẫu” có thêm chương trình nghệ thuật giới thiệu các loại hình nghệ thuật dân gian gắn bó với người dân trên địa bàn huyện vừa được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, gồm: Ca trù Đông Dương, hát Kiều Quảng Kim, hát ru Cảnh Dương. Ngoài ra, lễ hội còn có các gian hàng trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương.
 
Tạo điểm nhấn về du lịch
 
Bà Trần Thị Vân, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Quảng Trạch cho biết, từ lâu đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh đã trở thành một điểm đến tâm linh nổi tiếng. Đặc biệt, dịp đầu năm và những ngày diễn ra lễ giỗ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, mỗi ngày có hàng chục nghìn lượt người dân và du khách thập phương đến dâng hương để xin tài lộc, cầu sức khỏe, bình an.
 
“Từ năm nay, việc “nâng cấp” lễ hội từ cấp xã lên cấp huyện với nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc, chắc chắn đền thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh sẽ ngày càng “hút khách”. Để phục vụ du khách ngày càng tốt hơn, thời gian qua, nhất là từ tháng 9/2023, Di tích lịch sử-văn hóa đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh đã được Sở Văn hóa-Thể thao bàn giao lại cho huyện quản lý, chúng tôi đang nỗ lực từng ngày để xây dựng nơi đây thành “điểm sáng” về công tác quản lý an toàn, văn minh lễ hội, tạo một điểm nhấn về du lịch của huyện”, bà Vân chia sẻ.
 
Theo Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Quảng Trạch, hiện công tác chuẩn bị cho lễ hội “Hoành Sơn Thánh Mẫu” cơ bản đã hoàn thành. Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, các cơ quan, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ để hoàn thành các công việc chuẩn bị cho lễ hội. Riêng Phòng Văn hóa-Thông tin là cơ quan thường trực của Ban Tổ chức lễ hội, ngoài tham mưu xây dựng kế hoạch, kịch bản chi tiết các hoạt động của lễ hội, đơn vị tham mưu thư ngỏ, kêu gọi xã hội hóa để bảo đảm kinh phí tổ chức lễ hội đúng theo quy định.
 
Chủ tịch UBND xã Quảng Đông Nguyễn Đức Hiền cho biết, trên địa bàn xã Quảng Đông có gần 100 nhà hàng, khách sạn phục vụ khách du lịch. Theo khảo sát sơ bộ, trong dịp lễ hội “Hoành Sơn Thánh Mẫu” các cơ sở lưu trú trên địa bàn xã cơ bản đã kín khách đặt phòng. Nhờ có đền Thánh Mẫu Liễu Hạnh và Vũng Chùa-Đảo Yến, nơi an nghỉ vĩnh hằng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà lượng khách du lịch tìm về ngày càng đông. Nắm bắt cơ hội này, xã Quảng Đông khuyến khích người dân mạnh dạn đầu tư nhà hàng, khách sạn, nhà nghỉ để phục vụ du khách.  
 
“Nhà nghỉ của gia đình tôi có 10 phòng và đã được một đoàn khách ngoài Bắc đặt trước trong dịp giỗ Thánh Mẫu. Lượng khách du lịch đến với Quảng Đông ngày càng đông, đặc biệt là đầu năm mới và dịp lễ giỗ Thánh Mẫu, chúng tôi rất mừng. Tuy nhiên, điều này cũng buộc chúng tôi phải thường xuyên đổi mới, chuyên nghiệp để phục vụ du khách ngày càng tốt hơn”, chị Trịnh Thị Hiền, chủ một nhà nghỉ du lịch ở thôn Đông Hưng, xã Quảng Đông bày tỏ. 
 
Lễ hội “Hoành Sơn Thánh Mẫu” năm 2024 do UBND huyện Quảng Trạch chủ trì và tổ chức từ ngày 9-11/4/2024 (tức từ 1-3/3 âm lịch), trong đó đêm khai hội (lễ khai mạc) sẽ được tổ chức vào tối 10/4 (tức 2/3 âm lịch). Theo UBND huyện Quảng Trạch, với quy mô và tên gọi mới, địa phương mong muốn kết hợp giữa 2 không gian văn hóa, Hoành Sơn quan thuộc loại hình di tích lịch sử kiến trúc thành lũy kết hợp với loại hình văn hóa tâm linh, một huyền tích ly kỳ về tục thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh ở cửa ngõ xứ “Đàng Trong”, xây dựng thành một sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách.

Phan Phương

tin liên quan

Văn học-nghệ thuật Quảng Bình, 35 năm trở về và phát triển

(QBĐT) - Sau gần 14 năm sáp nhập tỉnh, ngày 1/7/1989, tỉnh Bình Trị Thiên chia tách, Quảng Bình trở về địa giới cũ. Cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, lực lượng văn nghệ sĩ đã chung sức vào công cuộc tái thiết xây dựng quê hương, hành trình ấy đến nay vừa tròn 35 năm.   

Không chỉ là dấu vết của quá khứ

(QBĐT) - Tôi cho rằng, một thời đại huyền thoại đang rảo bước đến với loài người. Có những điều ngỡ như chỉ lấp lánh trong các câu chuyện cổ bỗng trở thành hiện thực. 

Ký ức giêng hai

(QBĐT) - Nhắc đến hai tiếng "giêng hai" là bao kỷ niệm về một thời khốn khó, cơ cực nhưng đầy tình yêu thương trong tôi lại ùa về với biết bao thương nhớ.