QUẢNG BÌNH-HÀO KHÍ 420 NĂM (1604-2024)

Văn học-nghệ thuật Quảng Bình, 35 năm trở về và phát triển

  • 06:58 | Chủ Nhật, 31/03/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Sau gần 14 năm sáp nhập tỉnh, ngày 1/7/1989, tỉnh Bình Trị Thiên chia tách, Quảng Bình trở về địa giới cũ. Cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, lực lượng văn nghệ sĩ (VNS) đã chung sức vào công cuộc tái thiết xây dựng quê hương, hành trình ấy đến nay vừa tròn 35 năm.   
 
Văn học-nghệ thuật (VHNT) Quảng Bình các thời kỳ trước đó được cả nước biết đến, đặc biệt từ năm 1961, Hội Văn nghệ Quảng Bình được thành lập, với lực lượng VNS hoạt động sáng tác trên các lĩnh vực nghệ thuật đã có nhiều tác phẩm tôn vinh các giá trị văn hóa, lịch sử, chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước.
 
Đó là Xuân Hoàng, Nguyễn Văn Dinh, Trần Nhật Thu, Trần Công Tấn, Lê Khai, Dương Tử Giang, Hà Nhật, Văn Nhĩ, Hải Bằng, Xích Bích, Lâm Thị Mỹ Dạ, Nguyễn Khắc Phê, Lê Thị Mây, Mai Văn Tấn… với nhiều ấn phẩm, đầu sách xuất bản, như: Một nhành xuân, Gió Đại Phong, Quảng Bình anh dũng, Quê hương chiến đấu, Đồng Hới, Mặt trận phía sau...; cùng nhiều tập sách riêng, như: Hương đất biển (thơ, Xuân Hoàng), Tiếng hát một chặng đường (thơ, Dương Tử Giang và Xích Bích), Đường qua làng Hạ (tiểu thuyết, Nguyễn Khắc Phê)…
 
Nhiều bài thơ tạo được tiếng vang lớn, như: Cồn Cỏ (Hải Bằng), Bức tường vỡ đôi (Trần Nhật Thu), Khoảng trời hố bom (Lâm Thị Mỹ Dạ)…; các vở sân khấu: “Tín hiệu trái tim” của Hồ Ngọc Ánh, “Say súng” của Ngọc Tranh, “Chiếc áo” của Lê Hồng Cần…; hay ca khúc “Hò kéo lưới”, “Tiếng hò trên những tuyến đường” của Quách Mộng Lân, “Tình ta biển bạc đồng xanh” của Hoàng Sông Hương… đã góp phần đưa mảnh đất và con người “Hai giỏi” đến với mọi miền đất nước.
 
Sau gần 14 năm cùng nhau xây dựng dải đất Bình Trị Thiên, lực lượng VNS Quảng Bình trở về kề vai tiếp tục xây dựng nền VHNT của quê hương. Tháng 7/1989, nhà thơ Hoàng Vũ Thuật được cử làm triệu tập viên, tập hợp lực lượng VNS chuẩn bị lập lại Hội VHNT Quảng Bình. Ngày 7/9/1989, tỉnh ra quyết định ban hành quy chế hoạt động của Hội VHNT Quảng Bình. Từ đó đến nay, với nền tảng VHNT sẵn có và vốn liếng tích trữ khi cùng VNS Bình Trị Thiên tạo nên, VNS Quảng Bình tiếp tục đến với mọi nẻo đường của “đại công trường” tái thiết quê hương.
 
Các tác phẩm VHNT ra đời trong giai đoạn này góp phần phản ánh một giai đoạn lịch sử, ca ngợi con người Quảng Bình anh hùng trong chiến đấu và cần cù, sáng tạo trong lao động. Nhiều tác phẩm VHNT của các tác giả tạo được dấu ấn sâu đậm đối với xã hội, thể hiện rõ tinh thần nhập cuộc, ý thức về trách nhiệm của VNS trước cuộc sống.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Hải Châu trao giải A Lưu Trọng Lư lần thứ VI (2016-2020) cho các tác giả.
Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Hải Châu trao giải A Lưu Trọng Lư lần thứ VI (2016-2020) cho các tác giả.
Tiêu biểu: Hoàng Vũ Thuật, Văn Lợi, Hoàng Bình Trọng, Hải Kỳ, Lý Hoài Xuân, Vĩnh Nguyên, Thế Tường, Hoàng Thái Sơn, Nguyễn Quang Vinh, Đinh Duy Tư, Lê Đình Ty, Đặng Thị Kim Liên, Giang Biên (văn học)... ; Thái Quý, Hoàng Sông Hương, Quách Mộng Lân, Dương Viết Chiến (âm nhạc)...; Ngọc Tranh, Hồ Ngọc Ánh, Phan Xuân Hải, Thùy Linh, Ngọc Tân (sân khấu-biểu diễn)...; Mai Văn Tấn, Nguyễn Tú, Văn Tăng, Lê Đình Lờng, Đỗ Duy Văn (nghiên cứu văn hóa-văn nghệ dân gian)...; Lê Anh Tân, Văn Đắc, Quang Hiếu, Phan Đình Tiến, Đoàn Văn Thịnh, Lê Đan Tê, Nguyễn Thành Phố, Vũ Xuân Trường (mỹ thuật)...; Đặng Đức Dục, Trần Đình Dinh, Hoàng Tròn (kiến trúc)...; Ngô Độc Lập, Hữu Ngụ, Lê Đình Ty, Võ Xuân Bé, Thành Huế, Văn Báu (nhiếp ảnh)...
 
Hội VHNT Quảng Bình đã xuất bản tập san văn nghệ có tên “Quảng Bình” (sau đó là Tạp chí “Văn hóa-Văn nghệ Quảng Bình”-tiền thân của Tạp chí Nhật Lệ ngày nay). Thời điểm này, nhiều tác phẩm VHNT tiêu biểu ra đời và được bạn đọc đón nhận. Đáng kể, về thơ có “Thời gian và khoảng cách” của Xuân Hoàng, “Thế giới bàn tay trái” của Hoàng Vũ Thuật, “Đồng vọng” của Hải Kỳ, “Lời mùa thu” của Hồng Thế; văn xuôi có “Con người thánh thiện” của Hữu Phương, “Nơi bắt đầu có gió” của Hoàng Thái Sơn, “Hồi ức của một binh nhì” của Nguyễn Thế Tường…; mỹ thuật có các tác phẩm tranh cổ động của Lê Anh Tân, Quang Hiếu, Văn Đắc, các tác phẩm hiện đại của Phan Đình Tiến, Đoàn Văn Thịnh…; âm nhạc có “Ra khơi đánh cá” của Quách Mộng Lân, “Phố biển tình anh”, “Tình người hương lúa” của Hoàng Sông Hương, “Tình sông Nhật Lệ” của Dương Viết Chiến…
 
Từ năm 1995, UBND tỉnh thành lập giải thưởng VHNT Lưu Trọng Lư, đây là sự ghi nhận và động viên đối với phong trào sáng tác VHNT. Các hội chuyên ngành Trung ương bắt đầu tổ chức các sự kiện cấp khu vực, như: Triển lãm mỹ thuật, liên hoan ảnh nghệ thuật, liên hoan âm nhạc… tạo động lực mới để VNS Quảng Bình hăng say sáng tạo, công bố tác phẩm. Những hoạt động chuyên môn có trọng tâm, trọng điểm diễn ra thường xuyên, bảo đảm đúng với các quy định hiện hành và phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Nhiều tuyển tập tác phẩm chọn lọc ra đời, như: “Văn xuôi Quảng Bình”, “Thơ Quảng Bình”, “Ca khúc Quảng Bình”, tuyển tập Nhà văn Việt Nam hiện đại Quảng Bình của thế kỷ XX, Tuyển tập Mỹ thuật và Ảnh nghệ thuật Quảng Bình đương đại… cùng một số tác phẩm ở các chuyên ngành khác được công bố, xuất bản.
 
Bước vào thế kỷ 21, chính sự phát triển, chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống kinh tế-xã hội, cùng các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế rộng rãi và phát triển khoa học công nghệ, bùng nổ thông tin đã tạo nên đổi mới trong sáng tạo của VNS. Từ đó, nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, lan tỏa trong đời sống VHNT của cả nước.
 
Nổi bật, như: Thơ “Tháp nghiêng” của Hoàng Vũ Thuật, “Đối thoại lục bát” của Hải Kỳ, “Đồng Hới khúc huyền tưởng” của Thái Hải, “Thặng dư mùa xuân” của Phan Văn Chương…; văn xuôi có “Chân trời mùa hạ” của Hữu Phương, “Cháy lên từ cỏ rác” của Hoàng Thái Sơn, “Ngược dòng sông chảy” của Đinh Duy Tư, “Tổ chim trên sóng” của Hoàng Bình Trọng…; nghiên cứu văn hóa có “Địa chí làng Văn La’’ của Đỗ Duy Văn, “Địa chí văn hóa miền biển” của Nguyễn Tú, “Địa chí làng Đức Phổ” của Đặng Kim Liên…; mỹ thuật có “Tượng đài Mẹ Suốt’’ của Phan Đình Tiến; nhiếp ảnh có Võ Xuân Bé, Hữu Ngụ, Ngô Độc Lập, Thành Vương… với nhiều tác phẩm tham gia các cuộc thi toàn quốc và quốc tế; các ca khúc của Hoàng Sông Hương, Quách Mộng Lân, Dương Viết Chiến, Dương Nguyệt Ánh ca ngợi thành tựu đổi mới, phát triển của quê hương...
 
Đặc biệt, một thế hệ VNS mới đã xuất hiện, trong đó nhiều tác giả trẻ được đào tạo chuyên nghiệp, đam mê sáng tạo đã hòa vào hành trình xây dựng nền VHNT tỉnh nhà. Đó là những “cây bút” văn học Nguyễn Hương Duyên, Nguyễn Thị Lê Na, Hoàng Thụy Anh, Hoàng Đăng Khoa, Trác Diễm, Lê Hương, Đỗ Thành Đồng...; mỹ thuật có Lê Ngọc Thái, Hoàng Linh, Nguyễn Lương Sáng, Trương Trần Đình Thắng, Lê Thuận Long…; âm nhạc có Đức Trí, Phạm Văn Quyền, Nguyễn Minh Tám, Hoàng Thọ…; nhiếp ảnh có Lê Đức Thành, Hoàng An, Trần Văn Thức, Bách Chiến, Nguyễn Hải, Bùi Cường…; biểu diễn và múa có Lê Kiều Anh, Thanh Nhân, Xuân Thành…
 
Phải thừa nhận rằng, đa số tác phẩm của thế hệ trẻ là những góc nhìn trực diện vào cuộc sống đương đại với nhiều hình thức biểu đạt mới trong ngôn ngữ và hình thức thể hiện nhưng vẫn mang đậm những giá trị truyền thống của quê hương. Chính đội ngũ những VNS này đã tạo nên một luồng sinh khí mới cho VHNT tỉnh nhà, nhất là việc tiếp cận và tham gia các diễn đàn, sự kiện lớn của đất nước và quốc tế.
 
VHNT Quảng Bình 35 năm qua có nhiều thành tựu với nhiều giải thưởng cao ở khu vực, quốc gia và quốc tế, tạo nên vị thế trong khu vực miền Trung và cả nước. Nhiều tác giả trở thành tên tuổi của nền VHNT Việt Nam đương đại. Quảng Bình vinh dự có nhà thơ Xuân Hoàng (năm 2007), nhạc sĩ Hoàng Sông Hương (năm 2017) được tặng Giải thưởng Nhà nước; ca sĩ Nguyễn Thùy Linh (thuộc Đoàn Nghệ thuật truyền thống) được tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (năm 2024).
 
Có thể nói, các thế hệ VNS Quảng Bình đã luôn cùng nhau trên hành trình xây dựng nền VHNT Quảng Bình trong 35 năm qua. Họ mang các giá trị văn hóa, lịch sử, cách mạng, những thành tựu của công cuộc đổi mới và tiềm năng về di sản, thiên nhiên của quê hương để sáng tạo với khát vọng đưa VHNT Quảng Bình cất cánh, đóng góp vào sự phát triển của nền VHNT Việt Nam. Những thành quả đạt được rất đáng tự hào và trân trọng để các thế hệ VNS trẻ hôm nay, mai sau sẵn sàng gánh vác sự chuyển giao thế hệ, tiếp tục mạch nguồn sáng tạo, viết tiếp những chặng đường mới cho nền VHNT tỉnh nhà, góp phần xây dựng quê hương Quảng Bình phát triển.
Nguyên Sa

tin liên quan

Không chỉ là dấu vết của quá khứ

(QBĐT) - Tôi cho rằng, một thời đại huyền thoại đang rảo bước đến với loài người. Có những điều ngỡ như chỉ lấp lánh trong các câu chuyện cổ bỗng trở thành hiện thực. 

Ví dụ bầu trời

(QBĐT) - Em cố gắng để mỗi ngày có thêm 
                                       một niềm vui
liên thông năng lượng
như mùa xuân ngoài kia
chim én về nôn nao khai hội

Quảng Bình muôn vẻ

(QBĐT) - Bên dòng Nhật Lệ, TP. Đồng Hới về đêm lung linh, huyền ảo, thơ mộng và đang vươn mình ra biển lớn.