Bố Trạch: Triển vọng từ mô hình nuôi cá "sông trong ao"

  • 07:22 | Thứ Tư, 17/01/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Bố Trạch đã mạnh dạn đầu tư, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển chăn nuôi, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Trong đó, mô hình nuôi cá “sông trong ao” của trang trại bà Trần Thị Tình (thôn Đồng Sơn, xã Sơn Lộc) lần đầu tiên được áp dụng trên địa bàn huyện, với nhiều ưu điểm so với phương pháp truyền thống đã mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho bà con nông dân.
 
Bà Trần Thị Tình cho biết, trang trại của gia đình bà ngoài nuôi gà, ngan… còn có khoảng 1,7ha diện tích mặt nước nuôi cá diêu hồng, rô phi… Trước đây, năng suất, hiệu quả không cao vì cá chậm lớn, hay bị dịch bệnh. Sau đó, các thành viên của gia đình bà đã cùng với đoàn công tác xã Sơn Lộc đi học tập kinh nghiệm nuôi cá theo công nghệ mới “sông trong ao” tại tỉnh Hải Dương. Nhận thấy mô hình này có nhiều ưu điểm vượt trội so với cách nuôi truyền thống, gia đình bà Tình đã quyết định áp dụng công nghệ mới vào mô hình sản xuất của trang trại mình.
Nuôi cá theo mô hình “sông trong ao” giúp cá nhanh lớn, ít bị dịch bệnh.
Nuôi cá theo mô hình “sông trong ao” giúp cá nhanh lớn, ít bị dịch bệnh.
Sau khi nắm vững công nghệ, quy trình kỹ thuật, tháng 7/2023, gia đình bà đã mạnh dạn đầu tư hơn 500 triệu đồng để xây dựng hệ thống hồ nuôi, lắp đặt các máy tạo sóng, máy sục khí, máy quạt nước, máy hút chất thải đáy để nuôi các loại cá, như: Trắm cỏ, chép, lăng, rô phi, diêu hồng…
 
Bà Trần Thị Tình chia sẻ: “Nhờ được học hỏi kinh nghiệm từ tỉnh bạn, chúng tôi đã biết đến mô hình công nghệ mới để áp dụng vào việc sản xuất của trang trại. Hiện nay, trên diện tích khoảng 1,7ha mặt nước, gia đình tôi đang thả nuôi hơn 52.000 con cá các loại. Mô hình nuôi cá “sông trong ao” góp phần tạo dòng chảy trong ao, cung cấp đủ oxy, giúp cá nhanh lớn, có sức đề kháng cao, ít bị dịch bệnh”.
 
Với hệ thống máy móc hiện đại, áp dụng nguyên lý khoa học tạo ra dòng chảy liên tục, tuần hoàn trong ao nuôi, mô hình nuôi cá "sông trong ao" giúp cá được bơi ngược dòng như ở sông nên cá luôn trong trạng thái vận động, sức đề kháng cao và thịt cá săn chắc hơn. Toàn bộ chất thải của cá được thu gom, đọng lại ở bể tĩnh, định kỳ sẽ được xử lý để làm phân bón cho cây trồng.
Mô hình nuôi cá “sông trong ao” giúp môi trường nước trong ao nuôi luôn bảo đảm vệ sinh, tạo ra nguồn cá sạch.
Mô hình nuôi cá “sông trong ao” giúp môi trường nước trong ao nuôi luôn bảo đảm vệ sinh, tạo ra nguồn cá sạch.
Nhờ vậy, môi trường nước trong ao nuôi luôn bảo đảm vệ sinh, tạo ra nguồn cá thương phẩm sạch đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Ngoài ra, mật độ cá trong ao cũng tăng nhiều lần so với cách nuôi truyền thống, người nuôi quản lý tốt hơn sản lượng cá, không mất nhiều công sức để chăm sóc. Hệ thống công nghệ “sông trong ao” sau khi lắp đặt có thể sử dụng trong vòng 20 năm và mỗi năm có thể thâm canh hai vụ cá.
 
Nhờ áp dụng mô hình nuôi theo công nghệ mới này, đàn cá tại trang trại gia đình bà Trần Thị Tình phát triển khỏe mạnh, dự kiến giữa tháng 1/2024 này sẽ cho thu hoạch cá diêu hồng và cá rô phi với sản lượng khoảng 20-25 tấn cá thương phẩm. Với giá bán bình quân khoảng 50 nghìn đồng/kg, dự kiến mang lại doanh thu hơn 1 tỷ đồng. Sau khi trừ các chi phí, mô hình có thể thu lãi khoảng 400 triệu đồng, gấp 4 lần so với cách nuôi truyền thống.
 
Nuôi cá “sông trong ao” có ưu điểm giúp người dân nuôi cá với mật độ lớn, chủ động về thời tiết, phòng, chống dịch bệnh tốt hơn so với các mô hình truyền thống; tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư ban đầu lớn, đòi hỏi phải có nguồn điện chủ động. Hiện tại, trên địa bàn xã Sơn Lộc mới chỉ có một vài hộ đầu tư ứng dụng mô hình này. Thời gian tới, tùy tình hình thực tế khả năng của các hộ chăn nuôi và nhu cầu của thị trường, xã sẽ tập trung chỉ đạo, định hướng cho người dân đầu tư sản xuất, ứng dụng mô hình công nghệ mới một cách phù hợp.

Mặc dù mới là vụ cá đầu tiên áp dụng theo công nghệ nuôi “sông trong ao” nhưng với nhiều ưu điểm vượt trội so với phương thức nuôi cá truyền thống, mô hình này đang mở ra hướng đi triển vọng cho phát triển nuôi trồng thủy sản của huyện Bố Trạch. Đồng thời, cũng cho thấy tư duy nhạy bén, sự mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm của người nông dân trong thời kỳ mới. Qua đó, tạo động lực, góp phần thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cho những nông dân yêu thích, đam mê và mong muốn làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Chủ tịch UBND xã Sơn Lộc Phan Văn Tiến cho biết, nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ xã Sơn Lộc xác định nông nghiệp là một trong ba mũi nhọn phát triển kinh tế của địa phương. Trước đây, các hộ nuôi cá của xã chủ yếu nuôi theo phương thức truyền thống nên đến giai đoạn phát triển cá hay bị dịch bệnh và chết nhiều, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cá. Vừa qua, lãnh đạo xã đã tạo điều kiện cho một số hộ chăn nuôi tại địa phương cùng đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại các mô hình đầu tư thâm canh ở một số tỉnh phía Bắc để nuôi cá với công nghệ cao hơn. Sau một năm đưa công nghệ mới về triển khai tại địa phương, hiện, các mô hình bước đầu đã mang lại hiệu quả, đặc biệt là mô hình nuôi cá “sông trong ao”.
Cát Nhiên

tin liên quan

Để nông thôn thêm mới…

(QBĐT) - Những miền quê giàu đẹp, đáng sống, văn minh, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao, đó là những thành tựu, luồng gió mới từ chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao ở huyện Lệ Thủy.

Quảng Ninh: Triển khai các nghị quyết của HĐND huyện năm 2024

(QBĐT) - Chiều 16/1, huyện Quảng Ninh tổ chức hội nghị triển khai các nghị quyết của HĐND huyện về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024.

Mức tăng trưởng huy động vốn cao nhất trong nhiều năm gần đây

(QBĐT) - Đó là đánh giá tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng Quảng Bình năm 2024, do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam-Chi nhánh Quảng Bình tổ chức chiều 16/1.