Tết ấm về nơi dãy Giăng Màn!

  • 07:17 | Thứ Ba, 16/01/2024
  • icon gmail
  • icon facebook
  • icon youtube
(QBĐT) - Tết Nguyên đán năm 2024 đang cận kề, thời tiết phía núi Giăng Màn đang ấm dần lên. Điều dễ thấy nhất về sự đổi thay, khởi sắc khi đặt chân đến nơi này, đó là lượt người, phương tiện lưu thông trên Quốc lộ 12A, đường Hồ Chí Minh nhánh Đông đã nhộn nhịp, đông đúc trở lại sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; hệ thống cơ sở vật chất, hạ tầng được đầu tư xây mới, nâng cấp; người dân tích cực lao động sản xuất nhờ được các cấp chính quyền tăng cường hỗ trợ sinh kế.
 
Đến với 4 xã vùng biên Thượng Hóa, Hóa Sơn, Trọng Hóa và Dân Hóa (Minh Hóa), nơi có dãy Giăng Màn, chúng tôi được chứng kiến sự đổi thay, khởi sắc và không khí chuẩn bị đón Tết cổ truyền của đồng bào nơi đây. Khu vực này hiện có khá đông đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) đang sinh sống, gồm các tộc người: Rục, Sách, Mày, Khùa…
 
Từ bếp lửa hồng bưng ra một Cu Tôốc (mâm cơm bằng mây tre đan) với cơm, canh măng rừng nấu cùng cá khe, thịt gà kho, thịt lợn bản…, già làng Hồ Khót (bản Tà Rà, xã Dân Hóa) nhẹ nhàng đặt xuống giữa ngôi nhà sàn khang trang của gia đình, nhiệt tình mời: "Đồng bào người Mày ở đây rất mến khách, biết các chú ở dưới xuôi đi đường xa ngái đến đây, tôi nói vợ và các con đi mua thêm ít thịt lợn bản về. Các thứ còn lại trên mâm cơm trong gia đình đều tự làm ra cả. Gà nuôi ở trong vườn, lúa trồng trên rẫy, cá bắt dưới khe, còn rau, măng hái từ rừng về".
Nhờ được hỗ trợ về sinh kế, gia đình Hồ Đi, bản Khe Cấy, xã Trọng Hóa đã vươn lên thoát nghèo.
Nhờ được hỗ trợ về sinh kế, gia đình Hồ Đi, bản Khe Cấy, xã Trọng Hóa đã vươn lên thoát nghèo.
Già làng Hồ Khót tâm sự thêm: "Cách đây chừng 20 năm, tình trạng đói ăn đứt bữa của ĐBDTTS vẫn còn nhiều. Hồi đó, do chưa có đường giao thông, bà con muốn thăm nom nhau, có khi phải đi bộ đường rừng mất cả 1 tuần. Nhà ở của đồng bào đa số đều tạm bợ, dột nát, trẻ em ít được học hành… Giờ đây, tình trạng ấy gần như chấm dứt. Các chú xem, từ công trình điện, đường, trường học, trạm y tế…, thậm chí xe máy, ô tô, điện thoại thông minh, quanh khu vực bản Tà Rà chưa đến 5km đều có cả. Nói chung, đời sống kinh tế-xã hội của ĐBDTTS quanh đây đã đổi thay, khởi sắc đáng kể. Để có được kết quả này, người Mày nói riêng và ĐBDTTS khu vực này rất biết ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng các cấp chính quyền, các chương trình, dự án…".
 
Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa Hồ Phin phấn khởi cho biết, xã hiện có 1.088 hộ, với 4.862 nhân khẩu (trong đó 96% là đồng bào Khùa, Mày), sống phân bố tại 17 bản làng. Từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 và chương trình xây dựng nông thôn mới, chỉ tính riêng trong năm 2022, địa phương đã được đầu tư 5 công trình thiết yếu với tổng mức đầu tư khoảng 9 tỷ đồng, gồm: Xây dựng nhà văn hóa trung tâm xã; kè chống sạt lở bản Dộ-Tà Vờng; xây dựng công trình thủy lợi để phục vụ làm lúa nước tại bản Lòm-Ka Chăm; cải tạo phòng học, khuôn viên Trường phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học và THCS số 2 Trọng Hóa (điểm Dộ-Tà Vờng); hỗ trợ làm nhà ở cho 27 hộ có hoàn cảnh khó khăn.
 
Năm 2023, xã tiếp tục được đầu tư thêm các công trình: Bố trí sắp xếp, ổn định dân cư tại hai bản Hưng và Pa Choong nhằm ứng phó hiệu quả với thiên tai; cải tạo, nâng cấp đường giao thông tại bản Ka Oóc; xây dựng các nhà công vụ cho bậc mầm non, tiểu học và THCS tại điểm trường vùng Lòm; công trình tạo ruộng lúa nước bản Lòm-Ka Chăm; sửa chữa công trình thủy lợi bản Dộ-Tà Vờng; hỗ trợ làm nhà ở cho 79 hộ có hoàn cảnh khó khăn với tổng mức đầu tư hơn 32 tỷ đồng. Tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm xuống còn 67,4%, hộ cận nghèo giảm còn 27,36%...
 
Trong năm 2022 và 2023, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBDTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 đã đầu tư trên địa bàn huyện Minh Hóa 10 hạng mục dự án phát triển kinh tế-xã hội, y tế, giáo dục, quốc phòng-an ninh, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa vùng ĐBDTTS... với tổng kinh phí đã phân bổ gần 230 tỷ đồng (trong đó vốn đầu tư phát triển khoảng 115 tỷ đồng; vốn sự nghiệp hơn 112 tỷ đồng). Tính đến cuối năm 2023, ước tính nguồn vốn phân bổ giải ngân được khoảng 176 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 77,6%.

Chủ tịch UBND xã Hóa Sơn Đinh Hồng Tuyên chia sẻ: "Là địa bàn vùng biên, xã có tổng diện tích khoảng 17.400ha, với 441 hộ, 1.980 nhân khẩu (trong đó 76% là ĐBDTTS), sinh sống tại 3 thôn và 2 bản. Nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước và các chương trình, dự án, tính đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm xuống còn 14,9%, hộ cận nghèo giảm còn 44,47%; tỷ lệ lao động được đào tạo chiếm 40,2%; tổng diện tích gieo trồng hơn 4.500ha; tổng sản lượng lương thực đạt gần 12 nghìn tấn. Lĩnh vực chăn nuôi, toàn xã hiện có tổng đàn trâu 5.600 con, bò 14.135 con, lợn 13.150 con, dê 1.240 con và khoảng gần 140 nghìn con gia cầm. Diện tích rừng trồng kinh tế toàn xã thực hiện được 1.428ha; tỷ lệ che phủ rừng 78,6%...

Không chỉ chú trọng làm ăn kinh tế ở địa phương, những năm gần đây, người dân còn tham gia xuất khẩu lao động tại các thị trường: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan… với trên 40 trường hợp, nhờ vậy mà nguồn ngoại hối hàng tháng gửi về cho địa phương khá nhiều". "Chính nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước và các chương trình, dự án…, ĐBDTTS huyện Minh Hóa nói chung, đặc biệt tại 4 xã vùng biên khu vực núi Giăng Màn đang ngày càng có sự đổi thay, khởi sắc mạnh mẽ trên tất cả các mặt đời sống kinh tế-xã hội", Trưởng phòng Dân tộc huyện Minh Hóa Cao Ngọc Điền cho biết thêm.
 
Thêm một mùa xuân mới lại về nơi phía dãy Giăng Màn, các cấp chính quyền đang tập trung chăm lo để ĐBDTTS nơi đây đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn thật ấm no, đủ đầy, bình yên, hạnh phúc.
Văn Minh

tin liên quan

Phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị

(QBĐT) - Hướng tới xây dựng nền nông nghiệp (NN) thông minh, phát triển bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh cơ cấu lại NN theo hướng thích ứng linh hoạt, an toàn; xây dựng nông thôn mới, cải thiện nâng cao đời sống của nông dân, góp phần giảm nghèo, bảo vệ môi trường..., đây là mục tiêu mà ngành NN Quảng Bình đặt ra trong năm 2024.

Khấm khá nhờ được dạy nghề nâng cao và hỗ trợ khởi nghiệp

(QBĐT)  - Sau khi được Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và hỗ trợ Nông dân-Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh đào tạo nghề nâng cao, tập huấn khởi nghiệp và xây dựng mô hình sau đào tạo nghề, nhiều nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã phát triển sản xuất, kinh doanh, vươn lên có cuộc sống khấm khá.

Rộn ràng mùa ổi Tết

(QBĐT) - Tận dụng ưu thế đất đai và khí hậu thuận lợi, nhiều địa phương trên địa bàn huyện Bố Trạch phát triển kinh tế từ cây ổi lê (giống Đài Loan). Từ cuối tháng 9 âm lịch, người dân đã tất bật chăm sóc vườn ổi của gia đình để phục vụ dịp Tết Nguyên đán.