Có một tờ "Văn hóa đời sống"

  • 07:22 | Thứ Ba, 02/04/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Trong cảm xúc bồi hồi khi chờ đón kỷ niệm 35 năm ngày tái lập tỉnh Quảng Bình (1/7/1989-1/7/2024), không hiểu sao, tôi lại vân vi nhớ về một tờ tin liên quan đến thời kỳ đầu của giai đoạn đầy gian khó nhưng rất sôi động này: Văn hóa đời sống (VHĐS) của ngành Văn hóa-Thông tin (VH-TT) tỉnh Quảng Bình.
 
VHĐS tuy là tờ thông tin ngành, có thời gian tồn tại không dài, nhưng điều đáng nói là nó được phép xuất hiện kịp thời, chỉ 4 tháng sau khi tỉnh Bình Trị Thiên chia tách; lại thu thập, đăng tải một lượng thông tin đương thời chân thực và phong phú, nên 35 năm lùi xa, những gì còn lưu trữ của tờ tin này đã trở thành một phần tư liệu đáng tin cậy, ít nhiều đóng vai trò “nhân chứng” cho những ai muốn trở về với những ký ức chưa xa.
 
Thực ra, tờ VHĐS được nhắc đến ở đây là một phái sinh của tờ VHĐS phát hành từ thời ba tỉnh chung Bình Trị Thiên, có quy mô lớn hơn, từng gây ấn tượng tốt đẹp cho nhiều bạn đọc. Khi tỉnh Bình Trị Thiên có quyết định chia tách thành ba tỉnh độc lập theo tên tuổi, địa giới cũ, thì tờ VHĐS Bình Trị Thiên theo đó cũng kết thúc vai trò lịch sử của mình. Anh em trong tòa soạn lúc ấy theo đội hình của các Sở VH-TT, Hội Văn nghệ, phân tán về ba tỉnh mới. Đáng nói, trong ba tỉnh, chỉ có Quảng Bình là nối bản tờ VHĐS thời tỉnh Bình Trị Thiên, nhưng dưới một hình thức mới.
 
Những người đương thời hẳn còn nhớ, tỉnh Quảng Bình thời điểm đó, bận rộn xiết bao với hàng núi công việc từ tìm kiếm nơi ở cho các cơ quan, ban, ngành và gia đình cán bộ từ Huế ra, đến tổ chức cuộc sống, ổn định công việc... tất cả gần như phải làm lại từ đầu. Nhưng các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các ban, ngành chuyên môn đã quan tâm và dành ưu tiên cho công tác truyền thông, báo chí.
 
Ngoài hai cơ quan báo chí lớn của tỉnh: Báo Quảng Bình và Đài Phát thanh Quảng Bình là hoạt động ngay trong những ngày đầu tái lập tỉnh, thì ba tháng sau (tháng 11/1989) tờ VHĐS được UBND tỉnh ra quyết định cho phép Sở VH-TT xuất bản, phát hành trong toàn tỉnh, do đồng chí Văn Nhĩ, Giám đốc sở làm Tổng Biên tập.
 
Tờ “Văn hóa đời sống” phát hành những năm đầu tái lập tỉnh Quảng Bình.
Tờ “Văn hóa đời sống” phát hành những năm đầu tái lập tỉnh Quảng Bình.
Cuộc họp cộng tác viên (CTV) đầu tiên được tổ chức ngay sau đó với hơn 50 người tham gia để cùng Ban Biên tập góp ý, trao đổi về nội dung, hình thức cho số VHĐS đầu tiên, kế hoạch cho các số tiếp theo và mời cộng tác viết tin, bài. Cái măng sét, chỉ dấu để nhận diện thương hiệu của tờ tin, do họa sĩ Lê Đan Tê, công tác ở Trung tâm VH-TT huyện Bố Trạch thực hiện đã chọn tại hội nghị.
 
Thời kỳ này, việc in báo bằng công nghệ in typo, dùng chữ đúc bằng chì có font chữ rất hạn chế, khô cứng; lại chưa có máy vi tính và các công cụ hỗ trợ đồ họa nên họa sĩ phải vẽ măng sét bằng tay, khắc lên gỗ để in cho mềm mại, ấn tượng, tạo sự thân thiện với bạn đọc. Có một kỷ niệm là nhìn măng sét tờ VHĐS được thể hiện nhiều màu, thay đổi theo từng tháng, một số người cho là cải lương, nhưng số đông lại cho là để biểu đạt sự đa dạng của văn hóa.
 
Sau này, trong một vai trò khác, nhân chuyến đi Singapore hội thảo về môi trường, tôi nhìn thấy tòa nhà Bộ Văn hóa cộng đồng và thanh niên nước này có nhiều cửa sổ, mỗi cửa sơn một màu khác nhau, tất cả đều luôn mở và được giải thích: Cửa nhiều màu thể hiện sự đa sắc của nền văn hóa Singapore và luôn mở là để đón nhận những tinh hoa phong phú, đa dạng của các nền văn hóa thế giới. Nhớ lại cái măng sét tờ VHĐS một thời, không thể so sánh, nhưng lại ngẫm: Hóa ra, văn hóa thông tin dù ở phương trời nào cũng cần sự đa thanh, đa sắc.
 
Số VHĐS đầu tiên đã ra mắt bạn đọc trót lọt, đúng thời gian dự kiến, vào ngày 16/12/1989, cho dù thời điểm đó thông tin liên lạc rất khó khăn, hệ thống CTV chưa ổn định, bài của CTV phải gửi qua đường bưu điện truyền thống, rất chậm... Tờ thông tin tuy nhỏ nhoi, mỏng manh với 8 trang khổ 21,5cm x 30cm nhưng đầy đủ các mục thường kỳ: Thông tin đó đây, văn hóa thường thức, diễn đàn cơ sở, nghiên cứu văn hóa, câu lạc bộ văn hóa… để thực hiện nhiệm vụ do chính nó đề ra trong lời ra mắt: “VHĐS là tờ thông tin ngôn luận của Sở VH-TT tỉnh Quảng Bình, được phép xuất bản, lưu hành trong toàn tỉnh để thông tin, trao đổi, hướng dẫn dư luận và phản ánh nguyện vọng của nhân dân về mọi mặt trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và đời sống xã hội. Đó là một nhiệm vụ nặng nề nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm lớn lao đối với VHĐS...”.
 
Số đầu tiên, bạn đọc chào đón với nhiều lời khen và không ít điều chê, tất cả tựu trung lại cũng từ sự ưu ái và kỳ vọng của bạn đọc, CTV đối với VHĐS, điều đó càng kích thích sự cố gắng của anh, chị em trong tòa soạn. Theo đà tiến bộ và nhu cầu mở rộng thông tin, đến số 7 (5/1990), VHĐS được phép chuyển sang khổ lớn hơn (29,5cm x 40cm) để đăng tải nhiều tin, bài hơn, có điều kiện đề cập đến nhiều vấn đề dài hơi, sâu sắc và mở rộng diện thông tin trong toàn tỉnh.
 
Là một bộ phận, tuy nhỏ của hệ thống thông tin báo chí tỉnh nhà, theo chức năng của mình, VHĐS không những thông tin, giới thiệu những chủ trương, biện pháp của các cấp lãnh đạo, cơ quan chuyên môn về sự nghiệp văn hóa, thông tin mà còn thực hiện nhiều tin, bài phản ánh những sự kiện chính trị, kinh tế, xã hội và đời sống nhân dân những năm đầu tái lập tỉnh và rất có thể những thông tin này sẽ trở thành các tư liệu tham khảo, tư liệu địa chí, khi cần về một thời điểm lịch sử vô cùng đáng nhớ.
 
Để cho tờ VHĐS có mặt kịp thời và hữu ích trong đời sống thông tin đại chúng của nhân dân, hàng trăm tác giả, CTV từ Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị đến Quảng Bình tích cực đóng góp tin, bài chất lượng. Trong những ngày lắng đọng nhiều kỷ niệm này, không thể không kể ra đây một số tên tuổi đại diện cho những tác giả, CTV đáng kính đã thành danh: Xuân Hoàng, Nguyễn Tú, Phan Viết Dũng, Văn Lợi, Văn Nhĩ, Hoàng Vũ Thuật, Nguyễn Đức Tuân, Hải Kỳ, Nguyễn Thế Thịnh, Nguyễn Thế Tường, Phan Văn Sừng, Kim Cương, Trần Hoàng, Hoàng Văn Bàng, Thái Hải, Nguyễn Hữu Trường, Lê Đan Tê, Dương Viết Chiến, Đỗ Duy Văn, Phan văn Khuyến, Phan Hòa, Đặng Kim Liên, Minh Tiến, Võ Xuân Trang, Hồ Thế Hà, Phan Thuận An, Tôn Thất Bình, Ngô Thời Đôn...
 
VHĐS là một tờ thông tin nhỏ, chỉ là khoảnh khắc truyền thông góp phần phục vụ một giai đoạn trong tiến trình dài tỉnh Quảng Bình trở lại tên gọi, địa giới cũ để xây dựng và phát triển quê hương. Nhưng theo chức năng và những cố gắng của mình, VHĐS chắc chắn lưu lại trong lòng bạn đọc đương thời một chút hoài niệm, bởi đã thực hiện và lưu trữ nhiều thông tin đa dạng về công việc phục hồi, phát triển văn hóa, xã hội, đời sống của thời kỳ đầu mới tái lập tỉnh rất nhiều khó khăn. Vì vậy, việc sưu tầm các số VHĐS còn lại, cũng như các ấn phẩm thông tin báo chí khác cùng thời... và lưu trữ như những hiện vật gốc liên quan đến một giai đoạn lịch sử đáng nhớ của tỉnh cũng là điều nên làm.
 Trần Hùng

tin liên quan

Không chỉ là dấu vết của quá khứ

(QBĐT) - Tôi cho rằng, một thời đại huyền thoại đang rảo bước đến với loài người. Có những điều ngỡ như chỉ lấp lánh trong các câu chuyện cổ bỗng trở thành hiện thực. 

Văn học-nghệ thuật Quảng Bình, 35 năm trở về và phát triển

(QBĐT) - Sau gần 14 năm sáp nhập tỉnh, ngày 1/7/1989, tỉnh Bình Trị Thiên chia tách, Quảng Bình trở về địa giới cũ. Cùng với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh, lực lượng văn nghệ sĩ đã chung sức vào công cuộc tái thiết xây dựng quê hương, hành trình ấy đến nay vừa tròn 35 năm.   

Quảng Bình muôn vẻ

(QBĐT) - Bên dòng Nhật Lệ, TP. Đồng Hới về đêm lung linh, huyền ảo, thơ mộng và đang vươn mình ra biển lớn.