Chiều hoang màu hồng

  • 07:42 | Thứ Năm, 21/03/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong bài thơ Màu tím hoa sim nổi tiếng của Hữu Loan có một khổ thơ ở đó nhắc đến một chiều hoang, ngỡ như làm sầu vắng, bi lụy thêm khung cảnh chia ly khi người lính trẻ cưới nhau xong là đi ra trận, nhưng thực chất đó lại là ký ức bi hùng của một chàng trai thời loạn:
 
...Chiều hành quân
Qua những đồi sim
Những đồi sim dài trong chiều không hết
Màu tím hoa sim
Tím chiều hoang biền biệt...
 
Không từ điển tiếng Việt nào có mục từ chiều hoang, vì chức năng của từ điển là để giải thích các từ (vựng), còn chiều hoang là một khái niệm, vượt ra ngoài cấu tạo và ngữ nghĩa của một từ. Với mục từ chiều, sách “Đại từ điển tiếng Việt” (NXB Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh-2007) xác định từ loại là danh từ và giải nghĩa: “khoảng thời gian từ sau trưa đến trước khi trời tối”.
 
Còn với chiều hoang, cũng trên nền nghĩa cơ bản của danh từ chiều, nhưng được các tác giả văn chương “gia công” sáng tạo thêm bằng một thủ pháp ngữ pháp mà người ta gọi là biện pháp “tu từ” nhằm mang lại nhiều hiệu quả nghệ thuật hơn trong diễn đạt, theo đó sẽ mang lại cho người đọc nhiều cảm xúc thẩm mỹ hơn, khi thưởng thức một trích đoạn, một tác phẩm văn học...
 
Trong trường hợp này, từ các nghĩa thực, cho các cảm nhận thực về các buổi chiều thân thuộc: “chiều đông”, “chiều tím”... người ta dùng biện pháp tu từ ẩn dụ chuyển đổi cảm giác để chuyển từ cảm giác này sang cảm giác khác, khiến người đọc cảm nhận thêm về “buổi chiều” bằng các giác quan khác, ngoài thông thường: “chiều hoang”, “chiều nghiêng”, “chiều nhẹ”, “chiều man mác” (Trước xóm sau thôn tựa khói hồng/Bóng chiều man mác có dường không-Trần Nhân Tông)... để mở rộng không gian, tính chất các buổi chiều ra đến vô tận, nhằm biểu đạt các tâm trạng phong phú trong thi ca, văn chương, nghệ thuật.
Hoa sim.
Hoa sim.
Trong cuộc sống thường nhật, chúng ta vẫn thường xuyên nhìn thấy, thưởng ngoạn những buổi chiều được nhuộm màu vật lý vì các lý do thời tiết, hoặc hiệu ứng quang học nào đó, rất đẹp: (chiều) tím, (chiều) hồng/đỏ, (chiều) xám... Còn chiều hoang là buổi chiều tu từ, nếu hướng ngoại thì được hiểu đó cũng là một buổi chiều thời gian thực vắng vẻ ở nơi cô quạnh, thậm chí hoang dã; còn hướng nội, thì đó là một buổi chiều tâm lý, là cảm nhận của một người có tâm trạng cô độc, cô đơn, thậm chí mất mát, giữa một không gian chiều xa lạ và cô tịch, người buồn cảnh có vui đâu bao giờ (Kiều).
 
Theo đó, chiều hoang dù là sản phẩm của tu từ, nhưng khi có điều kiện vẫn phải chịu sự “nhuộm màu” vật lý của tự nhiên, hoặc màu tâm lý của tâm trạng con người như thường. Và trong bài thơ Màu tím hoa sim, tiếng lòng bất hủ của nhà thơ Hữu Loan, tình yêu, nỗi nhớ, sự chung thủy, xót thương người vợ yêu nơi hậu phương đã mất, khiến tác giả mượn màu tím hoa sim dài trong chiều không hết trên đường hành quân biền biệt để nhuộm tím chiều hoang, một buổi chiều ngút trời bi tráng, qua đó nhuộm tím cả tình yêu chỉ một mình mình biết, nhiều lắm có thêm chiều hoang biết, để dồn nén yêu thương mà trở về đơn vị tham gia kháng chiến:
 
Chiều hoang tím có chiều hoang biết
Chiều hoang tím tím thêm màu da diết...
 
Nó tuy có khác với một tâm trạng khác ở chiều ngược lại: “Anh đâu phải là chiều mà nhuộm em đến tím” (lời bài hát: Biển, nỗi nhớ và em-Nhạc sĩ Phú Quang), nhưng đều cùng là màu của thủy chung, màu của tâm lý... được tạo ra từ hiệu quả đắc địa của thủ pháp tu từ, khiến ngữ đoạn thêm sinh động hình ảnh và có chiều sâu cảm xúc. Do vậy, khái niệm chiều hoang được sử dụng rất nhiều trong nghệ thuật, đặc biệt là trong thơ ca, với đa dạng các tình huống và tâm trạng. Vài dẫn chứng: Anh thơ thẩn trong chiều hoang gió lạnh (Hồng Dương), Anh về chắn gió chiều hoang lộng/Để má em hồng mộng ngất ngây (Vũ Kim Thanh), Ai đi giữa chiều hoang/Mây nhuộm màu tim tím (Hoàng Lê Nguyên)…
 
Có một lần lãng du trên miền sơn cước huyện Tuyên Hóa, trong tứ bề tĩnh lặng, tôi có cơ may chiêm ngưỡng cảnh chiều tà nơi đây được thiên nhiên “nhuộm” bởi màu hồng vật lý vô cùng rực rỡ, một hoàng hôn ấm áp, thanh bình, tô điểm cho cảnh sắc quê hương thêm sâu lắng. Thật hạnh phúc khi được đắm chìm trong sự hùng vỹ của tự nhiên và cảnh đổi thay tươi đẹp của quê hương.
 
Tuy nhiên cũng có chút chạnh lòng, cạnh chỗ tôi đứng là hòn Lèn Bảng trứ danh, từng là một trong những xứ hồn, xứ túy của Tuyên Hóa, nhưng thật tiếc, không thể đưa vào khuôn hình để làm tiền cảnh đắt giá cho một chiều hoang màu hồng mỹ lệ chỉ rực lên trong khoảnh khắc mà thôi. Bởi từ lâu, Lèn Bảng đã trở thành một mỏ khai thác đá, không còn giá trị tự nhiên, văn hóa cùng sự toàn vẹn thẩm mỹ vốn có và tôi cũng không muốn khoảnh khắc chiều buông rực rỡ này trở thành chiều hoang màu hồng loang lổ trong bức ảnh. Đành vậy, âu đó cũng là một lựa chọn cho sự phát triển quê hương.
 
Giữa một chiều hoang màu hồng bình yên, liên tưởng đến chiều hoang màu tím hoa sim một thời đầy hy sinh gian khó của cha ông để bảo vệ và xây dựng quê hương đất nước, lòng ta trào lên cảm xúc tự hào, biết ơn khôn xiết...
 Trần Hùng

tin liên quan