Hồng Hiên thi tập-Thêm một tập thơ chữ Hán của Quảng Bình

  • 07:00 | Thứ Ba, 16/01/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Vốn văn học thành văn của Quảng Bình thời cổ-cận đại lưu lại ngày nay không nhiều. Văn bản cổ nhất là tập “Ô châu cận lục” ra đời giữa thế kỷ 16 của tiến sĩ Dương Văn An, nhưng về thể tài vẫn là một tập khảo cứu địa chí.
 
Phải tới một trăm năm sau, giữa thế kỷ 17 mới xuất hiện thêm tác phẩm thành văn thứ hai, sách “Hoa vân cảo thị” của Chiêu vũ hầu Nguyễn Hữu Dật. Nửa cuối thế kỷ 17 đầu thế kỷ 18, Quảng Bình ghi nhận thêm một tên tuổi nữa, nhà thơ Nguyễn Hữu Hào với tập truyện thơ “Truyện song tinh”.
 
Bước sang thế kỷ 19, mới xuất hiện thêm nhiều ấn phẩm để có thể làm nên diện mạo một “nền” văn học thành văn Quảng Bình, mặc dù tên tuổi gây ấn tượng trên văn đàn cũng hiếm hoi và in ấn thành trước tác cũng hạn chế.
 
Có một tên tuổi chính danh Quảng Bình nhưng đến nay vẫn vô tình bỏ sót hoặc sự quảng bá tác phẩm chưa đủ lan tỏa. Đó là tập thơ chữ Hán “Hồng Hiên thi tập” của Lê Văn Nguyên. Tập thơ do cháu bốn đời của tác giả là đại tá Lê Bá Ước, nguyên Trung đoàn trưởng kiêm Chính ủy Đoàn 10 đặc công rừng Sác anh hùng, nguyên Chính ủy Sư đoàn 2 đặc công trong chiến dịch Hồ Chí Minh, hội viên Hội Văn học-Nghệ thuật tỉnh Đồng Nai sưu tầm tổ chức dịch thuật, biên tập và in ấn. Nhà thơ Hoài Anh dịch và chú giải.
 
Cụ Lê Văn Nguyên quê làng Lộc An, xã An Thủy, Lệ Thủy, là con trai của cụ Lê Văn Hy. Sách “Đại Nam nhất thống chí” viết: “Lê Văn Hy người huyện Phong Đăng, năm Minh Mạng thứ 3 thi đỗ tam trường làm quan Tư nghiệp quốc tử giám, người nổi tiếng hay thơ, khảng khái không chịu bó buộc, sau cáo lão về hưu chết tại quê nhà”. Họ Lê “…từ đó trở thành vọng tộc thi lễ. Về nghề võ thì cũng là một môn phái”.
Bìa cuốn  "Hồng Hiên thi tập " được sưu tầm, dịch thuật.
Bìa cuốn "Hồng Hiên thi tập" được sưu tầm, dịch thuật.

Cụ Lê Văn Nguyên làm quan qua các triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức có công dẹp giặc xâm lấn biên cương được nhà vua ban đất dưới chân núi Non Nước, Ninh Bình, đã lập nên chi họ Lê tại đây. Mang tư chất của tổ phụ, văn võ toàn tài, sống khoáng đạt thanh liêm, quảng giao, bầu rượu túi thơ, được lòng bạn hữu và dân tình, khi cụ mất, thấy bát hương đình làng bốc cháy, dân làng bèn tôn cụ làm thành hoàng, xây ngôi đền lớn để thờ. Mỗi năm vào rằm tháng ba, dân quanh vùng đưa kiệu cờ trống quạt… rước linh vị lễ tạ hai ngày. Ngày nay, ngoài tập thơ “Hồng Hiên thi tập”, di sản lưu lại còn bức tượng bằng đồng, đúc sau khi cụ qua đời, đang được hậu duệ thờ tại TP. Hồ Chí Minh.

Chuyện kể rằng, khi thân mẫu qua đời ở bản quán, cụ bỏ nhiệm sở về quê (Lệ Thủy) chịu tang ba năm, lấy bầu rượu túi thơ qua ngày. Vua phát chiếu chỉ gọi vào kinh hỏi tội, nhân lúc ngà say cụ ghi vào mép giấy câu: “Ngã vốn dĩ phong lưu, năng cầm năng kỳ năng thi năng tửu, tiên đế tri như hỹ”. Phạm thượng, cụ bị gọi về triều. May, gặp lúc giặc giã nổi lên ở biên cương, cụ được phái đi đánh dẹp, lập công, không những xá được tội, còn được vua cải tên Lê Văn Duyên, tự là Giác Hiên, hiệu Thụy Trang. Về đức độ liêm khiết, sách luân lý giáo khoa thư thời Pháp thuộc ghi chép: “Có ông chánh tổng đưa biếu hai gói chè. Sau giở ra thấy toàn bạc nén, cụ lập tức sai gia nhân mang trả lại cả chè lẫn bạc”.
 
Tác giả tập thơ là một vị quan phẩm hàm cao (Tuần vũ Ninh Bình) may mắn được tại nhiệm trong thời thịnh trị vua sáng tôi hiền. Hiển hiện trong mấy trăm bài thơ và câu đối chữ Hán là phong vị của một nhà nho vừa “nhập thế” vừa “tài tử”. Nhập thế khi quốc gia hữu sự, tài tử khi đất nước thanh bình, dân tình hoan ca, đồng liêu đoàn kết.
 
Nhập thế. Quốc gia hưng vong thất phu hữu trách. Giặc ngoại quấy rối biên cương, cụ gác bút nghiên lên đường trận mạc:
 Từng khoác nho y ra chiến trường
 Bút nghiên thôi cũng chuyện tầm thường
 Thương dân khổ nạn binh đao:
    Đau lòng lũ giặc quấy biên cương
    Khôn liệu ba châu gặp thảm thương
    Lúa má như non thiêu lũ dữ
    Đậu vừng đầy đất buốt hơi sương
       (Qua Ba Lan Đồng Châu ngủ lại một đêm)
   Oai trời chấn động lửa phun hồng
   Lửa khắp Côn cương cây cỏ không
   Đại đội tỳ hưu tăng nhuệ khí
   Cáo cầy tháo chạy tựa cuồng phong.
                (Lại đánh lui giặc Xiêm)
 
Tài tử. Thấm đẫm trong tập thơ là tình bằng hữu. Rất nhiều những bài thơ có tiêu đề Mừng, Đón, Tiễn… bạn đồng liêu. Là trăng thanh gió mát… biểu thị cái tâm nhàn của bậc trí sĩ giữa thời thịnh trị, ca ngợi đức thanh liêm của người làm quan “Tuần thị đường âm tiện hạ thu” (Người làm quan thanh liêm như bóng mát cây cam đường), là tinh thần nhà nho thanh cao, trọng nghĩa khinh tài:
   Ném hết nghìn vàng mới rảnh rang
   Thảnh thơi gậy dép trở về làng
   Đình sông trăng gió thu quang sạch
   Triều biển sóng dồn mộng chẳng tan.
     (Tiễn phủ doãn Nguyễn Công Trứ về hưu)
Và, đậm đà trong tập thơ là một nỗi lòng đau đáu với quê hương:
Bài “Tặng Lê Dung Ngôn quy Lệ Thủy”:
 (Huynh tiền tại Phạm thú quan sở, dữ dư ước quy Quảng Bình, dĩ nhi dư trở nha sự, bất quả hành, nhưng thi dĩ tặng biệt)
     Tằng cộng huề hồ quá quận trai
     Hương quan nhất ngữ dạ bồi hồi
 (Bầu rượu từng mang qua quận trai/Quê hương một tiếng dạ bồi hồi)
    Đằng lĩnh phong sương thiên ngã mị
    Kiến giang yên nguyệt vị thùy khai
(Đằng lĩnh gió sương chiều ý tớ/Kiến Giang trăng đẹp khói cho ai)
 Kiến giang nhất đái thủy phân lưu
 Hác chuyển khê hồi nhập tiểu chu
(Kiến Giang một dải phân dòng/Suối qua khe lại chảy vòng vào nhau)
Gia hương hồi thủ vân thiên mộ
Nhất nhạn tà thanh Bố Chính châu.
(Quê hương ngoảnh lại trời mây tối/Tiếng nhạn kêu về Quảng Bình châu)
     Nhãn trục Hoành quan hào nhứ đoạn
     Tâm tùy hồ hải phiến vân lai
(Nhìn Đèo Ngang đứt ruột người/Lòng theo hồ hải mây trôi tới cùng)
Và, cao hơn hết là một nỗi lòng vì dân. May, trong thời đại các vua sáng: “Thánh triều trọng khoa giáp/Thế phiệt đôn thi thư” (Triều thánh trọng khoa giáp/Thế phiệt chăm thi thư), “Thánh đại hưng hiền tổng vị dân" (Vua chọn hiền cũng vì dân):
     Hàm chương để trị quân tu ký
    Tằng thi giang biên chước ngã tần
(Làm sao dân được yên vui/Nhớ khi từng chuốc chén mời bên sông)...
 
Giới thiệu tập thơ chữ Hán “Hồng Hiên thi tập” với bạn đọc và giới nghiên cứu như một nén tâm nhang vọng tiền nhân và trách nhiệm tiếp tục lật giở những tầng vỉa văn hóa còn ẩn giấu.
 Nguyễn Thế Tường

tin liên quan

Đi để "trở về"

(QBĐT) - Anh em họa sĩ Lê Ngọc Thanh và Lê Đức Hải, đã thực sự mang một câu chuyện mới, màu sắc mới, trải nghiệm mới trong triển lãm "The Return-Trở về" diễn ra tại Thủ đô Hà Nội vào những ngày đầu năm mới 2024.
 

Tháng chạp

(QBĐT) - Bánh xe vòng thời gian
Quay chậm về tháng chạp
Bâng khuâng ngày cuối năm
Đông vẫn còn tê buốt

Gió làng

(QBĐT) - Bên hữu ngạn sông Gianh
Làng ta nghèo
Gió đói mùi cơm
Cha ra đồng
Gió tát rát mặt