Người bạn của tôi

  • 08:38 | Chủ Nhật, 12/11/2023
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Lệ Thủy là một vùng đất có bề dày lịch sử và văn hóa lâu đời. Dù người dân Lệ Thủy phải đối mặt với cuộc sống lam lũ đầy vất vả, sống trong môi trường thiên nhiên khắc nghiệt, nhưng họ luôn thể hiện tinh thần mến khách, phóng khoáng và chan chứa nghĩa tình. Ngô Mậu Tình, là một người con sinh ra, lớn lên và lập nghiệp tại Lệ Thủy, đã mang những dấu ấn, nét đẹp của quê hương vào trong lối sống và văn chương của mình.
 
Trong 6 anh chị em, Ngô Mậu Tình là người duy nhất nối nghiệp bố, trở thành một giáo viên dạy học ở miền núi Lâm Thủy. Nhiều người băn khoăn hỏi sao anh không về xuôi để gần nhà, đỡ khó khăn khi đi lại, anh cười hiền khô, ở Lâm Thủy, được hòa quyện với thiên nhiên hoang dã, sống với bà con Bru-Vân Kiều chất phác, ấy là tặng phẩm vô giá mà cuộc đời đã ưu ái dành cho anh.
 
Từ thời còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã biết anh. Anh là người có tính cách trầm lặng, hiền lành. Sau hơn 20 năm gặp lại, tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy anh đã thay đổi rất nhiều. Anh hoạt bát, thân thiện và hòa đồng hơn trước...
 
Anh luôn tự nhủ, để cuộc sống là một vườn hoa lộng lẫy sắc hương, bản thân phải mạnh mẽ, bản lĩnh, không ngừng vun đắp, chăm bón. Anh xem những ngày tháng khó khăn và nỗ lực mưu sinh của cả gia đình là điểm tựa, là nguồn động viên quan trọng, giúp anh vượt qua tất thảy trở ngại, tự tin bước chân vào giảng đường đại học. Trải qua thời kỳ đó, anh thấu hiểu và đồng cảm sâu sắc hơn với những người đang phải đối diện với cuộc sống cực khổ, hoàn cảnh ngang trái.
 
Anh luôn cố gắng gom góp những gì có thể, dẫu chỉ là một phần nhỏ, để chia sẻ với những người xung quanh, mang đến cho họ niềm tin, hy vọng... Sự nhiệt huyết và tấm lòng chân thành, thơm thảo của anh đã được lan tỏa rộng rãi. Dần dần, anh có thêm sự đồng hành của nhiều người thân, bạn bè và đồng nghiệp, cùng nhau hỗ trợ cả tinh thần lẫn vật chất cho những người dân có hoàn cảnh khó khăn tại Lệ Thủy.
Ngô Mậu Tình với học trò Lâm Thủy.
Ngô Mậu Tình với học trò Lâm Thủy.
Từ năm 2013 đến nay, anh tham gia Hội Chữ thập đỏ huyện Lệ Thủy, đồng thời là thành viên tình nguyện thường xuyên hiến máu tại các bệnh viện và tham gia chương trình hiến tặng mô tạng tại Việt Nam. Anh và bạn bè đã chung tay kêu gọi cộng đồng hỗ trợ, chăm sóc cho hàng trăm mảnh đời bất hạnh tại Lệ Thủy...
 
Đối với mỗi người, thành công có thể được hiểu nhiều cách khác nhau. Đối với Ngô Mậu Tình, thành công đơn giản là có cuộc sống giá trị. Là một phó hiệu trưởng, anh bất chấp mưa nắng, đường sá cheo leo, vào với các bản làng, đến từng nhà, động viên các em đến trường. Nghe ở đâu có nguồn tài trợ là anh và bạn bè liên hệ để bà con Bru-Vân Kiều có thêm cái ăn cái mặc. Ngay cả khi lũ lụt, nước vào ngập nhà, anh động viên vợ con dọn dẹp, còn bản thân lại lên đường, tìm mọi cách đến những nơi bị cô lập để giúp đỡ. Anh tâm niệm, cuộc sống là một vòng tròn, sống vì người khác để tạo phúc cho chính mình, đó mới là cách sống đích thực, sống có giá trị. Chia sẻ, giúp đỡ người khác, anh thu về bài học thấu hiểu và yêu thương. Thấy họ hạnh phúc anh thấy mình sống có ích, nhân ái và vị tha hơn.
 
Anh có nhiều bằng khen, giấy khen như: bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh,… và vinh dự là thành viên dự Đại hội thi đua yêu nước năm 2015. Khi được hỏi về kỷ niệm đáng nhớ nhất, anh chân thành, những khoảnh khắc được tặng kỷ niệm chương của Hội Người mù Việt Nam, kỷ niệm chương vì sự nghiệp bảo vệ biên giới của Bộ đội Biên phòng Việt Nam, kỷ niệm chương của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam và ba lần được tặng bằng khen của Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là những khoảnh khắc anh không bao giờ quên.
 
Những kỷ niệm chương này đã ghi nhận những nỗ lực của anh trong việc hỗ trợ và giúp đỡ cộng đồng. Đây là lúc anh cảm thấy những đóng góp của mình thực sự có ý nghĩa và giá trị. Nhưng trong tâm khảm anh vẫn luôn đau đáu mong ước có nhiều người chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn để cuộc sống của họ bớt đi chút nhọc nhằn.
 
Ngô Mậu Tình vừa dạy học, vừa viết báo. Cái chất văn của một thầy giáo trường làng trong anh dần dần được bộc lộ. Điều đáng quý là, dù vừa dạy học, vừa tham gia thiện nguyện, vừa viết báo, vừa viết văn, nhưng nguồn năng lượng trong anh không hề cạn kiệt. Trái lại, những hoạt động này như bổ sung cho nhau, cùng nhau tỏa sáng.
 
Dù viết báo trước khi viết văn, nhưng đọc bài của anh, chất văn vẫn thấm đẫm, đong đầy. Những con chữ được anh viết bằng cả trái tim và tâm hồn. Ở đó luôn lấp lánh ánh sáng của tình yêu thương, lòng nhân ái. Tôi ấn tượng nhất là những bài thơ anh viết về bà, về mẹ, về cha từ tâm hồn một người con, một người cháu với lòng kính trọng và tình yêu sâu sắc. Bài thơ “Mẹ” là một trong số đó: “bước chân tắm nỗi nhọc nhằn/hàng cây ngang tuổi/dặm đường lô nhô đôi chân trần củi lửa/mẹ gom nhặt nắng chiều/gửi cho con/con lên rừng mới hay thiếu bàn tay mẹ/vạt áo mùa màng rách tươm/cơn mưa không đủ sợi chỉ/trời hanh khô đong nỗi hao gầy”. Ngôn từ, hình ảnh sống động, cảm xúc chân thành đã chạm đến nỗi lòng, tâm tư của người đọc.
 
Bao lần đi qua những cung đường đất đỏ lầy lội, ngắm nhìn những cánh rừng bạt ngàn sắc xanh, nghe tiếng những con suối cuộn chảy,... và được gặp gỡ, tiếp xúc với những con người chất phác, mộc mạc, giản dị, được hòa mình vào những câu chuyện đời thường thấm đẫm tình người ở Lâm Thủy, anh đã tìm thấy ở đó một nguồn cảm hứng dồi dào, bất tận. Tất cả đã đi vào trang văn của anh một cách tự nhiên, thao thiết, vừa lãng mạn, trữ tình vừa khơi gợi suy ngẫm, chiêm nghiệm: “Núi rừng gầm thét bản hợp ca giữa trời và đất. Đi giữa mưa rừng, qua các dốc đèo và suối khe sâu thẳm mới thấy hết được sự hoang hoãi, mạnh mẽ của cây cỏ và con người nơi đây. Mưa như nốt nhạc cất lên giữa bản đồng ca cuộc đời. Màu đục ngầu của con nước như ánh mắt cha giận dữ và như đôi mắt mẹ thẳm sâu…” (Mưa Lâm Thủy).
 
Nhiều khi trộm nghĩ, anh như một nhà “chung cư”, thể loại gì cũng viết được. Thực tế, sự viết, muốn đạt đến tính chuyên nghiệp, đòi hỏi đầu tư về công sức, trí tuệ và thời gian, như ông cha ta đúc kết “một nghề cho chín còn hơn chín nghề”. Tuy nhiên, nhìn lại những gì anh viết, không thể phủ nhận sự lớn lên từng ngày của câu chữ. Tâm hồn anh đã làm cho những trang văn đẹp hơn, sáng hơn. Tin một ngày không xa, mọi nỗ lực đơm hoa kết trái, anh sẽ thành công trên con đường văn chương.
Hoàng Thụy Anh

tin liên quan