Nhớ lắm bếp củi ơi

  • 09:03 | Chủ Nhật, 14/01/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tôi quyết định đốn hạ một số cây lâu năm không còn tác dụng trong vườn. Việc đầu tiên mà tôi phải nghĩ đến, là tìm người nào cần, để cho họ tận dụng toàn bộ gốc cành chở về làm củi, vừa đỡ phí của, mà mình cũng khỏi mất chi phí chở đi bãi rác. Tuy nhiên, vùng tôi ở nay đã thành phố xá. Nhà nào cũng ngất ngưỡng hai, ba tầng bóng lộn. Phòng bếp thì lát đá cao cấp, lại dùng toàn bếp ga, bếp từ sạch sẽ. Quán hàng cũng vậy, bếp củi đã trở thành dĩ vãng. Vậy nên, tìm cho được người cần gốc cành của mình còn khó hơn… lên trời.
 
Vợ tôi sáng kiến, để em điện cho mấy em út, họ hàng dưới làng xem có ai cần không. Nàng a lô mãi, chỉ nhận được những lời cảm ơn lịch sự. Cuối cùng, thông qua “mai mối” cũng tìm ra được một đứa em họ xa của tôi, nhà nuôi lợn có nấu cám là cần củi. Ấy vậy mà khi vợ chồng nó lên chở, nhìn khuôn mặt nó là tôi biết, chỉ thích chở loại cành to thôi, cành nhỏ và lá thì trông bất đắc dĩ lắm.
 
Nhớ hồi còn nhỏ, thỉnh thoảng lại nghe bà tôi chép miệng: “Thời buổi gạo châu củi quế”. Tôi tò mò hỏi. Bà trả lời, ý là gạo đắt như ngọc trai, củi đắt như vỏ cây quế. Bà lại phải dài dòng mãi tôi mới hiểu ngọc trai là gì, quế là gì.
 
Mà đúng là ngày xưa củi đắt như quế thật. Dù lúc bấy giờ, rừng chưa bị tàn phá như ngày nay. Dù xóm thôn còn chằng chịt bụi rậm. Tuy nhiên, để đưa được một gánh củi từ rừng về “hạ bạn” cần phải trải qua biết bao nhiêu công đoạn. Từ người đốn củi đến dân buôn, đi hết đường rừng đến đường thủy, lại phải qua dân buôn ở chợ đã mới đến tận tay người dùng.
 
Củi là nhu cầu hết sức quan trọng với mỗi gia đình, ngang với cơm ăn áo mặc. Củi không chỉ là chất đốt, mà củi còn mang ý nghĩa tâm linh trong cuộc sống. Bởi lửa luôn tượng trưng cho nguồn ánh sáng, nguồn ấm no hạnh phúc. Mà củi là chất giữ lửa, nếu thiếu củi, ánh sáng và nguồn ấm sẽ lụi tàn.
 
Củi còn đi vào đời sống văn hóa hàng ngày. Bà nội tôi thuộc cả một “kho tàng” tục ngữ, thành ngữ, ca dao có liên quan đến củi để nhắc nhở, truyền cho con cháu. Tục ngữ cho phụ nữ có bầu: "Củi tre chụm lửa, có chửa nằm nghiêng”; cho kinh nghiệm cuộc sống: "Củi tre dễ nấu, chồng xấu dễ sai/Ham chi bóng sắc hình hài tấm thân”. Thành ngữ nói về giá trị, đắt đỏ: "Gạo châu, củi quế"; nói về sự không nhận thức được tốt, xấu: "Củi mục cất rương, chổi cùn cắp nách"; nói về sự dại dột, nóng vội, thiếu hiểu biết dẫn đến sự cố gắng trong thời gian dài bị đổ sông, đổ biển: "Kiếm củi ba năm thiêu một giờ"; nói về sự thiếu hiểu biết: “Củi mục khó đun, chổi cùn khó quét”. Về ca dao, dân ca, như: "Tưởng rằng củi mục dễ đun/Ai hay củi mục khói un đầy nhà”; "Củi mục bà để trong rương/Hễ ai hỏi đến, trầm hương của bà; "Tiếc công anh dậm đất trét nhà/Trèo non đốn củi, vợ anh đà về ai?"; "Củi kia chen lẫn với trầm/Em giữ sao cho khỏi, kẻo lầm bớ em...".
Minh họa: Minh Quý
Minh họa: Minh Quý
Trở lại với thời kỳ “gạo châu củi quế”. Lúc bấy giờ ở quê tôi, số gia đình có lượng củi nhiều cất trữ trong nhà rất ít. Họ là những người quen thân với xí nghiệp gỗ, hay là những gia đình có lao động tự đi đốn củi được. Còn đại đa số, vẫn mua củi theo lối “chạy bữa”, nghĩa là mua gánh nào, bó nào dùng hết thì mua lại. Thậm chí, có người không đủ tiền mua một bó củi, phải rủ thêm người để chia, chỉ đủ đun nấu kham khổ trong ngày. Gặp những kỳ mưa gió hay củi tươi, thì ôi thôi, thổi lửa đỏ con mắt, khói đùn lên cả nhà.
 
Bởi vậy, lũ trẻ quê tôi, dù mới học mẫu giáo, vỡ lòng, đi học về đã được cha mẹ phân công đi mót củi. Mấy đứa trong xóm kéo nhau đi khắp bờ bụi trong làng, ngoài đồng, gặp được cành khô dù như chiếc đũa cũng kéo, nhặt bó lại. Bữa nào may mắn được que củi “mập” thì mừng hết lớn. Nhiều bữa mót được ít củi quá, đành phải nhặt mo tre đem về cho mẹ. Ngay cả những năm cuối cùng của thế kỷ trước, khi đã có vợ con, chúng tôi vẫn còn mơ ước mỗi khi mùa đông đến rằng, giờ mà có chum gạo và một xe kéo củi là “ấm no hạnh phúc”.
 
Cuộc sống đổi thay vùn vụt. Những ước mơ đơn giản nhưng đầy khó khăn của ngày xưa đã trở thành dĩ vãng. Mặc dù, đứa em ở với mẹ tôi đã có nhà cao tầng, đun bếp ga, bếp điện, nhưng mẹ tôi vẫn luôn giữ cho mình một bếp lửa, trong một cái chái nhỏ ở góc vườn. Mẹ tôi chỉ còn dùng bếp lửa để đun nước sôi, kho cá bằng nồi đất. Mỗi lần thèm hơi ấm của mẹ, tôi lại phóng xe xuống nhà. Mẹ tôi vẫn ngồi nhặt những thanh củi nhỏ kết vào bếp lửa, dù có khi không nấu món gì. Ánh lửa hắt vào mẹ, trông mẹ hồng hào hơn. Tôi vòng tay ôm ngang bụng mẹ. Tôi muốn giữ hơi ấm của mẹ và hơi ấm bếp củi như thế này suốt mãi cuộc đời.
 
Nhưng rồi “Mẹ già như chuối chín cây…”. Mẹ tôi đã đi xa mãi mãi. Anh em chúng tôi không nỡ tháo cái chái bếp đó đi. Cái bếp lửa của mẹ tôi vẫn còn đó. Nhưng mỗi lần xuống nhà, tôi cứ đứng chạnh lòng rồi nước mắt tự nhiên chảy dài. Tôi trân trân nhìn những nắm tro tàn nguội lạnh.
 
Bất giác, tôi khẽ gọi, nhớ lắm mẹ ơi, bếp củi ơi! Tôi lặng lẽ, nhặt những thanh củi còn sót lại và nhóm lửa.
Đỗ Thành Đồng 

tin liên quan

Vọng niệm

(QBĐT) - Những năm chiến tranh
Đình làng hoang phế
Nay dân dựng lại
Trên nền đất xưa.

Ta bỏ qua cho nhau

(QBĐT) - Cách đây hơn sáu tháng
Anh điện thoại cho tôi
Giọng anh có hơi yếu
Sơn đây, Mai Hoan ơi!

TP. Đồng Hới: Khơi dậy các hoạt động văn hóa, thể thao

(QBĐT) - Bên cạnh các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, TP. Đồng Hới đã tích cực vận động, tạo được sự đồng thuận của nhân dân trong tham gia đóng góp xây dựng nhà văn hóa thôn, tổ dân phố.