Miền cát

  • 09:04 | Chủ Nhật, 14/01/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - “Có nơi nào như ở đây
Mù trời trắng cát. Gió cát say
Cát như đàn ngựa tung bờm nắng
Hóa gió phi lao bạc tháng ngày
Dưới cát: Bao người thân của tôi
Hồn trăng gió xoáy thổn thức đời
Và bao người nữa còn trên cát
Một bước lên, lại nửa bước lùi”
 
Một buổi sáng cà phê cuối tuần, từ trên tầng cao số mười hai, tôi ngắm trọn thành phố trong màn sương mờ đục. Những nhành cây trơ trụi khẽ vạch lên nền trời u xám những đường nét chấm phá đầy tinh tế. Một bức tranh tuyệt diệu! Tôi nhấp ngụm cà phê và lắng nghe khúc du mùa đang sẽ sàng len lỏi trong tim.
 
Tôi rời tòa nhà cao tầng, dong xe qua cầu Nhật Lệ, chiếc cầu nhập nhòa trong khói sương lãng đãng nối đôi bờ phường Đồng Mỹ và bán đảo Bảo Ninh. Ngang giữa cầu chợt tôi phanh lại một nhịp, bao kỷ niệm ùa về cắt cứa, đột ngột.
 
- "D. ơi, Anh Nguyễn Trọng Tạo đây!”
 
- “ Ôi anh vào khi nào?”
 
-“Vừa mới, chút nữa gặp gỡ mấy anh em văn nghệ Quảng Bình tí cho vui nhé!”
 
Tôi lang thang cùng anh dọc triền cát trắng, bàn chân tôi lún sâu trong cát, cát mịn và mát lắm. Bất chợt tôi quay sang anh, đùa:"Có cả đất trời mà không nhà ở. Có vui nho nhỏ có buồn mênh mông”.
 
Anh Tạo tiếp: “Mà thuyền vẫn sông mà xanh vẫn cỏ. Mà đời vẫn say mà hồn vẫn gió. Có thương có nhớ có khóc có cười. Có cái chớp mắt đã nghìn năm trôi”.
 
Đọc xong, anh Tạo nổ một điệu cười sang sảng: “Một năm là mấy cuộc chơi. Một đời đâu dễ kết người mỹ nhân". "Ơ mà khoan, D. đứng yên đấy!". Anh Tạo rút trong túi ra chiếc máy ảnh và chụp tôi, ngoài xa kia là biển trời xanh ngút tầm mắt.
***
Biển vẫn thế và trời vẫn thế, có khác chăng chỉ màu cát xám u buồn. Anh Tạo đã đi, một chuyến đi dài, và có lẽ rất… rất lâu, không biết khi nào trong số chúng tôi sẽ hội ngộ anh ở một nơi khác, một thế giới khác. Nhưng lời thơ anh vẫn mãi cứ điềm nhiên như cách anh sống. “Tôi ra đi đừng nghĩ vắng tôi rồi. Tôi ra đi vì yêu quá cuộc đời. Chưa phải thế nhưng mà nó thế”.
 
Hôm nay, tôi cùng với nhà thơ Lý Hoài Xuân sẽ có cuộc gặp gỡ với một nhân vật lịch sử mang cái tên rất dài do nhân dân trìu mến gọi “Em bé Bảo Ninh”-mà tên thật là Trương Ngọc Hương. Gọi là “em bé” nhưng bây giờ ông ấy đã thuộc vào độ tuổi“xưa nay hiếm”. Tìm nhà ông không khó một chút nào, chỉ cần qua cầu 200m rẽ trái, hỏi nhà “Em bé Bảo Ninh ở đâu?” thì ai ai cũng hồ hởi chỉ đường.
Minh họa: Minh Quý
Minh họa: Minh Quý
Vừa thấy tôi và nhà thơ Lý Hoài Xuân đến, “em bé Bảo Ninh” Trương Ngọc Hương đã reo lên: "Ôi nhà thơ “Nhật Lệ trăng huyền thoại”, răng hôm nay thầy lạc đến nhà em vậy?". Tôi ngạc nhiên khi nghe ông gọi nhà thơ Lý Hoài Xuân bằng thầy, hóa ra nhà thơ đã từng dạy “Em bé Bảo Ninh” một vài tiết học chính trị ở trường Đảng.
 
Quay trở lại với nhân vật lịch sử mang tên “Em bé Bảo Ninh”, ông bắt đầu câu chuyện vào ngày 7/2/1965. Đó là một ngày mùa xuân, khi người dân Đồng Hới, trong đó có Bảo Ninh quê hương ông nô nức hưởng ứng Tết trồng cây chắn cát chắn sóng ven biển do Bác Hồ phát động. Đúng lúc ấy hàng chục máy bay Mỹ ào ạt tập kích ném bom TX. Đồng Hới và các vùng phụ cận. Làng cát Bảo Ninh mịt mù trong khói bom.
 
Trương Ngọc Hương lúc ấy chưa đầy 15 tuổi đang trú ẩn trong hầm cát cùng các bạn nhỏ. Trận chiến kéo dài từ sáng đến trưa, bộ đội và dân quân ta kiên cường đánh trả máy bay Mỹ. Ngồi dưới hầm theo dõi tình hình, cậu bé Trương Ngọc Hương thấy trận địa đang thiếu đạn. Bình thường nhiệm vụ tiếp đạn cho trận địa là người lớn đảm nhận nhưng trong tình cảnh ngặt nghèo ấy, cậu bé Hương đã lao lên khỏi hầm để quan sát kỹ hơn. Thế rồi trong phút chốc, thân hình bé nhỏ của cậu đã băng qua làn khói bom mịt mù cát bụi tới một kho chứa đạn gần sát nhà mình cõng từng thùng mang về trận địa.
 
Và cứ thế liên tiếp mấy ngày sau đó cậu bé Trương Ngọc Hương và các bạn nhỏ làng cát Bảo Ninh bò nhoài trên cát, ẩn nấp sau những động cát rồi băng vụt qua bom đạn để tiếp tế cho bộ đội. Lớn thêm vài tuổi nhưng quê hương vẫn chưa ngớt chiến tranh. Cửa biển Nhật Lệ dày đặc thủy lôi và tàu chiến chực chờ, đe dọa…Là một người con của biển, sinh ra và lớn lên từ biển nên ông yêu biển quê mình hơn ai hết, biển là nhà và biển cũng là quê hương. Mặc thủy lôi, mặc tàu chiến, biết là sẽ cướp đi sinh mạng bất cứ khi nào nhưng ông vẫn cùng với những đoàn viên giong buồm ra khơi mang hải sản về cho hợp tác xã để phục vụ cuộc chiến dài lâu.
 
Và không may trong lần ra khơi ấy ông và các đoàn viên đã bị địch bắt rồi đày ải ra đảo Cù Lao Chàm, giữa sóng gió mù khơi ông và các thành viên trong đoàn bị đánh đập tra khảo dã man suốt ba, bốn tháng trời, sau đó mới được thả ra do quân địch nhận thấy họ không mang theo súng đạn, vũ khí gì ngoài một chiếc quần cọc và cái nón cời. Những người bạn của ông sau đó hơn một nửa đã hy sinh trong các cuộc chiến bảo vệ quê hương. Còn riêng ông may mắn sống sót trở về.
 
Tôi lặng đi khi nhìn những vết sẹo nâu sẫm trên người ông, ánh mắt ông rưng rưng xúc động khi nghĩ về những người đồng đội đã khuất, những người con làng cát kiên cường dũng cảm một thời.
 
Tôi rời ngôi nhà nhỏ của “Em bé Bảo Ninh/Bên bờ Nhật Lệ/Như cánh hoa nhỏ/Nở bên chiến hào/Như chim đầu ngõ/Hót mừng xôn xao…".
 
Tôi lội ngược lên cát, ở một tầm cao, tôi thấy những động cát trải dài liên tiếp trước mắt như bầu vú mẹ thiêng liêng, thổi những mơn man vào mặt tôi êm dịu mặn mòi hương vị gió biển. Đúng là “Một bước lên, lại nửa bước lùi”.
 
"Năm xưa, cũng chính tại cồn cát này những người như chú, khi ấy chỉ vừa tròn 14-15 tuổi đã cùng với bộ đội mở một con đường giao liên trên cát hộ tống đồng bào Vĩnh Linh và vùng phía Nam Quảng Trị mới giải phóng sơ tán ra miền Bắc. Cả đoàn người gồng gánh nhau đi qua những động cát dài 50- 60km đường, đi cả ngày cả đêm bải hoải, rã rời chân tay mới đến trạm giao liên ở vùng Bảo Ninh này. Rồi những ngày cùng bạn bè đi trồng dương chắn cát, chú cũng nghe người dân kể lại rằng cứ cách một vài km là có một trạm giao liên mật phục dưới những động cát, hằng đêm, những dân quân du kích thay phiên nhau trực và một hôm trăng thanh gió mát một anh quân dân hẹn hò người yêu ngồi nghe sóng biển, tận hưởng những giây phút thanh bình hiếm có và mơ ước một ngày đất nước không còn cảnh đạn nổ bom rơi nhưng thật không may hôm sau anh ấy đã dẫm phải mìn và hy sinh trên động cát này.
 
Điều bất ngờ hơn là một năm sau cô người yêu quân dân của anh ấy cũng bị bom bắn trúng khi đứng gác ở trạm giao liên. Họ đã được sống bên nhau và chết cùng nhau trên những đụn cát quê hương, máu của họ đã thấm xuống cát, xuống từng ngọn cỏ lông chông, từng cây xương rồng nở hoa trên cát, đầy quật cường, khát khao. Cũng chính trên dải cát quê hương người anh trai con bác của chú cũng bị bom đánh chìm dưới nước, mồm ngậm đầy cát. Thuở ấy nghèo, không ngậm gạo thì cũng đành ngậm cát mà ra đi..."
 
Nhà thơ Lý Hoài Xuân bỗng nấc lên nghẹn ngào, ông vốc một nắm cát lên tay và để nó mặc sức tuồn qua các kẽ hở rớt xuống chân mình.
 
"Tôi và cát, cát và tôi
Chở che nhau suốt một thời đạn bom
Lẫn trong cái mất cái còn
Biết bao máu thấm những cồn cát kia
Những ai ngày ấy ra đi
Có ai nhớ cát những khi xa rồi"
 
Tôi và nhà thơ Lý Hoài Xuân cứ thế im lặng đi trên những triền cát trắng mỗi người một nỗi niềm riêng, thi thoảng bắt gặp những luống khoai non xanh, thi thoảng bắt gặp những giọng cười trong trẻo, hồn nhiên của đoàn người đi trượt cát, từ trong thương đau cát bây giờ đã biết cười, cát biết nở hoa.
 
Riêng tôi một cảm xúc dâng trào đến khó tả khi “… đi lên đồi cát mịn/Biển ngoài kia nơi tiếng sóng đang reo/Cát trắng quá nên đêm xuống chậm/Hay Bảo Ninh mãi vẫn ban ngày?”
     Bút ký của Trác Diễm

tin liên quan