Không chỉ là dấu vết của quá khứ

  • 06:55 | Chủ Nhật, 31/03/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tôi cho rằng, một thời đại huyền thoại đang rảo bước đến với loài người. Có những điều ngỡ như chỉ lấp lánh trong các câu chuyện cổ bỗng trở thành hiện thực. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra ở nhiều nước, nó thực sự mang đến cho nhân loại những cơ hội để đổi thay diện mạo các nền kinh tế và đương nhiên đi kèm với nó là những chuyển biến tương thích của đời sống xã hội.
 
Từ lâu, người ta đã nói đến sự hội nhập, toàn cầu hóa như một xu hướng không thể cưỡng lại của sự phát triển nhân loại. Chẳng nghi ngờ gì nữa, đây là thời đại của những xu hướng sản xuất công nghệ số, như: Công nghệ sản xuất 360 độ, công nghệ in 3D, sản xuất trên hệ thống tự động cùng việc khai sinh những nhà máy thông minh, sự lên ngôi của robot do con người điều khiển... Vạn vật kết nối không còn là điều giả tưởng và sẽ có những thành phố thông minh ở trên hành tinh xanh này.
 
Để không bị tụt hậu, Việt Nam cũng háo hức hòa vào dòng chảy của nhân loại, không rụt rè, không chần chừ khi tiếp cận nền công nghệ số và cụm từ công nghiệp 4.0 đã trở nên quen thuộc. Những xu hướng, quy trình sản xuất hiện đại nhất đã, đang và sẽ được áp dụng với nhiều ngành nghề. Nhiều thiết bị, máy móc tân tiến đã đến dải đất cong cong hình chữ S trông ra biển Đông này. Kết quả đã tăng trưởng về kinh tế, sự vươn lên về chất lượng cạnh tranh trên phạm vi khu vực và toàn cầu.
 
Vậy, sẽ ra sao khi ta đặt vào bức tranh hiện tại nhiều sắc màu rực rỡ đó những dấu vết quá khứ của dân tộc Việt. Nói cụ thể hơn, những giá trị văn hóa cốt lõi vốn được coi như tấm chứng minh thư, bản sắc của dân tộc này sẽ là gì, sẽ ra sao, sẽ thế nào trong thời công nghệ số. Khát vọng chấn hưng đất nước, dựng xây Tổ quốc giàu mạnh, hùng cường chưa bao giờ bị dân tộc này buông bỏ. Để biến khát vọng đó thành hiện thực, việc quy tụ sức mạnh tổng hợp của dân tộc là việc vô cùng cần thiết. Sức mạnh dân tộc chính là sự cộng hưởng năng lượng quá khứ với năng lượng thực tại, trong đó không thể không tính đến những giá trị văn hóa truyền thống được tích tụ, lưu giữ, phát huy qua mấy nghìn năm dựng nước, giữ nước bi tráng của lớp lớp người Việt.
 
Văn hóa là cái còn lại của đời sống dân tộc qua những chuyển động lịch sử vốn rất thăng trầm và dữ dội. Chặng đường dân tộc Việt đi qua đã hàng mấy thiên niên kỷ đầm đìa mồ hôi, máu và nước mắt. Nhiều kỳ tích, chiến công vang dội được viết nên bởi các nhân vật nổi tiếng và vô số người vô danh. Đấy là cái để ta tự hào, kiêu hãnh hoặc ngẫm nghĩ, đúc rút. Có trang sử hào hùng ngời sáng, nhưng cũng có trang sử bi thương tăm tối.
 
Nhưng những giá trị văn hóa chủ yếu được khắc ghi là niềm kiêu hãnh cũng là lòng tin của dân tộc thì không thể, không bao giờ bị đánh mất. Đánh mất nó là hết, hết cả quá khứ lẫn hiện tại và tương lai. Giá trị văn hóa cốt lõi cũng là cột mốc, bia chủ quyền của một giang sơn.
Minh họa: Minh Quý
Minh họa: Minh Quý
Từ thế kỷ 15, sau khi đánh tan tác giặc Minh kình ngạc, Nguyễn Trãi viết Bình Ngô đại cáo, những dòng đầu hùng hồn khẳng định mốc chủ quyền văn hóa: Như nước Việt ta từ trước/Vốn xưng văn hiến đã lâu,/Sơn hà cương vực đã chia,/Phong tục Bắc Nam cũng khác,/Từ Đinh, Lê, Lý, Trần gây nền độc lập,/Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, hùng cứ một phương,/Dẫu cường nhược có lúc khác nhau/Song hào kiệt đời nào cũng có...
 
Thời nào cũng vậy, chiến tranh hay hòa bình thì những giá trị văn hóa cốt lõi của dân tộc, như: Lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần bất khuất, ý chí độc lập, tự cường, yêu hòa bình, cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, sống nhân nghĩa, bao dung, khiêm nhường, hiếu học, tôn sư trọng đạo... vẫn đóng góp tích cực vào việc xây dựng con người. Với ngoại xâm thì “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”; sống là “thương người như thể thương thân”; ứng xử thì “bán anh em xa mua láng giềng gần”; coi trọng sự học thì “muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”... 
 
Thời đại phát triển đến đâu thì vẫn không có gì thay thế được yếu tố con người. Con người làm ra công cụ, công nghệ, con người chế tác và lập trình cho những robot tinh xảo nhất và con người xây dựng thiết chế xã hội... Con người là sản phẩm tuyệt vời nhất của tạo hóa và nói đến con người là nói tới văn hóa. Mỗi dân tộc có một nền văn hóa và nó đồng hành với dân tộc đó lâu dài. Quá trình hội nhập mang tính toàn cầu không có nghĩa là đem trộn lẫn, hòa tan các nền văn hóa riêng biệt lại với nhau mà cần gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc.
 
Văn hóa là một phần quan trọng của nội lực đất nước, vì thế, không lý gì ta không vận dụng, phát huy những giá trị văn hóa cốt lõi Việt Nam vào quá trình xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc hôm nay. Những con người Việt Nam yêu nước, yêu thiên nhiên, yêu hòa bình; lao động sáng tạo, cần kiệm, hiếu học, sống tình nghĩa, ứng xử minh định, thân thiện rất cần thiết cho thời đại công nghệ số. Thời đại công nghiệp 4.0, 5.0 và N.0 đều vẫn phải cần, rất cần những con người tử tế, thông minh điều hành, quản lý.
 
Văn hóa chân chính luôn luôn đồng nghĩa với cái đẹp mà như chúng ta biết cái đẹp sẽ cứu rỗi thế giới. Một dân tộc hạnh phúc, theo tôi phải hội tụ mấy yếu tố cơ bản sau: Phải có nguồn cội, giang sơn, hòa bình, tự do, đời sống vật chất tinh thần đủ đầy và văn minh. Đó là gì nếu không phải là văn hóa và suy cho cùng văn hóa có ở tất thảy mọi hoạt động của con người, từ chính trị đến kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng...Văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực của xã hội.
 
Con người mải miết đuổi theo cuộc sống hiện đại để làm gì khi đạo đức xuống cấp, sự tha hóa nhuộm đen xã hội. Chấn hưng đất nước ngoài phát triển bền vững một nền kinh tế công nghệ số hiện đại, củng cố an ninh-quốc phòng, gìn giữ môi trường còn phải đặt văn hóa vào đúng vị trí, tầm vóc của nó. Buông lơi hay coi nhẹ các giá trị văn hóa cốt lõi truyền thống là quay lưng lại với dân tộc, đắc tội với tổ tiên, ông cha.
 
Muốn xây dựng một nền văn hóa tốt, trước hết phải tạo ra được sự bình yên cho xã hội, cho mỗi người. Sự bình yên về tinh thần là cơ sở để mỗi cá nhân tiếp nhận tích cực các giá trị tốt đẹp của văn hóa. Khi những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc thấm nhuần vào tâm hồn mỗi người thì đó là cơ hội để hình thành những giá trị văn hóa tích cực của cá nhân. Đây là hành trang vô cùng cần thiết cho mỗi cá nhân bước vào thế giới văn minh, hiện đại.
 
Đừng để một bước tiến của khoa học kỹ thuật, của công nghệ kéo theo hai bước lùi của văn hóa, đạo đức xã hội. Vô cảm, nổi loạn, ích kỷ, độc ác... là những dấu hiệu rất đáng lo ngại trong xã hội hiện thời. Chấn hưng đất nước cũng là chấn hưng đạo đức xã hội bằng văn hóa phải làm cho mỗi người tự đặt lên vai mình nghĩa vụ với Tổ quốc, với nhân dân. Đấy không phải là điều rỗng tuếch, sáo mòn mà là luân lý, đạo đức, lối sống trong giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc Việt.
 
“Sống một ngày vô ích, không làm được chuyện gì, thì chẳng khác gì kẻ phạm tội ăn trộm”, đấy là lời Phật. Lời dạy ấy đúng với mọi người, trong mọi thời đại. Cũng lời Phật nói về sự nhân ái: Có lòng thương yêu vô tư thì sẽ có tất cả. Con người ta và cả xã hội nữa đều không thể trưởng thành được khi không có một nền tảng văn hóa tích cực. Chúng ta đang thừa hưởng những giá trị cốt lõi văn hóa truyền thống tốt đẹp. Không lý gì dân tộc này không vững vàng bay lên trên đôi cánh của trí tuệ sáng láng và tâm hồn cao cả. Thêm lần nữa, xin được khẳng định: Giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam không chỉ là dấu vết của quá khứ mà nó chính là một phần năng lượng của hôm nay và mai sau.
Nguyễn Hữu Quý

tin liên quan

Ví dụ bầu trời

(QBĐT) - Em cố gắng để mỗi ngày có thêm 
                                       một niềm vui
liên thông năng lượng
như mùa xuân ngoài kia
chim én về nôn nao khai hội

Quảng Bình muôn vẻ

(QBĐT) - Bên dòng Nhật Lệ, TP. Đồng Hới về đêm lung linh, huyền ảo, thơ mộng và đang vươn mình ra biển lớn.

Ký ức giêng hai

(QBĐT) - Nhắc đến hai tiếng "giêng hai" là bao kỷ niệm về một thời khốn khó, cơ cực nhưng đầy tình yêu thương trong tôi lại ùa về với biết bao thương nhớ.