Chung tay bảo tồn di sản văn hóa-Bài 2: Để di sản văn hóa phi vật thể "sống" mãi thời gian

  • 08:13 | Thứ Bảy, 16/03/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm qua, hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) nói chung, DSVHPVT được UNESCO ghi danh trong danh mục các DSVHPVT đại diện của nhân loại và Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch đưa vào danh mục DSVHPVT quốc gia trên địa bàn tỉnh Quảng Bình nói riêng được triển khai thực hiện đồng bộ từ cấp tỉnh đến cơ sở. Công tác tôn vinh nghệ nhân (NN) lĩnh vực VHPVT ngày càng được quan tâm.
 
    >>> Bài 1: Miệt mài giữ "ngọc"
 
Các DSVHPVT tiêu biểu (đã được ghi danh) ở Quảng Bình bước đầu được khai thác, phát huy giá trị, trở thành nguồn lực/sản phẩm du lịch, phục vụ phát triển du lịch của địa phương, như: Hò khoan Lệ Thủy (Lệ Thủy), lễ hội đập trống của đồng bào Ma-Coong (Bố Trạch), lễ hội mừng cơm mới của đồng bào Bru-Vân Kiều xã Ngân Thủy (Lệ Thủy), lễ hội cầu ngư của người dân vùng biển, lễ hội đua thuyền truyền thống, chơi bài chòi…
 
Thực tế cho thấy, công tác gìn giữ, bảo tồn các làn điệu dân ca và các giá trị văn hóa của lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh có nhiều khởi sắc, đời sống văn hóa tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Ngoài việc tổ chức những lớp truyền dạy dân ca, Sở Văn hóa-Thể thao còn tổ chức tốt các liên hoan văn nghệ quần chúng, liên hoan đàn, hát dân ca và đẩy mạnh công tác nghiên cứu, sưu tầm, kiểm kê, hệ thống hóa tư liệu để đánh giá về mặt giá trị của từng DSVHPVT. Qua đó, đề xuất giải pháp bảo tồn, khai thác phù hợp nhằm phục vụ du lịch.
 
Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và các cấp ủy, chính quyền đã ban hành nhiều văn bản quan trọng để triển khai công tác bảo tồn, phát huy giá trị của DSVHPVT. Điều đáng mừng là tỉnh đã có quy định về chế độ hỗ trợ đối với NN trong lĩnh vực DSVHPVT.
Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc Quảng Bình được xem là dịp để tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương.
Ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc Quảng Bình được xem là dịp để tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương.

Cụ thể: Mức hỗ trợ sinh hoạt hàng tháng đối với NN nhân dân là 1 triệu đồng/người/tháng, NN ưu tú 700 nghìn đồng/người/tháng; hỗ trợ tham gia truyền dạy DSVHPVT đối với NN nhân dân là 800 nghìn đồng/người/buổi, NN ưu tú 500 nghìn đồng/người/buổi… (Nghị quyết số 58/2023/NQ-HĐND quy định chế độ hỗ trợ đối với NN trong lĩnh vực DSVHPVT và chế độ đãi ngộ cho vận động viên thể thao thành tích cao tỉnh Quảng Bình được HĐND tỉnh khóa XVIII, kỳ họp lần thứ 11 thông qua ngày 2/10/2023 và có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2024). Đây là chính sách thiết thực nhằm tôn vinh những người có nhiều đóng góp trong việc gìn giữ, thực hành, truyền dạy, bảo vệ và phát huy giá trị di sản.

Đặc biệt, thực hiện dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số (DTTS) gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, ngành Văn hóa-Thể thao đã triển khai nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực.

Một trong những hoạt động nổi bật là xây dựng câu lạc bộ (CLB) sinh hoạt văn hóa dân gian cho đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều tại xã Trường Sơn (Quảng Ninh); hỗ trợ trang thiết bị văn hóa cho các thôn, bản vùng đồng bào DTTS tại các huyện: Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, truyền dạy VHPVT cho đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều tại xã Trường Xuân (Quảng Ninh); bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội mừng cơm mới của người Bru-Vân Kiều xã Ngân Thủy (Lệ Thủy); xây dựng mô hình phát triển đời sống văn hóa các DTTS trên địa bàn xã Dân Hóa (Minh Hóa)...
 
Hàng năm, tỉnh còn tổ chức ngày hội văn hóa các dân tộc Quảng Bình với  nhiều hoạt động, như: Biểu diễn, trình diễn văn nghệ dân gian, trang phục truyền thống, nghi thức sinh hoạt các dân tộc… Qua đó, tôn vinh, giới thiệu những giá trị văn hóa tiêu biểu, các nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân các vùng, miền trên địa bàn tỉnh.
 
Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Văn hóa-Thể thao, hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị của DSVHPVT trên địa bàn tỉnh chưa tương xứng với bề dày lịch sử văn hóa của địa phương. Công tác quản lý nhà nước đối với các DSVHPVT chưa theo kịp tình hình, thiếu những giải pháp kịp thời, khả thi. Mặt khác, nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, người dân về vai trò, ý nghĩa của công tác bảo tồn, phát huy giá trị DSVH nói chung, DSVHPVT nói riêng còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động người dân tham gia gìn giữ các giá trị của DSVHPVT tại một số địa phương chưa được quan tâm đúng mức.
 
Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có trên 100 DSVHPVT, trong đó có 2 DSVHPVT được UNESCO đưa vào danh mục các DSVHPVT đại diện của nhân loại; 10 DSVHPVT được Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch đưa vào danh mục DSVHPVT quốc gia và nhiều DSVHPVT có giá trị khác. Mỗi DSVHPVT thể hiện bản sắc đặc trưng riêng có của các địa phương trong tỉnh. Đây chính là tiềm năng to lớn để phát triển văn hóa, đưa văn hóa trở thành nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Vì thế, một số loại hình DSVHPVT có nguy cơ bị mai một, thất truyền. Khó khăn nữa là đa số NN dân gian đã ở vào độ tuổi “xưa nay hiếm” trong khi nhiều người trẻ không “mặn mà” với văn nghệ dân gian, văn hóa truyền thống của dân tộc. Công tác xã hội hóa các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị DSVHPVT còn gặp nhiều khó khăn...

Để gìn giữ DSVHPVT "sống" mãi với thời gian, thiết nghĩ ngoài sự nỗ lực của ngành Văn hóa-Thể thao, các cấp ủy, chính quyền địa phương cần quan tâm, chăm lo, tạo điều kiện thuận lợi để các CLB đàn hát dân ca, CLB văn nghệ dân gian và các NN phát huy vai trò của mình; quan tâm, đầu tư nguồn lực cho văn hóa, ưu tiên vùng miền núi, vùng đồng bào DTTS và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ đối với việc gìn giữ giá trị của DSVH nói chung, DSVHPVT nói riêng. Điều quan trọng nữa là quan tâm nhiều hơn đến các NNDG, những “báu vật nhân văn sống” tạo môi trường thuận lợi cho các NN tiếp tục cống hiến tri thức, kinh nghiệm, đưa di sản văn hóa vào đời sống và truyền lại cho thế hệ mai sau.
 
“Chăm lo tới NN dân gian là một trong những nhân tố quyết định nhằm duy trì sự tồn tại và phát triển của DSVHPVT, nhất là các DSVHPVT tiêu biểu. Tôn vinh, đãi ngộ NN là cách làm thiết thực để tiếp tục thực hiện chương trình, hành động bảo tồn, phát huy giá trị DSVHPVT, bởi họ là những người nắm giữ, thực hành các nghi lễ, diễn xướng dân gian và là người truyền dạy, gìn giữ những tinh hoa, bản sắc văn hóa dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau”, Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam tỉnh Quảng Bình Lê Hùng Phi cho hay.
Nh.V

tin liên quan

Nghiêng

(QBĐT) - Cơn mưa run rẩy níu mùa
mặt trời xám đám mây chiều muộn
anh vội vàng
sự bình yên của tuổi vỡ tan

Hội Báo toàn quốc năm 2024: Tiên phong, đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng

Với chủ đề "Báo chí Việt Nam-Tiên phong, đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, nhân dân," Hội Báo toàn quốc năm 2024 quy tụ sự tham gia của hơn 600 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương.

Chung tay bảo tồn di sản văn hóa-Bài 1: Miệt mài giữ "ngọc"

(QBĐT) - Quảng Bình là xứ sở của nhiều làn điệu dân ca, các lễ hội truyền thống độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa của mỗi địa phương.