Cánh đồng không hoang vắng

  • 07:05 | Thứ Hai, 08/01/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Ở quê tôi, gặt hái lúa tái sinh vụ hè-thu xong ruộng sẽ nghỉ cho đến cuối chạp. Đông về, bầu trời trĩu nặng mây xám, cánh đồng phơi vàng gốc rạ trải dài trễ nải giữa vô hạn vô hồi gió bấc.
 
Lũ chim trời cũng trốn đi đâu cả. Mùa đông hoang vắng nhưng là miền ký ức theo suốt cuộc đời của biết bao người lớn lên ở nông thôn. Anh cả tôi đã khuất sang cõi khác từng kể về những tháng ngày xa xôi trong niềm nhớ thương se sắt. Thơ ấu, anh và bạn bè trong cái xóm Tre bé nhỏ của xã Hồng Thủy, nằm thắt thẻo giữa quốc lộ và dải cát trắng bao la phía Đông thường băng qua cánh đồng gió rét, ra phá vớt rong để ba ủ gốc thuốc lá bên đồng cát, hái rau về nuôi lợn, cắt cỏ chăn trâu hay cất te, bủa lưới, giăng câu….
 
Mùa đông đồng vắng nhưng lại chứa ẩn quá nhiều thứ hay ho và hấp dẫn. Chỉ cần nửa buổi đã vun về tràn trề các thứ, người gánh rong, người gánh cỏ, người rổ rau hay một oi đầy tép tươi… Ai đành về khi cuộc vui chưa bắt đầu! Hoàn thành nhiệm vụ là tìm cách nấn ná bày trò tụ tập. Trốn tìm. Đuổi bắt. Đá bóng. Săn chuột. Hò nhau xuống ruộng bắt cá, tôm cua, ốc ếch, lươn lệch… mang về nhà cho mạ nấu bữa tối và chừa lại chút xíu để chung nhau… liên hoan.
 
Đốt lên một đống lửa, mở màn “đại tiệc” đồng quê. Làn khói mang theo mùi cỏ khô, mùi đồ nướng lan đi trong gió, ấm thơm dậy lên nồng nàn. Vui chơi quên lối về, trời nhá nhem vẫn chưa hết tưng bừng nhảy nhót. Nhiều hôm, cha mẹ cầm roi ra tận đồng “trấn áp”, cuộc vui mới chịu tàn. Cứ vậy… cứ vậy… mùa đông… mùa đông… cánh đồng là sân vui của tuổi thơ muôn thuở.
 
Đã không biết bao nhiêu lần đi về bên cánh đồng đầy gió lạnh, nhưng chưa lần nào tôi thôi cảm xúc bâng khuâng trước vẻ đẹp hoang vu của những thửa ruộng mùa nông nhàn. Chẳng ngờ đây là quãng thời gian diễn ra cuộc phối giao khốc liệt giữa trời và đất để hoài thai dinh dưỡng để vụ mùa sau sây mẩy sinh sôi. Khi trời đã xanh, gió đã ấm, cánh đồng sẽ lại xanh lên ngút ngàn và dào dạt. Vừa qua đợt mưa dài, thửa ruộng ven phá Hạc Hải lắp xắp nước, gió bấc thổi rạp cả những vạt cỏ còn xanh ven các con hói. Không gian ảo mờ, diệu vợi như thực như hư, mênh mông càng mênh mông, hoang vắng càng hoang vắng. Vậy nhưng vẫn không cô liêu.
 
Phía xa mặt phá thấp thoáng những con thuyền nghề giăng câu, thả lưới. Trên các con đường nội đồng, lũ trẻ quê vẫn soạn sửa tiệc tùng. Những đống lửa nhỏ đang lên đều ngọn, cá lóc, cua đồng, tôm càng… chuẩn bị chín vàng, vài ba củ khoai vừa sém vỏ. Tất cả dậy mùi thơm nức nở, khiến cả bọn loi choi phấn khích. Cảm xúc ấy lan tỏa, hấp dẫn tôi, cuốn hút tôi. Cánh đồng khi sang đông rộn ràng và ấm áp đến bất ngờ. Lửa và gió. Nóng và lạnh.
Minh họa: Minh Quý
Minh họa: Minh Quý
Sự tương phản ấy mang lại cảm giác kích động quá chừng. Vỡ ra rằng con người là một thực thể thiên nhiên, sự dung hòa những tác động từ vũ trụ là năng lực tự thân của mỗi cá thể. Chống lại lạnh càng thêm lạnh. Chống lại nóng càng thêm nóng. Hãy tồn tại trong tâm thế tận hưởng. Tất cả sẽ lướt qua nhẹ nhàng và thú vị. Cuộc sống hiện đại phụ thuộc quá nhiều vào tiện nghi sẽ làm con người giảm hết kỹ năng sinh tồn. Một vé miễn phí cho tôi về tuổi thơ thật đáng giá.
 
Ở các xã vùng ven Quốc lộ 1 của hai huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy còn có những cánh đồng rất đặc biệt. Đồng cát. Những tưởng chẳng có cây gì sống được trên miền đất này nhưng lạ thay, vừa xong vụ lúa phía đồng vời đã lại đến mùa rau bên đồng cát. Sóng lúa dứt, đợi gió đông về là đồng cát rộn vui. Cát trắng bắt đầu được nhuộm màu. Cải, ngò, xà lách, hành tỏi, su hào, cải bắp, mướp đắng, mướp hương… cứ thế mà lên. Ngày đông, gió bấc thổi từ phá rộng vào làng, xoáy lên các động cao, nếu có thêm đợt mưa phùn thì rất rét, nhưng chẳng mấy khi những vạt rau vắng người. Bắt sâu, nhổ cỏ, tỉa lá…chăm chút để dành cho Tết ấm.
 
Rau xứ cát có màu xanh riêng, mùi vị riêng. Ấy là bởi rau mọc lên từ cát và lớn lên nhờ những mạch nước trào trên trong cát. Về quê, dạo quanh những con trôổng nhỏ, dọc theo mỗi lối đi đều có một con mương dẫn nước tự chảy ra từ trong cát. Quanh năm suốt tháng như thế, tinh khiết như thế, dào dạt như thế, uốn theo những vườn rau, dệt xanh cát trắng. Một vùng rau chuyên canh chất lượng cao rộng lớn phía Nam Quảng Bình đã hình thành. Riêng huyện Lệ Thủy có trên 1.100ha.
 
Rau trải từ vườn nhà lên đồng cát. Mơn mởn. Tươi non. Tinh khiết. Như cát. Như nước chắt ra từ cát. Mang đến cho người dân nguồn thu nhập hàng trăm triệu. Và những cánh đồng cát cũng cho tuổi thơ nơi đây biết bao niềm vui lạ. Cát là xứ sở của loài nhông béo múp. Khi mẹ lúi húi với những luống rau, lũ trẻ sẽ rủ nhau đi đào nhông. Đây là loài bò sát chỉ kiếm ăn vào mùa hè. Mùa đông lạnh giá thì trốn trong hang, nhâm nhi chiếc đuôi cầm hơi cho đến ngày nắng ấm.
 
Lũ trẻ vùng cát là những tay săn bắt thiện nghệ, chỉ cần nhìn dấu chân nhông chắc chắn sẽ lần ra được cửa hang, thường là ở dưới những cội dương liễu già. Cả bọn xúm vào đào bới, cát vung lên tứ tung, tay chân tóc tai bê bết. Nhưng hào hứng không thể tả. Kết quả là không chú nhông nào thoát được lũ trẻ. Nhông nướng trên ngọn lửa cháy rần rật của những cành dương khô nỏ là sự kết hợp tinh tế cho một món ăn tuyệt hảo. Dương liễu vừa cháy vừa reo, vừa thơm vừa vui tai.
 
Thịt nhông trắng ngần, thơm lừng, ngọt tê! Nhông chỉ nướng thô, chấm muối trắng giã nhuyễn với ớt xanh, bày vẽ lắm thì cuốn thêm cọng lá lốt thì chỉ có đỉnh, không nhưng… Đó cũng là một bữa tiệc “vương giả”! Ai đã từng xúm xít cùng bọn trẻ nướng nhông trên đồi cát sẽ thấy rằng những gì mộc mạc nhất, nguyên sơ nhất mới thực sự mang đến cho mình cảm xúc chân thực, nhớ sâu và khó thay thế nhất. Mọi thứ màu mùi gia công, nêm nếm chỉ là dan díu nhất thời, đến đâu hay đó, xong đâu để đó, không day dứt bịn rịn, không khắc khoải khát khao.
 
Những cánh đồng dân dã, mộc mạc mà ăm ắp bao dung, hào phóng mãi đi cùng biết bao thế hệ, vậy nên không bao giờ hoang vắng!
Trương Thu Hiền

tin liên quan