Đi để "trở về"

  • 07:34 | Thứ Hai, 15/01/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tiếp nối thành công của những chuỗi dự án trước đây, tái xuất lần này, những người con Quảng Bình, anh em nhà họ Lê (Le Brothers), họa sĩ Lê Ngọc Thanh và Lê Đức Hải, đã thực sự mang một câu chuyện mới, màu sắc mới, trải nghiệm mới trong triển lãm “The Return-Trở về” diễn ra tại Thủ đô Hà Nội vào những ngày đầu năm mới 2024.
 
Theo chia sẻ của họa sĩ Lê Ngọc Thanh và Lê Đức Hải, dự án lần này giới thiệu đến công chúng hàng trăm bức ảnh cùng video được chọn lọc từ trong số hơn 1.500 ảnh, video được Le Brothers trò chuyện với những người Việt Nam tại Đức. Tại triển lãm, hai họa sĩ thử nghiệm hình thức triển lãm sắp đặt đa phương tiện, kết hợp giữa hình ảnh và video. Theo đó, với cách sắp xếp, treo các tấm hình (được in theo nhiều kích thước) trên các tấm lưới giăng trong phòng. Nhờ đó, tạo thành một sự sắp đặt nhiều lớp, vừa tách bạch, lại vừa chồng phủ lên nhau.
Anh em họa sĩ Le Brothers tại buổi khai mạc triển lãm “The Return-Trở về”.
Anh em họa sĩ Le Brothers tại buổi khai mạc triển lãm “The Return-Trở về”.

Cách thức sắp xếp này được ví như những tấm màng ký ức khó xóa mờ và là một bức tranh đa sắc diện, toàn cảnh về người Việt Nam tại nước ngoài. Đây là thành quả làm việc trong suốt 2 tháng (tháng 3 và 4/2023) tại Cộng hòa Liên bang Đức của Le Brothers với sự hỗ trợ của Viện Goethe Hà Nội và Quỹ Văn hóa bang Saxony-Anhalt.

Hai video được sắp đặt và trình chiếu có thời lượng dài với các ngôn ngữ tiếng Việt, tiếng Đức cùng phụ đề đóng vai trò quan trọng trong triển lãm lần này. “Mỗi cuộc trò chuyện, hình ảnh, ghi chép là một ẩn dụ về sự ra đi và trở về trong nhiều uẩn khúc, nỗi niềm, ước vọng mà ký ức lẫn thực tại nhòa làm một”, họa sĩ Lê Ngọc Thanh chia sẻ thêm.

 “Vậy tại sao hai anh lại quyết định chọn nước Đức làm điểm đến cho dự án lần này?”-“Dự án “The Return-Trở về” nằm trong mạch nghệ thuật và là sự tiếp nối với các dự án trước đây, như: “Cây cầu”... . “Cây cầu” bắt nguồn từ Việt Nam với cây cầu Hiền Lương (2008-2010), tiếp đó là ở biên giới Triều Tiên-Hàn Quốc (2012) và cuối cùng là nước Đức (2016). Chia ly và tụ hội trở thành một trong những chủ đề làm việc xuyên suốt của chúng tôi trong hơn một thập kỷ, mà nghệ thuật trở thành một kênh dẫn dụ để kể về lịch sử, hồi ức, quá khứ với nhiều lớp lang và uẩn khúc chưa từng biết đến.

Sau khi khép lại chuỗi dự án, chúng tôi tiếp tục thực hiện các dự án liên quan đến con người trong chiến tranh, sự chia cắt, sự đối lưu giữa tình cảm con người cũng như trách nhiệm sống, tồn tại sau khi chiến tranh kết thúc. Cơ duyên đến với dự án lần này là cuộc gặp gỡ với những người bạn cùng quê Quảng Bình ngay tại nước Đức năm 2002, bởi chúng tôi đã có nhiều cơ hội đến nước Đức trước đây. Từ đó, chúng tôi hình thành ý tưởng tại sao không thực hiện một dự án về chính cuộc sống của người Việt ở nước Đức. Đó sẽ là cái nhìn chân thực của người nghệ sĩ về cuộc sống của đồng bào ở hải ngoại. Và cứ thế, dự án bắt đầu được thai nghén và hình thành”, họa sĩ Lê Ngọc Thanh chia sẻ.

Còn theo họa sĩ Lê Đức Hải, dự án “The Return-Trở về” được triển khai trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp. Dự án tập trung vào 5 thế hệ đang sống và làm việc ở nước Đức, chọn nước Đức là quê hương thứ hai. Từ thế hệ các du học sinh, lựa chọn ở lại Đức sau khi hoàn thành khóa học; thế hệ di dân sau năm 1975; thế hệ những công nhân đến nước Đức để lao động... cho đến thế hệ thứ 5 là những người Việt được sinh ra ở nước Đức khi bố mẹ họ định cư, kết hôn, sinh con ở quốc gia này.
Triển lãm “The Return-Trở về” thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng.
Triển lãm “The Return-Trở về” thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng.

“Chúng tôi đã tiếp xúc và làm việc với 200 nhân vật và quay phim với 100 nhân vật. Sau khi tiếp xúc, phỏng vấn, quay phim với các nhân vật, chúng tôi dựng video art để thể hiện ý tưởng của dự án. Cùng với đó là hệ thống các ảnh chụp về nhân vật, cuộc sống, công việc của người Việt ở nơi đây. Ngoài ra, còn có các bức ảnh chụp phong cảnh, địa danh nơi người Việt sinh sống, nhất là ở các thành phố: Halle, Berlin, Leipzig...”, họa sĩ Lê Ngọc Thanh chia sẻ thêm.

Dự án còn có sự hỗ trợ của Nguyễn Đăng Trường Lâm (quay phim), Đặng Hoàng Anh (kỹ thuật) và hiện đang được trưng bày tại Manzi Exhibition Space (số 2 ngõ Hàng Bún, Ba Đình, Hà Nội). Triển lãm thu hút đông đảo công chúng đến thưởng lãm bởi những sáng tạo không giới hạn của người nghệ sĩ và cả từng thông điệp, ý nghĩa, dung dị của tác giả gửi gắm trong mỗi tác phẩm. Và hơn tất cả, những câu chuyện kể về chính con người bao giờ cũng có những sức sống và sức thu hút mãnh liệt, nhất là những con người xa xứ luôn mong ngóng về quê hương với niềm tin yêu trọn vẹn, chân thành nhất.

Le Brothers được biết đến như một cặp nghệ sĩ song sinh vô cùng đặc biệt. Sinh năm 1975, quê quán thị trấn Quán Hàu, Quảng Ninh, hai họa sĩ tốt nghiệp Trường đại học Nghệ thuật Huế năm 2000, hiện sống và làm việc tại TP. Huế. Le Brothers đã trưng bày và trình diễn tại nhiều địa điểm trong nước và quốc tế. Tác phẩm của hai anh em có mặt ở nhiều bảo tàng và bộ sưu tập tư nhân trong nước lẫn quốc tế. Triển lãm “The Return-Trở về” khai mạc từ ngày 8/1 và kéo dài đến ngày 28/1/2024.
Mai Nhân

tin liên quan