Ca sĩ Thanh Oai: "Đã đam mê là tận hiến"

  • 07:42 | Thứ Ba, 09/01/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - So với dòng nhạc hiện đại, dòng nhạc quê hương, dân ca không được nhiều bạn trẻ lựa chọn để đi theo con đường chuyên nghiệp. Thế nhưng, những ai yêu âm nhạc truyền thống đều cho rằng, đây là dòng nhạc “càng hát càng say”. Một trong những người trẻ “say” dân ca và hát rất hay những ca khúc đậm chất Quảng Bình là ca sĩ Trương Thanh Oai (SN 1982), công tác ở Đoàn Nghệ thuật truyền thống Quảng Bình. Chị chia sẻ: Dòng nhạc mang âm hưởng dân ca luôn có sức sống bền bỉ bởi ca từ gần gũi, giản dị, mang đậm bản sắc vùng, miền và dễ chạm đến trái tim người nghe.
 
Ca sĩ Thanh Oai quê gốc ở phường Quảng Thuận (TX. Ba Đồn) nhưng tuổi thơ sống cùng gia đình ở xã Cao Quảng, một địa phương thuộc vùng khó khăn của huyện miền núi Tuyên Hóa. Lớn lên từ lời ru của mẹ nên ngay từ nhỏ những câu hát ru đã khắc sâu trong tâm trí của chị. Bố mẹ theo chuyện làm ăn, Thanh Oai là chị cả trong gia đình nên phải thay mẹ chăm sóc các em. Mỗi lần dỗ em ngủ, Thanh Oai lại dùng những câu hát mẹ ru mình ngày nào để ru em. Tình yêu với dòng nhạc dân gian được nhen nhóm từ đó, để rồi hun đúc trong lòng cô gái nhỏ niềm mơ ước được trở thành ca sĩ chuyên nghiệp.
Ca sỹ Thanh Oai.
Ca sĩ Thanh Oai.
Thanh Oai kể: "Sống ở một vùng quê xa xôi, hẻo lánh, điều kiện kinh tế khó khăn nên tuổi thơ của tôi và các bạn cùng trang lứa đều khá vất vả, phải tự lập sớm. Bố mẹ đi làm cả ngày nên mấy chị em tự chăm sóc, bảo ban nhau. Lúc làm việc như nấu cơm, giặt giũ hay cả khi nhàn rỗi, tôi đều hát mà chỉ hát được một thể loại là hát ru. Mê hát nên tôi luôn mang theo bên mình chiếc radio để nghe chương trình giới thiệu ca khúc mới. Dần dần tôi thuộc rất nhiều bài hát, nhất là những bài dân ca. Dẫu mong muốn được trở thành ca sĩ nhưng với những học sinh miền núi, mơ ước đó dường như khá xa vời. Học xong bậc THPT, tôi quyết định thi vào một trường sư phạm và thử sức ở một trường nghệ thuật chuyên nghiệp. Và may mắn đã đỗ vào Trường trung cấp văn hóa nghệ thuật Thừa Thiên-Huế với số điểm khá cao. Thời gian đầu nhập học, nhiều lúc tôi “nản chí” vì chương trình học khó lại nghe nhiều người bàn tán học xong sẽ khó xin việc, khó có cơ hội đứng trên sân khấu… Nhưng rồi, càng học lại càng thấy hay nên tôi quyết tâm theo đuổi ước mơ được hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp".
 
Tốt nghiệp cử nhân cao đẳng diễn viên chuyên ngành ca kịch Huế với tấm bằng loại ưu, Thanh Oai được nghệ sĩ nhân dân Ngọc Bình (lúc đó là Giám đốc Nhà hát ca kịch Huế) ngỏ ý mời về làm việc tại đoàn nhưng chị từ chối vì chỉ muốn về quê. Được nhận vào làm việc tại Đoàn Nghệ thuật tổng hợp tỉnh, Thanh Oai không có nhiều “đất” để sử dụng những gì đã học. Chị phải học thêm những thể loại nhạc khác để đáp ứng yêu cầu của khán giả và nhiệm vụ của đơn vị. Sau này, Đoàn Nghệ thuật tổng hợp tỉnh đổi tên thành Đoàn Nghệ thuật truyền thống tỉnh và chức năng, nhiệm vụ của đoàn đúng như tên gọi nên Thanh Oai trở thanh gương mặt chính trong nhiều chương trình biểu diễn nghệ thuật của đơn vị.
 
Nhạc sĩ Hoàng Sông Hương cho rằng: “Thanh Oai là ca sĩ có giọng hát rất tốt, nhất là hát các làn điệu dân ca, ca khúc mang âm hưởng dân ca. Tôi tin rằng Thanh Oai sẽ tiến xa hơn nữa trên con đường hoạt động nghệ thuật bởi có tuổi trẻ, lại đam mê, có cả thanh và sắc…”.

Không chỉ hát tốt các làn điệu dân ca Bình Trị Thiên, Thanh Oai còn thể hiện rất tròn vai một đào nương khi hát ca trù, một loại hình nghệ thuật dân gian kén cả người nghe và người hát. Chỉ sau một khóa tập huấn 4 ngày do các nghệ nhân ở Thủ đô Hà Nội truyền dạy, Thanh Oai đã hát đúng kỹ thuật của các làn điệu ca trù cổ và mạnh dạn tham gia liên hoan ca trù toàn quốc năm 2018 tại Hà Tĩnh. Những tưởng chỉ là cơ hội để trải nghiệm học hỏi, ai ngờ lần đầu “mang chuông đi đánh ở xứ người” ấy, Thanh Oai được ban tổ chức đánh giá cao và trao giải nhất tiết mục ca trù “Kể chuyện”.

Cũng tại liên hoan này, một đào nương khác của đoàn Quảng Bình là Trần Thị Cẩm Vân đoạt giải B tiết mục “Hát múa không gian cửa quyền, chúc hỗ”. Với kết quả đó, đoàn Quảng Bình tham gia liên hoan năm ấy đạt giải A toàn đoàn. Thanh Oai còn đoạt huy chương bạc tại liên hoan ca múa nhạc toàn quốc năm 2009 với tiết mục “Hò thuốc” do nhạc sĩ Lê Anh biến tấu. Là diễn viên ca kịch nên khi thể hiện những ca khúc có tình tiết, hoạt cảnh, Thanh Oai diễn xuất rất tốt cùng giọng hát ngọt ngào, sâu lắng, dẫn dụ người nghe vào không gian văn hóa của các vùng, miền trên quê hương Quảng Bình.
 
Ngoài các làn điệu dân ca, Thanh Oai còn hát rất “ngọt” và đặc biệt yêu thích các bài hát về Quảng Bình, như: “Về Quảng Bình” (nhạc Phan Huy Hà, thơ Phan Duy Oanh), “Về Quảng Bình đi anh” (nhạc Ngọc Tân, thơ Hoàng Hữu Thái), “Đưa em về Kiến Giang” (Xuân Đồng), “Về Đồng Lê” (Trần Hoàn), “Tình ta biển bạc đồng xanh” (Hoàng Sông Hương)…
Thanh Oai và các thành viên của Đoàn Nghệ thuật truyền thống tỉnh thể hiện làn điệu hò thuốc.
Thanh Oai và các thành viên của Đoàn Nghệ thuật truyền thống tỉnh thể hiện làn điệu hò thuốc.
Với chất giọng ngọt ngào, đằm thắm, nhất là khi thể hiện các ca khúc mang âm hưởng dân ca, Thanh Oai trở thành một trong những ca sĩ được nhạc sĩ Hoàng Sông Hương “chọn mặt gửi vàng” khi trình làng các ca khúc mới. Và gần đây nhất, nhạc sĩ Hoàng Sông Hương tin tưởng mời Thanh Oai thể hiện ca khúc “Tuyên Hóa khúc tình xuân” tác phẩm mới nhất của mình. Ở ca khúc này, Thanh Oai có dịp khoe chất giọng đầy nội lực, trong trẻo khi kết hợp cùng nam ca sĩ Tuấn Anh.
 
“Âm nhạc quê hương luôn là nguồn cảm xúc mãnh liệt để rồi mỗi lần hát tôi đều gửi gắm trong đó tình yêu, niềm tự hào được là người Quảng Bình. Lựa chọn và gắn bó với âm nhạc truyền thống là điều không dễ khi mà dòng nhạc hiện đại đang phát triển và thu hút sự quan tâm của nhiều người trẻ nhưng tôi tin và luôn vững bước với con đường mình đi bởi đã đam mê là tận hiến hết mình. Tôi còn nuôi hy vọng và tích cực học hỏi để sáng tác, hòa âm, phối khí làm mới các làn điệu dân ca cho phù hợp với thời đại”, ca sĩ Thanh Oai chia sẻ.
   Nh.V

tin liên quan