"Nhờ "trời" có bát cơm ni…"

  • 07:06 | Thứ Ba, 07/11/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tôi sinh ra ở một vùng đất, ngoảnh phía nào cũng thấy núi là núi. Bù lại, ngay giữa lòng thung ấy là cánh đồng, có thể nói cũng khá “thẳng cánh cò bay”. Người dân quanh năm cũng “dầu dãi nắng mưa” nhưng vẫn cứ “đầu tắt mặt tối”, cuộc sống chẳng được an nhàn, bởi nỗi lo thiếu ăn.
 
Đúng vậy, thuở ấy mặc dù đã dè xẻn cả năm nhưng áp lực của “cái ăn” khi đến thời kỳ giáp hạt luôn đè nặng lên cuộc sống con người, khiến cho ai nấy cứ “ăn buổi hôm” đã phải tất bật “lo buổi mai”. Cũng phải thôi, sống trên đồng ruộng nhưng mỗi năm chủ yếu chỉ trồng được có mỗi vụ lúa, thường gặt vào cuối tháng chín, đầu tháng mười ta, nên gọi là “vụ mười”. Vẫn biết thế, nhưng chắc gì, trời có để cho bông lúa yên tâm, hút đủ linh khí mà ngậm sữa hay không? Chỉ cần một cơn bão tầm tầm cấp 8, cấp 9, hay một đợt không khí lạnh, có khi chỉ một đợt mưa dài ngày… thế là đi tong cả một mùa cày bừa, mong đợi.
 
Còn vụ chiêm, thường gọi là “vụ năm”, đặc tính của lúa chiêm rất cần nước, nhưng ở quê tôi có được bao nhiêu nước đâu để mà cấy chiêm. Vì thế, nhà khá giả cấy được chừng sào đất, nhà năm bảy thước, thậm chí nhiều nhà không có lấy một tấc lúa chiêm nào. Đó là nói về thời kỳ chưa có hợp tác xã, sau này, nhà nào có bao nhiêu ruộng, bao nhiêu trâu bò, đều góp vào làm tài sản của hợp tác, khi đó ruộng chiêm, ruộng mùa đều của chung tất. Nhưng dù chung, dù riêng, cây lúa vẫn là đối tượng hứng lấy mọi sự rủi ro, thất bát do “ông trời” đưa đến, còn con người là chủ thể “chịu trận”. Mặc dù nhà nhà đã “ăn độn” quanh năm nhưng nỗi lo thiếu ăn luôn thường trực, ngay cả trong giấc ngủ của người nông dân.
 
Không riêng ở quê tôi, sau này tôi được biết, hầu hết các làng quê thuần nông đều có một lễ tục, có lẽ nó để lại dấu ấn đậm nét nhất trong ký ức mỗi người. Đó là tục mừng cơm mới! Đã bảy chục mùa lúa đi qua, tôi vẫn nhớ như in từng chi tiết nhỏ của lễ tục này.
 
Thuở trước, cứ sau rằm tháng chín, chừng ấy đã có những thửa ruộng bắt đầu hươm hươm. Thường thì nhà đã “ăn đong” từ tháng trước, mẹ tôi góp gom từng đồng, từ than củi, rau ria, bầu bí… lo từng bữa ăn cho cả nhà, trông đã phờ phạc. Chiều ấy, ánh mắt mẹ rạng ngời, như đang chuẩn bị làm một việc gì hệ trọng lắm. Bà tìm chiếc sọt mà tôi thường dùng để cắt cỏ cho bò, nói là đi thăm đồng, thực ra, vừa ngắm nghía những ruộng lúa mành, lúa ré… mẹ vừa lội xuống chọn bứt lấy những bông vừa chín tới. Lát sau, bà ghé qua ruộng nếp.
 
Đã nói con nhà nông, kiểu gì cũng có mấy thước lúa nếp, khi giỗ chạp, đơm cúng, Tết nhất… đỡ phải ném tiền ra đi đong, mà tiền là của hiếm, đâu có dễ dàng gì. Cố “lảy” lấy vài ba “tay” nữa, những mong trong ngày cơm mới, có cho con cái chút cơm nếp lăn cốm đầu mùa. Về nhà, mẹ lấy hai thanh tre, chuốt từng bông lúa, rồi bắc nồi rang, lửa nhỏ, đảo qua. Chừng hạt lúa đủ khô, mẹ cho vào chiếc cối giã gạo bằng gỗ mít, nghe nói là của hồi môn ông bà tôi cho bố mẹ. Với những động tác thuần thạo, lát sau, mấy bò gạo mới thơm lựng đã được mẹ cho vào nồi, thổi buổi cơm chiều…
 
Quay sang với mớ lúa nếp, mẹ đun già lửa hơn. Tay mẹ cầm đôi đũa cả, một dụng cụ không thể thiếu của người làm bếp, đảo đều, thỉnh thoảng tôi nghe những tiếng “bóc bóc” phát ra từ chiếc nồi rang, đó là tiếng những hạt lúa dậy, nổ bung như hạt bỏng. Sau khi làm thành gạo, mẹ cho vài bò vào nấu cơm nếp, để một bò rang cốm. Ôi, thật khó mà quên được, mỗi lần mẹ lật chiếc vung để xới cơm, mùi thơm nếp mới từ bếp tỏa ra nao nức. Chưa hết, tới lúc mẹ rang cốm, từng hạt, từng hạt dậy đều như những chú nhộng non, cùng với mùi thơm ngậy, chỉ ngửi thấy đã đủ làm tôi ngất ngây.
 
Chiều hôm ấy, từ đồng về, cha tôi rửa mặt mũi tay chân, sửa sang lại xống áo. Mẹ xới lên vài ba bát cơm mới và dĩa muối vừng, một hai dĩa xôi cùng chén nước mắm… Cha châm đèn, thắp nhang và lầm rầm khấn khứa. Tôi hiểu, cha đang báo cáo với ông bà tổ tiên và cảm ơn trời đất, đã “cho” mưa thuận gió hòa, để có một vụ mùa lúa khoai tươi tốt, cho con người bớt nỗi nhọc nhằn… Tầm như nghi lễ đã ổn, cả gia đình quây quần trong bữa mừng cơm mới. Mẹ tôi đặt chiếc mâm gỗ, dạt cốm ra rồi cho cơm nếp lên đó lăn qua lăn lại một lúc, những hạt cốm căng mẩy lập tức ôm lấy vắt xôi đều tăm tắp, như đàn ong non đang ôm lấy chiếc tổ đầy mật ngọt.
 
Tuy chẳng có gì to tát, mâm bàn này nọ nhưng bữa cơm mới của gia đình thật ấm áp, bỏ những ngày “ăn độn” khoai, ngô… Sau khi cha mẹ bàn bạc thời gian gặt mùa, cha tôi bưng chén cơm cao hứng xướng lên hai câu lục bát: “Nhờ trời có bát cơm ni/Cày lên bừa xuống lắm khi nhọc nhằn”. Lúc này tôi chỉ là cậu bé lên mười, học lớp ba nhưng tôi đã cảm nhận niềm vui của cha mình qua hai câu thơ ông vừa ứng tác. Tôi vui vì một nông dân như cha, quanh năm “tay bùn chân lấm” nhưng vẫn rành rẽ một thể thơ lục bát truyền thống. Song, cũng từ câu thơ ấy, lòng tôi gợn một chút buồn mơ hồ bởi cụm từ “nhờ trời” của cha.
 
Chính cha mẹ và bao cô bác, là những người cấy trồng, dãi nắng dầm sương nhưng cha phải dùng tới “nhờ trời”: “Nhờ trời có bát cơm ni…”. Kiểu như: “Trông trời, trông đất, trông mây/Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm…”. Ngày nay, không chỉ ở quê tôi mà nơi nơi đều có sự thay đổi, nghề trồng lúa giờ đây không phải phụ thuộc vào “trời” như trước nữa. Nước tưới luôn có sẵn trên kênh mương, sau khi đất đổ ải, người ta dùng máy cày, máy phay và gieo thẳng. Các công đoạn làm cỏ, tỉa dặm, chăm sóc cho đến gặt đập, phơi phong… tiện lợi vô cùng.
 
Mới vừa thấy lúa vụ trước chín vàng đồng, ít lâu đã thấy lúa vụ sau gợn sóng xanh rờn trên ruộng. Bởi thế, với cây lúa hiện nay, làm hai vụ/năm là chuyện bình thường, năng suất lại cao. Trước đây, chỉ có “chị hai 5 tấn”, nay thì nhiều "chị" khác đã xuất hiện trên cánh đồng cả nước. Do giống lúa ngắn ngày, người nông dân điều chỉnh được thời gian lúa trổ đòng, ngậm sữa, thu hoạch… nên tránh được thời tiết cực đoan. Có nơi còn làm “lúa tái sinh”, không phải gieo cấy gì mà cơm ngon đáo để.
 
Trong đời sống ngày càng sung túc, tục mừng cơm mới, không những không bị mai một, mà ngày càng trở thành nét văn hóa truyền thống mang đậm tính nhân văn, mãi mãi được người Việt ta, miền xuôi cũng như miền ngược, coi trọng và gìn giữ từ đời này sang đời khác. Đây còn là dịp để ông bà, cha mẹ nhắc nhở con cháu, không quên những ngày gian khó, biết quý trọng sức lao động, quý trọng hạt lúa, củ khoai và đạo lý ăn trái nhớ ơn người trồng.
                                                                                               Nguyễn Tiến Nên

tin liên quan

Nghệ sỹ Lê Đức Thành đoạt giải nhất cuộc thi ảnh "Vẻ đẹp Việt Nam" tháng 10

(QBĐT) - Cuộc thi ảnh "Vẻ đẹp Việt Nam" tháng 10/2023 với chủ đề "Chân dung cuộc sống" đã tìm ra ngôi vị quán quân là nghệ sỹ nhiếp ảnh Lê Đức Thành, Chi hội trưởng Chi hội NSNA Việt Nam tỉnh Quảng Bình.

Phát hành 3 ấn phẩm về Đồng Hới

(QBĐT) - Hướng tới chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Đồng Hới và 20 năm thành phố trực thuộc tỉnh, TP. Đồng Hới phát hành 3 ấn phẩm về Đồng Hới năm 2023.

Bảo tàng Tổng hợp tỉnh: Tiếp nhận, trưng bày gần 400 tư liệu, hiện vật

(QBĐT) - Sáng 30/10, Bảo tàng Tổng hợp tỉnh tổ chức tiếp nhận, trưng bày hiện vật do nhà sưu tập Nguyễn Ngọc Ẩn cùng các nhà sưu tập tư nhân hiến tặng.